Về An Giang xem cây lúa trổ bông
Còn gì vui hơn, khi đứng cạnh những nông dân, doanh nhân, cán bộ HTX, lãnh đạo địa phương, tìm về ký ức hôm qua, luận bàn chuyện hôm nay và hướng đến tương lai.
Lê Minh Hoan | 06:12 21/02/2024
Về An Giang xem cây lúa trổ bông
(Lời bài hát Về An Giang)
“Tía em hừng đông đi cày bừa. Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân. Má em cũng là người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la”
Buổi sáng mùng 3 Tết năm Rồng, bên bờ bao cánh đồng Thoại Sơn, An Giang, gợn sóng lúa xanh ngút ngàn tầm mắt theo từng làn gió thổi, gợi lên cảm xúc về bài hát đồng dao thuở nào. Đây là nơi nằm trong vùng dự án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Còn gì vui hơn, khi được đứng bên cạnh những nông dân, doanh nhân, cán bộ hợp tác xã, lãnh đạo địa phương, để tìm về ký ức hôm qua, luận bàn chuyện hôm nay và lạc quan hướng đến tương lai.
Từ “cánh đồng bao la” đến “hành trình đi cùng nhau để đi xa hơn”, mỗi người mỗi vai trò trong xã hội, mỗi người mỗi nghĩ suy, trăn trở đóng góp cho cộng đồng, mỗi người mỗi ước mong, mục tiêu cho năm mới tròn đầy. Nhưng có lẽ tất cả đều hòa chung khát vọng làm giàu trên vùng đất mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, “tay cày tay súng”, đã dũng cảm “phá rào đêm trước đổi mới”, để làm nên cuộc cách mạng trên ruộng đồng, gửi trao cho ngày sau.
Công cuộc khai hoang phục hoá Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau… Đột phá chuyển nền kinh tế từ tư duy tập trung quan liêu bao cấp sang tư duy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ruộng đất được đánh thức giá trị. Một dòng chảy nông sản từ ruộng đồng đến thị trường, không còn bị “ngăn sông cấm chợ”. Người Đồng bằng sớm tiếp cận tư duy kinh tế, tư duy thị trường, mạnh mẽ đưa vùng đất chưa nhiều lợi thế khi ấy, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.
Nhưng rồi, nơi được xem là vùng trọng điểm về nông nghiệp bị chậm lại trước công cuộc “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước. Một vùng đất đầy tiềm năng, với những người nông dân nghĩa khí, hào sảng, nhưng lại là “vùng trũng” của cả nước, về kết cấu hạ tầng, về nguồn nhân lực, về giáo dục đào tạo. Đồng bằng vốn dĩ là “vùng đất thấp” nay lại nặng trĩu “lời nguyền” về “vùng đất trũng”. “Thấp và Trũng”, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan? “Thấp và Trũng”, đâu là do thiên nhiên, đâu là do con người? “Thấp và Trũng”, thách thức sẽ trở thành động lực thúc đẩy cách nghĩ khác, cách làm khác như người An Giang nói riêng và cả vùng châu thổ vẫn đang kiên trì vượt khó từng ngày?
Người An Giang và người Đất Chín Rồng luôn chứng minh sức sống mãnh liệt như cây lúa mùa trăm năm trước, khi con người đặt chân đến vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh”. Như cây lúa mùa biết vươn mình lên khi nước dâng, con người nơi đây đã từng biết nương theo nghịch cảnh thiên nhiên, để nhào nặng thêm ý chí, làm giàu thêm kinh nghiệm sống và sản xuất trong điều kiện mùa nước nổi, nước biển dâng. Ngày xưa “dưới đạn bom xanh xanh lúa vẫn vượt lên”, thì ngày nay cây lúa sẽ tiếp tục “trổ bông” bằng tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa tầng giá trị, gắn với tăng trưởng xanh, số hoá ruộng đồng, tri thức hoá nông dân, kết nối các làng thông minh…
Lịch sử lưu truyền, danh thần Thoại Ngọc Hầu đã cho đào con kênh dẫn nước, được xem như là hệ thống thuỷ lợi đầu tiên của vùng đất này, để hôm nay có các địa danh Thoại Hà, Thoại Sơn. Thấm thoắt mà nay dân số Đồng bằng đã lên đến gần hai mươi triệu người. Sức đất đã tới hạn, rồi đây năng suất cũng sẽ tới hạn, sản lượng cũng theo đó mà tới hạn, nhưng dân số thì không tới hạn. Nếu tiếp tục nhìn mảnh đất dưới chân mình theo tư duy năng suất, bằng lòng về sản lượng, sẽ dẫn đến ngõ cụt, kênh cùng. Khi “chiếc bánh lợi ích, lợi nhuận” trên cánh đồng có giới hạn, mà nhiều người muốn được chia phần thì trước sau cũng sinh ra xung đột. Người giành được phần nhiều, thì người còn lại phần ít. Giờ đây, đã đến lúc mọi người cùng nghĩ cách làm sao để “chiếc bánh” to ra, để không ai phải quá đau đáu vì kế sinh nhai. Lợi ích hài hòa, rủi ro san sẻ.
