| Hotline: 0983.970.780

Những 'nông dân 4.0' của Đồng Nai

Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Nai 'về đích' sớm, vượt mục tiêu

Thứ Sáu 13/10/2023 , 06:24 (GMT+7)

Đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt, Đồng Nai đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt chỉ tiêu chung đề ra cho toàn ngành nông nghiệp tới năm 2025.

"Về đích" sớm, vượt mục tiêu đến năm 2025 

Thời gian qua, tại Đồng Nai đã có nhiều hộ sản xuất, HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, gặt hái được thành công. Đây cũng là định hướng của ngành NN-PTNT Đồng Nai trong giai đoạn tới.

Chỉ tính riêng mảng trồng trọt, hiện Đồng Nai đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt so với mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp đến năm 2025. Ảnh: Lê Bình.

Chỉ tính riêng mảng trồng trọt, hiện Đồng Nai đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt so với mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp đến năm 2025. Ảnh: Lê Bình.

Bài liên quan

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Đồng Nai có 40 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt chỉ tiêu chung đề ra cho toàn ngành nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều cho năng suất gấp 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường.

Đơn cử như tại huyện Xuân Lộc, nhiều đơn vị đang tiên phong đưa cơ giới hóa, cập nhật, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong đó, HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn với con người và môi trường.

Bài liên quan

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Xuân Tiến cho hay, hiện HTX đã có nhiều hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay tại cánh đồng… giúp giảm nhân công. HTX Xuân Tiến còn ứng dụng máy bay không người lái (drone) giúp phun thuốc thuốc BVTV cho lúa, bắp thuận lợi hơn.

Ông Quang chia sẻ: “Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận từ mô hình sản xuất lúa đặc sản an toàn của HTX tăng thêm từ 15 - 25% so với cách làm truyền thống. Với giống lúa đặc sản ST24, HTX đã trở thành đơn vị cung ứng sản phẩm gạo chất lượng cao hàng đầu tại địa phương”.

Việc sử dụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng rộng rãi tại Đồng Nai nhằm giảm chi phí vận hành. Ảnh: Lê Bình.

Việc sử dụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng rộng rãi tại Đồng Nai nhằm giảm chi phí vận hành. Ảnh: Lê Bình.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc) chọn hướng liên kết sản xuất, tạo ra cánh đồng lớn để tiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động. Không chỉ lo đầu ra cho nông dân, HTX còn chế biến sâu nhiều sản phẩm đạt yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiếp cận được với khách hàng các nước như Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản… HTX hiện có 2 sản phẩm OCOP 3 sao và đã xây dựng được nhãn hiệu riêng "Ca cao Thành Ý".

Theo Liên minh HTX Đồng Nai, đến nay, Đồng Nai có 63 HTX, 24 tổ hợp tác cùng 103 doanh nghiệp, 35 cơ sở sơ chế, chế biến và 13,8 ngàn hộ sản xuất tham gia vào 200 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó có 143 chuỗi liên kết lĩnh vực trồng trọt, 44 chuỗi liên kết lĩnh vực chăn nuôi.

Quy hoạch 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao

Bài liên quan

Thời gian qua, hầu hết các địa phương của tỉnh Đồng Nai đều quan tâm quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiệt kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất. Kết quả, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã xác định quy hoạch được 8 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 6.500ha.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thắng nhận xét, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu của tỉnh. Xu hướng này còn giúp thúc đẩy kết cấu hạ tầng, nhận diện thương hiệu, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm...

Đồng Nai hiện là tỉnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sôi động hàng đầu cả nước. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai hiện là tỉnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sôi động hàng đầu cả nước. Ảnh: Lê Bình.

“Thời gian tới, Sở NN-PTNT Đồng Nai sẽ tăng cường huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Các địa phương đầu tư có trọng tâm theo thế mạnh của mình, tránh dàn trải”, ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cũng tham gia vào sự phát triển, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức 29 đợt cho 673 hội viên nông dân học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài tỉnh.

“Nhiều nông dân còn được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh và có nhiều chuyển biến, góp phần nhân rộng các mô hình hiệu quả”, ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho hay.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.