| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc

Đạm cá hữu cơ cải tạo đất đồi

Thứ Năm 15/08/2024 , 07:00 (GMT+7)

GIA LAI Tự ủ đạm cá hữu cơ để bón cho cây trồng, không ít nông dân ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã làm giàu trên chính những vùng đồi quê hương mình.

Bổi bổ đất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Ở tổ dân phố 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, Gia Lai), gia đình ông Đặng Thanh Vân có trang trại rộng hơn 3ha trồng cà phê, ổi, nhãn, dừa… Trước đó, cũng như hầu hết nông dân nơi đây, gia đình ông hầu như chỉ biết đến các loại phân bón vô cơ để bón cho vườn cây, khi có sâu bệnh thì xả láng dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Vườn cây ăn quả của ông Đặng Thanh Vân (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, Gia Lai) luôn phát triển rất khỏe nhờ được bón đạm cá. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn cây ăn quả của ông Đặng Thanh Vân (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, Gia Lai) luôn phát triển rất khỏe nhờ được bón đạm cá. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Thời gian đầu cây phát triển rất nhanh. Tuy nhiên chỉ mấy năm sau, đất bị “ngộ độc” vì phải “ăn” một lượng lớn phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật chứa nhiều hóa chất độc hại. Theo đó vườn cây xuống cấp rất nhanh, năng suất giảm rõ rệt theo từng năm. “Không chỉ đất và vườn cây bị ‘ngộ độc’ vì phân, thuốc hóa học, mà sức khỏe con người chắc chắn cũng bị ảnh hưởng do phải thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại’, ông Vân nói.

Nhận thức được điều trên, ông Vân bắt đầu mày mò tìm hiểu trên sách báo, đồng thời đi học hỏi kinh nghiệm từ những hộ gia đình đã tự sản xuất phân hữu cơ để bón cho vườn cây trước đó. Cuối cùng, ông cũng đã tự biết cách ủ đạm cá, làm ra chế phẩm sinh học để bón cho vườn cây của gia đình.

“Diện tích đất canh tác của gia đình tôi nằm dưới chân núi, có độ dốc nên bề mặt thường xuyên bị rửa trôi. Vùng đất này toàn sỏi đá chứ không màu mỡ như những nơi khác. Do vậy tôi đặc biệt chú trọng bón phân hữu cơ để cải thiện chất lượng đất, đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý cho cây trồng”, ông Vân cho biết. Ngoài việc sử dụng phân chuồng ủ hoai, ông Vân còn mua đạm cá về tự ủ trong những chiếc thùng phuy to, cho ra chế phẩm sinh học để bón cho vườn cây.

Cũng theo ông Vân thì sử dụng đạm cá có rất nhiều lợi ích. Trước tiên giúp cân bằng độ pH cho đất, tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật phát triển, mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững, vườn cây ăn quả của gia đình ông luôn phát triển xanh tốt vượt trội. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 800 triệu đồng từ vườn cây.

Vườn sầu riêng trĩu quả của ông Phan Văn Chạo ở thôn 2, xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) được bón đạm cá hữu cơ. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn sầu riêng trĩu quả của ông Phan Văn Chạo ở thôn 2, xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) được bón đạm cá hữu cơ. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Với cách tự ủ đạm cá làm phân bón, gia đình ông Vân đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với trước đó. So với các loại phân khác, cây trồng được bón thêm phân cá trở nên tươi tốt, cho nhiều trái và ít khi bị sâu bệnh. Mô hình sản xuất, chăm bón cây trồng bằng đạm cá tự ủ của gia đình ông đang thu hút nhiều nhà nông tới tham quan, học tập...

Ở thôn 2, xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh), gia đình ông Phan Văn Chạo sở hữu 6ha cà phê xen canh các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, chôm chôm… Những năm trước đây, ông Chạo thường dùng các loại phân vô cơ để bón cho cây trồng nên chi phí đầu tư lớn. Năm 2022, sau khi được biết về ứng dụng công nghệ sinh học bằng cách tự ủ đạm cá làm phân vi sinh, gia đình ông dần chuyển sang sử dụng loại phân bón hữu cơ này để bón thêm cho vườn cây.

Ông Chạo cho biết: “Là người có niềm đam mê với cây cà phê, tôi luôn tìm tòi, học hỏi các phương thức sản xuất tiên tiến nhất để áp dụng, đặc biệt là các phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Từ khi sử dụng thêm đạm cá tự ủ, vườn cây của gia đình luôn xanh tốt và cho năng suất cao, 6ha cây trồng các loại cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm”.

Việc tự ủ đạm cá đã giúp đất được bồi bổ, cây phát triển khỏe, tiết kiệm được chi phí. Ảnh: Đăng Lâm.

