Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn Nhật Bản

Trong định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, Đồng Nai lấy Nhật Bản làm hình mẫu chuẩn để học hỏi và phấn đấu đạt được. Tỉnh cũng theo phương châm: chậm mà chắc.

Lê Bình  | 16:27 24/08/2024

Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn Nhật Bản

Tự động

# MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã theo dõi kênh Nông nghiệp Radio,

Thưa quý vị và bà con,phát triển nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ đa dạng sinh học đang ngày càng được nhiều nhà khoa học và chính phủ các nước quan tâm. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển của nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Đồng Nai cũng đang phát triển nông nghiệp hữu cơ dựa trên những kinh nghiệm và thành công của Nhật Bản, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người nông dân trên địa bàn.

Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng PV Lê Bình đến với những chuyển đổi trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Nai.

# MC 2:

Chúng tôi có mặt tại vườn bưởi rộng hơn 2 hecta của anh Nguyễn Văn Thanh tại ấp 1, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu khi nắng chiều tháng 8 dần tắt. Nằm bên cạnh lòng hồ thủy điện Trị An nên vườn bưởi này luôn xanh mát.

Thế nhưng, chủ vườn bưởi lại than phiền với chúng tôi về năng suất của vườn bưởi, chất lượng cây trồng chưa được như kỳ vọng. Dứt lời, anh vội lấy cuốc, bổ những nhát dứt khoát xuống đất vườn để minh chứng cho chúng tôi.

Đất cứng khô cằn, khiến những nhát bổ cuốc lực điền của người nông dân trở nên khó khăn. Tôi vạch tìm những con giun, côn trùng trong đất nhưng có vẻ vô ích. Anh Thanh nhìn tôi lắc đầu, nhún vai như khuyên tôi dừng lại trước loại đất cứng này.

Chủ vườn cho chúng tôi biết, trước đây đất ở đây không đến nỗi cứng hóa, bạc màu đến vậy nhưng có thể do việc sử dụng phân vô cơ và thuốc BVTV trong thời gian dài đã khiến cho sức khỏe đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời gian gần đây, anh Thanh và nhiều người dân tại đây cũng đang tìm hiểu lối canh tác thuận thiên, sử dụng các biện pháp hữu cơ để tăng năng suất cây trồng mà không ảnh hưởng đến cấu trúc, dinh dưỡng đất. Anh Thanh bộc bạch:

Băng anh Nguyễn Văn Thanh:Đôi khi chúng ta sử dụng phân bón nó đã bị lệch đi, có thể có những cái nguyên tố mà cần bổ sung thì ta lại không bổ sung vào mà những thứ dư thừa ta lại cứ đưa vào.Nó dẫn đến tình trạng là bị lãng phí. Và cái thứ hai nữa nó đã giảm cái năng suất của cây trồng và sức đề kháng của cây trồng yếu đi. Cái điều đó dẫn đến là bà con đã phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tăng lên nhưng năng suất mỗi ngày một thấp đi chứ không có dưỡng ổn ổn định. Nếu mà các nhà khoa học mà giúp đỡ bà con nông dân về kiểm tra về chất lượng đất thì nông nghiệp của chúng ta sẽ phát triển tốt hơn đối với từng loại cây trồng.

Chuyển hướng canh tác từ truyền thống sang hữu cơ không chỉ là hướng đi của các chủ vườn, mô hình nhỏ lẻ mà đó còn là đích đến của nhiều doanh nghiệp trồng trọt lớn tại Đồng Nai. Điều này giúp sản phẩm cây ăn trái không chỉ phát triển bền vững mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển, đi sâu vào các thị trường khó tính.

