| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ đất trồng lúa cho tương lai

Thứ Bảy 29/06/2024 , 11:07 (GMT+7)

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá thực chất hơn việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Bởi sức khỏe đất là vấn đề nông nghiệp, không hoàn toàn là vấn đề thổ nhưỡng.

Sức khỏe đất nông nghiệp đang được báo động, đặt ra yêu cầu bảo vệ đất nông nghiệp mà cốt lõi là đất trồng lúa, cả về số lượng và chất lượng. Đây là nhiệm vụ cấp thiết hơn lúc nào (Ảnh minh họa).

Sức khỏe đất nông nghiệp đang được báo động, đặt ra yêu cầu bảo vệ đất nông nghiệp mà cốt lõi là đất trồng lúa, cả về số lượng và chất lượng. Đây là nhiệm vụ cấp thiết hơn lúc nào (Ảnh minh họa).

Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 3048/QĐ-BTNMT ngày 18/10/2023 thì diện tích đất trồng lúa cả nước hiện là 3.930.351ha, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước 3.190.965ha, diện tích lúa nước và lúa nương còn lại là 739.366ha. Trong đó, cả nước có 114.000ha đất nông nghiệp bị thoái hóa nặng, 1.655.000ha thoái hóa trung bình và 3.308.000ha bị thoái hóa nhẹ (theo kết quả điều tra, đánh giá đất trên phạm vi toàn quốc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021).

Nguyên nhân của thoái hóa đất nông nghiệp rất nhiều nhưng phải kể đến các  nguyên nhân như: giảm độ phì của đất; tập quán canh tác (ví dụ: trồng nhiều vụ trong năm); chế độ tưới chưa hợp lý (tưới bằng vòi phun, hạt lớn liên tục); che phủ chưa tốt cũng dẫn đến hậu quả đất bị rửa trôi theo bề mặt và chiều sâu; bón nhiều phân bón vô cơ, ít sử dụng phân bón hữu cơ làm đất bạc màu, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt nguyên tố trung, vi lượng, chất hữu cơ, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước[1]; lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp… rồi quá trình đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng dân số trong những năm qua.

Sức khỏe đất nông nghiệp đang được báo động, đặt ra yêu cầu bảo vệ đất nông nghiệp mà cốt lõi là đất trồng lúa, cả về số lượng và chất lượng. Đây là nhiệm vụ cấp thiết hơn lúc nào.

Bảo vệ đất trồng lúa trước hết là giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia theo đúng mục tiêu đến năm 2030 tại Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Là sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa với quy hoạch, kế hoạch chặt chẽ; là có tiêu chí phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa rõ ràng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; là quy hoạch các vùng trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, vùng trồng lúa chuyên canh, năng suất cao, chất lượng tốt; là cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất trồng lúa.

Bảo vệ đất trồng lúa còn là bảo vệ sức khỏe đất; là thay đổi thói quen canh tác, thói quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; là điều tra, đánh giá chất lượng đất trồng lúa với bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất đầy đủ, phù hợp.

Tại các Điều 55, 56, 57, 71, 72 Luật Trồng trọt đã quy định việc sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác (Ảnh minh họa).

Tại các Điều 55, 56, 57, 71, 72 Luật Trồng trọt đã quy định việc sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác (Ảnh minh họa).

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan tới bảo vệ đất trồng lúa. Trước hết, phải kể đến Luật Đất đai năm 2013 tại Điều 134 đã quy định:

(i) Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao;

(ii) Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;

(iii) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ;

Tại các Điều 55, 56, 57, 71, 72 Luật Trồng trọt đã quy định việc sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác, trong đó xác định cơ cấu cây trồng phải căn cứ vào tính chất lý, hóa học của đất, đặc tính sinh học của cây trồng, trình độ phát triển của khoa học và công nghệ; quy định cụ thể việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại; bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước; bảo vệ môi trường trong canh tác; hỗ trợ, khuyến khích cho các hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa; định kỳ đánh giá chất lượng đất để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững.

