Rừng trẩu tạo giá trị mới cho cuộc sống đồng bào Pakô Vân Kiều
Không phải cây lâm nghiệp chính nhưng cây trẩu được đồng bào ở Quảng Trị bảo vệ, trồng phân tán, tập trung. Nhiều cánh rừng trẩu đã 'cứu cánh' bà con những tháng nông nhàn.
Võ Dũng | 15:35 17/06/2024
Phát triển rừng trẩu bảo vệ cuộc sống đồng bào Pakô Vân Kiều
Thưa quý vị và bà con!
Không phải là cây lâm nghiệp chính nhưng trẩulà cây bản địa, phân bố một số xã phía Tây Bắc các huyện Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Cây trẩu có vai trò phòng hộ rất quan trọng. Các sản phẩm từ cây trẩu như dầu, khô dầu, vỏ quả trẩu, gỗ đều có giá trị trong công nghiệp chế biến. Từ nhiều năm nay, quả trẩu được giá, thương lái khắp nơi tìm về thu mua nên vào các tháng 9,10,11 hàng năm, người dân tại các huyện này lại kéo nhau vào rừng thu nhặt quả đem về bán. Nhiều hộ đã tự ươm giống, trồng thành những rừng trẩu tập trung, vừa tạo sinh kế bền vững, vừa tăng độ che phủ rừng, giảm xói mòn, thiên tai, lũ ống, lũ quét.
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng tìm hiểu về giá trị của câu trẩu trong đời sống đồng bào Pakô Vân Kiều qua phóng sự của phóng viên Nông nghiệp radio thực hiện tại huyện Hướng Hóa.
Ngay sau Tết Nguyên đán, trên tuyến đường nối thị trấnKhe Sanh vào các xã phía Tây Bắc huyện Hướng Hóa, hoa trẩu tinh khôi nở trắng hai bên. Mùa Xuân, trẩu ra lá non rồi nở hoa, kết tinh những gì tinh túy nhất của đất trời trên vùng đất này để chuẩn bị cho những chùm sai trĩu quả. Đó sẽ là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân đồng bào các dân tộc Bru Vân Kiều, Pakô tại huyện Hướng Hóa ngay sau khi mỗi mùa hè đi qua.
Ông Hồ Văn Đeng, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng cho biết, cây trẩu có trên vùng đất này từ thời Pháp thuộc. Thời điểm đó, những rừng trẩu trải dài tít tắp từ chân đến đỉnh các núi sâu rừng thẳm. Sau khi đất nước thống nhất, quả trẩu không còn ai thu mua nữa, nhiều nhà đã chặt bán gỗ. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, bố Đeng và nhiều gia đình đã quay trở lại trồng trẩu tập trung để lấy quả bán, cho thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phỏng vấn ông Hồ Văn Đeng
Trẩu không những cho thu hoạch, đem lại nguồn thu trong những tháng khó khăn sau mùa gặt mà còn mang nhiều giá trị về bảo vệ môi trường. Vì vậy, không những chỉ lên rừng nhặt trẩu, các hộ dân tại các xã phía Tây Bắc huyện miền núi Hướng Hóa còn biết trồng trẩu phân tán trên nương rẫy, trồng tập trung thành những cánh rừng bạt ngàn để tạo ra nguồn thu nhập, chống xói mòn đất. Diện tích trồng trẩu vì thế không ngừng tăng lên.
Ông Hồ Văn Tây, thôn Mã Lai - Pun, xã Hướng Phùng chia sẻ.
Phỏng vấn ông Hồ Văn Tây
Từ khoảng 10 năm nay, hạt trẩu chưa ế bao giờ. Có bao nhiêu hạt trẩu đưa từ rừng về, thương lái đều tìm đến thu mua. Người dân đi nhặt quả trẩu, bóc vỏ bán tươi với giá 8-10 nghìn đồng/kg. Nếu phơi khô, thương lái thu mua 15-17 nghìn đồng/kg. Ngày công của đồng bào đi nhặt trẩu cũng được từ 100-200 nghìn đồng. Đó là nguồn thu lớn ở vùng đất này trong những ngày nông nhàn.
Ông Hồ Xuân Nhàn, một chủ thu mua hạt trẩu tại thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng cho hay.
Phỏng vấn ông Hồ Xuân Nhàn
Cây trẩu có ý nghĩa rất lớn trong đời sống đồng bào dân tộc Pakô Vân Kiều tại các huyện miền Tây Quảng Trị. Là cây trồng bản địa, cây trẩu không chỉ giúp cải thiện sinh kế của đồng bào mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, chống xói mòn, sạt lở. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách để bảo tồn và phát triển rừng trẩu.
Ông Hoàng Trọng Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho hay.
Phỏng vấn ông Hoàng Trọng Trí
Thưa quý vị và bà con!
Không phải là cây lâm nghiệp chính nhưng cây trẩu tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông hiện nay được đồng bào bảo vệ, trồng phân tán, tập trung. Nhiều cánh rừng trẩu đã trở thành cứu cánh cho đồng bào vào những tháng nông nhàn. Đồng bào có thêm thu nhập từ cây trẩu. Những cánh rừng cũng nhanh chóng được phủ xanh vì cây trẩu phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các huyện Hướng Hóa, Đakrông. Vì vậy, những rừng trẩu không ngừng phát triển và ngày ngày đem lại những giá trị to lớn, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống đồng bào Pakô, Vân Kiều.
