Hành trình organic: Những người 'gàn' ở đất Tây Ninh

Tây Ninh nắng 'cháy da cháy thịt', ấy thế, vẫn có nhiều người con của vùng đất này trở về, giúp quê hương phát triển bằng các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Xuân Hào - Lê Bình  | 16:33 15/08/2024

Hành trình organic: Những người 'gàn' ở đất Tây Ninh

Tự động

Hành trình organic: Những người 'gàn' ở đất Tây Ninh

# Rời đại ngàn Tây Nguyên, trong hành trình khám phá phương Nam, tôi lại tiếp tục về vùng Đông Nam bộ. Thật thiếu xót nếu tôi không tìm kiếm, khám phá được những điều mới mẻ, hay ho tại vùng đất này.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện về những mô hình hay, những con người tâm huyết về nông nghiệp hữu cơ, hành trình Organic tại miền Đông Nam bộ, phóng viên Lê Bình của Chi nhánh báo NNVN tại TP.HCM cho tôi một gợi ý thật sự khác biệt: Anh nghĩ sao về những lão nông bị cho là gàn dở vì nông nghiệp hữu cơ?

Câu hỏi ấy cho tôi nhiều gợi ý, hứng thú đến lạ kỳ. Phải rồi, trong hành trìnhOrganic dọc miền đất nước, chẳng phải tôi đã gặp không ít những tâm tư về điều này của những người tâm huyết với nông nghiệp sạch. Vậy thì chuyến đi này, tôi sẽ chỉ nói về những lão nông mà người đời thường gọi họ là những lão gàn.

Chúng tôi quyết định chọn “chảo lửa” Tây Ninh là điểm dừng chân trong chuyến hành trình này. Tây Ninh mang một âm sắc rất đặc trưng của Đông Nam bộ, mảnh đất này được gọi là chảo lửa của cả nước bởi là tỉnh có số giờ nắng trong ngày khá nhiều và nền nhiệt cũng thuộc tốp cao nhất cả nước.

Miền Nam đang bước vào mùa mưa nhưng Tây Ninh những ngày này nắng vẫn như đổ lửa. Người ta vẫn bảo, Tây Ninh nắng “cháy da cháy thịt”, mồ hôi chưa kịp chảy đã vội bốc hơi. Chẳng thế, nhiều người có vẻ ngao ngán khi đến Tây Ninh để tham quan, du lịch tâm linh chứ đừng nói chọn Tây Ninh để trở về lối sống thuận thiên. Ấy thế, vẫn có nhiều người con của vùng đất này đã tha phương cầu thực nhưng về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” để sống dựa vào quê hương, giúp quê hương phát triển.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi tại vườn sầu riêng ở ấp Sóm Suối, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng. Tiếp chuyện và dẫn chúng tôi đi vườn sầu riêng rộng 26ha của mình, anh Huỳnh Văn Quới cho chúng tôi hiểu rõ hơn nhiều triết lí của nông nghiệp hữu cơ.

Với cấu trúc đất sét pha cát và cao lanh, nắng thì cứng như mặt sân bóng đá, mà mưa thì đất giữ nước gây ngập úng như ao tù. Thế nên, từ bao đời, vùng đất thị xã Trảng Bàng chỉ phù hợp với cao su, hoa màu ngắn ngày như đậu phộng. Khi thấy đưa sầu riêng về trồng trên đất này, nhiều người cho rằng anh bị thần kinh. Vốn dĩ là một bác sĩ chuyên ngành hô hấp, anh Quới đã kiên trì thuần phục được cấu trúc đất tại đây, bắt chúng ‘đẻ ra vàng’.

Băng ông Huỳnh Quới: Trên cơ sở kiến thức của ngành y, mình cũng áp dụng lần lần qua. Mình nghĩ cơ thể thực vật nó cũng giống như cơ thể con người, có thể nó hơn cả cơ thể con người. Nó sản sinh ra được H2O2, chính là cái oxy già, tự sát trùng vết thương và lành vết thương. Còn trong khi đó mình phải ra tiệm thuốc tây mình mua. Cái gì mình cảm thấy nó hơn là mình phải học. Phải chăm đất, nuôi đất rồi nuôi cái bộ rễ, nuôi cây thân cành lá thì tất cả những cái đó nó sẽ quay ngược lại cung cấp cho mình được năng suất và chất lượng sản phẩm.

Chúng tôi được chủ vườn mời thử miếng sầu riêng vàng óng, béo ngậy. Sầu riêng Huỳnh Quới không ngọt gắt và nóng rát nơi cuống họng như nhiều loại sầu riêng khác mà cảm giác ngọt thanh. Điều này khiến sầu riêng vốn dĩ đã khó lòng cưỡng lại được càng trở nên đặc biệt. Chẳng vì thế, từng trái sầu riêng của khu vườn rộng 26ha này đều được săn đón, hết sạch khi vào độ thu hoạch.