Thực thi Luật Đất đai năm 2013, Luật Trồng trọt năm 2018, các nghị định của Chính phủ như Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP; Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, bảo vệ tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa, trách nhiệm nộp một khoản tiền khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang phi nông nghiệp để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Tuy nhiên, với yêu cầu mới cần bảo vệ đất trồng lúa không chỉ bảo vệ về số lượng, diện tích mà phải bảo vệ sức khỏe đất trồng lúa. Điều này cần:

Điều tra, đánh giá chất lượng, sức khỏe đất trồng lúa

Hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định cụ thể về điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai (bao gồm cả lập bản đồ chất lượng đất, bản đồ tiềm năng đất đai; xây dựng và cập nhật dữ liệu chất lượng đất); điều tra, đánh giá thoái hóa đất; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất; quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất với chu kỳ 5 năm một lần.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm trên địa bàn; cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Tuy nhiên, tại Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai đang được xây dựng cần quy định rõ phương pháp, nội dung điều tra phù hợp với yêu cầu quản lý theo tính chất từng loại đất (trồng lúa, đất đất rừng, đất nông nghiệp…), thực hiện lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản về đất đai (số lượng, chất lượng) với lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu nói chung, cơ sở dữ liệu phục vụ sản xuất trồng trọt nói riêng.

Trong đó, ngành ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần: hoàn thiện tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng đất trồng lúa đã có để phù hợp với các mục tiêu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ngành hàng lúa gạo (bởi các TCVN về chất lượng đất nông nghiệp đã quá cũ, được biên soạn từ những năm 80 của thế kỷ XX); xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất trồng lúa trong đó cần đảm bảo phù hợp với các hướng dẫn, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế như FAOs; xây dựng dữ liệu số, bản đồ số về sức khỏe đất để tích hợp được các thông tin về chất lượng đất, khí hậu thời tiết, nước tưới tiêu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu sinh thái của cây trồng, thông tin thị trường… tạo cơ sở cho việc sử dụng hợp lý, cải tạo, bồi dưỡng chất lượng đất, nâng cao sức khỏe đất; chính quyền địa phương cần phân công rõ cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý sức khỏe đất nông nghiệp tại địa phương

Phân bổ đất trồng lúa cần rõ ràng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiêu chí vùng trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, đó có thể là vùng trồng lúa có năng suất cao, chất lượng tốt (Ảnh minh họa).

Phân bổ đất trồng lúa cần rõ ràng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiêu chí vùng trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, đó có thể là vùng trồng lúa có năng suất cao, chất lượng tốt (Ảnh minh họa).

Quy hoạch rõ diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt

Điều 65 Luật Đất đai năm 2024 đã quy định nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là phải khoanh vùng các khu vực sử dụng đất cần quản lý nghiêm ngặt, gồm: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Các nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Chính phủ cần phải thể hiện tiêu chí phân bổ đất trồng lúa rõ ràng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiêu chí vùng trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, đó có thể là vùng trồng lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, có thổ nhưỡng khí hậu phù hợp, có hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, đê điều thuận lợi cho trồng lúa, đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung gắn với quy trình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, vùng trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh từ đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại đến hỗ trợ đầu tư cho quy trình sản xuất từ giống, canh tác, quy trình sơ chế, chế biến, thương mại sản phẩm từ cây lúa. Hạn chế tới mức tối đa việc chuyển mục đích diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt sang phi nông nghiệp, đảm bảo các chính sách của Nhà nước đã và sẽ đầu tư cho kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ hiện đại tại các vùng này phát huy hiệu quả.

Đối với diện tích đất trồng lúa không thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt có thể cho phép sử dụng linh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá thực chất hơn việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa (Ảnh minh họa).

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá thực chất hơn việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa (Ảnh minh họa).

Sử dụng đất trồng lúa hiệu quả, theo hướng bảo vệ sức khỏe của đất

Chính quyền địa phương cần thực sự quan tâm đến việc quản lý, nâng cao sức khỏe đất, có chính sách đầu tư, khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác để dần thay đổi thói quen sử dụng nhiều vật tư nông nghiệp đầu vào; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần xây dựng, hoàn thiện các quy trình sản xuất, quy trình canh tác phù hợp trên các vùng đất khác nhau từ đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trên cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí vật tư đầu vào; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng, bảo vệ sức khỏe đất, quản lý dinh dưỡng cho cây trồng trong đó chú ý đến ảnh hưởng của suy thoái đất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… hướng tới nền sản xuất nông nghiệp thuận thiên, bền vững cho thế hệ tương lai.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá thực chất hơn việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Bởi sức khỏe đất là vấn đề nông nghiệp, không hoàn toàn là vấn đề thổ nhưỡng.

[1] Báo cáo hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.