Đầu tư, nâng cấp vận hành hiệu quả công trình thủy lợi lớn nhất đất mỏ
Hơn 45 năm qua, hồ Yên Lập - công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ninh được khai thác, vận hành có hiệu quả đã tạo nhiều thay đổi cho vùng đất mỏ.
Tiến Thành | 16:46 16/12/2023
Đầu tư, nâng cấp vận hành hiệu quả công trình thủy lợi lớn nhất đất mỏ
MC 1
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Thủy lợi và phát triển.
Thưa quý vị và bà con, Quảng Ninh là một trong những địa phương của cả nước có chiều dài đường bờ biển gần 250km, với 186 hồ chứa nước ngọt tổng dung tích trên 350 triệu mét khối, với 27 hồ đa chức năng, gồm 7 hồ dung tích trên 10 triệu mét khối nước, 2 hồ dung tích trên 5 triệu mét khối, 16 hồ dung tích trên 1 triệu mét khối, còn lại là những hồ nước nhỏ quy mô 500.000 mét khối đến 1 triệu mét khối.
MC2: Yên Lập là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với dung tích 127,5 triệu mét khối, đập chính dài 270m, chiều cao đập 37m, hồ có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc cấp nước tưới cho 8.300 ha đất canh tác nông nghiệp, cung cấp nước ngọt cho 1.500 ha nuôi trồng thủy sản tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với công suất 33,5 triệu mét khối trên năm. Được biết, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập là đơn vị quản lý vận hành hồ với 5 trạm bơm tưới có tổng công suất bơm là trên 8.000 mét khối trên giờ.
Anh Lê Thanh Hưng, trạm trưởng Trạm quản lý đầu mối hồ Yên Lập, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, cho biết:
“Công ty cũng đã đầu tư riêng 3 máy to hơn và công suất lớn để đảm bảo khi công tác vận hành trong mùa lũ được an toàn hơn và thay thế những máy đã cũ từ ngày xưa. Hàng năm thì chúng tôi có một đơn vị tư vấn riêng về đảm bảo an toàn cho riêng cái tràn, có bảo dưỡng công trình trước trong và sau một vụ bão” (Băng 1).
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập cũng đã hoàn thành bản đồ số với 7 lớp thông tin tích hợp trên Google Maps, thay vì mất công tìm tài liệu giấy tờ lưu trữ, nhiều khi còn bị phân tán thất lạc, các cấp lãnh đạo quản lý phòng ban chuyên môn có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về trạm bơm, kênh, cống hồ đập vi phạm thủy lợi.
Anh Bùi Đức Việt, Phó phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, cho biết:
“Trước đây, khi không có cái hệ thống quan trắc tự động thì những đêm công nhân ra quan trắc mực nước rất khó vì mực nước sẽ dềnh lên dềnh xuống. Quan chắc thủ công thì rất khó vì không được chuẩn mực nước, nên dẫn đến việc nhiều lúc đóng sớm hơn dự kiến, mở muộn hơn, thì lúc ấy sẽ ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu. Hiện nay, từ khi lắp đặt cái thiết bị quan trắc tự động thì cũng đã cải tiến được nhiều. Khi điều hành ở trụ sở công ty, chỉ cần liên lạc xuống dưới bộ phận quản lý trực tiếp cống để có thể tiến hành vận hành đóng và mở cống. Tất cả đều được thao tác trên phần mềm hết, đây có thể nói là một điều kiện rất tốt và thuận lợi cho công tác quản lý vận hành của công ty” (Băng 2).
Tưởng rằng công việc đơn giản chỉ có việc tháo nước phục vụ nhân dân nhưng ít ai biết rằng, những công việc thầm lặng của người công nhân thủy nông đó là sự vất vả nặng nhọc. Thậm chí, có thời điểm rất căng thẳng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, mùa mưa, phải lo điều tiết xả lũ, chống sạt lở kè đập, đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở vùng hạ lưu. Còn mùa nắng khô hạn lại phải lo tích nước duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và nhu cầu nước sinh hoạt cho hàng vạn dân.
