Nông dân vùng cà phê làm giàu từ mô hình vườn hữu cơ
Có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây rau màu và cây công nghiệp, thời gian gần đây, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đang trở thành vựa nông sản chất lượng cao. Hình thức canh tác hữu cơ được địa phương chú trọng phát triển, vừa giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vừa bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường.
Minh Hậu | 15:23 16/08/2023
Nông dân vùng cà phê làm giàu từ mô hình vườn hữu cơ
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.
MC 1: Thưa quý vị và bà con! Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây rau màu và cây công nghiệp, thời gian gần đây, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồngđang trở thành vựa nông sản chất lượng cao. Hình thức canh tác hữu cơ vừa giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường. Nông nghiệp radio đã đến thăm mô hình cà phê hữu cơ của ông Trần Mai Bình ngụ thôn 5, xã Tân Châu, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Vượt qua các trở ngại, khó khăn, đến nay, sản phẩm cà phê hữu cơ của gia đình ông Bình được thị trường đón nhận với giá cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cà phê truyền thống, giúp gia đình ổn định nguồn thu nhập, vươn lên làm giàu.
Nhạc nền:
MC 2: Ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, gia đình ông Trần Mai Bình đang được biết đến là một trong những người tiên phong trong việc gây dựng, phát triển mô hình cà phê chất lượng cao, cà phê hữu cơ. Theo đó, gia đình ông Bình gắn bó với cây cà phê suốt hàng chục năm qua và cũng phải chịu nhiều thăng trầm do giá cả thị trường liên tục biến động. Năm 2019, nhận thấy việc phát triển cà phê theo cách làm truyền thống cho lợi nhuận thấp nên ông Bình đã tìm hiểu và quyết định chuyển hướng qua sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê hữu cơ.
Ông Trần Mai Bình chia sẻ, để sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn, xứng đáng với danh hiệu “chất lượng cao”, cà phê hữu cơ thì ngoài việc thu hái chín 100%, chế biến phải tuân thủ các quy trình, kỹ thuật… thì việc sản xuất, chăm bón cho cây trên vườn cũng là yếu tố quan trọng. Toàn bộ cây trồng đang duy trì năng suất gần 4 tấn nhân/ha và khi cắt nguồn phân bón hoá học, cắt nguồn thuốc bảo vệ thực vật khiến cây bị suy giảm, năng suất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, về sau, môi trường đất, hệ sinh thái vườn được cải thiện, cây trên vườn dần thích nghi và phát triển ổn định.
(Băng 1).
MC 2: Năm 2022, mô hình 4,5ha cà phê của gia đình ông Trần Mai Bình đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam (TCVN). Cũng theo ông Trần Mai Bình, ở mô hình cà phê hữu cơ, gia đình ông duy trì cỏ nền vườn để tạo lớp thảm thực vật giữ ẩm cho đất, tạo môi trường sống cho các vi sinh vật. Để đảm bảo dinh dưỡng cho cây và phòng trừ sâu, bệnh hại, gia đình ông Bình sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học… trong danh mục cho phép để chăm bón. Các loại phân bón mà gia đình sử dụng đã góp phần tiết kiệm một phần chi phí sản xuất so với trước đây, đặc biệt cắt giảm được chi phí về thuốc bảo vệ thực vật. Ông Trần Mai Bình thổ lộ:
(Băng 2)
MC 2: Trong mùa vụ năm 2022 vừa qua, 4,5ha cà phê hữu cơ của gia đình ông Trần Mai Bình cho thu về trên 10 tấn nhân xanh chất lượng cao. Đối với sản phẩm nhân chất lượng cao này, gia đình ông Bình bán cho đối tác là các doanh nghiệp chế biến, rang xay trong nước với mức giá 150.000 đồng/kg.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, địa phương là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh và địa phương đang khuyến khích người dân phát triển cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. Đặc biệt nhân rộng các mô hình cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Di Linh cho biết, toàn huyện có trên 45 nghìn ha cà phê với tổng sản lượng hàng năm khoảng 145 nghìn tấn và khoảng 95% cà phê của địa phương phục vụ xuất khẩu. Việc phát triển cà phê hữu cơ sẽ giúp giá trị cà phê của địa phương tăng cao.