Công ty Phát triển công nghệ sinh học Dona Techno là doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng có 4 vườn cây đầu dòng, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 cây sầu riêng Dona. Với diện tích cây trồng sầu riêng, chôm chôm lớn tại nhiều tỉnh trên cả nước, Dona Techno còn đang xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực của công ty sang nước ngoài. Để rộng đường xuất khẩu, nhất là sang các thị trường mới, Dona Techno định hướng sẽ chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn sầu riêng rộng bạt ngàn, anh Nguyễn Quốc Luật, Giám đốc Công ty Phát triển công nghệ sinh học Dona Techno chia sẻ:

Băng anh Nguyễn Quốc Luật:Từ xưa đến giờ là chúng tôi là theo cái định hướng là sạch và bền vững. Đối với cái định hướng này thì chúng tôi giảm thiểu thấp nhất các cái lượng hóa học, thuốc trừ sâu độc hại. Thứ hai nữa là với hướng bền vững thì chúng tôi đảm bảo được cái cây sầu riêng, phát triển tốt và tránh được sâu bệnh hại. Cái hướng tiếp theo của chúng tôi là hướng tới hữu cơ thì chúng tôi cần những công ty của Nhật, những giáo sư, những tiến sĩ, những cái nhà khoa học chung tay để chúng ta tiến lên cái bán hữu cơ và hữu cơ.

Những năm gần đây, thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đang có những quyết tâm, bước tiến mạnh mẽ trong việc canh tác nông nghiệp hữu cơ.

Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục ưu tiên nhân rộng các mô hình điểm, các nhân tố mới về nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các ví dụ thực tế để động viên những người tham gia mới. Từ đó hình thành một đội ngũ chất lượng làm việc trong lĩnh vực này.

Nông nghiệp Nhật Bản được coi là kiểu mẫu của nông nghiệp thế giới với các kĩ thuật, trang thiết bị tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định.

Nhằm thúc đẩy sản xuất hữu cơ theo tiểu chuẩn Nhật Bản, vào cuối năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã bố trí đoàn công tác học tập sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản. Đồng Nai cũng xác định sẽ học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong canh tác hữu cơ, coi đây là kim chỉ nam để hiện thực hóa nghị quyết của UBND tỉnh về phát triển hữu cơ trong thời gian tới.

Chia sẻ về lý do chọn Nhật Bản làm tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, ông Trần Lâm Sinh chia sẻ:

Băng ông Trần Lâm Sinh:Thật ra xung quanh chúng ta các nước Đông Nam Á thì cũng có các cái mô hình về hữu cơ như là Thái Lan nhưng mà Thái Lan thì người ta mạnh về cái quy mô diện tích rộng lớn. Nhật Bản thì một quốc gia mà cũng có cái điều kiện cũng gần như Việt Nam là diện tích không nhiều, quy mô nhỏ lẻ, rồi cũng chồng lấn các cái loại hình đất đai rồi thổ nhưỡng nó cũng đa dạng. Sau khi chúng tôi tham khảo thì thấy rằng cái quy định mà ở điều kiện quy mô nhỏ lẻ thì cái mô hình học tập ở Nhật Bản là tốt nhất. Trong cái cái điều kiện hiện tại và người người dân Nhật Bản cũng có những cái đức tính mà cũng cần cuộc kỷ luật, những cái đó chúng ta cũng phải học hỏi để giúp phát huy những cái đặc điểm tốt đó. Chúng ta thấy rằng là người Nhật làm giàu từ được nông nghiệp được thì người Việt Nam và Đồng Nai cũng có thể làm được cái câu chuyện đó.

Đến nay, Đồng Nai đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung và 23 điểm sản xuất quy mô nhỏ lẻ ở từng địa phương với tổng diện tích trên 18.000 hecta. Đồng Nai cũng có khoảng 28,7 hecta đất nông nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ, trong đó cây ăn trái, rau và cây hồ tiêu là chủ yếu.

Đồng Nai cũng đang ứng dụng công nghệ SOFIX của Nhật Bản để cải thiện 'sức khỏe' đất trong canh tác nông nghiệp hữu cơ. Công nghệ này được hiểu là “Chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất”, được phát triển bởi Giáo sư Kubo Motoki, đến từ Nhật Bản.

SOFIX chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật. Đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, mang tính đột phá trong “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì đất và nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ. Đây là điều rất cần thiết và phù hợp với thổ nhưỡng của Đồng Nai vốn bị bạc hóa do công nghiệp hóa tăng nhanh và lối canh tác truyền thống lâu nay.

