| Hotline: 0983.970.780

Nghĩ lớn cho hạt muối nhỏ

Thứ Năm 13/07/2023 , 18:18 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến khích 'mơ lớn, mơ một bức tranh toàn diện; tích hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật, du lịch, văn hóa vào giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu cạnh tranh cho muối Việt Nam trên thị trường toàn cầu'.

Cuộc họp về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối diễn ra ngày 12/7 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cuộc họp về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối diễn ra ngày 12/7 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 13/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối và triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030. Tham gia cuộc họp có lãnh đạo Bộ, chủ doanh nghiệp ngành muối, đại diện các tổ chức quốc tế và chuyên gia.

Diện tích giảm, thu nhập thấp, diêm dân bỏ nghề

Nghề muối truyền thống tại Việt Nam có lịch sử lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Kể từ năm 1955, ngành muối chính thức trở thành một ngành kinh tế quốc dân độc lập. Hạt muối tưởng chừng nhỏ bé song để làm ra một hạt muối lại là cả một quá trình kỳ công, nhọc nhằn với mồ hôi lẫn nước mắt của diêm dân.

Báo cáo về thực trạng phát triển ngành muối, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết, Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối do sở hữu bờ biển dài trên 3.200 km với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất muối. 

Tuy nhận được sự quan tâm, đầu tư từ Chính phủ và doanh nghiệp, hiện nay ngành sản xuất, chế biến muối gặp nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng chưa tổng thể, toàn diện; diện tích khai thác muối giảm trầm trọng, xuống cấp do không được quy hoạch, bị biển xâm lấn; thiếu các hợp tác xã diêm dân; hệ thống quản lý còn nhiều hạn chế; cạnh tranh nhập khẩu; tác động biến đổi khí hậu…

Do đó, ngành muối đang thu hẹp về quy mô và sản lượng (nguồn cung trong nước giảm từ xấp xỉ 1 triệu tấn năm 2019 xuống còn dưới 700.000 tấn năm 2022), diêm dân bỏ nghề do thu nhập thấp, các mặt hàng muối của Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một số sản phẩm muối Việt Nam, trong đó có kẹo muối, rau xanh được muối khoáng nuôi dưỡng... Ảnh: Quỳnh Chi.

Một số sản phẩm muối Việt Nam, trong đó có kẹo muối, rau xanh được muối khoáng nuôi dưỡng... Ảnh: Quỳnh Chi.

Đưa muối trở thành ngành hàng chủ lực

Đánh giá thực trạng của ngành muối hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cuộc sống và vai trò của người làm muối chưa cân xứng với giá trị chung toàn ngành.

Thứ trưởng đề xuất định hướng nâng tầm muối trở thành ngành hàng chủ lực, rà soát lại tiêu chí phân loại “muối công nghiệp” và “muối thủ công”. Đồng thời thay đổi tư duy, nhận thức từ cán bộ đến người dân, lan tỏa văn hóa làng muối thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa (như festival, triển lãm), phát triển du lịch phục vụ ngành muối và phát huy khả năng sản xuất muối thương mại.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết hiện đang tài trợ 185 dự án phát triển bền vững tại 45 tỉnh. Bà đồng ý với định hướng xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng thời đề xuất thí điểm bảo tồn nghề muối gắn liền với truyền thống làng nghề thủ công. Mục tiêu về một hệ sinh thái muối phúc lợi sẽ được đặt vào khuôn khổ các chương trình bảo vệ an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu do UNDP Việt Nam khởi xướng.

Bà Huyền nhấn mạnh: "Quan trọng là lấy người nông dân làm gốc, cho họ thấy sức mạnh và quyền lực trong thị trường này".

Thu hoạch muối ở Bạc Liêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch muối ở Bạc Liêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về phía doanh nghiệp, các đại diện cho biết đã chủ động nghiên cứu về thị trường tiêu thụ muối và đã đạt được một số thành quả nhất định trong thời gian qua.

Từ phía thương hiệu muối dược liệu NanoSalt, ông Hồ Xuân Vinh giới thiệu đề tài khoa học về công nghệ chế biến sâu muối. Công trình này cho ra đời các sản phẩm lấy sức khỏe người tiêu dùng làm trung tâm, như muối không iot cho người bị tuyến giáp, giảm mặn cho người cao huyết áp… Tuy vậy, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi thiếu cơ sở chế biến và kho bảo quản.

Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến muối Hồng Dương hiện sở hữu 3 nhà máy hoạt động ổn định và cung cấp tổng sản lượng 200.000 tấn muối. Nhưng doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn về trang thiết bị máy móc khi ngân hàng không cho vay thế chấp thiết bị đặc thù. Hơn nữa, do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng giảm nhiều, muối sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài, không tạo ra lợi nhuận lớn.

