Những hồi chuông cảnh báo về suy giảm sức khỏe tài nguyên đất
Ở Việt Nam, tình trạng thoái hóa tài nguyên đất đang trở nên đáng báo động với các loại hình thoái hóa tự nhiên và cả do tác động của con người.
Trung Quân - Quỳnh Anh | 16:25 20/08/2024
Những hồi chuông cảnh báo về suy giảm sức khỏe tài nguyên đất
MC 1
Thưa quý vị và bà con, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thực tiễn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và những thói quen canh tác còn hạn chế đã khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta gặp nhiều trở ngại trong thời gian qua. Nổi bật nhất là tình trạng tài nguyên đất đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng. Theo thống kê, tác động của BĐKH đã khiến trên 11.800 nghìn ha đất bị thoái hóa, chiếm gần 36% diện tích tự nhiên trên cả nước, với các loại hình thoái hoá đất như bị suy giảm độ phì, xói mòn, khô hạn, hoang mạc, sa mạc hoá; đất bị kết von, phèn hoá, mặn hoá,… đang xảy ra trên khắp Việt Nam. Ngoài ra, việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc BVTV hóa học, canh tác liên tục trong thời gian dài cũng khiến chất lượng đất bị suy giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả trồng trọt và sức khỏe cây trồng.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, là đất nước có nền nông nghiệp còn manh mún, quá trình thâm canh tăng vụ trong sản xuất cùng với việc lạm dụng nhiều loại phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong thời gian dài ở nước ta đã khiến môi trường đất bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những tác động của biến đổi khí hậu như hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra diện rộng tại hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp ven biển, tình trạng sạt lở, lũ lụt.. cũng khiến diện tích đất cho sản xuất ngày càng bị thu hẹp, suy giảm chất lượng.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc – FAO, hằng năm, trên thế giới có khoảng 5-7 triệu ha đất bị mất khả năng sản xuất do bị thoái hóa. Theo ước tính, một phần ba diện tích đất đai trên thế giới hiện đã bị suy thoái.
Ở Việt Nam, tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động với các loại hình thoái hóa tự nhiên như hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn, hoang mạc đất nhiễm phèn và thoái hóa do tác động của con người như thâm canh, tăng vụ hoặc phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện…
Bởi những lý do vừa nêu và tính cấp thiết của vấn đề, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt xây dựng chiến lược quản lý sức khỏe đất của quốc gia liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt để trình Chính phủ ban hành. Đây là một căn cứ để Bộ NN-PTNT và các địa phương, dựa trên quy hoạch tổng thể đất sử dụng cho nông nghiệp, để có những biện pháp quản lý tốt sức khỏe đất, phục vụ sự phát triển bền vững của ngành trồng trọt. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ về phạm vi của chiến lược này:
Băng TT Hoàng Trung
Việt Nam có tới 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và nghèo chất dinh dưỡng. Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng theo cả chiều ngang và chiều sâu. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng. Đặc biệt, đối với sản xuất trồng trọt, sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, phân bón hóa học cũng đã phần nào tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng…
Không chỉ ở nước ta, sức khỏe đất đang là vấn đề được toàn thế giới quan tâm bởi đất đai là nguồn tài nguyên không thể thay thế. Và trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều cam kết quốc tế về chống sa mạc hóa, tăng trưởng xanh, giảm phát thải… khôi phục, bảo vệ sức khỏe đất là giải pháp quan trọng để nông nghiệp Việt Nam xây dựng được các mô hình sản xuất bền vững, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Theo PGS.TS. Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện thổ nhưỡng nông hóa, điều quan trọng hiện nay là cần xây dựng khung cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất để làm tham chiếu cho các địa phương và từ đó có quy định cụ thể đối với lĩnh vực này.
Băng Viện thổ nhưỡng
MC 2
Đất là nguồn tài nguyên quý giá và không thể thay thế, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm. Không những vậy, môi trường đất là nơi trú ngụ của con người và hầu hết các sinh vật cạn, là nền móng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước hồi chuông cảnh báo về sự suy giảm sức khỏe tài nguyên đất, những mô hình sản xuất mới đã ra đời và được ứng dụng tại nhiều địa phương để vừa đảm bảo canh tác hiệu quả, vừa khôi phục, bảo vệ đất sản xuất.
