Đưa bèo hoa dâu trở về với đồng ruộng. Xây dựng thương hiệu trà nấm Vân Chi túi lọc. Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Đảm bảo nguồn cát phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đưa bèo hoa dâu trở về với đồng ruộng
Thảo Phương sx
Phát biểu tại Hội thảo “Bèo hoa dâu: Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám Đốc HTX Vân Hội Xanh cho biết, đất trồng lúa nước có thả bèo hoa dâu phát thải khí CH4 bằng 2/3 lượng CH4 phát thải trên đất lúa không thả bèo. Việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón sinh học tạo được nguồn lúa gạo phát thải thấp với số lượng lớn, tạo cơ hội cạnh tranh lớn cho việc xuất khẩu gạo.
Chính vì vậy việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón hữu cơ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là vấn đề chính sách, chưa có chương trình khuyến khích phát triển bèo hoa dâu, nhu cầu ứng dụng bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp chưa phổ biến.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay thế giới đang đi theo hướng nền nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp hữu cơ, chúng ta sẽ không đánh đổi môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng lấy sản lượng. Việc sử dụng bèo hoa dâu sẽ giúp giảm thải phân bón hóa học trong phân bón hóa học, tiết kiệm chi phí, trong tương lai để người nông dân hiểu được và đưa bèo hoa dâu trở về với đồng ruộng.
Xây dựng thương hiệu trà nấm Vân Chi túi lọc
Tâm Phùng sản xuất
Nấm vân chi là loại dược quý, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người và có giá trị cao trên thị trường. Từ tháng 8/2023, Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh có trụ sở tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã thực hiện mô hình trồng thử nghiệm và chế biến trà nấm vân chi túi lọc.
Đơn vị đã sản xuất và nuôi trồng 18.000 bịch nấm vân chi và thu hoạch được 450kg nấm vân chi khô thương phẩm. Lượng nấm khô này qua hệ thống dây chuyền công nghệ cao để chế biến thành 7.200 hộp trà nấm vân chi túi lọc, loại 60 gram.
Sau thực hiện thành công mô hình, HTX Tuấn Linh tiếp tục xây dựng thương hiệu trà nấm Vân Chi túi lọc. Cùng với đó, mở rộng quy mô sản xuất và hướng đến thị trường nước ngoài.
Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất
Minh Sáng sản xuất
Khảo sát năng lực quy hoạch, xây dựng và khai thác một số công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đánh giá, các công trình thủy lợi đã giúp vùng đất thiếu mưa, thừa nắng ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh.
Trong đó, công trình thủy lợi hồ Sông Quao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc là minh chứng rõ nét về hiệu quả khi quy hoạch và thực hiện phát triển phù hợp.
Theo thiết kế công trình chỉ cung cấp nước tưới cho hơn 8.120 ha đất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Bắc, nhưng nhờ có sự điều chỉnh, kết nối đã giúp tăng tổng diện tích tưới toàn bộ hệ thống công trình lên 12.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết.
Từ thực tiễn trên, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam sẽ tiếp tục triển khai các dự án tại lưu vực sông Đồng Nai và các khu vực trọng điểm.
Đảm bảo nguồn cát phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Văn Vũ sản xuất
Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cho Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1, tỉnh Sóc Trăng đã giao 5 mỏ cát cho Nhà thầu theo cơ chế đặc thù.
Hiện nay, đã khai thác 1 mỏ mang kí hiệu MS05 từ ngày 30/6.
Khảo sát 2 mỏ cát trên sông Hậu mang ký hiệu MS11 và MS03, các nhà thầu nhận định, lượng cát cơ bản đảm bảo nhu cầu phục vụ san lấp dự án.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị đã được giao mỏ là Công ty Cổ phần Hải Đăng và Tổng Công ty xây dựng số 1 đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Riêng 2 mỏ cát gia hạn đã được cấp phép 1 mỏ để tiếp tục khai thác.
Về cát biển, hiện nay các Nhà thầu đang lập thủ tục để xin khai thác về san lấp đoạn tương đồng điều kiện tự nhiên.
Theo tiến độ được duyệt, Dự án phải hoàn thành công tác đắp cát nền đường trước tháng 6/2025 để kịp hoàn thành công trình trong năm 2026.