Lấy lại vị thế cây bèo hoa dâu trên hành trình nông nghiệp hữu cơ

Trên hành trình đi tìm những phương pháp canh tác an toàn, bèo hoa dâu là một giải pháp đầy tiềm năng để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển hướng sản xuất hữu cơ.

Quỳnh Anh  | 

Lấy lại vị thế cây bèo hoa dâu trên hành trình nông nghiệp hữu cơ

Tự động

Lấy lại vị thế cây bèo hoa dâu trên hành trình nông nghiệp hữu cơ

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình nông nghiệp hữu cơ.

Thưa quý vị và bà con, trước bối xảnh xu hướng tiêu dùng trên thế giới đang chuyển dần sang các sản phẩm sạch, an toàn có trách nhiệm với môi trường thì nông nghiệp Việt Nam cũng đang từng bước chuyển mình thích ứng. Để hướng tới thực hiện các mục tiêu này, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản của nước ta đã và đang thay đổi các phương thức canh tác, chú trọng những giải pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Và trên hành trình đi tìm những phương pháp canh tác an toàn, bèo hoa dâu, loài thực vật có thể sử dụng làm phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, thay thế các chất vô cơ trong canh tác là một giải pháp đầy tiềm năng để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển hướng sản xuất hữu cơ.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu thế sản xuất chính, là giải pháp lớn để hướng tới nền nông nghiệp sạch. Tại Việt Nam, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã len lỏi ở các địa phương từ xa xưa khi chưa có sự xuất hiện của thuốc BVTV hóa học, các loại phân bón vô cơ… khi nông nghiệp còn dựa vào tự nhiên để phát triển với những phương pháp như cày lật gốc rạ, vùi phân xanh, phế phẩm nông nghiệp vào ruộng, tưới nước giải, phân chuồng, phân xanh, tro bếp, bón vôi… Hiện nay, trong xu thế phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ lại được quan tâm với những chính sách, đề án cụ thể và nhiều mô hình hiệu quả cao.

Mặc dù phát triển muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ vô cùng sôi động.

Cùng với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, Việt Nam cũng đang trong quá trình nghiên cứu, chọn tạo nguồn nguyên liệu hữu cơ cho canh tác lúa. Và bèo hoa dâu – loài thực vật thủy sinh đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, sử dụng trong nông nghiệp, công nghệ sinh học… có mặt ở nhiều  địa phương của nước ta, phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu, có tiềm năng lớn để phát triển.

Bèo hoa dâu là một trong những loài thực vật phát triển nhanh nhất trên trái đất với khả năng tăng gấp đôi sinh khối chỉ trong 2 đến 3 ngày. Từ tiềm năng đó, các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng bèo hoa dâu là một trong những hướng đi để phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ bởi đó là nguồn phân xanh rất tốt. TS. La Nguyễn, Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa, Bộ NN-PTNT chia sẻ về tiềm năng của loại thực vật thủy sinh này.

Băng

MC 2

Tại Việt Nam, bèo hoa dâu không hề xa lạ, từ xa xưa, loại bèo này đã được ứng dụng trong canh tác lúa. Tuy nhiên, có lẽ do sự phát triển và tiện lợi của phân bón hóa học, nguồn phân xanh đầy dinh dưỡng cho lúa này đã dần bị quên lãng. Đến nay, khi đứng trước yêu cầu phải thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu, khi các vấn đề về môi trường và sinh thái xuất hiện ở mọi nơi, bèo hoa dâu lại được nhắc tới với những tiềm năng về cải tạo đất, thay thế phân bón, chuyển hóa ni – tơ... Hiện nay, những mô hình canh tác lúa có sử dụng bèo hoa dâu đã được thử nghiệm và chứng mình được hiệu quả. Tại vựa lúa lớn nhất Đồng bằng sông Hồng, cây bèo hoa dâu đã từng rất quen thuộc với nông dân Thái Bình khi được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón cho lúa. Đến nay, bèo hoa dâu vẫn được bà con địa phương tin tưởng sử dụng như một loại phân hữu cơ giúp phục hồi đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Là một trong những hộ dân tiên phong canh tác lúa trên đồng ruộng có thả bèo hữu cơ tại Thái Bình, ông Nguyễn Đức Dụ khẳng định hiệu quả của loại thực vật này đối với sản xuất nông nghiệp.

Băng ông Nguyễn Đức Dụ

MC

Không chỉ sử dụng làm phân bón cho canh tác trồng trọt, thức ăn cho chăn nuôi, theo nghiên cứu, bèo hoa dâu còn có nhiều ý nghĩa trong y học với tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giải độc với tia xạ, bồi bổ sức khỏe và phòng ngừa điều trị ung thư… Loại thực vật này cũng đang được nghiên cứu để sản xuất dược liệu. Như vậy, bèo hoa dâu là nguyên liệu đầu vào hữu cơ với giá rất rẻ của rất nhiều ngành, lĩnh vực, từ nông nghiệp, tới dược phẩm và quản lý môi trường. Do đó, loại thực vật này cũng đang được trồng để phát triển kinh tế.

