| Hotline: 0983.970.780

Chuyện trồng tiêu ở Đồng Nai-[Bài 1]: Theo hữu cơ, tăng lợi nhuận tốt môi trường

Thứ Tư 26/10/2022 , 14:20 (GMT+7)

Cùng với giá thấp, bệnh chết nhanh chết chậm là nỗi kinh hoàng đối với người trồng tiêu. Vậy nhưng, nhiều nông dân Đồng Nai vẫn sống khỏe nhờ trồng hồ tiêu hữu cơ.

Canh tác thông minh, an toàn

Đến xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, một trong thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đồng Nai không khó để bắt gặp các vườn hồ tiêu xanh tốt và cho năng suất cao.

Anh Thành (áo xanh) chia kinh nghiệm trồng tiêu hữu cơ. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Thành (áo xanh) chia kinh nghiệm trồng tiêu hữu cơ. Ảnh: Minh Sáng.

Bắt đầu trồng tiêu từ những năm 2008 đến nay, anh Vòng Thành (xã Lâm San) đã sở hữu gần 2,6  ha hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ, trong đó, hơn 1  ha đang cho thu hoạch. Anh Thành cho biết, ngay từ khi bắt tay vào trồng hồ tiêu, xác định việc lạm dụng phân bón hóa học, bón phân không đúng cách sẽ khiến cây hồ tiêu bạo phát, suy giảm miễn dịch, đất đai chai cứng, các bệnh cơ hội tấn công dẫn đến cây tiêu chết dần chết mòn. Thế nên, anh chọn chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng và thuốc BVTV sinh học là chính giúp đất tơi xốp, cây tiêu khỏe mạnh, đủ sức chống chọi với các loại dịch bệnh.

Với 20 con dê sinh sản vừa giúp anh Thành cải thiện sinh kế, vừa có nguồn phân hữu cơ ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Với 20 con dê sinh sản vừa giúp anh Thành cải thiện sinh kế, vừa có nguồn phân hữu cơ ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Điểm đặc biệt, toàn bộ phân hữu cơ đều do anh tự sản xuất, hầu như không phải tốn đồng nào chi phí bón phân cho cây hồ tiêu. Theo đó, để có nguồn phân hữu cơ, tận dụng các lá cây sẵn có từ các trụ sống làm giá thể cho tiêu leo, anh Thành nuôi hơn 20 con dê sinh sản. Với đàn dê trên, không chỉ đáp ứng đủ lượng phân hữu cơ cho cây tiêu, mỗi năm đàn dê còn đem lại thu nhập cho anh không dưới 100 triệu đồng.

Ngoài phân hữu cơ, từ nguồn cá dồi dào từ hồ sông Ray ở ngay cạnh vườn, anh Thành còn tự mày mò, học hỏi để “chế” ra loại phân bón vô cùng hữu hiệu từ cá. Ban đầu việc ngâm ủ cá chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên việc rã xác cá tốn khá nhiều thời gian. Sau này, nhờ học hỏi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet và các nhà vườn khác, anh Thành bắt đầu mua các chế phẩm sinh học ngâm ủ trong tét nhựa lớn. Nhờ vậy xác cá nhanh rữa, bón cây cũng rất dễ hấp thu. Khi ngâm ủ trong tét cũng đảm bảo vệ sinh, không bốc mùi hôi thối.

Tận dụng nguồn cá tạp sẵn có tại địa phương, anh Thành 'chế' ra loại phân bón có hàm lượng dinh dưỡng tốt cho cây. Ảnh: Minh Sáng.

Tận dụng nguồn cá tạp sẵn có tại địa phương, anh Thành “chế” ra loại phân bón có hàm lượng dinh dưỡng tốt cho cây. Ảnh: Minh Sáng.

Nói về quy trình trình ủ phân từ xác cá, anh Thành chia sẻ: Dùng 100kg cá cho vô bình ủ khối lượng 200 lít. Dùng chế phẩm sinh học trộn đều lên xác cá, khuấy đều rồi đậy nắp lại cho thật kín. Một tuần đầu, mỗi ngày đều mở nắp bồn đảo đều lên một lần cho cá ngấm. Sau đó để ủ thêm 3 tuần nữa là dùng được.

Mỗi lít dung dịch phân cá sẽ được hòa tan vào 100 lít nước để tưới cho cây. “Cây trồng cũng như con người, phải đủ chất thì mới sinh trưởng phát triển tốt. Sử dụng phân cá cho tiêu sẽ giúp vườn cây phát triển bền vững hơn vì trong cá chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh sẽ giúp cây trồng hấp thu tốt hơn. Mặc khác việc dùng xác cá tự ủ tính ra lợi hơn nhiều vì tiết kiệm chi phí so với phân vô cơ. Trước đây tôi bón phân vô cơ tốn chừng 20 triệu đồng/ha, giờ này tốn chừng 1 triệu thôi. Tính ra lợi nhiều đó!”, anh Thành vui vẻ nói.

Đầu ra rộng mở, giá cao

Đi thăm vườn tiêu của anh Thành, chúng tôi khá ấn tượng vì hàng ngàn trụ tiêu khỏe mạnh, xanh tốt, đều răm rắp bám vào thân cây keo vươn cao tới 6-7m, đường kính thân cây tiêu rộng hơn 1 mét, 2 người ôm không xuể. Cả vườn tiêu trong giai đoạn kinh doanh, từng chùm hạt tiêu dài, căng bóng đang thời kỳ vào mẩy. Anh Thành phấn khởi cho biết, năm trước anh thu được gần 3 tấn. Năm nay tiêu ra nhiều hơn, dự kiến sẽ thu được khoảng 4 tấn.

Theo anh Thành, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm làm ra tới đâu được đối tác thu mua hết đến đó để xuất khẩu sang Châu Âu. Trong khi giá tiêu ngoài thị trường quanh mức 70.000/kg, tiêu của gia đình anh được đối tác thu mua với giá từ 85.000 đồng/kg.

Theo anh Thành, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm làm ra tới đâu được đối tác thu mua hết đến đó để xuất khẩu sang Châu Âu. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Thành, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm làm ra tới đâu được đối tác thu mua hết đến đó để xuất khẩu sang Châu Âu. Ảnh: Trần Trung.

“Không chỉ bán giá cao, điều tôi tâm đắc nhất là sức khỏe người trồng được đảm bảo, môi trường được hưởng lợi. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở nhất hiện nay là để có chứng nhận hữu cơ, mỗi năm gia đình phải mất 1 khoản chi phí đáng kể. Hiện nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ chi phí làm chứng nhận cho các nhà  vườn sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước, đối với các tiêu chuẩn xuất khẩu mong rằng nhà nước quan tâm hơn vì chỉ có xuất khẩu mới đem lại giá trị gia tăng cao”, anh Thành thổ lộ.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch hội nông dân xã Lâm San cho biết, trước năm 2015, các hộ trồng tiêu sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học thì nay hầu hết các hộ dân đã thay đổi thói quen canh tác truyền thống bằng việc sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

“Đến nay, tỷ lệ mẫu an toàn đã tăng lên 90% và hằng năm được các nhà doanh nghiệp, HTX liên kết thu mua sản phẩm của nông dân trên 1.500 tấn, với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm từ 5.000 – 15.000 đồng/kg”, ông Trương Đình Bá nhấn mạnh.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.