| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa sửa chữa 30 hồ mất an toàn

Chủ Nhật 10/09/2023 , 16:17 (GMT+7)

Thanh Hóa đã huy động vốn, xử lý hàng chục hồ chứa mất an toàn và tiếp tục triển khai thi công, sửa chữa, xử lý 30 hồ mất an toàn trong năm 2023.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, địa phương hiện có 609 hồ chứa; trong đó có 1 hồ quan trọng đặc biệt là hồ Cửa Đạt, 29 hồ chứa lớn, 84 hồ chứa vừa và 495 hồ chứa nhỏ làm nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, phát điện, phòng, chống lũ.

Tuy nhiên, toàn tỉnh có 100 hồ chứa gồm 6 hồ lớn, 6 hồ vừa và 88 hồ nhỏ, nằm trên địa bàn 12 huyện, thị xã bị hư hỏng, mất an toàn. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã huy động các nguồn vốn, xử lý 13 hồ chứa mất an toàn và tiếp tục triển khai thi công, sửa chữa, xử lý 30 hồ mất an toàn trong năm 2023.

Hồ Yên Mỹ là công trình thủy lợi lớn của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Nga.

Hồ Yên Mỹ là công trình thủy lợi lớn của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, để tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2023, Sở NN-PTNT Thanh Hóa chủ động triển khai nhiều biện pháp, trong đó, với 100 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn, ngành đã chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời. Riêng đối với các công trình bị hồ, đập xuống cấp, không đảm bảo an toàn, ngành nông nghiệp yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành không được tích nước và có phương án ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Song song đó, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng có văn gửi UBND các huyện, thị xã có đập, hồ chứa nước; các Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu, Thủy lợi Nam Sông Mã, Thủy lợi Bắc Sông Mã và các đơn vị liên quan yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị các địa phương, các đơn vị căn cứ vào "Phương án ứng phó thiên tai", "Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp các công trình đập, hồ chứa nước" đã phê duyệt, tổ chức triển khai, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và công tác phục vụ hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư phòng, chống lụt bão cho từng công trình; trong đó, lưu ý chuẩn bị đầy đủ bạt dứa khổ lớn để bảo vệ đập khi có tình huống xảy ra cũng như chuẩn bị bao tải chứa đất để đắp lên mặt đập trong tình huống nước có thể tràn qua mặt đập khi có mưa lũ lớn cực đoan trong thời gian ngắn, nghiên cứu phương án mở rộng tràn không có cửa van (nếu có thể) trong trường hợp không đủ khả năng thoát lũ.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng yêu cầu các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát theo quy định và chấp hành chế độ thông tin, cảnh báo đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi xả nước phát điện, xả lũ. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền và thông báo rộng rãi các phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đến nhân dân vùng bị ảnh hưởng biết để chủ động ứng phó.

Đến tháng 4/2023, tổng số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa, nâng cấp là 379 hồ; số hồ chứa nước hạ du, nơi dân cư tập trung, khu kinh tế trọng điểm, cần quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, lũ năm 2023 là 21 hồ. Để đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp hàng chục hồ chứa mất an toàn; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời; kiểm tra, đánh giá, rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn. Đối với các công trình bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn, các đơn vị quản lý, vận hành không được tích nước và có phương án ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.