| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đe dọa rừng ngập mặn

Thứ Năm 22/08/2024 , 14:56 (GMT+7)

TP.HCM Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt và quá trình chuyển đổi kinh tế phát triển nhanh khiến rừng ngập mặn đang chịu nhiều áp lực.

Đây là nội dung được trao đổi, quan tâm tại hội thảo “Đánh giá tiềm năng của các mô hình phát triển kinh tế dựa vào rừng ngập mặn để phát triển bền vững và giảm thiểu với biến đổi khí hậu”. Hội thảo do Đại học Nông lâm TP.HCM và Đại học Adelaide (Úc) đồng phối hợp tổ chức sáng 22/8 tại TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, rừng ngập mặn này đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh và phát thải thấp, phát triển kinh tế xã hội…. Rừng ngập mặn được xem là vườn ươm cho nhiều loài sinh vật biển, làm khiên chắn tự nhiên rất hiệu quả của vùng ven biển trước những cơn bão và sóng thần.

Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, rừng ngập mặn tại nhiều địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL đang chịu nhiều áp lực, đe dọa đến diện tích và đa dạng sinh học.

“Dân số gia tăng, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh chóng và những thay đổi về chính sách, thị hiếu của người dùng liên quan đến các sản phẩm có liên quan tới rừng ngập mặn, quá trình chuyến đổi kinh tế phát triển xã hội khiến rừng ngập mặn đang chịu nhiều áp lực”, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn thông tin.

Rừng ngập mặn đang bị đe dọa, mất dần đi do biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Lê Bình.

Rừng ngập mặn đang bị đe dọa, mất dần đi do biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Nam Sơn, đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) thông tin, nước ta có khoảng 160.000ha rừng ngập mặn tại 28 tỉnh, thành. Diện tích rừng ngập mặn tập trung nhiều tại khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng.

Trong một thời gian dài, rừng ngập mặn bị suy giảm cả về chất lẫn lượng và diện tích với nhiều nguyên nhân khác nhau. Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh thành, đất nước nào, mà đây là câu chuyện mang tính toàn cầu. Do đó, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hàng đầu, cần sự chung tay của các địa phương và quốc gia.

Ông Nguyễn Nam Sơn, Phó trưởng phòng Tổ chức sản xuất lâm nghiêp, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Nam Sơn, Phó trưởng phòng Tổ chức sản xuất lâm nghiêp, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Bình.

Một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero - phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là dành nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn. Do đó, khi thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, các khu rừng ngập mặn sẽ càng phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào quá trình triển khai kế hoạch thích ứng quốc gia và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

“Thiên tai là một trong những tác nhân chính gây suy giảm diện tích rừng ngập mặn, trong đó có gió bão, sạt lở, xâm nhập mặn... Do đó, trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tham mưu trình Chính phủ nhiều chính sách, đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh”, ông Nguyễn Nam Sơn chia sẻ.

Nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên. Hơn nữa, rừng ngập mặn vượt trội hơn so với hầu hết các loại rừng khác về khả năng lưu giữ carbon. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương có rừng ngập mặn.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, các địa phương có rừng ngập mặn cần phải bảo vệ, khôi phục và phát triển loại rừng này một cách bài bản, hiệu quả hơn.

Phát triển sinh kế dưới tán rừng ngập mặn đúng cách cũng là biện pháp giúp bảo vệ diện tích rừng trước nguy cơ đe dọa mất rừng. Ảnh: Lê Bình.

Phát triển sinh kế dưới tán rừng ngập mặn đúng cách cũng là biện pháp giúp bảo vệ diện tích rừng trước nguy cơ đe dọa mất rừng. Ảnh: Lê Bình.

Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ sinh kế cho người dân. Trong đó, phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng cần được quan tâm hơn nữa để song hành giữa phát triển kinh tế với bảo vệ rừng.

Những mô hình nuôi tôm, cua, nhuyễn thể… dưới tán rừng không chỉ giúp người dân ổn định kinh tế mà thông qua việc kết hợp du lịch bài bản sẽ giúp người tham quan hiểu được vai trò của rừng ngập mặn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng cần có những hướng dẫn cụ thể để việc phát triển sinh kế này không ảnh hưởng đến diện tích rừng, phá vỡ quy hoạch hay việc nuôi trồng không đúng kỹ thuật, nhu cầu thị trường.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.