# Tạm chia tay vùng đất của sét cao lanh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về vườn dâu tằm Ba Phong của anh Nguyễn Thanh Vũ tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Vườn dâu tằm hữu cơ rộng này 2 ha với hơn 1.000 gốc, sum xuê quả với những trái chín mọng. Tây Ninh đang đổ nắng, không còn gì vui sướng hơn được dạo mát dưới những tán dâu tằm rợp bóng, thưởng thức những trái chín đen căng mọng, ngọt nước.

Giới thiệu với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Vũ cho biết, vườn dâu tằm này không chỉ phục vụ sản xuất những loại nước uống, mứt từ dâu tằm. Đây còn là địa điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách tới thăm quan, thưởng thức những quả dâu sạch.

Trước đây, ông chủ vườn dâu tằm này - anh Nguyễn Thanh Vũ có kinh nghiệm hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực phân bón, vật tư nông nghiệp của một công ty liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam. Môi trường làm việc đã giúp anh Nguyễn Thanh Vũ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với nền nông nghiệp cũng như nông dân người Nhật. Thế nên, triết lý trong canh tác thuận tự nhiên của người Nhật cũng được anh Vũ học hỏi, thuấn nhuần.

Băng dâu tằm 1: Kinh nghiệm đầu tiên là người ta sử dụng đất rất là kỹ, phải làm sao để nuôi đất, khâu này rất là khó. Đối với người Nhật thì dinh dưỡng cho đất là quan trọng. Nông nghiệp của Nhật là người ta kết hợp với thiên nhiên làm sao cho nó thuận với lại thiên nhiên mà là không có ảnh hưởng tới môi trường.

Dẫn chúng tôi thăm vườn dâu tằm hữu cơ, anh Vũ bới từng gốc dâu để khoe về tài nguyên quý giá của khu vườn. Những chú giun đất, sâu cuốn chiếu, côn trùng vẫn đang miệt mài xây dựng, bảo vệ và cải tạo môi trường đất. Chúng là chìa khóa vạn năng để mở những kho tàng dinh dưỡng bên dưới lòng đất.

Anh Vũ cho biết lý do chọn câu này canh tác chính bởi, đây là loại cây dễ trồng, ít kén đất, đồng thời còn là vị thuốc quý có nhiều tác dụng chữa bệnh. Quả của loại cây đặc hữu này ra quanh năm, chua chua ngọt ngọt, vừa ngon lại giúp thanh nhiệt giải độc tốt sức khoẻ.

Cây trồng chủ lực tại Tây Ninh gắn liền với 5 chữ M như: Mì tức cây sắn, Mãng cầu hay còn gọi là trái na, Muối ớt Tây Ninh cần nguyên liệu là trái ớt, Mủ tức cây cao su và Mía. Từ góc nhìn của kĩ sư nông nghiệp, anh Vũ nhận thấy nhiều phế phụ phẩm từ các loại cây trồng này lại trở thành tài nguyên quý giá để nuôi đất.

Băng dâu tằm 2: Tây Ninh có rất nhiều nguồn phế liệu tốt nhất hiện nay như bã mía, vỏ củ mì là những thành phần bỏ đi, nó gần như là cho không. Mình đổ cái số lượng vỏ mì rất là lớn kết hợp lượng lớn vi sinh để xử lý đúng theo cái công thức của Nhật. Mình đưa vào trong đất lượng phân hữu cơ. Tính ra một một hecta là khoảng 1.000 khối đó nhưng mà cái đó cho không à, cho nên rất là rẻ. Thành ra cái lượng đó là cái nguồn phân hữu cơ cực lớn và mình bổ sung ở trong đất.

Chính vì lựa chọn cây trồng này, thời gian đầu, anh Vũ cũng bị người dân địa phương bàn tán, đặt cho cái tên là kẻ chơi ngông, thích đi ngược lại với truyền thống của người dân Tây Ninh. Có người cũng dè bỉu, nói thẳng rằng cách làm này cũng sẽ thất bại, đốt tiền theo đất mà thôi. Những lúc đó, anh Vũ nói mình chỉ cười và tin vào một ngày sẽ thành công.

Bước qua những đàm tiếu của miệng đời, chị Trần Thị Hạnh - chủ vườn dưa lưới hữu cơ tại xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành lại có nhìn lạc quan hơn. Đó dường như là sự hi sinh thường phải có của những người tiên phong, có tâm với sức khỏe người Việt.

Băng chị Hạnh: Chuyện đó thì nó là người ta nói mà, mình đâu có cấm được người ta nói đâu. Mình sẽ làm sao để cho người ta nhìn và người ta chấp nhận cái sản phẩm của mình là mình đang làm đúng, mình đi đúng. Cái công việc nào cũng vậy hết, người tiên phong luôn là người hy sinh. Tất cả là đều mình làm bằng cái tâm của mình bỏ vào đây. Những người làm hữu cơ chắc chắn là những người họ đang đi một cái là cái tâm họ bỏ vô rất là nhiều.