Mới đây, Giáo sư Kubo Motoki cũng đã đến nhiều vùng trồng của Đồng Nai để lấy mẫu đất về Nhật Bản phân tích, từ đó có những thiết kế dinh dưỡng riêng cho các vùng trồng này của Đồng Nai. Nói về tầm quan trọng của việc chẩn đoán này, Giáo sư Kubo Motoki cho hay:

Băng Giáo sư Kubo Motoki: Theo tôi thì đầu tiên là cần phải có cái quyết tâm để làm nông nghiệp hữu cơ đã sau đó là phải hiểu biết được đất đó có những cái thành phần như thế nào và hiểu biết được cái đất rồi thì lúc đó mình sẽ có những cái kiến thức để chăm bón và sử dụng những cái loại phân bón như thế nào cho nó phù hợp.

Thưa quý vị và bà con, mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng việc xác định hướng đi cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản giúp cho ngành nông nghiệp Đồng Nai đi đúng hướng, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Việc áp dụng những kĩ thuật hiện đại của Nhật Bản trong việc trồng trọt cũng giúp các sản phẩm nông sản của Đồng Nai rộng đường xuất khẩu sang Nhật Bản và các thị trường khó tính trong tương lai.

MC 1:Bây giờ sẽ là một số tin vắn trong lĩnh vực hữu cơ trên địa bàn cả nước diễn ra mới đây.

MC 2: Tin 1 - Trong giai đoạn 2020 - 2025, Tây Ninh định hướng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng gồm: lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, heo, dê, gà. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, ông Nguyễn Đình Xuân, UBND tỉnh cũng đã ban hành 2 chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nguồn kinh phí thực hiện là nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đồng thời, việc phát triển này cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

MC 1: Tin 2 -Từ năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín tại huyện Hoài Ân, Bình Định đã khởi động gieo sạ thí điểm lúa hữu cơ. Từ đó đến nay, hợp tác xã luôn duy trì mỗi năm canh tác 5,5ha lúa hữu cơ/2 vụ, chủ yếu với giống Đài Thơm 8. Theo ông Nguyễn Văn Xuân, cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Tín, chăm sóc lúa hữu cơ cũng khác biệt so với chăm sóc lúa được canh tác theo truyền thống. Nếu cây lúa bị sâu bệnh tấn công, nông dân chỉ được sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ, chứ không được dùng các loại thuốc BVTV hóa học. Nhờ đó, gạo hữu cơ Ân Tín được người tiêu dùng trong huyện Hoài Ân tiêu thụ mạnh với giá 30.000 đồng/kg, về đến thành phố Quy Nhơn sẽ có giá thấp nhất là 32.000 đồng/kg.

MC 2: Tin 3 - Đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 4 mô hình được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang triển khai 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ quy mô 2 ha/mô hình và 4 mô hình sản xuất dược liệu hữu cơ có quy mô 1ha/mô hình. Dự kiến đến hết năm 2025, các mô hình này sẽ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Để phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật trồng trọt, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm an toàn thực phẩm cho nông dân thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông.

Nội dung vừa rồi đã kết thúc chương trình Nông nghiệp radio  hôm nay, xin cảm ơn quý vị và bà con đã để tâm theo dõi, xin kính chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn Nhật Bản

Trong định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, Đồng Nai lấy Nhật Bản làm hình mẫu chuẩn để học hỏi và phấn đấu đạt được. Tỉnh cũng theo phương châm: chậm mà chắc.

Lê Bình

Tin liên quan

Các chương trình

Những vườn sầu riêng sạch bệnh bằng giải pháp sinh học
Kiến thức

Nhiều nhà vườn đã học cách tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp kết hợp chế phẩm sinh học, men vi sinh để tự sản xuất phân bón, thuốc BVTV sinh học.

Những vườn sầu riêng sạch bệnh bằng giải pháp sinh học
Hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ trên đồng đất Tam Nông
Kiến thức

Qua mỗi vụ lúa, nông dân áp dụng tốt hơn các quy trình kỹ thuật, giảm được chi phí mà năng suất, chất lượng lúa vẫn tốt và bán được giá cao.

Hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ trên đồng đất Tam Nông