(Băng 3).
MC 2: Cũng theo Phòng NN-TTNT huyện Di Linh, ngoài việc tổ chức hỗ trợ, xây dựng mô hình cà phê hữu cơ cho gia đình ông Trần Mai Bình, địa phương cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ trên quy mô lớn. Theo đó, huyện xây dựng kế hoạch theo Đề án nông nghiệp hữu cơ của tỉnh và theo các lộ trình hàng năm. Tuyên truyền, vận động, khuyến cáo và hỗ trợ các hộ dân phát triển mô hình. Ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Di Linh chia sẻ:
(Băng 4).
MC 1: Thưa quý vị, thưa bà con! Hiện nay, Mô hình cà phê hữu cơ mang lại nhiều giá trị, đặc biệt tạo ra nguồn thu nhập ổn định nên gia đình ông Trần Mai Bình đã cùng với các hộ dân trong vùng thành lập Hợp tác xã Hoa Linh Coffee, mở rộng vùng sản xuất cà phê hữu cơ lên 15ha. Dự kiến, đến năm 2024, Hợp tác xã Hoa Linh Coffee sẽ mở rộng liên kết, nhân rộng mô hình lên 30ha và tập trung vào đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhạc
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về Nông nghiệp hữu cơ.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế - gọi tắt là IFOAM, năm 2000 thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới chỉ đạt 18 tỷ USD, đến năm 2021 tăng mạnh lên 188 tỷ USD, và năm 2022 ước đạt 208 tỷ USD. Năm 2020, IFOAM công bố diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam khoảng gần 237.700 ha, cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sự tham gia của trên 17.000 nông dân. Các sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới. Tiềm năng và dư địa phát triển nông nghiệp hữu cơ còn rất rộng mở.
MC 2:
Nhận chuyển nhượng lại 12,5 ha diện tích đất của các hộ dân tại thôn Hương Giang, xã Đức Hương, tháng 6/2016, HTX Nông nghiệp sinh thái và Dịch vụ Vũ Sơn Đức, tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng 15 khu nhà chăn nuôi lợn nái với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Để tạo ra những dòng giống khỏe mạnh, chất lượng, HTX thuê kỹ thuật thú y có chuyên môn hỗ trợ chăm sóc đàn lợn. Quá trình chăn nuôi, HTX đặc biệt chú trọng đến công tác xử lý môi trường. Đặc biệt, từ giữa năm 2022, HTX đã đầu tư 2 trại nuôi giun quế rộng 2.000m2 để xử lý chất thải của lợn thành phân hữu cơ. Trung bình mỗi tháng, HTX Vũ Sơn Đức sản xuất ra 400 tấn phân hữu cơ không mùi, chất lượng rất tốt. Sau quá trình đầu tư theo từng giai đoạn, đến nay, đàn nái của HTX đạt 815 con, mang lại doanh thu 60 - 65 tỷ đồng/năm.
MC 1:
Huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai là nơi có vùng sản xuất nông nghiệp với tập quán canh tác truyền thống, chưa chịu nhiều tác động từ phân bón, chất bảo vệ thực vật hóa học nên có tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Do đó, địa phương đang đẩy mạnh phát triển mô hình cây ăn quả theo hướng này. Tuy nhiên, để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, người dân cần sản xuất theo các quy trình bài bản, chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt một số tiêu chuẩn của các đơn vị đánh giá. Khi làm được điều này, giá trị kinh tế từ cây ăn quả ôn đới sẽ cao hơn so với sản xuất thông thường. Hàng hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ luôn được nhiều người tiêu dùng chọn lựa dù giá cao. Quan trọng hơn cả, là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không gây hại tới sức khỏe con người.
MC1: Nội dung vừa rồi cũng kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp radio hôm nay. Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xn chào và hẹn gặp lại.
Minh Hậu
Nông dân vùng cà phê làm giàu từ mô hình vườn hữu cơ
Có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây rau màu và cây công nghiệp, thời gian gần đây, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đang trở thành vựa nông sản chất lượng cao. Hình thức canh tác hữu cơ được địa phương chú trọng phát triển, vừa giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vừa bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường.
Minh Hậu
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.