| Hotline: 0983.970.780

Trồng 4.000 cây xanh nhân Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán

Thứ Hai 17/06/2024 , 14:23 (GMT+7)

Trồng một cây xanh là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, cũng là thông điệp gửi cho tương lai về bảo vệ môi trường, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: 'Việt Nam hiện có khoảng 35% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa'. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: "Việt Nam hiện có khoảng 35% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa". Ảnh: Bảo Thắng.

Sáng 17/6, Cục Lâm nghiệp phối hợp Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức buổi mít tinh và phát động trồng cây nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán, kỷ niệm 30 năm thành lập Công ước về chống sa mạc hóa.

Theo công bố của Liên hợp quốc, mỗi giây, diện tích đất tương đương với 4 sân bóng đá bị suy thoái. Tổng diện tích đất bị suy thoái toàn cầu hàng năm khoảng 100 triệu ha. Đặc biệt, có tới 40% đất đai trên thế giới đã bị suy thoái, ảnh hưởng đến gần một nửa nhân loại.

Trong những năm gần đây, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Thậm chí, hạn hán bắt nguồn từ biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm hiện tượng sa mạc hóa. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng gần 30% kể từ năm 2000. Liên hợp quốc dự tính, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, rằng hạn hán đang ảnh hưởng đến gần 56 triệu người trên toàn cầu, 40% dân số bị khan hiếm nước, khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030. Hạn hán còn là mối nguy hại nghiêm trọng với gia súc và cây trồng và là một trong những nguyên nhân gây ra 80 - 90% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong 10 năm qua.

Đến năm 2023, thế giới cần thêm khoảng 300 triệu ha đất sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Trước thực trạng báo động này, Ban thư ký Công ước Chống sa mạc hóa đã kêu gọi sự tham gia toàn cầu, để cùng hiện thực hóa cam kết toàn cầu về việc phục hồi 1 tỷ ha đất đã bị suy thoái vào năm 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cùng cán bộ, công nhân viên ngành lâm nghiệp trồng cây tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cùng cán bộ, công nhân viên ngành lâm nghiệp trồng cây tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 11,8 triệu ha, chiếm khoảng 35% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa.

Dựa trên điều tra của Bộ NN-PTNT, Việt Nam có khoảng 400ha sa mạc tự nhiên. Tuy không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa, suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm trên nhiều khu vực, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp, trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đây cũng là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước với hơn 400.000ha.

Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hóa diễn ra  ngày một nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10-  20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.

Lĩnh vực lâm nghiệp, với trên 14,8 triệu ha đất có rừng, không những đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, còn là giải pháp chiến lược xanh góp phần quan trọng trong nỗ lực hạn chế hạn hán và sa mạc hóa.

Dù gặp nhiều khó khăn, ngành lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2023, trong đó có trồng rừng tập trung, giá trị xuất khẩu lâm sản, xây dựng cơ chế chính sách để thực thi Luật Lâm nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, 2024 là năm thứ ba Việt Nam thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành lâm nghiệp vấp phải nhiều khó khăn như hiện tượng khô hạn kéo dài ở nhiều nơi, cháy rừng xảy ra ở các quy mô khác nhau, gây thiệt hại lớn về rừng và con người. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn ngành, Thứ trưởng tin tưởng toàn ngành sẽ quyết tâm đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Một trong số đó là việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau lễ phát động. Ảnh: Bảo Thắng.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau lễ phát động. Ảnh: Bảo Thắng.

Với chủ đề của Ngày Quốc tế chống sa mạch hóa và hạn hạn năm nay là “Chung tay quản lý và sử dụng đất bền vững: Di sản của chúng ta - tương lai của chúng ta”, Thứ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động một cách có trách nhiệm, đồng thời xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

"Ngày hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, góp một cây nhỏ được nuôi trồng trên bề mặt trái đất. Một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn và cũng là một thông điệp gửi cho tương lai về bảo vệ môi trường. Tôi kêu gọi toàn ngành hãy hăng hái tham gia bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần chống suy thoái đất, để phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, làm cho đất nước ta, mỗi ngày thêm xanh - sạch - đẹp và giàu có hơn", Thứ trưởng bày tỏ.

Góp phần vào sự kiện ý nghĩa này, Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" đã tài trợ khoảng 1.000 cây xanh, và trao tặng cho tỉnh Hòa Bình hơn 3.000 cây giống lâm nghiệp, với mong muốn thêm nhiều cây xanh hơn nữa được gieo trồng, góp phần giúp Việt Nam thêm xanh tươi và trong lành.

Kết thúc buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cùng cán bộ, công nhân viên ngành lâm nghiệp đã trồng cây tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp.

Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm là Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa.

Ngày kỷ niệm này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xung quanh các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa, đồng thời khuyến khích thực hiện Công ước chống sa mạc hóa tại những quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi hạn hán và sa mạc hóa.

Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia, trở thành thành viên thứ 134 của Công ước từ rất sớm (ngày 19/8/1998). Việt Nam luôn nỗ lực cam kết thực hiện Khung hành động của Công ước cũng như trách nhiệm của nước thành viên.

Cục Lâm nghiệp, đơn vị chủ trì thực hiện Công ước chống sa mạc hóa, đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.