Dân chưa an cư bên lòng hồ thủy lợi
Toàn xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa có 133 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ. Dù vậy, qua gần 6 năm, người dân vẫn chưa thể an cư bên hồ thủy lợi này. Chưa nhận được bồi thường, một số hộ vay mượn tiền để mua đất và chủ động di dời, còn lại phải chấp nhận 'sống chung với lũ'.
Quốc Toản | 16:39 12/09/2023
Dân chưa an cư bên lòng hồ thủy lợi
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Thủy lợi và phát triển.
Thưa quý vị và bà con, thủy lợi là yếu tố quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp, công nghiệp và cấp nước sinh hoạt phục vụ đời sống dân sinh. Hệ thống thuỷ lợi cũng góp phần cải tạo môi trường sinh thái, biến nhiều vùng đất hoang hóa xưa kia thành nơi dân cư đông đúc, trù phú hay những điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Thế nhưng, việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa ở khu vực có dân cư nằm trong phạm vi lòng hồ vẫn đang là khó khăn, thách thức lớn. Một điển hình tại Thanh Hóa, việc di dời các hộ dân thuộc lòng hồ thủy lợi Yên Mỹ đang gặp nhiều khó khăn về vốn, công tác giải phóng mặt bằng, cần giải pháp kịp thời để tháo gỡ. Ghi nhận của phóng viên Quốc Toản tại Thanh Hóa.
MC 2:
Nằm khuất sau vườn rừng, dọc con đường dẫn vào thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa nhan nhản những ngôi nhà xuống cấp, hoang tàn, khung cảnh vô cùng ảm đạm… Được gọi là “rốn lũ” của xã Thanh Tân, là nơi từng có hàng chục hộ dân sinh sống, thôn Hợp Nhất nay chỉ còn mỗi 2 gia đình cư ngụ trên triền đất mấp mô ven hồ Yên Mỹ. Các hộ dân chủ yếu thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để di chuyển đến nơi ở mới, đành phó mặc số phận cho trời đất.
Bà Lê Thị Hưng dáng người mảnh khảnh ngồi lọt thỏm trong ngôi nhà xập xệ. Ngày bình thường, bà Hưng cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng từ việc bán sức lao động. Hôm nay bà đột nhiên rảnh việc vì không ai thuê, mướn. Người phụ nữ là trụ cột trong gia đình đông miệng ăn sống gần hết đời người nhưng vẫn không tìm được cách để thoát kiếp tạm bợ.
Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là túp lều nhỏ được may vá chằng chịt không phân biệt đâu là gian chính, gian phụ. Ngày nắng thì mặt trời dội thẳng vào đầu, ngày mưa thì ướt sũng đồ đạc. Bà bảo, sống ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chưa khi nào tâm trí được thảnh thơi. Gia đình bà thuộc diện di dời để thực hiện dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ. Tuy nhiên, sau nhiều năm, bà cùng nhiều người dân thôn Hợp Nhất vẫn chưa nhận được tiền bồi thường và hỗ trợ di chuyển đến chỗ ở mới. Năm ngoái nước lũ dâng cao vào lúc nửa đêm, bà Hưng cùng con cháu bồng bế, dắt díu nhau chạy lên gò đất cao để tránh trú. Cũng may được chính quyền và người dân trong làng giúp đỡ, cưu mang gia đình bà mới thoát khỏi cơn bĩ cực.
Băng
Phỏng vấn bà Lê Thị Hưng: Hằng năm cứ đến mùa mưa, vườn tược cây cối ngập cả, không làm được gì, nhà hỏng không dám sửa sang. Đời sống rất vất vả. Giờ dân đi hết cả rồi, chỉ còn mỗi gia đình nhà tôi không có điều kiện để di chuyển nên buộc phải sống ở đây.
MC 2:
Toàn xã Thanh Tân hiện có 133 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ. Tuy nhiên, dự án đã tiến hành kiểm kê tài sản gần 6 năm qua mà đến nay người dân vẫn chưa nhận được bồi thường vì thiếu kinh phí.
Ông Lê Duy Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết, nhiều hộ dân trong xã do không đợi được tiền bồi thường dự án nên đã chủ động vay mượn, mua đất, di dời đến nơi ở mới. Dù vậy, vẫn còn một số hộ dân không có điều kiện mua đất nên phải chấp nhận “sống chung với lũ”.
Băng 2:
“Việc dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều người dân trong thôn đặc biệt là vấn đề sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân kiến nghị với chính quyền địa phương, nếu vẫn triển khai dự án thì nên thực hiện sớm. Trường hợp dự án không triển khai thì trao đổi lại với bà con nhân dân để họ sớm ổn định đời sống và chính quyền địa phương có phương án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ”.