Từ phía Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Agritech Việt Nam, ông Lục Mạnh Tùng trình bày về quá trình làm việc với đoàn chuyên gia người Pháp. Ông nhận định Việt Nam cần tối ưu hóa, định vị phân khúc thị trường muối thủ công sao cho độc lập và tách biệt với chuỗi sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, ông Tùng cho biết hiện Agritech đang xây dựng dự án 3 giai đoạn, phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT để chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng kho muối, bộ chỉ dẫn địa lý, đặc biệt lấy người nông dân làm gốc.

Diêm dân đau đáu giữ nghề

Tuy có tầm nhìn bao quát, tổng thể là vậy nhưng doanh nghiệp muối hiện thiếu liên kết, chưa tạo được cơ chế phối hợp với người nông dân. Lợi nhuận chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, mạng lưới sản xuất, chế biến còn rời rạc nên diêm dân không được hưởng lợi.

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh chia sẻ góc nhìn chuyên môn từ những chuyến đi về vùng khai thác muối. Bà kể chuyện ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), khi chính quyền xuống giải tỏa đồng muối thì người dân mới nhận ra sự quý giá của hạt muối, chứa đựng lịch sử hàng trăm năm. Bà tâm huyết và trăn trở với nghề muối truyền thống, trân trọng công lao của các hộ nhỏ sản xuất muối sạch, thủ công.

Nữ tiến sĩ nhận định, người nông dân đang thiếu nhiều thông tin về kỹ thuật hay bối cảnh phát triển nghề muối trên thế giới. Không được cung cấp góc nhìn toàn diện, khó có thể phát huy lợi thế đường bở biển dài, điều kiện tự nhiên (hệ sinh thái nước, đất đai, không khí). Không có kỹ thuật, khó có thể đa dạng hóa sản phẩm muối như chế biến mỹ phẩm, dược liệu, thức ăn. Không có tiếp cận hợp lý, khó có thể đảm bảo sinh kế, sức khỏe cộng đồng, bảo tồn tài nguyên muối quý giá.

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh kể câu chuyện về muối. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh kể câu chuyện về muối. Ảnh: Quỳnh Chi.

Muối là tài nguyên, di sản phi vật thể

Có lẽ các nỗ lực phát triển kinh tế đã bỏ qua giá trị cao nhất của hạt muối, đó là hương vị chứa đựng hồn của đất vàng biển bạc. Hạt muối là biểu tượng cho những bàn tay lao động miệt mài, những tấm lưng chịu nắng chịu gió đã đi sâu vào lịch sử, tâm linh, tiềm thức, thơ ca của người Việt.

Hình ảnh những cánh đồng muối trắng đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế bởi vẻ đẹp bình yên, mộc mạc, tạo nên những Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với hồn cốt dân tộc. Đâu rồi những giá trị này trong sản phẩm muối Việt Nam?

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bồi hồi nhắc về hương vị quê nhà, hồi tưởng về đặc sản gia truyền làm mắm, làm muối Tây Nam bộ. Tuy vậy, muối Bạc Liêu được công nhận là di sản mà không mấy ai biết, không tạo ra niềm tự hào cho địa phương. Bộ trưởng khẳng định, không được để mai một nghề truyền thống; tài nguyên muối phong phú, rộng mở, không thể để hệ thống quản lý đơn ngành làm rào cản cho phát triển kinh tế đa giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về giá trị tinh thần, văn hóa của hương vị muối. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về giá trị tinh thần, văn hóa của hương vị muối. Ảnh: Quỳnh Chi.

Định hướng cho tương lai ngành muối, Bộ trưởng khuyến khích các lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp “mơ lớn, mơ một bức tranh toàn diện và theo đuổi tầm nhìn đó; tích hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật, du lịch, văn hóa vào giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu cạnh tranh cho muối Việt Nam trên thị trường toàn cầu".

Đồng thời nhắc nhở việc nghiên cứu vòng tuần hoàn của sản phẩm muối trong “nền công nghiệp xanh lam” cần xuất phát từ triết lý, tinh hoa của hương vị.

Trong đó, giá trị dinh dưỡng của muối cần được khai thác triệt để. Cách tiếp cận đa ngành là không bán sản phẩm muối mà bán giá trị dinh dưỡng, kết nối với mục tiêu của Liên hợp quốc về an ninh lương thực - thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng. Như vậy, truyền thông về muối là củng cố giá trị dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe người dùng, từ đó đảm bảo sinh kế cho người nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị ban lãnh đạo, đầu tiên thành lập một hiệp hội về muối và dinh dưỡng. Sau đó củng cố hợp tác xã, mời doanh nghiệp cơ khí về địa phương nghiên cứu, đề xuất mô hình giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Đặc biệt cần đặt mục tiêu dài hạn, thay đổi nhận thức xã hội, hướng tới giá trị bền vững, cốt lõi từ niềm tự hào về hương vị quê hương. Có vậy nghề muối mới phát huy được tinh hoa dân tộc chứa đựng trong từng hạt muối di sản.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.