Sinh kế dưới tán rừng giúp bảo vệ rừng ngập mặn

Khuyến khích phát triển sinh kế dưới tán rừng không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ và phát triển diện tích bền vững hơn.

Lê Bình  | 

Sinh kế dưới tán rừng giúp bảo vệ rừng ngập mặn

Tự động

MC1:

Mến chào quý vị và bà con cùng đến với chương trình Lâm nghiệp và phát triển của Nông nghiệp Radio,

Thưa quý vị và bà con, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó trước biến đổi khí hậu và đem lại lợi ích cho người dân vùng cửa sông, ven biển ở các địa phương trên địa bàn.

Do đó, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, cần tiếp cận với tư duy tạo ra sinh kế dưới tán rừng không chỉ giúp duy trì đa dạng sinh học mà còn bảo vệ rừng ngập mặn một cách hiệu quả, bền vững hơn.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, mời quý bị và bà con cùng Nông nghiệp Radio đến với các hoạt động sinh kế dưới tán rừng ngập mặn tại khu vực Đông Nam bộ.

MC2:

Theo lời giới thiệu của đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, chúng tôi lên đường đến với các hộ dân giao khoán bảo vệ rừng thuộc Phân khu 1 thuộc BQL, nằm gần cửa sông Lòng Tàu.

Sau gần 1 tiếng, chiếc cano chở chúng tôi băng băng trên mặt nước sông Lòng Tàu đến điểm hẹn, cũng là lúc cơn mưa chiều trút xuống nặng hạt. Vợ chồng anh Lới cũng vừa kết thúc chuyến tuần tra rừng cùng các hộ giao khoán, bảo vệ rừng của phân khu I theo kế hoạch.

Nhờ cơn mưa rừng mà chúng tôi có thêm nhiều thời gian để tâm sự cùng vợ chồng anh Lới, chị Loan. Trước đây, trong mỗi lần đi tuần tra rừng, chị Loan cùng chồng tranh thủ bắt những con ốc len, ốc giác hay cá thòi lòi… để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, ốc len là loài thủy sản có số lượng nhiều nhất và giá trị kinh tế cao nhất. Khi thủy triều dâng cao, ốc len bò lên rễ và thân cây đước để trú ngụ. Còn khi thủy triều xuống, ốc len di chuyển từ trên cây xuống bãi sình lầy tìm kiếm thức ăn. Hiện mỗi cân ốc len được thương lái thu mua với giá từ 120.000 - 130.000 đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhất là phù hợp với định hướng đa dạng sinh vật và bảo vệ rừng, anh Lới đã xin phép Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ thả ốc len giống tại bìa rừng, khu vực mình phụ trách và được đồng ý.

Ốc len ăn chọn lọc các loài tảo đáy hoặc mùn bã hữu cơ nên không cần đầu tư thức ăn. Thời gian thả nuôi ốc len khoảng 5 - 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Mỗi năm, gia đình anh Lới thu lời được khoảng vài chục triệu đồng từ bán ốc len.

Băng anh Lới: Như ốc len hình như là mấy bữa mà rảnh rỗi như không có chuyện, nước ngập lên thì hai vợ chồng đi bắt vừa bắt vừa lội rừng, mình luôn bắt ốc nhỏ về mình đổ vô mình nuôi, còn mà ít thì mình phải mua thêm. Tới đợt mua thêm mình đổ vô mình vào rửa lại mình nuôi như kiểu như mình sản xuất thêm rồi có nữa nó có bự mình bắt cái số dày môi mình bán, còn ốc nhỏ mình nuôi thêm.

Trong mỗi lần đi bắt ốc len, gia đình anh Lới đều tranh thủ cắm những trái đước xuống vị trí đất trống để tái tạo rừng. Nhờ đó, sau một thời gian, những khoảng trống được lấp đầy bởi những cây đước con.

Không chỉ được phép nuôi ốc len để tăng thêm thu nhập, gia đình anh Lới chị Loan còn được Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đào tạo thêm nhiều kĩ năng để hướng dẫn khách du lịch, tham quan để phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng. Chị Loan khoe với chúng tôi.