Những người nông dân tại Tây Ninh đã cho tôi một chuyến đi đầy trải nghiệm. Nhưng có lẽ, chuyến đi này với tôi đầy ắp những nỗi trăn trở, nặng lòng. Họ là những kẻ tự nhận mình là gàn dở trong mắt người khác, tận tụy với từng tấc đất, cây trồng với triết lý thuận thiên. Với họ, nông nghiệp là trách nhiệm và vì sức khỏe của người Việt thêm khỏe mạnh hơn.

# Nắng chiều đã tắt, thế nhưng ông Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, Nguyễn Đình Xuân vẫn chờ chúng tôi chạy từ biên cương về. Bắt tay rồi vỗ vai chúng tôi như những người bạn lâu ngày đến thăm, ông Xuân cũng hào hứng khi biết mục đích chuyến đi này của chúng tôi tại Tây Ninh.

Trong Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra phương hướng đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, thông minh, tuần hoàn, sinh thái, bền vững.

Tây Ninh cũng là đang tăng cường, đẩy mạnh tổ chức lại phương thức sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, tăng cường liên kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ngành nông nghiệp Tây Ninh có những chính sách giúp bà con sản xuất nông nghiệp sạch có được những hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tốt nhất.

Băng GĐ Sở: Chúng tôi khuyến khích người dân sản xuất hữu cơ và có những chính sách hỗ trợ. Ví dụ như khi sản xuất những sản phẩm này thì làm cái chứng nhận này hay là phân tích mẫu đất, mẫu nước, đào tạo… Hoặc là những sản phẩm hữu cơ này nếu tham gia vào các chuỗi liên kết bán hàng chế biến thì chúng tôi cũng có những chính sách hỗ trợ cho cái sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên là cũng phải có thể nói rằng là đây là những cái bước đầu tiên vẫn còn rất là khó khăn.

# Rời vùng đất Tây Ninh cũng là lúc trăng dần ló dạng. Cái nóng vẫn còn nguyên vẹn như khởi đầu hành trình giống như sự quyết tâm của những người nông dân mà chúng tôi gặp gỡ. Cũng may rằng những sản phẩm hữu cơ của những nông dân này đang được người tiêu dùng rộng tay đón nhận. Đó là niềm vui và an ủi phần nào cho những nỗ lực, tâm huyết của những hạt nhân của nông nghiệp trách nhiệm.

Tạm biệt mảnh đất Tây Ninh đầy nắng. Mong rằng đón nhận thêm nhiều tin vui từ những người tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ tại mảnh đất này.

Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ

Tin 1

Theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt 4,4 nghìn ha, chiếm hơn 2% diện tích sản xuất đất nông nghiệp của tỉnh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, quy mô đàn heo đạt hữu cơ và hướng hữu cơ trên 10 nghìn con; đàn gia cầm trên 507 nghìn con; đàn bò trên 1 nghìn con; đàn dê 1,7 nghìn con. Hình thành 1 vùng thủy sản nuôi quảng canh hữu cơ theo hình thức dưới tán rừng với diện tích nuôi khoảng 400 hécta. Mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung, hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với từng ngành hàng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao gấp 1,5 – 2 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường.

Tin 2

Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An giai đoạn 2022 2024” với nguồn kinh phí từ Dự án Khuyến nông Quốc gia  được thực hiện tại 10 hộ dân tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn với quy mô 10 ha. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ từ các khâu chăm sóc thâm canh; bón phân cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách, đúng thời điểm... Đặc biệt, mô hình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học… nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 1,5-2,5 tấn/ha/lứa.

Tin 3

Theo khảo sát và đánh giá của Cục BVTV, hiện nay, bình quân chung cả nước sử dụng thuốc BVTV an toàn sinh học, thảo mộc đạt khoảng 48%, tại Bắc Giang đạt khoảng 55%. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng đạt hơn 49,3%, đây là tỷ lệ tương đối cao so với trung bình của cả nước và là tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đơn cử tại HTX Lục Ngạn xanh, huyện Lục Ngạn, HTX đã ứng dụng phương pháp ủ cá hoặc đỗ tương, thân cây chuối, hoa quả hư hỏng... để tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng. Với cách làm này, ước tính, chi phí sử dụng phân bón giảm ít nhất 20%; môi trường đất và nước ở những vùng sản xuất hữu cơ, sinh học được cải thiện rõ rệt.

Tự động

Hành trình organic: Những người 'gàn' ở đất Tây Ninh

Tây Ninh nắng 'cháy da cháy thịt', ấy thế, vẫn có nhiều người con của vùng đất này trở về, giúp quê hương phát triển bằng các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Xuân Hào - Lê Bình

Tin liên quan

Các chương trình

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Phóng sự

Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông
Phóng sự

Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.

Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông