Sâu canxi, trùn quế và đích đến nông nghiệp hữu cơ
Với một lượng rác thải lớn mỗi ngày, người dân Tiền Giang đang chú trọng thực hiện các biện pháp thu gom, tái chế rác thải thành phân vi sinh phục vụ sản xuất. Trong đó, trùn quế và sâu canxi là những đối tượng được địa phương này lựa chọn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ.
Minh Đãm | 11:26 12/08/2023
Sâu xanh, trùn quế và đích đến nông nghiệp hữu cơ
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.
Thưa quý vị và bà con, là địa phương có dân số đứng thứ 2 ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, lượng rác thải hàng ngày của các hoạt động sản xuất, sinh hoạt tại Tiền Giang lên tới gần 700 tấn. Chỉ riêng tại huyện Châu Thành, lượng rác thải hàng ngày của địa phương này đã khoảng 120 tấn. Nhưng trong đó, rác thải hữu cơ chiếm tới 60%. Như vậy, xử lý bằng hình thức chôn lấp tự nhiên sẽ vô cùng lãng phí, chưa kể đến những tác động tiêu cực tới môi trường. Chính vì vậy mà hiện nay, việc thu gom, tái chế rác thải hữu cơ thành phân vi sinh để phục vụ sản xuất đang được chính quyền và người dân Châu Thành đẩy mạnh. Trùn quế và sâu canxi là những đối tượng được địa phương này lựa chọn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, phục vụ nền nông nghiệp sạch. Vậy, cụ thể cách làm của bà con nơi đây là như thế nào, mời quý vị cùng đến với phóng sự của Nông nghiệp Radio.
Trùn quế - cỗ máy chế biến rác thải hữu cơ
Thưa quý bà con, tại nhiều địa phương trên cả nước, các mô hình sản xuất sạch, tận dụng phế phẩm của nông nghiệp để tạo nguồn phân bón hữu cơ, canh tác theo hình thức tuần hoàn đang được đẩy mạnh và đã bước đầu tạo dựng được niềm tin với người nông dân, đem lại hiệu quả tích cực. Với một lượng rác thải lớn mỗi ngày, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đang phát triển nhiều mô hình thu gom tái chế rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải công, nông nghiệp và rác sinh hoạt. Theo đó, con trùn quế là một trong những đối tượng được địa phương xem như là cỗ máy chế biến rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm… thành phân bón hữu cơ.
Tại Châu Thành, Công ty Đất sạch MêKong chính là đơn vị đang giúp ngành sản xuất nông nghiệp của địa phương giải quyết vấn đề môi trường, cung cấp phân bón và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Từ con trùn quế, hiện trang trại của công ty đã tạo ra hơn 20 sản phẩm phân trùn quế cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Đất sạch Mê Kông cho biết:
Giá phân trùn quế dao động từ 3 - 5 ngàn đồng/kg
“Ở Việt Nam, trùn thịt để phục vụ cho thủy sản, phục vụ cho gia súc gia cầm thì dao động từ bốn chục ngàn tới bảy chục ngàn một kí trùn thịt. Còn phân trùn thì nó dao động từ ba ngàn tới năm ngàn đồng/kg, nhưng mà khi xuất khẩu sang nước ngoài thì một ký phân trùn nó giá tầm 5 đến 6 đô nên việc xuất khẩu lời rất là lớn”.
Nhận thấy những lợi ích của mô hình này, không chỉ ở Tiền Giang, việc nuôi trùn quế để xứ lý chất thải chăn nuôi, rác thải hữu cơ thành phân bón cũng được Công ty Đất sạch Mê Kông liên kết với nông dân nhiều địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long triển khai rất hiệu quả. Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Đất sạch Mê Kông chia sẻ thêm rằng, tại các điểm liên kết, nông dân ngoài sử dụng nguồn chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình còn thu mua từ các nông hộ xung quanh, góp phần giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, nhất là những tháng mùa mưa. Đáng chú ý, hầu hết các nông hộ thực hành nuôi trùn quế có liên kết với Công ty Đất Sạch Mê Kông đều có nguồn thu nhập đáng kể, dao động ở mức khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng đối với diện tích nuôi khoảng100m2.
