Đa dạng sinh học trong đất - Năng lượng bền vững cho cây trồng

Tại Việt Nam, sự đa dạng sinh học trong đất nói chung đang dần suy giảm, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ cũng như chuyển hóa các chất dinh dưỡng của đất trồng.

Bảo Thắng - Quỳnh Anh  | 09:14 31/10/2024

Đa dạng sinh học trong đất - Năng lượng bền vững cho cây trồng

Tự động

Đa dạng sinh học trong đất - Chìa khóa bảo vệ sức khỏe cây trồng

Dự án BVTV  (Bảo Thắng – Quỳnh Anh)

MC 1: Sơn Tùng

MC 2: Quỳnh Anh

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị bà bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.

Thưa quý vị và bà con, đất là nền tảng cơ sở để sản xuất nông nghiệp, là nơi phát triển của tất cả các loài thực vật, cây trồng. Đất có phì nhiêu, màu mỡ thì cây trồng mới phát triển tốt và cho năng suất cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng suy thoái đất nông nghiệp đang diễn ra nghiêm trọng ở khắp mọi nơi, việc tìm giải pháp để bảo vệ dinh dưỡng cho đất cũng như nâng cao sức khỏe cây trồng là điều quan trọng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Và một trong những giải pháp hữu hiệu là bảo vệ sự đa dạng sinh học trong đất.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, sức khỏe đất chịu sự chi phối bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa tính chất vật lý - hóa học - sinh học của đất. Trong đó, tính chất sinh học là hoạt động của các sinh vật đất liên quan đến quá trình lắng đọng các khoáng chất, tạo cấu trúc đất và tăng khả năng cạnh tranh với các loại sinh vật gây bệnh cho cây trồng. Thế nhưng, dưới tác động của con người, gắn với hoạt động thâm canh trong nông nghiệp suốt giai đoạn dài, sự đa dạng sinh học trong đất đang bị suy giảm.

Đơn cử như giun đất – loài vật đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý mùn bã hữu cơ, làm sạch, lưu thông khí và nước trong đất, đồng thời chuyển hóa, cung cấp dinh dưỡng cho đất, hỗ trợ và phát triển hệ động thực vật. Hiện nay, Việt Nam có tổng số 186 loài giun đất trong tổng số hơn 3.000 loài giun đất đã được định danh trên thế giới. Có thể dễ dàng nhận thấy, mức độ đa dạng giun đất ở nước ta đang bị suy giảm so với mức trung bình trên thế giới.

Không chỉ riêng giun đất, tại Việt Nam, hệ vi sinh vật tự nhiên trong đất nói chung đang dần cạn kiệt. Điều này thể hiện rõ qua việc đất trồng giảm dần khả năng hấp thụ cũng như chuyển hóa các chất dinh dưỡng được bổ sung. Tình trạng đất bạc hóa, giữ nước kém, độ tơi xốp giảm và pH đất mất cân bằng xảy ra ngày càng phổ biến. Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, việc bảo vệ đa dạng sinh học trong đất vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian qua.

Băng ông Nguyễn Văn Liêm

MC 2:

Việc sử dụng đại trà các chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp truyền thống đã tác động trực tiếp lên môi trường đất. Quá trình canh tác chú trọng đến sản lượng dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hóa học không đúng cách gây nên tình trạng đất ô nhiễm, giảm chất lượng. Cùng với đó, khi đất bị chuyển hóa thành hoang mạc và những tác động của tự nhiên như thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn, hạn hán cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ vi sinh vật trong đất.

Trong những giải pháp để bảo vệ sự đa dạng sinh học của đất cũng như cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, bổ sung chất hữu cơ cho đất là điều quan trọng. Bởi lẽ, chất hữu cơ làm cho các hạt đất liên kết và hình thành các khối đất ổn định, giúp cải thiện cấu trúc đất, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí. Với cấu trúc tốt hơn, khả năng thấm nước qua đất sẽ tăng lên, nhờ đó cải thiện chức năng hấp thụ và giữ nước của đất. Đặc biệt, chất hữu cơ trong đất cũng là yếu tố quan trọng với sự phát triển của cây trồng nói chung và với cây lương thực nói riêng. Do vậy, PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất:

Băng  PGS.TS Vũ Năng Dũng

MC 2:

Nhận thức được tầm quan trọng của hệ vi sinh vật trong đất, việc bổ sung dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe đất từ lâu đã được anh Nguyễn Văn Mạc, xã Tiên Phong, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên quan tâm. Theo anh Mạc, bằng những phương pháp sẵn có trong tự nhiên như sử dụng trùn quế, chất hữu cơ trong đất được phục hồi, đem lại mùa màng bội thu.

