Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi cho biết, trong tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây mới khoảng 10 hồ chứa nước nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch, giảm tỉ lệ sử dụng nước ngầm và chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Tổng số vốn đầu tư cho dự án là khoảng 3.000 tỷ đồng từ ngân sách và huy động xã hội hóa. Kỳ vọng này của UBND tỉnh Đồng Nai cũng gắn tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương với tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ 90 - 95%.
“Việc đầu tư xây mới và nâng cấp các hồ chứa nước sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Đồng Nai nhằm ổn định kinh tế- xã hội và dân sinh. Biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp. Vì vậy, chúng ta tích nước không chỉ để phục vụ cho sản xuất, cho sinh hoạt mà đảm bảo cho vùng hạ du không bị ngập cục bộ vào mùa mưa và dự trữ nước cho mùa khô”, ông Võ Văn Phi chia sẻ.
Vào mùa khô, nhiều nơi trong tỉnh thường thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp như các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất... Do đó, các địa phương chia giai đoạn để thiết kế xây dựng các hồ trữ nước, chủ động sản xuất trong mùa khô. UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao các sở, ban, ngành và địa phương cùng đề xuất giải pháp đầu tư, xây dựng các hồ chứa hiệu quả.
Việc Đồng Nai đầu tư xây dựng hồ chứa nước còn nhằm bảo vệ nước ngầm cho tương lai. Trước đó, trong đề án Cung cấp nước sạch giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã rất mạnh tay xử lý, đóng cửa các giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ.
Đồng Nai hiện có 137 công trình thủy lợi, 18 hồ chứa nước, 56 đập dâng và 39 trạm bơm… với diện tích phục vụ trên 21.000ha. Tổng dung tích 18 hồ chứa này khoảng 107 triệu mét khối, tổng năng lực tưới phục vụ sản xuất gần 6,2 ngàn ha, tổng năng lực cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt là gần 112.000 m3/ngày.
Theo ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi Đồng Nai, lộ trình đến năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư 25.600 tỷ đồng cho mục tiêu nâng cấp, kiên cố hóa và đầu tư mới các công trình thủy lợi. Mục tiêu nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, tránh thất thoát nước và giữ lại nước cho mùa khô hạn.
“Theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050, nếu không có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ thì nguồn tài nguyên này suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của hàng trăm ngàn hộ gia đình. Chất lượng nước ngầm tương đối ổn định nhưng suy giảm vào mùa khô”, ông Việt khuyến cáo.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp, cần được nâng cấp kịp thời. Trong đó, ba hồ chứa Đa Tôn, hồ chứa sông Mây và hồ chứa Gia Ui được ưu tiên duy tu, nạo vét và kiên cố hóa nhằm đảm bảo nhiệm vụ phục vụ của công trình.
“Hiện nay thì công trình hồ Đa Tôn đã gần xong về mặt thiết kế, đang chờ phê duyệt để đấu thầu thực hiện. Hồ Sông Mây dự kiến sẽ khởi công vào quý 4 năm 2023. Công trình hồ Gia Ui thuộc huyện Xuân Lộc cũng đang gấp rút làm những thủ tục để sớm sửa chữa. Dự kiến sau khi sửa chữa thì dung tích các hồ sẽ được cải thiện và tăng thêm 20 - 30%”, ông Lương thông tin.
Ngoài ra, các hồ chứa nước cũng được khai thác đa giá trị để vừa phát huy được hiệu quả về mặt thủy lợi, vừa đóng nhiệm vụ là túi giữ nước cho tương lai và mang lại hiệu quả kinh tế. Theo đó, các hồ chứa nước tại Đồng Nai sẽ được ưu tiên cho thuê dài hạn làm nơi nuôi cá theo hình thức tự nhiên, câu cá giải trí, phát triển du lịch…
Theo quy hoạch của Đồng Nai, từ nay đến 2025 và tầm nhìn 2035, chỉ trừ TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch, còn lại các huyện và TP Long Khánh đều đăng ký làm hồ chứa nước. Các hồ chứa nước này sẽ có diện tích từ 5 - 40 ha/hồ nên ít ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác xung quanh. Mục đích để tích nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.