MC 2:
Theo tìm hiểu, dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ do Sở NN-PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2017-2023. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là hơn 900 hộ thuộc các huyện Nghi Sơn, Nông Cống, Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu dự án nhằm ổn định đời sống và sản xuất bền vững cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi tích nước hồ Yên Mỹ, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự và môi trường.
Song, mục tiêu ấy đến nay vẫn chưa thể thực hiện trọn vẹn. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, sau hơn 5 triển khai, đơn giá bồi thường về đất, tài sản vật kiến trúc, cây cối hoa màu đã bị thay đổi nhiều so với thời điểm lập dự án. Bên cạnh đó, hợp phần bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ dân vẫn chưa được bố trí đủ kinh phí để thực hiện.
Trước thực tế như vậy, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp cần nắm chắc tình hình giải phóng mặt bằng dự án, rà soát lại số liệu chính xác, có phương án ưu tiên nguồn lực cho việc di dân tại lòng hồ Yên Mỹ theo hướng xen ghép…
Băng
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết: Hiện nay tỉnh đã bố trí tiền đủ và tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên số tiền lớn nên sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất sẽ đền bù đối với các hộ có đất ở. Giai đoạn 2 sẽ đền bù cho các hộ dân có đất nông nghiệp.
MC 1:
Vâng thưa quý vị và bà con, thiên tai ngày càng khốc liệt, những trận mưa lũ hàng năm trút xuống càng nặng nề hơn. Sống chung với lũ đã lâu, bà con Hợp Nhất trông ngóng từng ngày để có nơi ở mới an toàn, chắc chắn hơn. Dù vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng mong rằng bằng sự quan tâm của các cấp chính quyền, khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ, để những người dân như bà Lê Thị Hưng có thể yên tâm sống trong ngôi nhà của mình.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực Thủy lợi trên cả nước.
MC 1: Thưa quý vị và bà con
Tỉnh Tây Ninh có hệ thống kênh cấp một, cấp hai và nội đồng dài gần 500 km. Tuy nhiên, thế mạnh đó cũng chính là thách thức của ngành Nông nghiệp Tây Ninh trong đầu tư, duy tu và quản lý. Thống kê của Chi cục Thủy lợi Tây Ninh cho hay, còn khoảng 30% chiều dài kênh nội đồng của tỉnh chưa được kiên cố hóa. Do đó, để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho công tác thủy lợi, Sở NN-PTNT đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ hệ thống thủy lợi nhỏ, kênh nội đồng và tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ đến 70% chi phí sửa kênh mương, cống thoát nước, cống tiêu… và người dân tự bỏ ra 30%.
Trần Trung
MC 2:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi cho biết, trong tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây mới khoảng 10 hồ chứa nước nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch, giảm tỉ lệ sử dụng nước ngầm và chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn. Tổng số vốn đầu tư cho dự án là khoảng 3.000 tỷ đồng từ ngân sách và huy động xã hội hóa. Kỳ vọng này của UBND tỉnh Đồng Nai cũng gắn tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương với tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ 90 - 95%.
Lê Bình
MC 1:
Gần 1 tháng qua, hơn 5.700 hộ dân ở các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thiếu nước sinh hoạt do nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên cắt nước luân phiên. Về vấn đề này, ông Lê Thái Bảo - Tổ trưởng Tổ vận hành Nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên cho biết, nhà máy này có công suất thiết kế 5.200m3/ngày đêm ,vận hành cấp nước sạch cho 5.700 hộ dân ở 4 xã. Nhưng nắng hạn kéo dài khiến mực nước thô nhà máy lấy từ hồ Kẻ Gỗ cạn xuống còn hơn 17m, không thể vận hành cung cấp nước đầy đủ cho người dân liên tục. Hiện nhà máy phải sử dụng hệ thống bơm dự phòng ở hồ Bộc Nguyên. Tuy nhiên, công suất tối đa của máy phụ chỉ đạt 2.500m3/ ngày đêm nên không đáp ứng đủ.
Hoàng Anh
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Dân chưa an cư bên lòng hồ thủy lợi
Toàn xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa có 133 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ. Dù vậy, qua gần 6 năm, người dân vẫn chưa thể an cư bên hồ thủy lợi này. Chưa nhận được bồi thường, một số hộ vay mượn tiền để mua đất và chủ động di dời, còn lại phải chấp nhận 'sống chung với lũ'.
Quốc Toản
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam dần trở thành trung tâm xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực; Hoạt động văn phòng cần sáng tạo, chuyên nghiệp và chủ động hơn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 15-16/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và giông.