Anh Hoàng Văn Am, Công nhân quản lý trực tiếp cống 5 cửa Mai Hòa, cho biết:
“Khi trời mưa thì anh em sẽ là phải chèo thuyền xuống để kiểm tra mực nước ở cái cột trước là của thủ công thôi. Bây giờ nó đã có máy đo quan trắc nên là anh em thuận tiện trong việc quản lý mực nước của cống tiêu” (Băng 3).
Ngay từ đầu năm, công ty thủy lợi Yên Lập đều xây dựng phương án phòng chống thiên tai, đưa ra các kịch bản, các phương án cho tất cả các hồ đập do công ty quản lý. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh và gửi kịch bản cho các địa phương liên quan để phối hợp thực hiện.
Ông Nguyễn Khánh Dư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, chia sẻ:
“Trước, trong và sau mùa mưa bão thì công ty đều tổ chức các cái đoàn kiểm tra công trình, để đánh giá hiện trạng công trình, kịp thời duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng công trình, cũng như là đảm bảo vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, trực 24/24, chia làm 3 ca. Nên về công tác tiêu, tính đến thời điểm hiện tại đã thực hiện đảm bảo, không để xảy ra với tình trạng úng lụt cục bộ trên các địa phương mà công ty quản lý” (Băng 4).
MC1: Thưa quý vị và bà con, hơn 45 năm qua, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập đã vận hành và khai thác có hiệu quả công trình hồ Yên Lập. Từ đó, từng bước tạo sự đổi thay cho người dân các khu vực lân cận. Có nước, đời sống của người dân được cải thiện, sản xuất phát triển, thu nhập của người dân ngày càng ổn định và nâng cao.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực thủy lợi trên cả nước.
MC 1: Tin 1
Thưa quý vị và bà con
Theo Cục Quản lý xây dựng công trình thủy lợi, trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có hơn 300 dự án công trình thủy lợi trên phạm vi cả nước hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo ở nhiều địa phương. Đặc biệt, thông qua đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực thủy lợi, dung tích hồ chứa tăng thêm gần 1,4 tỷ m3, diện tích tưới tăng thêm khoảng 80.500ha, tạo nguồn, nâng cao năng lực tưới khoảng 318.800ha; nâng cao năng lực tiêu khoảng 402.500ha, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho khoảng 1,1 triệu ha, cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ, mang lại niềm vui cho người dân khắp mọi miền đất nước.
MC 2: tin 2
Hiện nay, tổng chiều dài hệ thống kênh tưới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là hơn 3.890km, trong đó kênh đã kiên cố là gần 3.060 km, chiếm gần 78,6%. Để kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, những năm qua tỉnh đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia. Trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành cung ứng 62,6km cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn, đạt 100% kế hoạch. Đến nay, các địa phương đã thi công lắp đặt hoàn thành 57,1km, đạt hơn 91% kế hoạch. Việc hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, trong đó có vai trò quan trọng của kênh mương nội đồng đang giúp ngành nông nghiệp Tuyên Quang chuyển biến mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng chất lượng và giá trị gắn với xu hướng và nhu cầu của thị trường.
MC 1: tin 3
Từ cuối năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã dành các nguồn vốn ODA, vốn trung ương và của tỉnh để đầu tư sửa chữa, nâng cấp 70 dự án với 138 hạng mục công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, công trình phòng chống thiên tai, với tổng kinh phí thực hiện khoảng gần 4.180 tỷ đồng. Đến nay, các công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai trên địa bàn Bình Định đã được UBND tỉnh này đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Hiện trên địa bàn Bình Định đã có 2.437km/4.016km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Riêng trong năm 2023 Bình Định thực hiện kiên cố hóa được 162km kênh mương nội đồng với kinh phí 62 tỷ đồng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Đầu tư, nâng cấp vận hành hiệu quả công trình thủy lợi lớn nhất đất mỏ
Hơn 45 năm qua, hồ Yên Lập - công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ninh được khai thác, vận hành có hiệu quả đã tạo nhiều thay đổi cho vùng đất mỏ.
Tiến Thành
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.