Băng chị Loan: Cái thời của tụi tôi là được học giao tiếp nè, học những khóa du lịch homestay và những cái gì mà bổ ích là tụi tôi sẽ được học hết. Khu rừng này được định hướng phát triển du lịch sinh thái nên tụi tui bắt buộc cũng phải biết những quy định của rừng. Ban sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi sẽ tiếp xúc những cái gì mà bổ ích nhất.

Tại BRVT, những mô hình nuôi tôm, cua sinh thái dưới tán rừng ngập mặn được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích từ nhiều năm nay. Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định mà giúp diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ tốt hơn.

Có kinh nghiệm nuôi tôm, cua dưới tán rừng ngập mặn suốt gần 20 năm nay, anh Lưu Trường Giang tại phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa cũng nhận thấy rõ điều này. Với diện tích hơn 11ha, anh Giang đang nuôi tôm, cua sinh thái với giá thành cao và cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, với mô hình này, gần như anh không mất kinh phí vào thức ăn, xử lý nước và dành tiền cho việc đầu tư thiết bị.

Phỏng vấn anh Lưu Trường Giang Anh: Mô hình nuôi tôm sinh thái của tôi dựa vào rừng và thiên nhiên. Ví dụ như là những cây mắm, thực vật ở rừng tự nhiên. Con tôm cũng ăn được những thức ăn đó nên mô hình đó rất là hiệu quả, vừa được bảo vệ thiên nhiên và vừa được cái cái chất lượng con. Hằng năm, mình phải trồng tán rừng để cho nó nó mát được thì con tôm mình mới sống được.

Nước ta có khoảng 160.000ha rừng ngập mặn tại 28 tỉnh, thành. Vùng Đông Nam bộ là khu vực có diện tích rừng ngập mặn lớn thứ 2 của cả nước với tỉ lệ 27,3%. Nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản tại khu vực Đông Nam bộ có giá trị kinh tế cao, việc sinh trưởng loài vì thế cũng được phát triển một cách tự nhiên.

Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ sinh kế cho người dân. Trong đó, phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng cần được quan tâm hơn nữa để song hành giữa phát triển kinh tế với bảo vệ rừng.

Những mô hình nuôi tôm, cua, nhuyễn thể… dưới tán rừng không chỉ giúp người dân ổn định kinh tế mà thông qua việc kết hợp du lịch bài bản sẽ giúp người tham quan hiểu được vai trò của rừng ngập mặn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng cần có những hướng dẫn cụ thể để việc phát triển sinh kế này không ảnh hưởng đến diện tích rừng, phá vỡ quy hoạch hay việc nuôi trồng không đúng kỹ thuật, nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Nam Sơn, Phó trưởng phòng Tổ chức sản xuất lâm nghiêp, Cục Lâm nghiệp cho biết, vùng ven biển hiện nay là nơi sinh sống của gần 9 triệu người, tức là chiếm khoảng gần 10 % với dân số của cả nước. Đây cũng là vùng chịu nhiều tổn thương của biến đổi khí hậu, thiên tai và tỉ lệ hộ nghèo khá cao. Do đó, theo ông Nguyễn Nam Sơn việc phát triển kinh tế dưới tán rừng cho người dân tại các khu rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng với đa mục tiêu.

Băng ông Nguyễn Nam Sơn: Nếu như chúng ta chỉ quan tâm đến việc đầu tư trồng và bảo vệ rừng về mặt môi trường mà không quan tâm đến phát triển sinh kế đối với người dân sống trong vùng thì việc quản lý, bảo vệ rừng này nó sẽ không được lâu dài, không được bền vững. Chúng tôi hướng đến là các giá trị phát triển hài hòa các lợi ích, không những môi trường mà cả kinh tế và xã hội. Nó có sự tham gia của người dân trong quản lý, bảo vệ thì người dân sẽ thấy được những cái lợi ích của mình đối với việc phát triển sinh kế cũng như là những cái nguồn lợi mang lại cho người dân. Ví dụ như là nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng và các cái hoạt động du lịch sinh thái thì sẽ gắn kết cái cộng đồng với những cái trách nhiệm của họ đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng ngặp mặn sẽ được duy trì một cách lâu dài và bền vững.

