Nuôi biển là trọng tâm kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Kiên Giang
Là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản trong đó có thế mạnh rất lớn về tài nguyên biển để phát triển nghề nuôi biển hiện đại.
Xuân Hào | 07:00 07/07/2022
Đầu tư nông nghiệp tại Kiên Giang: Phát triển nuôi biển
Kiên giang có vùng biển dài, thuận lợi phát triển kinh tế biển
Thưa quý vị và bà con, Tỉnh Kiên Giang nằm trải mình bên vịnh Thái Lan thuộc biển Tây, có vùng biển rộng hơn 63.200 km2, trong đó có hơn 140 đảo và bờ biển trải dài trên 200 km, hơn 100 cửa sông, kênh, rạch hướng ra biển, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
Là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo, trong đó có thế mạnh rất lớn về tài nguyên biển để phát triển nghề nuôi biển hiện đại.
Kiên Giang phát triển nuôi biển bền vững
Để phát huy lợi thế riêng có, mới đây UBND tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Kiên Giang” nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển nghề nuôi biển theo hướng hiện đại.
Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nghề nuôi cá biển của ngư dân Kiên Giang hiện nay chủ yếu là hình thức lồng bè tự chế bằng cây gỗ, tập trung quanh các đảo thuộc các huyện Kiên Hải, Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và TP Hà Tiên. Đối tượng nuôi gồm cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ… Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 3.612 lồng nuôi (năm 2021), sản lượng thu hoạch trên 3.000 tấn cá thương phẩm. Cần tập trung đầu tư để biến lợi thế phát triển nghề nuôi biển của Kiên Giang thành ngành kinh tế biển có giá trị gia tăng cao:
Nhiều doanh nghiệp tại Kiên Giang đầu tư công nghệ nuôi hiện đại
Hiện nay, đang có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến giới thiệu công nghệ nuôi hiện đại, nổi bật là công nghệ lồng nuôi vuông và tròn bằng nhựa HDPE có tuổi thọ lên tới 50 năm, chịu được sóng to, gió lớn, bão cấp 12, mô hình nuôi biển đa loài tích hợp (IMTA), quy trình nuôi kín trên bờ, với công nghệ tuần hoàn (RAS) hoặc ở vùng gần bờ với hệ thu gom chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Công nghệ tích hợp nuôi biển với ngành kinh tế biển khác, nhất là du lịch để nâng cao hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn nhựa Super Truờng Phát cho rằng, để phát triển nghề nuôi biển tại Kiên Giang thì cần có 2 giải pháp cơ bản đó là: giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng biển Kiên Giang và giải pháp tài chính hỗ trợ ngư dân đầu tư phát triển nghề nuôi biển. Tập đoàn nhựa Super Truờng Phát mong muốn được hợp tác đầu tư vào vùng biển Kiên Giang, hỗ trợ ngư dân phát triển nghề nuôi biển.
Chuyên gia đánh giá về vùng biển Kiên Giang
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đánh giá, vùng biển Kiên Giang nằm trong vịnh Thái Lan, ít xảy ra bão, độ sâu vừa phải nên có lợi thế tốt nhất cho nuôi biển. Tuy nhiên, hiện trạng đa số là nuôi biển thủ công, tự phát, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hộ ngư dân là chủ thể… nên hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, tỉnh Kiên Giang kêu gọi đẩy tư, đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển hiện đại, nhanh chóng chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại, chuyển từ nuôi ven bờ ra xa bờ. Ban đầu quy mô nuôi biển chưa cần lớn nhưng phải đảm bảo bền vững và phương thức công nghiệp, chú trọng đầu tư cơ giới hóa. Phát triển nuôi đa loài, tích hợp trong cùng một không gian biển: Nuôi cá – nhuyễn thể và rong biển, gia tăng giá trị và giảm ô nhiễm môi trường.
Cần đầu tư nông nghiệp Kiên Giang với trọng tâm nuôi biển
Thưa quý vị và bà con, với một địa phương có nhiều lợi thế, có lẽ trong thời gian tới, Kiên Giang cần nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế không gian biển để đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển. Có như vậy, tương lai không xa, Kiên Giang sẽ là điểm đến của đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nuôi biển là trọng tâm kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Kiên Giang
Là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản trong đó có thế mạnh rất lớn về tài nguyên biển để phát triển nghề nuôi biển hiện đại.
Xuân Hào
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.