Nỗ lực tiếp nước cho người dân giữa mùa hạn, mặn

Thời điểm xâm nhập mặn tăng cao, việc đảm bảo nhu cầu cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn được tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm.

Kim Anh  | 10:23 14/03/2024

Nỗ lực tiếp nước cho người dân giữa mùa hạn, mặn

Tự động

Nỗ lực tiếp nước cho người dân giữa mùa hạn, mặn

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Thủy lợi và phát triển.

Thưa quý vị và bà con, từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, độ mặn đo đạc tại các kênh đầu nguồn của tỉnh Sóc Trăng liên tục duy trì ở mức trên 1,5 phần ngàn. Với tình hình này, toàn bộ cống đầu nguồn của tỉnh buộc phải đóng hoàn toàn để ngăn mặn.

Bên cạnh những rủi ro thiệt hại đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc đảm bảo nhu cầu cấp nước sạch sinh hoạt của người dân nông thôn trong điều kiện hạn, mặn được tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm, nhất là ở những địa phương thuộc vùng có nguy cơ thiếu nước.

Sau đây, mời quý vị và bà con cùng nghe ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp radio về công tác chuẩn bị của địa phương để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt bà con trong những ngày hạn mặn tăng cao hiện nay.

MC 2:

Quý vị và bà con thân mến, như chúng tôi đã thông tin, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hiện đang là một trong “điểm nóng” của mặn xâm nhập. Vài ngày gần đây, nhân viên quản lý hệ thống cống thủy lợi tại địa phương liên tục túc trực, tranh thủ khi độ mặn giảm xuống mức cho phép, cơ quan chuyên môn chủ động mở cống lấy nước vào phục vụ cho vùng sản xuất lúa Long Phú - Tiếp Nhựt.

Thống kê sơ bộ, nắng nóng gay gắt, độ mặn tăng cao những ngày qua đã khiến gần 31ha lúa đông xuân muộn của huyện mất trắng hoàn toàn. Phần diện tích còn lại, bà con đang nỗ lực chăm sóc bằng nhiều giải pháp kết hợp. Nông dân Nguyễn Văn Tiền ở ấp Cái Đường, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú cho hay:

[Băng NGUYEN VAN TIEN]: “Nhà nước có khuyến cáo mà tại thấy giá lúa hấp dẫn quá nên bà con cũng tự phát rủ nhau làm. Nhưng giờ mặn lên cao quá không đưa nước vô được. Cũng nhờ Nhà nước xem xét hỗ trợ đưa nước vô cho bà con chứ hiện nay ruộng thiếu nước trầm trọng lắm rồi. Giờ coi như ở đây là nông dân bơm truyền với nhau để cứu lúa không đó”.

Tiếp giáp Long Phú là huyện Trần Đề, địa phương cũng có khoảng 512ha lúa đông xuân muộn, phần lớn trong giai đoạn đẻ nhánh. Theo ghi nhận thực tế, với những cánh đồng nằm gần kênh lớn vẫn còn nước để bơm tưới. Tuy nhiên, theo nhận định của bà con nông dân nơi đây, giai đoạn sau, nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thiếu nước ngọt. Bởi hiện nay các cống đầu nguồn tiếp nước cho vùng như Cống Bà Xẩm, Cái Quanh và Cái Xe đã phải đóng hoàn toàn để tránh nước mặn rò rỉ. Ông Hà Hùng Kiệt, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Đề cho biết

[Băng HA HUNG KIET]: “Bà con nông dân, những kênh râu nên đắp đập, khi có nguồn nước tốt nên bơm vào dự trữ. Đồng thời các hộ nông dân cũng nên dự trữ vào các ao hồ lớn để có khả năng tổ chức sản xuất sau này”.

Nhận định sơ bộ, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 3.000 ha lúa đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại do khô hạn, thiếu nước. Nghiêm trọng hơn, nồng độ mặn đo tại các ruộng hiện đã cao hơn độ mặn tại kênh đầu nguồn.

Bên cạnh đưa ra những khuyến cáo về mặt kỹ thuật canh tác, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn mở cống lấy nước ngay khi độ mặn ở kênh đầu nguồn đạt mức 1,5 phần ngàn, để dung hòa nguồn nước tại ruộng và trong vùng hệ thống. Ông Trầm Việt Quang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin:

[Băng TRAM VIET QUANG]: “Khi mà độ mặn giảm thấp nhất là những ngày triều thấp trong tháng thì tranh thủ vận hành lấy nước để cung cấp vào vùng dự án, phục vụ kịp thời cho bà con bơm phục vụ lúa”.

