TP. HCM trực 24/7 phòng cháy rừng cao điểm mùa khô
Cao điểm mùa khô năm nay, chính quyền và các địa phương TP. HCM đang căng mình triển khai những biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lê Bình | 15:54 24/03/2024
TPHCM tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng
Dù diện tích rừng không nhiều nhưng đặc thù là đô thị lớn nên TP.HCM đang rất theo dõi chặt tình hình thời tiết, có những biện pháp phòng chống cháy rừng ở mức cao nhất.
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển Lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, hiện thời tiết tại khu vực Đông Nam Bộđang vào những tháng cao điểm của mùa khô năm nay. Những đợt nắng nóng làm cho lá cây, cỏ, thực bì… tại các khu rừng của TP.HCM trở nên khô hanh và rất dễ cháy. Cùng với đó, lượng mưa không đáng kể, nguy cơ cháy rừng cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại TP.HCM. Trước diễn biến thời tiết như vậy, chính quyền và các địa phương nơi đây đang căng mình phòng cháy, chữa cháy rừng, giữ nguyên cánh rừng xanh, hạn chế tối đa, không để xảy ra trường hợp cháy rừng nào trong cao điểm mùa. Để hiểu hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đang được triển khai trên địa bàn TP.HCM, mời quý vị cùng đến với ghi nhận sau của phóng viên Nông nghiệp Radio.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, hiện nay, tổng diện tích rừng của TP.HCM là hơn 33.000 hécta, tỷ lệ che phủ rừng gần 16%. Rừng tập trung ở 3 huyện ngoại thành gồm: Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ. Thời điểm này, TP.HCM đang trong những ngày oi bức nhất trong năm, nhiệt độ luôn dao động khoảng từ 35 - 37 độ C. Đây cũng là thời gian mà những cánh rừng xanh của TP vào độ cây thay lá, lớp thực bị khô tiếp tục đẩy nguy cơ cháy lên cao.
Chúng tôi có dịp theo chân Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM - ông Nguyễn Đình Cương, để kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại khu vực huyện Bình Chánh và Củ Chi. Tại đây, với các điểm được xác định có nguy cơ cháy rừng cao, mỗi người một việc, các chủ rừng chia nhau phát cỏ, tạo đường cản lửa và liên tục tưới nước để làm ẩm lớp thực bì.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết, từ đầu mùa khô, các đơn vị chủ rừng cũng đã chuẩn bị các phương tiện, các trang thiết bị và chuẩn bị tốt công tác nhân sự để sẵn sàng trực chiến 24/7 nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời nếu có xảy ra cháy rừng.
Băng: Cuối năm 2023, chúng tôi cũng đã có phối hợp với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để tập huấn nâng cao kỹ năng của các đơn vị trên lực lượng tại chỗ. Bên cạnh các cái biện pháp về chuẩn bị nhân sự thì thực hiện trực chiến 24/24. Khi mà có sự cố xảy ra ra để đảm bảo là cái sự phối hợp trong công tác phòng, chống giữa các đơn vị chủ rừng như địa phương, ở những khu vực trọng điểm rừng và những vùng cây phân tán để đảm bảo cái yêu cầu phát hiện kịp thời, xử lý và hạn chế đến mức tối đa khi có sự cố xảy ra.
MC 2:
Trước diễn tiến phức tạp của mùa khô, mới đây, Sở NN-PTNT TP.HCM cùng các đơn vị trực thuộc cũng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra công tác vận hành công trình thủy lợi nhằm chủ động nguồn nước để phục vụ phòng chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô năm 2024. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Hoàng đánh giá, việc đảm bảo vận hành các cống thủy lợi là công tác rất quan trọng, giúp giảm thiệt hại đáng kể nếu có xảy ra cháy rừng.
Băng: Một số cái chủ hộ cũng như các chủ đầu tư mà được giao đất, tuy nhiên là chưa có thực hiện dự án. Cây cỏ mọc lên như thế thì yêu cầu các cái chủ đầu tư, chủ hộ đó phải thực hiện cái tốt công tác phát dọn, chuẩn bị cho cái phòng cháy, chữa cháy. Đây là điểm mà chính quyền địa phương cũng như là Ban quản lý rừng cũng đã làm. Tuy nhiên thì cái ý thức trách nhiệm của các chủ tư này nó không cao, các cái hộ dân không cao nên là thường nó dễ xảy ra cái việc mà cháy thực bì, cháy cỏ mà nếu mà cháy cỏ chúng ta không có phát hiện kịp thời thì nó sẽ dễ cháy lan, nó ảnh hưởng đến cái cái phần rừng của mình.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, trong hơn 33.000 hécta rừng của TP.HCM thì tập trung phần lớn ở huyện Cần Giờ với Rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích hơn 32.000 hécta. Điều may mắn, đây lại là rừng ngập mặn nên ít phải lo cháy rừng nhờ chế độ bán nhật triều xảy ra hàng ngày. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà các lực lượng bảo vệ lơ là trong việc phòng cháy. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên và môi trường - Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt cho biết, đơn vị vẫn liên tục tuần tra để sớm phát hiện sự cố và xử lý.
