Hạt muối mặn, nghề muối đắng và nỗ lực vực dậy nét văn hóa dân tộc
Sự xuất hiện của nhiều loại gia vị phụ gia khác trên thị trường cùng nhiều khó khăn trong thu hút lao động khiến nghề muối cứ thế lao đao, đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư đúng mức hơn để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Quỳnh Anh | 06:51 25/07/2023
Hạt muối mặn, nghề muối đắng và nỗ lực vực dậy nét văn hóa dân tộc
MC 1:
Tay nâng chén muối đĩa gừng,
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau.
Thưa quý vị và bà con, tự bao đời nay, trong văn hóa dân tộc Việt Nam ta, muối là một loại gia vị không thể thiếu. Khắp mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S thân thương này, tỏa sáng giữa nét văn hóa ẩm thực phong phú, hạt muối tuy nhỏ bé nhưng lại chính là trung tâm tạo nên hương vị đặc trưng, ấn tượng của nền ẩm thực thuần Việt. Không chỉ sản phẩm muối, nghề làm muối cũng là nghề truyền thống ở nhiều địa phương ven biển nước ta, là sinh kế đời này qua đời khác của bà con. Và muối cũng đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ trong thơ ca, hình ảnh những cánh đồng muốitrắng của Việt Nam còn gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế bởi vẻ đẹp bình yên, mộc mạc rồi từ đó, tạo nên những Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với hồn cốt dân tộc. Giá trị văn hóa cao là vậy, thế nhưng ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại gia vị phụ gia khác trên thị trường khiến nghề làm muối và sản phẩm muối cứ thế lao đao. Thực trạng này đòi hỏi những chính sách, sự đầu tư xứng đáng hơn để nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc có thể tồn tại và phát triển bền vững.
MC 2:
Vâng thưa quý vị, Việt Nam ta là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối do sở hữu bờ biển dài trên 3.200 km và bức xạ nhiệt cao. Muối lại là mặt hàng thiết yếu đối với xã hội và con người. Và trong cuộc sống hiện nay, muối không chỉ dùng để ăn, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm mà còn dùng trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp hoá chất và một số ngành khác. Nghề muối tại nước ta là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, muối có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, thu hút và tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn diêm dân. Còn hiện nay, sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối là ngành kinh tế đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho khoảng 21.000 diêm dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, xã hội nông thôn vùng duyên hải của Việt Nam.
Bằng nhiều sự nỗ lực, Việt Nam nổi tiếng có nhiều vựa muối lớn như Sa Huỳnh, Cà Ná, Hải Hậu, Hòn Khói… và bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất muối công nghiệp tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên trong những năm gần đây, diện tích sản xuất và sản lượng muối của nước ta suy giảm đáng kể, nghề làm muối đứng trước nhiều thách thức lớn. Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chỉ rõ:
Băng 1
MC 2
Bên cạnh những tồn tại vừa được đưa ra thì một thực trạng đáng suy ngẫm nữa là hiện nay, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu từ 400.000 - 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi muối nội địa tồn kho vẫn nhiều, giá lại thấp. Và cứ thế nghề làm muối vừa “mặn” vừa “đắng” đã và đang đứng trước tình cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Nhiều bạn trẻ chỉ tìm về với đồng muối quê hương khi không còn lựa chọn công việc nào khác. Nhiều diêm dân đã bỏ nghề, doanh nghiệp ngành muối chật vật tìm hướng đi để tồn tại.
Thêm vào đó, mặc dù sản phẩm muối của Việt Nam được sản xuất theo những phương thức khách nhau, địa bàn, thổ nhưỡng khác nhau dẫn tới sản phẩm sản xuất ra khác nhau, giá trị khác nhau nhưng lại chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về các loại sản phẩm để đưa ra phân khúc thị trường khiến cho đa phần các sản phẩm muối thực phẩm được bán ra không có sự khác biệt nhiều về giá trị, không phân biệt rõ đâu là sản phẩm muối phơi cát, muối phơi nước phân tán, muối công nghiệp và muối sản xuất quy mô công nghiệp nên không khuyến khích được những địa phương sản xuất được muối có giá trị cao.