MC1:

Thưa quý vị và bà con, rừng ngập mặn không chỉ tạo ra vùng đệm quan trọng chống lại bão, triều cường, xâm nhập mặn, góp phần làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển.

Dưới tán rừng ngập mặn, người dân cũng có thể tạo ra đa dạng nguồn thu để để sinh kế như nghề lấy mật ong, trồng chuối, nuôi tôm cá, cua và cả du lịch sinh thái cộng đồng… không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà giúp bảo vệ rừng bền vững.

Việc phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế cho người dân sẽ tạo được vòng tròn bền vững cho người dân và diện tích rừng. Thiết nghĩ, các mô hình sinh kế này cần được các địa phương quan tâm và tạo điều kiện để phát triển bền vững hơn.

MC2:

Bây giờ, xin mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin tức về lâm nghiệp mà chúng tôi mới cập nhật được trên cả nước.

MC1 - Tin 1: UBND tỉnh Đắk Nông mới đây đã ra quyết định buộc Công ty Nguyên Vũ phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỉ đồng do đã để hơn 33ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm trong quá trình thực hiện dự án. Trước đó, vào cuối năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành 415 tỉnh Đắk Nông đã thực hiện kiểm tra 15 dự án có nhiều vi phạm đầu tư, về quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng. Tổng diện tích tỉnh Đắk Nông giao cho các dự án này là gần 6.000ha. Đến cuối năm 2023, kết quả cho thấy các dự án chỉ mới trồng được 257,4ha rừng, 210,7ha cao su và hơn 268ha cây khác. Diện tích rừng tự nhiên của các dự án này đã bị mất là hơn 1.912ha (chiếm hơn 76% tổng diện tích quy hoạch dự án). Tổng diện tích rừng và đất rừng đã bị người dân lấn chiếm, trồng các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp khoảng gần 3.500ha.

MC2 - Tin 2: Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Long An, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh dự kiến trồng 277,28ha rừng thay thế. Trong đó, trồng rừng đặc dụng là 160ha và rừng phòng hộ là 117,28ha với tổng kinh phí dự kiến là 41,352 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã trồng mới 115ha rừng đặc dụng và 65ha rừng phòng hộ. Riêng năm 2024, tỉnh có kế hoạch trồng 94ha rừng phòng hộ và trồng 130ha rừng đặc dụng. Đối với các phần diện tích còn lại, hiện các chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục giai đoạn đầu tư và tiến hành trồng rừng trong năm 2024 bảo đảm theo kế hoạch đề ra.

MC1 - Tin 3: UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn về việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng và trồng cây phân tán năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng khẩn trương bố trí quỹ đất, chuẩn bị đủ cây giống đảm bảo chất lượng, tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi của thời tiết để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, trồng cây phân tán và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh sẽ trồng 10.313 ha rừng. Tuy nhiên, tính đến ngày 14/8, toàn tỉnh mới trồng được 2.550 ha rừng, đạt 24,7% kế hoạch.

Nội dung vừa rồi cũng khép lại chương trình Lâm nghiệp và phát triển của Nông nghiệp Radio, xin mến chào và hẹn gặp lại quý vị và bà con.

Tự động

Sinh kế dưới tán rừng giúp bảo vệ rừng ngập mặn

Khuyến khích phát triển sinh kế dưới tán rừng không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ và phát triển diện tích bền vững hơn.

Lê Bình

Tin liên quan

Các chương trình

Chung một nhịp đập, hướng về miền Bắc yêu thương
Phóng sự

Những ngày này, bà con tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang tất bật tiếp nhận những món quà của người dân để gửi tới đồng bào miền Bắc ở vùng bão, lũ.

Chung một nhịp đập, hướng về miền Bắc yêu thương
Đào tạo nhân lực chất lượng cao để tạo chuỗi giá trị nông sản bền vững
Phóng sự

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp là giải pháp quan trọng để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, trách nhiệm.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao để tạo chuỗi giá trị nông sản bền vững