Điểm nóng tồn tại bất chấp kết luận thanh tra
Tỉnh Vĩnh Phúc có 4 tuyến đê sông chính gồm tả sông Hồng, tả sông Lô, tả sông Phó Đáy, hữu sông Phó Đáy và 2 tuyến đê bối Vĩnh Tường - Yên Lạc, bối Đôn Nhân với tổng chiều dài hơn 156,7km. Có 421 hồ chứa nước, đập thủy lợi, trong đó có 11 hồ chứa nước lớn, 18 hồ chứa nước vừa và 392 hồ chứa nước nhỏ và đập thủy lợi…
Liên quan đến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi, vào cuối năm 2022, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết luận công tác quản lý nhà nước về hành lang đê điều, hồ, đập và vùng phụ cận trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015 - 2021 đối với Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc và các huyện, thành phố.
Qua công tác thanh tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm, tồn tại, hạn chế về công tác quản lý nhà nước ở Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc và các huyện, thành phố ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, thống kê ở cấp huyện đã để tồn tại 242 vụ việc vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Trong đó huyện Sông Lô có 96 vụ việc, huyện Lập Thạch 29 vụ, huyện Tam Dương 15 vụ, huyện Vĩnh Tường 57 vụ, thành phố Phúc Yên 27 vụ… Cùng với đó là 40 vụ việc vi phạm phạm vi bảo vệ hồ đập và vùng phụ cận (huyện Sông Lô 3 vụ, huyện Lập Thạch 6 vụ, huyện Tam Đảo 3 vụ, huyện Bình Xuyên 5 vụ, thành phố Phúc Yên 23 vụ…).
Thực hiện kết luận thanh tra, ngành NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức rà soát, xử lý vi phạm về lĩnh vực đê điều, tuy nhiên như lời của những người trong cuộc, đây là vấn đề nan giải và nhiều bất cập.
Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2024, cơ quan chuyên môn lĩnh vực thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm pháp luật về đê điều đã xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, không ít người cho rằng đây chỉ là “hạt cát” so với vô số vụ việc vi phạm, kéo dài trong nhiều năm ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Đường Xuân Thể, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Sau kết luận thanh tra, các đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục, xử lý vi phạm theo kết luận, tuy nhiên có một số khó khăn và tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn tiếp diễn.
Cuối tháng 8/2024, chúng tôi có mặt tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, một trong những điểm nóng về tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều. Những tưởng sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra tình trạng vi phạm sẽ phần nào được cải thiện, tuy nhiên tại khu vực bờ bãi sông Hồng, hàng loạt bến bãi vẫn tấp nập hoạt động với những điểm tập kết cát sỏi chất cao như núi. Dưới sông tàu thuyền tấp nập vận chuyển cát sỏi, trên bờ xe tải nối đuôi nhau cày nát con đường từ trung tâm xã đi ra khu vực bãi sông.
Được biết, sau khi có kết luận thanh tra, UBND huyện Yên Lạc đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các xã Yên Phương, Đại Tự, Liên Châu, Hồng Châu, Trung Hà, Nguyệt Đức, Trung Kiên là những địa phương có tồn tại, vi phạm đã bị nêu tên trong kết luận.
Văn bản của UBND huyện Yên Lạc nêu rõ: Chủ tịch UBND các xã có các tồn tại, vi phạm khẩn trương tổ chức xử lý, giải toả dứt điểm các tồn tại, vi phạm xong trước ngày 20/4/2023. Tổ chức rà soát, thu hồi, thanh lý các hợp đồng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng không đúng mục đích trong phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ sông Hồng…
Tuy nhiên, quá thời hạn của UBND huyện Yên Lạc, xã Trung Hà vẫn chưa thu hồi, thanh lý hợp đồng đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích tại bãi sông, hành lang đê tả sông Hồng. Đây là những trường hợp UBND xã Trung Hà cho thuê đất với mục đích trồng cây và nuôi trồng thuỷ sản, nhưng thực tế đã biến thành bến bãi kinh doanh cát sỏi.
Tương tự, tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, từ lâu đã trở thành điểm nóng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ nhức nhối nhất tỉnh Vĩnh Phúc.
Đoàn kiểm tra của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND huyện Vĩnh Tường và UBND xã Cao Đại tổ chức kiểm tra 9 tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông trên tuyến đê tả sông Hồng, qua đó phát hiện vô số vi phạm.
Loạt doanh nghiệp vi phạm
Công ty xây dựng Vĩnh Lạc (thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường), tại thời điểm kiểm tra đã không cung cấp được các giấy phép hoạt động liên quan đến đê điều, cụ thể: Giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông; Giấy phép để vật liệu cát, sỏi ở bãi sông…; Công ty xây dựng Vĩnh Lạc đã xây dựng công trình và để vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, kè và bãi sông; Xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê và bãi sông bao gồm nhà điều hành, nhà xưởng, nhà kho, công trình phụ...
Đoàn kiểm tra phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Anh Minh đã xây dựng công trình không phép, để vật liệu xây dựng trong phạm vi khu vực bãi sông; xây dựng công trình làm hư hỏng kè bảo vệ đê là vi phạm quy định. Doanh nghiệp tư nhân Anh Minh chưa cung cấp được các giấy phép hoạt động liên quan đến đê điều theo quy định tại Điều 25 Luật Đê điều.
Ngoài ra còn có các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Vận tải Đại Minh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phú Thịnh, Công ty TNHH Nhật Hà Anh… đều có những hành vi vi phạm như xây dựng công trình không phép, để vật liệu xây dựng trong phạm vi khu vực bãi sông; xây dựng công trình làm hư hỏng kè bảo vệ đê, chưa cung cấp được các giấy phép hoạt động liên quan đến đê điều theo quy định tại Điều 25 Luật Đê điều...
Trước thực trạng đó Hạt Quản lý đê tả sông Hồng đã lập các Biên bản vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, có văn bản báo cáo UBND huyện Vĩnh Tường chỉ đạo UBND xã Cao Đại kiểm tra, rà soát để xử lý dứt điểm những vi phạm của các tổ chức, cá nhân nêu trên.
Tại các xã Cao Phong, Sơn Đông (huyện Lập Thạch) một loạt doanh nghiệp đã thuê đất lập bến bãi như Công ty Cổ phần Bê tông Sơn Đông (xã Sơn Đông), Công ty Trung Kiên Vĩnh Phúc…
Chỉ thị “dẹp loạn”
Nhằm “dẹp loạn” tình trạng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ, tháng 6/2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông.
Theo Chỉ thị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông ở một số địa phương ở Vĩnh Phúc còn chưa hiệu quả; hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông trong thời gian trước chưa được xử lý, một số vụ vi phạm mới phát sinh chưa được ngăn chặn, chưa được xử lý kịp thời và dứt điểm.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông theo quy định.
Thông tin từ Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng vi phạm đê điều nhức nhối ở Vĩnh Phúc hiện nay một phần là do nhiều địa phương cho doanh nghiệp thuê đất theo hợp đồng sản xuất nông nghiệp nhưng thực chất là kinh doanh bến bãi. “Bất kể hoạt động bến bãi nào trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ cũng là vi phạm”, ông Đường Xuân Thể khẳng định.