Bên cạnh công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, công tác cấp nước sạch về vùng hạn, mặn đã và đang được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khẩn trương thực hiện. Đảm bảo người dân nông thôn đều được tiếp cận với nguồn nước chất lượng, hợp vệ sinh.

Đợt hạn, mặn lịch sử của mùa khô 2015 – 2016, toàn huyện Trần Đề có trên 2.000 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Không để chuyện cũ lặp lại, trong giai đoạn hạn, mặn đang vào cao điểm, từng khối nước sạch đã được cấp kịp thời, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của bà con ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho hay:

[Băng NGUYEN THANH DUNG]: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của hạn hán và xâm nhập mặn, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình để có các giải pháp thích ứng kịp thời, nhằm đảm bảo duy trì cấp nước an toàn và bền vững cho người dân. Cụ thể là chúng tôi tiếp tục giám sát việc khai thác nước qua hệ thống giám sát online, giám sát hoạt động cấp nước của các Trạm thông qua hệ thống camera truyền dữ liệu về văn phòng giám sát điều hành IOC của Trung tâm, từ đó có giải pháp điều hòa kịp thời tại các Trạm có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn”.

Hiện nay, bất kỳ địa phương nào chưa vội để khẳng định người dân không thiếu nước sạch sử dụng. Bởi hạn, mặn được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài. Dù vậy, có thể thấy, đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện rất tốt việc đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong giai đoạn cao điểm mùa khô.

Do đó, Sóc Trăng đang khẩn trương khai nâng cấp, mở rộng 258.000 mét đường ống trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ cho 10.000 hộ tăng thêm trong giai đoạn này. Mặt khác, xây dựng 4 trạm cấp nước thuộc Dự án cấp nước ở các vùng khan hiếm nước trên địa bàn tỉnh, để sớm bao phủ mạng lưới cấp nước ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

MC 1: Thưa quý vị, với đặc thù là địa phương nằm ở vùng ven biển, hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực nhiễm mặn, rốn phèn, nhiễm mặn theo mùa nên việc chủ động nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt tại Sóc Trăng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Với những cách làm đồng bộ bám sát tình hình dự báo của thiên tai và thực tiễn đời sống của người dân, việc đảm bảo công tác thủy lợi sẽ giúp người dân địa phương cùng vượt qua ảnh hưởng của đợt hạn mặn lần này.

MC 2: Bây giờ sẽ là những tin tức liên quan tới lĩnh vực thủy lợi trên cả nước.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Từ đầu năm 2024 đến nay, nắng nóng kéo dài ở nhiều tỉnh thành khu vực Nam bộ, Tây Nguyên khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng đồng khô, người khát. Thế nhưng, tại tỉnh Tây Ninh, nhờ sớm đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, khép kín mà nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp khá dồi dào. Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước và 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu, 24 tuyến đê bao, cơ bản khép kín khu vực sản xuất nông nghiệp, giải quyết nước tưới cho khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Kể từ năm 2023, người dân thuộc vùng thụ hưởng của dự án hoàn toàn sử dụng nước canh tác bằng biện pháp tưới tự chảy, giúp tăng số vụ, lợi nhuận canh tác, đồng thời phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân...

MC 2: tin 2

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai hiện đang quản lý, khai thác 16 hồ chứa lớn cùng 18 đập dâng tại các địa phương. Theo kế hoạch, cấp nước tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2024, Công ty sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 31.587 ha cây trồng các loại.  Theo thông tin từ Công ty, đến thời điểm này mực nước tích trữ tại 16 hồ chứa hiện đang mở nước tưới phục vụ sản xuất đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới. Tuy nhiên, một số đập dâng mực nước bắt đầu suy giảm phải điều tiết tưới luân phiên. Để đảm bảo nguồn nước tưới vụ Đông xuân 2023-2024, thời gian qua, Công ty đã chủ động phối hợp cùng các địa phương mở nước theo kế hoạch sản xuất, tưới tiêu từng loại cây trồng phù hợp. Tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ sớm nhằm tránh hạn cuối vụ.

MC 1: tin 3

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Nông, 20 năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư cho hạ tầng thủy lợi tại địa phương. Toàn tỉnh hiện có 307 công trình thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hơn 82% diện tích cây trồng, tăng 52% so với năm 2004. Hạ tầng thủy lợi được hoàn thiện, đồng bộ là cơ sở để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, kỹ thuật vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng. Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp tăng gần 2 lần. Giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, tăng 7,9 lần, từ hơn 13 triệu đồng năm 2004 lên 103 triệu đồng năm 2023.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Nỗ lực tiếp nước cho người dân giữa mùa hạn, mặn

Thời điểm xâm nhập mặn tăng cao, việc đảm bảo nhu cầu cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn được tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời sự

Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'
Thời sự

Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'