An Giang là nơi bắt đầu áp dụng mô hình “cánh đồng lớn”, từ đó lan toả ra khắp cả vùng. Nhưng “cánh đồng lớn” mãi vẫn không “lớn”. Cánh đồng lớn không thể lớn, vì mới chỉ là mảnh ghép từ nhiều mảnh ruộng nhỏ. Cánh đồng lớn phải từ suy nghĩ lớn, từ tư duy hợp tác, liên kết. Cánh đồng không thể “lớn” vì tình trạng tranh mua, tranh bán, người được nhiều thì người mất cũng nhiều. Cánh đồng lớn cần đến cách thức tạo ra không gian giá trị kết nối với hạt lúa, hạt gạo. Chuỗi ngành hàng lúa gạo không chỉ là tối đa hoá lợi nhuận hạt lúa, hạt gạo, mà tiến đến những cánh đồng phát thải thấp, gắng với tăng trưởng xanh, tạo ra nhiều sản phẩm tuần hoàn. Cánh đồng lớn sẽ lớn nếu tích hợp đa tầng giá trị như những mô hình lúa - tôm, lúa - cá, lúa - màu, gắn nông nghiệp với du lịch… Cánh đồng lớn sẽ lớn, nếu gắn với cánh đồng số, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng dần phân hữu cơ, thuốc sinh học, phục hồi dinh dưỡng đất…
Đường lớn đã mở từ các nghị quyết, chiến lược, đề án được ban hành. Một cuộc cách mạng mới từ ngoài đồng ruộng đã vào tận xóm thôn. Một đại diện Hội Nông dân tỉnh ưu tư: “Các nghị quyết không thể dừng lại trong hội trường, mà phải ra tận chân ruộng, bên từng người nông dân”. Giờ là lúc cả hệ thống cùng người nông dân “suy nghĩ trên luống cày”. Mỗi người không chỉ đến ruộng đồng bằng “nhiệm vụ trên giao” mà phải bằng cả trái tim yêu nông nghiệp, lòng trắc ẩn với nông dân. Mỗi người đến với người nông dân, bằng nhiệt huyết và bằng cả tri thức. Mỗi cán bộ cơ sở, khuyến nông viên sẽ là người tư vấn giúp tri thức hoá người nông dân, biết chuyển ngôn ngữ nghị quyết thành những câu chuyện gần gũi với ruộng đồng, bằng ngôn ngữ dân dã, gần gũi với người nông dân.
Cuộc sống có bao giờ hoàn toàn suôn sẻ, cái mới ra đời thường gặp phải bao sức ì quán tính, có nơi tiến nhanh, có chỗ tiến chậm, có người chủ động thay đổi, có người chần chừ, do dự. Khi ấy, hãy chiêm nghiệm lời Giáo sư Đặng Phong trong quyển Tư duy kinh tế: “Lịch sử của dân tộc ta trong thời đại nào cũng vậy, cái mới chỉ ra đời từ cái cũ, cái thành công thường là sự làm lại từ những thất bại, sự nhất trí cao là kết quả của rất nhiều những tìm tòi sáng tạo theo những hướng khác nhau, cuối cùng mới đi tới một đáp số chung trên cơ sở lợi ích của dân tộc, của đất nước”. Lời đúc kết đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến tận hôm nay.
Người An Giang, người Đồng bằng luôn ngập tràn cảm xúc với bài ca đất phương Nam: “Cánh chim tung trời về đất phương Nam. Bao la tình người, màu lục bình trôi!”. Đã bao lâu rồi, chúng ta chưa về An Giang, về Đồng bằng, cùng xem cây lúa trổ bông!
Lê Minh Hoan
Về An Giang xem cây lúa trổ bông
Còn gì vui hơn, khi đứng cạnh những nông dân, doanh nhân, cán bộ HTX, lãnh đạo địa phương, tìm về ký ức hôm qua, luận bàn chuyện hôm nay và hướng đến tương lai.
Lê Minh Hoan
Tin liên quan
Các chương trình
Việc chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thực tế, áp dụng các phương pháp canh tác thích ứng là hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình hiện nay.
Trong những năm gần đây, người nuôi tôm luôn đối mặt với nhiều rủi ro, từ rủi ro về môi trường, rủi ro bởi dịch bệnh đến rủi ro về giá cả.