Việc tự ủ đạm cá đã giúp đất được bồi bổ, cây phát triển khỏe, tiết kiệm được chi phí. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo ông Chạo, ban đầu, ông học hỏi cách ủ đạm cá từ các hội thảo, tập huấn và tìm hiểu thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, ông mua một số thùng nhựa lớn để tự sản xuất phân cá vi sinh. Sau đó mua phế phẩm các loại cá tươi từ chợ và tiến hành ngâm ủ kết hợp với Humic cùng trứng, chuối… Một tháng sau, mang đạm cá ra pha với nước với liều lượng thích hợp để bón cho cây trồng. “Trong cá chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh sẽ giúp cây trồng hấp thu tốt hơn. Bên cạnh đó, nó còn giúp đất màu mỡ, tơi xốp”, ông Chạo nhận xét.

Đất khỏe, cây khỏe, môi trường sạch

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh, ông Võ Xuân Bảo cho biết, sau khi hội phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn cho hội viên về phương pháp ủ đạm cá hữu cơ, một số hộ nông dân trên địa bàn đã tự ủ đạm cá bón cho cây trồng. Phương pháp này mang lại rất nhiều lợi ích như cải tạo độ phì của đất, giúp phát triển tốt hệ sinh vật trong đất, làm đất tơi xốp... Theo đó, vườn cây phát triển tốt, sinh trưởng khỏe, đồng thời hạn chế được nguồn sâu bệnh.

Nông dân ở huyện Chư Păh (Gia Lai) ngày càng có ý thức trong việc canh tác bền vững. Ảnh: Đăng Lâm.

Nông dân ở huyện Chư Păh (Gia Lai) ngày càng có ý thức trong việc canh tác bền vững. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

“Qua đánh giá của các nhà vườn, việc tự ủ đạm cá làm phân bón hữu cơ đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho vườn cây, cụ thể như giảm chi phí phân bón mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng tốt hơn nhờ không có tồn dư của hóa chất từ phân bón vô cơ”, ông Bảo chia sẻ.

Cũng theo ông Bảo, ngoài việc tự ủ đạm cá làm phân bón, nhiều hộ nông dân còn biết biến chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành phân bón cho cây trồng, đặc biệt là sản xuất phân bón hữu cơ từ trùn quế và sâu canxi. “Đây là xu hướng làm nông nghiệp thông minh, giúp vườn cây phát triển khỏe và bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, giảm được chi phí đầu tư phân bón, cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Bảo khẳng định.

Bài liên quan

Công ty TNHH Ánh Dương Tây Nguyên là một trong rất nhiều đơn vị luôn đồng hành với nông dân Tây Nguyên, đặc biệt là trong lĩnh vực canh tác nông nghiệp bền vững. Nhận thức được những lợi ích to lớn mang lại từ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, đơn vị đã hướng dẫn bà con nông dân trong vùng biết cách tự làm ra những sản phẩm phân bón hữu cơ để bón cho vườn cây của gia đình.

Anh Nguyễn Công Hoàng Gia, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Tây Nguyên cho biết: “Với những vùng đất gò đồi thường xuyên bị rửa trôi, việc sử dụng các chế phẩm sinh học làm phân bón không chỉ tiết kiệm chi phí, cải tạo môi trường mà còn giúp phân bón thấm lâu trong đất, theo đó vườn cây phát triển bền bỉ hơn”.

Ông Đặng Thanh Vân với những can đạm cá tự ủ để bón cho vườn cây. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Đặng Thanh Vân với những can đạm cá tự ủ để bón cho vườn cây. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Cũng theo anh Gia, ủ đạm cá với chế phẩm vi sinh ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong canh tác nông nghiệp. Hiện có rất nhiều cách ủ đạm cá đơn giản, cho hiệu quả cao mà bà con có thể áp dụng. Một số phương pháp tiêu biểu có thể kể đến như ủ phân cá với chế phẩm Emgro (EM gốc); ủ phân cá với men ủ Emzeo; ủ kết hợp Humic với cá, trứng, sữa, chuối…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh, ông Võ Xuân Bảo cho biết, việc bà con biết cách tự ủ đạm cá làm phân bón cho vườn cây là một bước tiến mới, làm thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cải tạo môi trường, đặc biệt là đối với những vùng đất gò đồi ở địa phương. “Đơn vị sẽ phối hợp cùng các địa phương, các ngành liên quan khuyến khích bà con phát triển, nhân rộng mô hình này”, ông Bảo khẳng định.

Anh Nguyễn Công Hoàng Gia cho biết: “Đạm cá đang trở thành một trong những loại phân hữu cơ được khuyến khích sử dụng nhiều nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Theo đó, tăng cường sử dụng đạm cá sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm độc đất trồng, giảm ô nhiễm nguồn nước, không khí, từ đó đảm bảo môi trường sống và giúp cây trồng phát triển tốt nhất”.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.