Việt Nam có 13,5 triệu tấn thóc dùng cho xuất khẩu. Ngành cá tra dự kiến xuất khẩu tỷ đô. Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đạt 190 HTX vào năm 2025. Lệ Thủy và Tập đoàn Quế Lâm hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Việt Nam có 13,5 triệu tấn thóc dùng cho xuất khẩu
Minh Phúc khai thác
Theo Bộ NN-PTNT, với việc giữ diện tích đất trồng lúa là 3,5 triệu ha đến năm thì diện tích gieo trồng lúa cả nước là khoảng 7 triệu ha, sẽ cho sản lượng khoảng 43 triệu tấn thóc/năm, tương đương với 27-28 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (sử dụng để chế biến, làm thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm, chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7-8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu.
Bên cạnh lượng sản xuất hàng năm thì hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu. Ví dụ, lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết.
DỰ KIẾN XUẤT KHẨU TỶ ĐÔ NGÀNH CÁ TRA 2023
Phạm Huy sản xuất
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết 15/7/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 7, xuất khẩu cá tra đạt 70 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Ước tính xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1 tỷ USD. VASEP xác định các nước Trung Đông như các Tiểu vương quốc ả rập Thống nhất hay Arab Saudi, các nước có nền kinh tế dầu mỏ khí đốt này sẽ là thị trường tiềm năng năm 2023 bởi giao thông thuận tiện trên cả đường biển, đường thủy và đường hàng không. Về tổng quan, VASEP đánh giá, nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, bà con và người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì xuất khẩu cá tra cả năm 2023 có thể đạt 1,77 tỷ USD.
BÀ RỊA - VŨNG TÀU PHẤN ĐẤU ĐẠT 190 HTX VÀO NĂM 2025
Minh Sáng sản xuất
Tại lễ kỉ niệm 30 năm thành lập Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào sáng 11/8, tại TP. Vũng Tàu, ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch Liên minh HTX Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh sẽ phấn đấu thành lập thêm nhiều HTX, đạt 190 HTX vào năm 2025. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX nhất là ở những địa bàn xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 166 HTX, với gần 12.000 thành viên, hơn 4.400 lao động. Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể đã trợ vốn cho 120 lượt dự án của các HTX, với tổng số tiền 59,2 tỷ đồng… góp phần giảm tình trạng phụ thuộc vào cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh. Cũng tại sự kiện, đã có 50 gian hàng trưng bày thuộc Liên minh HTX Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước... nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của mỗi địa phương.
Lệ Thủy và Tập đoàn Quế Lâm hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Sáng ngày 11/8, UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm tổ chức tọa đàm và ký kết biên bản hợp tác đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác về đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giai đoạn 2023 - 2026. Theo đó, 2 bên sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ và nhân dân thay đổi nhận thức trong việc sản xuất và sử dụng nông sản hữu cơ. Hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân nhằm phổ biến kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: sản xuất lợn, lúa, cây ăn quả,… theo hướng hữu cơ. Tập đoàn Quế Lâm nghiên cứu lựa chọn các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển bền vững, có hiệu quả cho từng loại cây trồng.