“Tôi đã tìm hiểu con trùn này và nguyên cái quy trình khép kín của on trùn này từ nước ngoài, Việt Nam nữa. Từ đó, tôi áp dụng mô hình này từ năm 2016 tới nay. Bây giờ quy mô của trang trại vệ tinh rồi trang trại của công ty tăng lên mỗi tháng luôn. Bây giờ, tổng hết diện tích của công ty nuôi là trên 600ha”.
Sâu canxi - đối tượng lựa chọn trong nông nghiệp hữu cơ
Thưa quý vị và bà con, bên cạnh trùn quế thì sâu canxi - hay còn gọi là ấu trùng của ruồi lính đen cũng là đối tượng phân hủy rác hữu cơ thành phân bón rất hiệu quả. Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã khởi động và kết nối Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Dự án do Trung ương Hội nông dân Việt Nam triển khai và Tiền Giang chính là địa phương đầu tiên trong số 15 tỉnh thuộc dự án thực hiện mô hình nuôi sâu canxi để xử lý chất thải hữu cơ. Đánh giá hiệu quả bước đầu của mô hình, bà con tham gia dự án cho biết, tham gia mô hình, người dân có được nguồn ấu trùng làm thức ăn cho thủy sản và nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Hơn hết, môi trường sống không bị ô nhiễm như trước đây.
Ở ấp Ninh Hòa, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, với diện tích trên 4m2, gia đình ông Võ Văn Thanh đã có thể nuôi 50g trứng ruồi lính đen. Sau khi trứng nở thành ấu trùng, ông bắt đầu cho chúng ăn 2 lần/ngày. Thức ăn của sâu canxi là chất thải từ hoạt động chăn nuôi heo. Ấu trùng rất háo ăn, lớn nhanh. Lượng thức ăn ngày sau thêm vào cao hơn ngày trước, đến ngày thứ 30 là thời điểm chín muồi để thể thu hoạch làm thức ăn cho gia cầm, cá. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 ngày. Đến ngày thứ 45, ấu trùng nở thành ruồi lính đen, chúng giao phối và tiếp tục đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ mới. Tổng kết mô hình, ông Thanh cho biết với 350kg phân heo đầu vào sẽ thu được 25kg sâu canxi và 250kg phân sâu canxi. Sâu được ông cho gà, cá ăn giúp tiết kiệm thức ăn chăn nuôi. Còn phân sâu canxi được dùng để bón cho vườn dừa, tiết kiệm khá nhiều chi phí phân bón.
“Lúc đầu thấy nó cũng khó khăn nhưng vô thử nghiệm rồi thấy cũng đơn giản lắm. Lúc đầu mình nuôi sợ nó hôi thúi, chứ giờ nuôi theo quy trình cũng dễ. Cho ăn sáng 1 cử chiều 1 cử. Thời gian thấy nó ăn hết mình đổ phân thêm. Mỗi ngày mỗi tăng lên. Mô hình hôm hổm 25 gram, trong 10-15 ngày đầu nó phát triển, mỗi ngày mỗi phát triển, tới ngày thứ 30 nó dạt dạt lên trồi lên ngon lắm. Nuôi riết vui, mình cho ăn. Mỗi ngày mình hốt cho gà ăn, cho cá đồ ăn.”
Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, lĩnh vực chăn nuôi ở địa phương vẫn còn nhiều mô hình nhỏ lẻ, chủ yếu là bò và gia cầm. Các hộ đa số chỉ nuôi số lượng từ 1 - 2 con bò nên hoạt động xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức. Sau khi được Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang hỗ trợ thử nghiệm nuôi sâu canxi tại 3 hộ, qua 45 ngày, các mô hình đều đạt kết quả tốt.