Với đặc điểm là chuyên ăn chất thải của gia súc, trùn quế đặc biệt phát triển mạnh trong môi trường chăn nuôi. Loại sinh vật này sau thời gian sinh trưởng sẽ sinh ra một loại phân giàu dinh dưỡng cho cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Băng: Nguyễn Văn Mạc, xã Tiên Phong, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, hệ vi sinh vật đất không những nắm vai trò quan trọng đối với đất và cây trồng, chúng còn có vai trò trong việc đảm bảo nền nông nghiệp tồn tại và phục vụ cho con người. Không có chúng thì sẽ không có sản phẩm nông nghiệp chất lượng, không tạo được thức ăn cho chăn nuôi, không đáp ứng được khả năng cung cấp lương thực cho con người và hàng loạt phản ứng dây chuyền khác… Trước bối cảnh đất bị thoái hóa nghiêm trọng, việc bảo vệ sự đa dạng sinh học trong đất với hệ vi sinh vật có ích là giải pháp để bảo vệ sự phát triển của cây trồng, của cả hệ thống lương thực, thực phẩm và bảo vệ môi trường.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực bảo vệ thực vật.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Nai, thời gian qua, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Trong đó, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thu hút khá đông DN đầu tư với gần 1,4 nghìn DN, cơ sở, tăng gần 24,8% so với năm 2021. Trong đó có 38 DN trong nước và DN vốn đầu tư nước ngoài sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ trong nước và xuất khẩu. Dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển mạnh. Cơ giới hóa từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch đáp ứng cho khoảng 90% diện tích. Trong những năm gần đây, dịch vụ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá và quản lý đồng ruộng đang phát triển mạnh, chủ yếu tại các vùng sản xuất tập trung đối với lúa, bắp, sầu riêng.

MC 2:

Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều biện pháp để đến năm 2030 có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh; 70% diện tích cây ngô; 70% diện tích cây công nghiệp đạt ứng dụng IPHM. Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, từ năm 2022 đến nay, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã tổ chức xây dựng, phổ biến các mô hình sinh hoạt cộng đồng phù hợp để người sản xuất chia sẻ kinh nghiệm, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường. Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, ngành và cộng đồng biết về IPHM. Cùng với đó là hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái; mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên diện rộng.

MC 1:

Tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương có tỷ lệ sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học dẫn đầu trong khu vực Tây Nguyên. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp địa phương tích cực hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong đó, tăng cường áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ dùng các thuốc sinh học đã được đăng ký trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, cần sử dụng các loại chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đối kháng và vi sinh vật có ích khác để phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng theo hướng bền vững”.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Đa dạng sinh học trong đất - Năng lượng bền vững cho cây trồng

Tại Việt Nam, sự đa dạng sinh học trong đất nói chung đang dần suy giảm, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ cũng như chuyển hóa các chất dinh dưỡng của đất trồng.

Bảo Thắng - Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để nuôi tôm càng xanh hướng hữu cơ
Kiến thức

Những mô hình chuyển đổi được xem là nền tảng vững chắc để ngành nông nghiệp Ninh Bình phát triển theo hướng chất lượng, xanh, bền vững, giảm phát thải trong tương lai.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để nuôi tôm càng xanh hướng hữu cơ
Quan điểm bảo vệ thực vật là trả lại dinh dưỡng cho đất
Kiến thức

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và thâm canh quá mức đã dẫn đến việc mất cân đối dinh dưỡng đất trồng lúa ở ĐBSCL.

Quan điểm bảo vệ thực vật là trả lại dinh dưỡng cho đất