Thế nhưng để có thể phát triển, tận dụng hết giá trị của bèo hoa dâu thì vẫn còn đó nhiều thách thức. Đơn cử như việc sản xuất bèo hoa dâu với số lượng lớn đòi hỏi nhiều công sức lao động. Trong khi lực lượng sản xuất nông nghiệp chính tại nước ta lại chưa có nhiều kiến thức về việc nhân rộng và ứng dụng bèo hoa dâu. Các chương trình khuyến khích phát triển hay những cơ chế chính sách liên quan tới nội dung này cũng chưa được ban hành, cách đo và tính toán khả năng giảm phát thải khí nhà kính ở ruộng lúa có sử dụng Bèo hoa dâu vẫn chưa được phổ biến…

Song, phục hồi và phát triển bèo hoa dâu vẫn là giải pháp hữu hiệu cho quá trình canh tác theo hướng sạch, bền vững, giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng hạt gạo và đồng thời tạo thêm sinh kế cho người dân mà theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, phục hồi bèo hoa dâu chính là khởi tạo giá trị mới, là việc làm của người sản xuất nông nghiệp tử tế và cần sự hợp lực từ nhiều phía.

Băng Bộ trưởng Lê Minh Hoan

MC 1:

Vâng thưa quý vị và bà con, nhờ khả năng chuyển hóa nitơ, lưu giữ carbon, cải tạo đất, làm sạch môi trường và là loại phân bón hữu cơ có giá rẻ, bèo hoa dâu đã tạo nên một cách mạng nông nghiệp trong trồng lúa nước ở châu Á nói chung và đang từng bước khẳng định vai trò, lợi ích trên những cánh đồng của Việt Nam nói riêng. Hành trình khôi phục bèo hoa dâu vẫn còn nhiều thách thức, thế nhưng bằng sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, các đơn vị, nhà khoa học và cả những HTX, người nông dân, mong rằng, loại thực vật thủy sinh nhỏ bé mang giá trị to lớn này sẽ nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, kiến tạo giá trị bền vững cho hạt gạo Việt Nam trước những yêu cầu về canh tác hữu cơ, nông sản sạch, vì sức khỏe cộng đồng và môi trường.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con,

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, toàn thành phố hiện có 2.000ha trồng trọt hữu cơ và 10,1ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua, trung tâm tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. Các hộ dân được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ trên địa bàn thành phố.

MC 2: tin 2

Theo  Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành. Đồng Nai sẽ triển khai 10 dự án ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gồm các dự án đầu tư: sản xuất lúa hữu cơ; sản xuất rau hữu cơ; sản xuất hồ tiêu hữu cơ; sản xuất điều hữu cơ; sản xuất bưởi hữu cơ; sản xuất sầu riêng hữu cơ; sản xuất xoài hữu cơ; chăn nuôi heo hữu cơ; chăn nuôi gia cầm hữu cơ; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 có trên 1.300ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chăn nuôi hướng hữu cơ, trong đó đàn bò 290 con, đàn lợn 1.700 con, đàn gia cầm 75.000 con, đàn dê 290 con.

MC 1: tin 3

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, đề án bắt đầu được thực hiện từ năm 2022 đến cuối năm 2023, đã triển khai đồng bộ 5 hợp phần. Trong 2 năm, 2022-2023, đề án đã nâng cao năng lực thông qua các đợt triển khai, tập huấn cho hàng trăm thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ tham gia sản xuất hữu cơ; tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ các cấp, 148 lớp tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp với 2.960 lượt người tham dự; tổ chức tham quan, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Long và Bến Tre; tổ chức 6 lớp tập huấn ủ phân hữu cơ cho thành viên tham gia mô hình sản xuất hữu cơ…

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Lấy lại vị thế cây bèo hoa dâu trên hành trình nông nghiệp hữu cơ

Trên hành trình đi tìm những phương pháp canh tác an toàn, bèo hoa dâu là một giải pháp đầy tiềm năng để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển hướng sản xuất hữu cơ.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Khơi thông các nguồn lực quốc tế cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Phóng sự

Dù nhận được sự ủng hộ lớn nhưng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đang gặp phải một số vướng mắc trong quá trình huy động nguồn lực.

Khơi thông các nguồn lực quốc tế cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Có thủy lợi tốt giúp nông dân Tam Nông cải thiện năng suất cây trồng
Phóng sự

Các công trình thủy lợi không chỉ giúp cải thiện năng suất cây trồng mà còn đảm bảo an toàn lương thực và sinh kế cho người dân địa phương.

Có thủy lợi tốt giúp nông dân Tam Nông cải thiện năng suất cây trồng