PHÓNG SỰ 2 - ĐỐI THOẠI
Ý thức đồng bào ngày càng lớn trong việc bảo vệ và phát triển rừng trẩu
Thưa quý vị và bà con!
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa Đakrông đóng chân trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Đơn vị hiện quản lý 2,5 nghìn ha rừng trẩu. Để phát triển và bảo tồn rừng trẩu, thời gian qua, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa Đakrông đã thực hiện nhiều giải pháp. Rừng trẩu phát triển giúp sinh kế người dân được đảm bảo và kéo theo nhiều yếu tố tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển các trạng thái rừng trên địa bàn.
Để hiểu rõ vấn đề này, trong chương trình hôm nay, phóng viên Võ Dũng đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Văn Thình, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông.
- Thưa ông, được biết, Ban hiện quản lý một diện tích rất lớn rừng trẩu. Vậy ông có thể cho thính giả của NongnghiepRadio biết cụ thể về giá trị của cây trẩu trong đời sống đồng bào?
Ông Nguyễn Văn Thình
- Để bảo tồn và phát triển rừng trẩu, ngoài việc hướng dẫn người dân trồng thành rừng phân tán, rừng tập trung, thời gian qua, Ban đã có các hình thức tuyên truyền như thế nào để người dân hiểu được giá trị của cây trẩu?
Ông Nguyễn Văn Thình
- Ông hãy cho thính giả biết sự thích nghi của cây trẩu trên vùng đất Hướng Hóa - Đakrông? Giá trị về môi trường cây trẩu mang lại cho cuộc sống của con người và ý nghĩa trong vấn đề phát triển rừng?
Dạ vâng, xin cảm ơn ông đã có những chia sẻ cùng với thính giả của NongnghiepRadio về giá trị của cây trẩu trong đời sống đồng bào các dân tộc Pa Kô Vân Kiều.
TIN
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực Lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thả 9 loài với 29 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên thuộc địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý. Cụ thể, đoàn đã tiến hành thả các loài động vật hoang dã gồm: rái cá vuốt bé, trăn đất, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, rùa răng, rùa ba gờ... Địa điểm thả các cá thể động vật hoang dã là rừng tự nhiên, gần suối, có thức ăn, nước uống đầy đủ, phù hợp với đặc tính sống của loài. Tình trạng sức khỏe của các cá thể đều bình thường, vận động tốt, đủ điều kiện thả trong rừng.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt phương án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy sản xuất viên nén và chế biến gỗ công nghệ cao của Công ty TNHH Biomass Fuel Nghi Sơn với quy mô diện tích hơn 20.000ha trên địa bàn 4 huyện miền núi của Thanh Hóa. Với phương án này, địa phương tập trung quản lý bảo vệ và khai thác 20.000 ha rừng trồng thuộc đối tượng đất được quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất. Trong đó, thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 4.500 ha rừng trồng vào năm 2024, phấn đấu có 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào năm 2028 và duy trì diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hàng năm.
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu cụ thể của kế hoạch là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 240 nghìn m3/năm; đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng trồng dược liệu lên khoảng 20.000 ha; giá trị thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tăng tối thiểu 2 lần trên một đơn vị diện tích so với năm 2020; 100% diện tích trồng dược liệu được tiêu chuẩn hóa, cấp mã số và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vùng trồng.
Hiện nay, Quảng Trị có 5 cánh rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được cấp chứng chỉ phát triển và quản lý rừng bền vững - FSC, đồng thời được chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon với tổng diện tích gần 2.145 ha, cho lượng hấp thụ carbon 7.000 tấn/năm và lượng lưu trữ khoảng 350.000 tấn. Để khai thác tiềm nặng, lợi thế, Tháng 3 năm nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Dự án: “Bảo tồn, phục hồi và cải thiện dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý”, thời gian thực hiện đến tháng 2/2028. Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Sở NN-PTNT Quảng Trị cũng đã ban hành Kế hoạch vận động người dân, chủ rừng thay đổi nhận thức, thay phương thức canh tác, trồng rừng không đốt thực bì để giảm phát thải Carbon. Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, mỗi năm tỉnh phấn đấu vận động người dân trồng mới từ 2.000 – 3.000 ha rừng không đốt thực bì để giảm phát thải Carbon. Mỗi ha rừng trồng đốt thực bì phát thải khoảng 60 tấn Carbon.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Rừng trẩu tạo giá trị mới cho cuộc sống đồng bào Pakô Vân Kiều
Không phải cây lâm nghiệp chính nhưng cây trẩu được đồng bào ở Quảng Trị bảo vệ, trồng phân tán, tập trung. Nhiều cánh rừng trẩu đã 'cứu cánh' bà con những tháng nông nhàn.
Võ Dũng
Tin liên quan
Các chương trình
Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.
Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.