| Hotline: 0983.970.780

Hơn 1000 cán bộ quản lý đê chuyên trách chưa được hưởng ưu đãi nghề

Thứ Sáu 08/11/2024 , 14:58 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT khẳng định, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều giữ vai trò quan trọng trong việc xử lý sự cố, giữ an toàn hệ thống...

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT, đợt mưa lũ sau bão số 3 vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc hộ đê, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Ảnh: Quang Dũng.

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT, đợt mưa lũ sau bão số 3 vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc hộ đê, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Ảnh: Quang Dũng.

 

Bão số 3 và mưa lũ gây ra trên 800 sự cố đê điều

Ngày 8/11, tại Bắc Ninh, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Quản lý đê điều và PCTT) tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2024.

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT, thời gian qua, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay, đã xảy ra 6 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới. Các hình thái thiên tai đã làm 513 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 84.600 tỷ đồng.

“Trong đó, bão số 3 (Yagi) xảy ra từ ngày 3 - 8/9 vừa qua là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài, phạm vi ảnh hưởng bao phủ 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Đến thời điểm này, chúng ta cũng đang chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7 (Yinxing) có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp, 218 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển”, ông Luận thông tin.

Bên cạnh đó, mưa lũ sau bão số 3 (từ ngày 8 - 15/9/2024) đã khiến lũ trên hầu hết các tuyến sông đã vượt mức báo động 3. Riêng mực nước sông Hồng tại Hà Nội xấp xỉ mức báo động 3, cao nhất trong 20 năm gần đây, các trạm hạ nguồn trên mức báo động 3. Cùng với đó, các hồ chứa thượng nguồn đã phải vận hành xả lũ, đặc biệt là hồ chứa Thác Bà có thời điểm lưu lượng lũ đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ, nguy cơ mất an toàn hồ chứa và khu vực hạ lưu.

Hơn 500 cán bộ chuyên trách quản lý đê điều tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Quang Dũng.

Hơn 500 cán bộ chuyên trách quản lý đê điều tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Quang Dũng.

Mưa lớn kéo dài cũng đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… Thống kê cho thấy, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết và mất tích; hơn 283.300 nhà bị hư hỏng, tốc mái; trên 800 sự cố đê điều, 2.283 công trình thủy lợi, 1.318 công trình nước sạch bị hư hỏng; hơn 286.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 11.900 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại ước tính trên 81.700 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT khẳng định, qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bão nhiều năm, đặc biệt đợt mưa lũ sau bão số 3 vừa qua cho thấy vai trò của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc hộ đê, xử lý sự cố để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất quan trọng.

“Đây là lực lượng trực tiếp tham mưu về mặt chuyên môn kỹ thuật, triển khai xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, giữ an toàn hệ thống đê, hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra. Do vậy công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng chuyên trách để chủ động ứng phó với lũ bão là rất quan trọng và cần thiết”.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT Phạm Đức Luận (ngồi giữa) rất trăn trở về việc hơn 1.000 cán bộ quản lý đê chuyên trách chưa được hưởng chế độ ưu đãi nghề. Ảnh: Quang Dũng.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT Phạm Đức Luận (ngồi giữa) rất trăn trở về việc hơn 1.000 cán bộ quản lý đê chuyên trách chưa được hưởng chế độ ưu đãi nghề. Ảnh: Quang Dũng.

Hơn 1000 cán bộ quản lý đê chuyên trách chưa được hưởng ưu đãi nghề

Tại hội nghị, hơn 500 cán bộ quản lý đê chuyên trách đã được tập huấn về công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050… Cùng với đó là các Nghị định, Thông tư có liên quan tới lĩnh vực đê điều và phòng chống thiên tai mới được ban hành.

Cùng với đó, đại diện các Chi cục cũng như nhiều cán bộ quản lý đê chuyên trách cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như khó khăn trong công tác xử lý và đảm bảo an toàn đê trong thời gian qua, đặc biệt là trong cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Nhiều ý kiến đề xuất cần có sự cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù công việc quản lý đê chuyên trách.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT Phạm Đức Luận cho biết, những ý kiến của các cán bộ là hoàn toàn chính đáng. Đây là lực lượng rất vất vả, tuy nhiên thù lao được nhận trong thực tế lại rất thấp. Bởi, do hạn chế về công chức nên họ chỉ được xếp ngạch viên chức, điều này khiến họ không được hưởng chế độ ưu đãi nghề. Ví dụ: phụ trách đê biển được 20%, đê sông được 15%...

“Chúng tôi rất trăn trở vấn đề này trong nhiều năm qua, và đó cũng là khó khăn trong việc duy trì lực lượng cán bộ quản lý đê chuyên trách. Mặc dù Cục đã xây dựng được chế độ ưu đãi nghề nhưng về địa phương lại bố trí không đúng ngạch. Đặc biệt là với những tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt có chiều dài hàng nghìn km thì lực lượng này lại càng vất vả. Hiện, hơn 1.000 cán bộ quản lý đê chuyên trách đang rất mong chờ các Bộ, ngành cũng như Chính phủ có sự điều chỉnh phù hợp. Từ đó tạo thêm động lực để họ gắn bó với các tuyến đê”, ông Luận chia sẻ.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.