“Tôi nhận thấy việc nuôi sâu canxi rất hữu ích cho bà con. Tại vì, thứ nhất nó giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý được nguồn chất thải trong chăn nuôi khi thải ra môi trường chưa được xử lý. Nó xử lý nhanh gọn và không có mùi hôi, giảm tình trang ô nhiễm môi trường cũng như nước thải chăn nuôi ra bên ngoài. Nguồn thức ăn của sâu canxi rất phong phú những rác thải sinh hoạt trong gia đình như là rau xanh, thịt cá hoặc là xác con vật, phân bò, phân heo, thức ăn thừa... Sâu can xi khi nuôi đến sâu trưởng thành nó có thể làm thức ăn cho gà vịt cá, nói chung độ đam rất cao lên đến 40% theo như nghiên cứu của các nhà khoa học.”
Vâng thưa quý vị và bà con, hiện nay, xử lý và tận dụng chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là cách khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp, nông dân giảm được phần lớn gánh nặng về chi phí sản xuất. Và trong đó, những mô hình nuôi sâu canxi hay trùn quế để tạo nguồn thức ăn, phân bón hữu cơ cho cây trồng, vật nuôi thủy sản tại tỉnh Tiền Giang đang cho thấy những kết quả tích cực. Mong rằng trong thời gian tới, những mô hình như vậy sẽ càng lan rộng, chúng ta sẽ được nghe nhiều hơn về thành công của các mô hình sản xuất hữu cơ để đích đến nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe con người sẽ ngày càng gần hơn.
Tin tức về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ
Thưa quý vị và bà con, gia vị là một trong những mặt hàng được nhiều HTX của nước ta quan tâm sản xuất và hướng đến xuất khẩu. Tuy vậy, việc xuất khẩu gia vị vẫn là thách thức với không ít HTX vì còn thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thế giới cũng như kênh tiếp cận thị trường. Về vấn đề này, theo GS.TS. Trần Văn Ơn, Cố vấn OCOP Quốc gia, gia vị hữu cơ từ nguồn cung ứng có trách nhiệm tuy là thị trường ngách nhưng đang tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thị trường châu Âu do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các nhà cung cấp hữu cơ và đối xử thương mại công bằng. Điều này cho thấy, sản xuất gia vị bền vững rõ ràng là cơ hội cho những HTX, doanh nghiệp đi trước đón đầu.
Nhiều địa phương hướng đến nông nghiệp hữu cơ
Trong hai năm qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện hỗ trợ nuôi lợn theo hướng hữu cơ cho các hộ gia đình. Theo đó, Chi cục đã thực hiện hỗ trợ 15 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ với tổng số 765 con lợn nuôi thương phẩm - quy mô 20 - 115 con/cơ sở tại 6 huyện, thành phố, thị xã. Các mô hình sử dụng giống lợn ngoại nuôi thương phẩm, trọng lượng bình quân khoảng 10kg/con. Giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn dịch bệnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định trước khi đưa vào nuôi. Điều đáng quan tâm là trong 15 mô hình, chỉ có 1 mô hình xây dựng chuồng trại mới. Còn lại 14 mô hình thực hiện cải tạo chuồng trại cũ nên thuận tiện cho bà con tham gia.
Những gần đây, nhiều hộ trồng chè ở vùng chè Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Tiêu biểu, dù đang phát triển ổn định và gây dựng được thương hiệu tốt, song HTX nông nghiệp Bình Minh tại xã Phú Đình vẫn quyết định thực hiện thí điểm mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ từ năm 2021. Theo đó, trên diện tích khoảng 2.000m², HTX đã giảm hẳn các yếu tố hóa học trong chăm sóc cho cây chè. Thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ đạm cá… Sau 2 năm thí điểm, Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc HTX khẳng định trồng chè hữu cơ cho nhiều ưu điểm và giúp HTX có những sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của nông nghiệp radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại
Sâu canxi, trùn quế và đích đến nông nghiệp hữu cơ
Với một lượng rác thải lớn mỗi ngày, người dân Tiền Giang đang chú trọng thực hiện các biện pháp thu gom, tái chế rác thải thành phân vi sinh phục vụ sản xuất. Trong đó, trùn quế và sâu canxi là những đối tượng được địa phương này lựa chọn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ.
Minh Đãm
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.