Tại Huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, những năm gần đây, các hộ sản xuất thanh long ruột đỏ đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang theo hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, giải pháp canh tác tiên tiến, an toàn thay thế cho các loại vật tư đầu vào hóa học. Từ đó, giúp đất trồng trở nên tơi xốp, lượng dinh dưỡng, vi sinh vật có lợi trong đất tăng lên; Sức khỏe người trồng được cải thiện; sản phẩm tạo ra đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và có giá bán luôn ở mức cao.
Vườn trồng 500 trụ thanh long ruột đỏ của Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, xã Vân Trục là một điển hình. Theo chị Thanh, khi “sức khỏe” đất được tăng lên, cây trồng sẽ trở nên khỏe mạnh, độ bền cây cao, chi phí và công chăm sóc sẽ được giảm. Năng suất trung bình của thanh long khi canh tác theo hướng hữu cơ đạt từ 25-30kg/trụ/năm. Giá bán luôn cao hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với sản phẩm canh tác thông thường.
Băng chị Nguyễn Thị Thanh
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, trước những tác động của biến đổi khí hậu và hệ quả từ quá trình canh tác lâu năm, tài nguyên đất nói chung và đất cho trồng trọt nói riêng ở Việt Nam đang bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng. Trong tiến trình kiến tạo nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và cả một phần cho quốc tế, việc đánh giá thực trạng và có giải pháp quản lý, bảo vệ sức khỏe đất là nền tảng quan trọng để có kế hoạch phát triển ngành trồng trọt hợp lý và bền vững.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động phát triển các mô hình bảo vệ thực vật, quản lý sức khỏe cây trồng, canh tác bền vững.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, Vụ lúa Thu Đông hiện nay ở Đồng Tháp đang được đẩy nhanh tiến độ và dự đoán đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành xuống giống. Đối với diện tích xuống giống sớm, thu hoạch xong bà con tranh thủ xả lũ lấy phù sa vào đồng ruộng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trên lúa Thu Đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo bà con áp dụng một số biện pháp như áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như 3 giảm 3 tăng, 1phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 50-100% DAP + 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, quản lý nước hợp lý, phân hữu cơ... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại.
MC 2:
Thời gian gần đây, một số nông dân huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đãứng dụng công nghệ sinh học để ủ đạm cá làm phân vi sinh bón cho cây trồng, góp phần giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Võ Xuân Bảo-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh-thông tin: Sau khi Hội phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn cho hội viên nông dân về phương pháp ủ đạm cá hữu cơ, một số hộ trên địa bàn huyện đã áp dụng thành công. Phương pháp này mang lại rất nhiều lợi ích như: cải tạo độ phì của đất, phát triển hệ sinh vật trong đất, làm tơi xốp nguồn đất và giúp cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh. Qua đánh giá của các nhà vườn, việc tự ủ đạm cá hữu cơ giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.
MC 1:
Bắt nguồn từ một tổ nông dân hợp tác, đến nay, HTX Nông nghiệp Đạ M’ri, Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã có 125 thành viên với 70 thành viên chính thức và 55 thành viên liên kết, diện tích sản xuất sầu riêng xấp xỉ 400 ha. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc HTX chia sẻ, hiện, hầu hết các nông hộ thành viên của HTX đều đang tiến hành canh tác sầu riêng theo hướng an toàn, định hướng sản xuất sầu riêng hữu cơ. Theo đó, trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ đòi hỏi người nông dân thay đổi quan điểm canh tác, áp dụng khoa học kĩ thuật, chú ý tới ghi chép nhật ký đồng ruộng và đặc biệt quan tâm tới sức khỏe của đất. Đất khỏe thì cây mới khỏe, đồng thời canh tác hữu cơ giúp sức khỏe người nông dân được đảm bảo. Nông dân trồng sầu riêng để mang lại đời sống kinh tế ấm no và sức khỏe cho mọi người, không chỉ đơn thuần trồng sầu riêng để mang lại kinh tế gia đình. Đó cũng là mục tiêu cao nhất, mục đích chung của tất cả thành viên HTX.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Quỳnh Anh – Trung Quân
Những hồi chuông cảnh báo về suy giảm sức khỏe tài nguyên đất
Ở Việt Nam, tình trạng thoái hóa tài nguyên đất đang trở nên đáng báo động với các loại hình thoái hóa tự nhiên và cả do tác động của con người.
Trung Quân - Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.
Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.