Trong những năm qua, tình trạng chặt phá chà là để lấy củ hủ để chế biến thức ăn tại một số xã thuộc rừng phòng hộ Cần Giờ vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt ngoài cách dùng rựa chặt, lâm tặc còn dùng lửa để đốt. Hơn nữa, việc đốt phá chà là không những gây nguy cơ cháy rừng mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Băng: Hằng năm thì chúng tôi đã tiến hành công tác và phát dọn thực bì những khu vực xảy dễ cháy. Trong rừng ngập mặn thì chủ yếu là khu vực mà có cái chà là thì chúng tôi cũng tuyên truyền để họ không có đốt lửa, ngăn chặn những cái nguy cơ như thế nó xảy ra. Ngoài ra thì cái thảm thực bì này chúng tôi cũng phát dọn định kỳ trước khi vào mùa khô để ngăn ngăn chặn vật dễ cháy có thể xảy ra.
MC1:
Vâng thưa quý vị và bà con, dù các năm qua trên địa bàn TPHCM không xảy ra cháy rừng nhưng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 16% diện tích tự nhiên; trong đó, rừng phòng hộ môi trường lại nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Do vậy, việc chủ động phòng chống cháy rừng, cỏ khô ở rừng phân tán cũng cần được tăng cường. Nguyên nhân cháy rừng, cỏ khô ngoài yếu tố tự nhiên còn do ý thức của con người. Qua điều tra, nhiều vụ cháy xảy ra ngoài nguyên nhân do vứt tàn thuốc lá, lơ là khi sử dụng nguồn lửa, còn nguyên nhân đáng quan tâm hơn là do chủ đất đốt cỏ để khai quang. Do đó, ngoài những biện pháp phòng cháy thông thường, địa phương phải có giải pháp cắt cỏ, diệt cỏ. Không vì sợ tốn kinh phí mà chọn phương án đốt cỏ. Người dân hay doanh nghiệp phải luôn quan tâm đến việc chủ động phòng ngừa cháy lan khi đốt cỏ. Đừng để chuyện đã rồi, hậu quả sẽ khó lường!
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp:
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về việc gần 400 ha rừng bị suy giảm tại Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng, huyện Buôn Đôn. Theo đó, trong năm 2023, Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn đã xác minh, cập nhật diện tích rừng tự nhiên bị giảm tại trung tâm là hơn 397 ha. Trong đó, gầm 5ha do phá rừng. Toàn bộ diện tích phá rừng đã được trung tâm chuyển Hạt Kiểm lâm lập hồ sơ xử lý, cập nhật theo quy định. Tuy nhiên, hơn 392 ha rừng bị suy giảm còn lại, chưa được xác định rõ nguyên nhân. Do đó, Chi Cục kiểm lâm kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xác minh toàn bộ diện tích rừng bị biến động để xác định rõ nguyên nhân diễn biến theo quy định.
MC 2: tin 2
Nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy tại lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau khi có đến hơn 3.800ha đang cảnh báo ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm, cũng là cấp cuối cùng trong thang cảnh báo cháy rừng, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị cập nhật diện tích khô hạn và có khả năng cháy rừng mùa khô 2023 - 2024 vào thứ sáu hàng tuần. Tính đến nay, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh với gần 45.700ha đã có hơn 33.000ha bị khô hạn. So với tuần liền kề trước đó, diện tích rừng ngập ngọt Cà Mau bị khô hạn tăng hơn 4.000ha.
MC 1: tin 3
Với hoạt động phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp, từ 1 hộ thử nghiệm trồng sâm 7 lá 1 hoa, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, nông dân ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An tiếp tục nhân rộng diện tích tại vườn của 4 hộ khác. Sau 5 năm triển khai, người dân vùng biên Tam Hợp đã bắt đầu có thu nhập từ loài dược liệu quý này. Hiện, với củ sâm nặng tầm 4-5 gram, người dân bán với giá khoảng 70 ngàn đồng/gram, tương đương 7 triệu đồng/kg. Tuy chỉ thu hoạch thí điểm, song kết quả cũng cho thấy tiềm năng kinh tế cao, khuyến khích người dân mạnh dạn thực hiện, nhân rộng vườn sâm quý.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình phát triển Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị bà bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
TP. HCM trực 24/7 phòng cháy rừng cao điểm mùa khô
Cao điểm mùa khô năm nay, chính quyền và các địa phương TP. HCM đang căng mình triển khai những biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lê Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.