Đối với các doanh nghiệp, hệ thống kho bãi để bảo quản, tích trữ hàng, ổn định về giá cũng vẫn là bài toán khó. Trước những thách thức như vậy, người dân và doanh nghiệp cũng như hiệp hội sản xuất muối đang mong chờ điều gì nhất, ông Hồ Xuân Vinh – Giám đốc Công ty TNHH ABACA Việt Nam, Trưởng ban sáng lập hiệp hội nghề muối thủ công huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An chia sẻ:
Băng 2
MC 2
Hạt muối dù nhỏ nhưng là thứ không thể thiếu. Song hình ảnh lác đác một vài diêm dân lẻ loi đang cặm cụi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời giữa những cánh đồng muối trắng rộng mênh mông giờ đây lại có gì đó nao lòng. Thực trạng và những mong muốn từ phía bà con sản xuất muối cho thấy rằng, chúng ta cần có sự quan tâm sâu sắc và sự đầu tư đúng mức hơn để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của biết bao hộ gia đình ven biển, để xứng đáng với tiềm năng của một đất nước có tài nguyên đa dạng, xứng đáng với tâm huyết của 21.000 diêm dân vẫn đang bám trụ với nghề. Để cánh đồng muối trắng không chỉ đẹp ở trong thơ, ca, nhạc, họa mà còn mang lại những giá trị bền vững cho người dân.
Nhận thấy những tiềm năng và giá trị mà nghề làm muối đem lại cũng như thấu hiểu nỗi “mặn”, “đắng” của người làm muối, Chính phủ và Bộ NN-PTNT, đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp của lĩnh vực này cũng đã và đang nghiên cứu nhiều chính sách để vực dậy nghề làm muối Việt Nam. Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030 cũng đang được triển khai và bước đầu tiếp cận tới những lợi ích cho người sản xuất. Và để ngành muối phát triển bền vững hơn, đề những cánh đồng muối có thể mang lại sự trù phú, để giá trị văn hóa của dân tộc mãi là điểm sáng giữa những trang sử vẻ vang, Thứ tưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trên hết, chúng ta cần đầu tư nguồn lực nâng tầm ngành muốn thành ngành hàng chủ lực.
Băng Thứ trưởng Nam
MC 1:
Vâng thưa quý vị, dù vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ nhưng qua những chia sẻ vừa rồi có thể thấy rằng các đơn vị quản lý nhà nước đã và đang thực sự quan tâm đến những vấn đề mà ngành nghề truyền thống này gặp phải, các doanh nghiệp cũng đang có nhiều nỗ lực để sản xuất tốt hơn và nhiều định hướng để đầu tư phát triển nghề muối đã được đề ra. Mong rằng, sẽ sớm thôi, các bạn trẻ không chỉ tìm đến nghề muối như một lựa chọn sau cùng, diêm dân sẽ không phải bỏ nghề và hình ảnh những cánh đồng muối trắng của Việt Nam sẽ xuất hiện với công nghệ hiện đại hơn, hạ tầng nâng cấp hơn, mãi là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất.
Mc 2:
Bây giờ sẽ là những tin vắn về hoạt động đầu tư nông nghiệp diễn ra trên cả nước.
MC 1:
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đến 2025, tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước bao gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP.Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang, để bổ trợ cho TP.Cần Thơ thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng; xây dựng 7 trung tâm đầu mối có chức năng thu gom, phân loại, chế biến nông sản. Cụ thể là 2 trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng sinh thái nước ngọt; 3 trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với thủy sản; 2 trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với trái cây, rau màu.
MC 2:
Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc vừa tổ chức Lễ khởi công Dự án thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với mức kinh phí 3,1 triệu USD, được triển khai trong thời gian từ 2022-2025. Dự án nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến dưới sự đào tạo của các chuyên gia Hàn Quốc cho cán bộ và người nông dân Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Dự án lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
MC 1:
Theo báo cáo của Thành phố Đà Nẵng, hiện nay Thành phố đã quy hoạch phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng gần 3000ha. Về tình hình thu hút đầu tư, theo UBND TP.Đà Nẵng, đến nay đã có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, diện tích 65,9 ha. Đối với 3 vùng này, TP.Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương dùng nguồn ngân sách thành phố đề đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào dự án và không thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng.
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc chương trình Đầu tư nông nghiệp của Nông nghiệp radio hôm nay, xin cảm ơn sự để tâm theo dõi của quý vị và bà con.
Hạt muối mặn, nghề muối đắng và nỗ lực vực dậy nét văn hóa dân tộc
Sự xuất hiện của nhiều loại gia vị phụ gia khác trên thị trường cùng nhiều khó khăn trong thu hút lao động khiến nghề muối cứ thế lao đao, đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư đúng mức hơn để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.