Giáo sư Võ Tòng Xuân và duyên nợ với cây lúa

Kim Anh - Thứ Ba, 20/02/2024 , 07:31 (GMT+7)

GS Võ Tòng Xuân luôn mong được nhân mình ra, đào tạo nhiều cán bộ để mỗi nơi đều có những người am hiểu sâu, đóng góp hữu ích cho nông nghiệp.

GS Võ Tòng Xuân năm nay đã 84 tuổi vẫn miệt mài cống hiến, truyền lại những tri thức khoa học ngành nông nghiệp cho thế hệ mai sau. Ảnh: Kim Anh.

Từ lâu tên tuổi của GS Võ Tòng Xuân - thường được gọi là thầy Xuân, chú Ba Xuân, Dr. Rice - những cái tên đã trở thành quen thuộc trong ngành nông nghiệp.

Được sự giới thiệu của PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, chúng tôi tìm gặp ông Hà Triều Hiệp, nguyên cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ. Ông Hiệp là một trong những học trò và là cộng sự gần gũi với thầy Xuân từ những ngày đầu. Ông Hiệp đã dành cho chúng tôi những chia sẻ chân tình về vị "giáo sư nông dân" Võ Tòng Xuân.

Lao động, học tập không mệt mỏi

Khác với nhiều trí thức khoa bảng trước đây hoặc đương thời xuất thân và lập nghiệp dựa vào gia sản, lý lịch gia tộc, GS Võ Tòng Xuân sinh ra và trưởng thành từ một gia đình lao động bình thường và là tín đồ Cao Đài giáo chuẩn mực.

Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, hoàn cảnh kinh tế khó khăn buộc mọi người trong gia đình đều phải lao vào cuộc mưu sinh vất vả. Từ thời niên thiếu, thầy Xuân đã phải cật lực làm việc cùng với gia đình để bảo đảm cuộc sống và bản thân có điều kiện học tập. Trong khi phần lớn thanh thiếu niên đương thời đeo đuổi các bậc học phổ thông để tiến thân, thầy Xuân theo học tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng, một trường dạy nghề kỹ thuật tại Sài Gòn bấy giờ.

Từ năm 1961, nhận được học bổng Rockefeller để theo học tại Trường Đại học Nông nghiệp Philippines (UPCA) nhưng do hoàn cảnh gia đình, thầy Xuân phải vất vả với nhiều công việc làm thêm để có điều kiện theo đuổi việc học, không khác thời niên thiếu ở quê nhà.

GS Võ Tòng Xuân trong chuyến đi thực tế tại tỉnh An Giang phổ biến kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng cho bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Sau khi lấy được bằng master (cao học) về chuyên ngành nông hóa, được biết Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) vừa thành lập năm 1960 bên cạnh trường UPCA và đã nghiên cứu được nhiều kết quả cải tiến nghề sản xuất lúa của châu Á, thầy Xuân xin vào học thêm ngành lúa gạo và sau đó được chọn vào làm tại đây để có thêm kiến thức và kỹ năng về nước phục vụ.

Chính tại IRRI, thầy có cơ hội học hỏi được nhiều thành tựu kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, tiếp cận với phương pháp làm việc, phong cách sinh hoạt từ các nhà khoa học, chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới.

Cũng tại đây, thầy có dịp tiếp xúc, gặp gỡ nhiều giới chức, cán bộ khuyến nông của Việt Nam sang học tập. Qua đó tạo được mối quan hệ và có điều kiện nắm bắt thêm về hiện trạng sản xuất nông nghiệp ở nước nhà.

Từ năm 1971, thầy Xuân trở về Việt Nam tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu về cây lúa tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp (thuộc Viện Đại học Cần Thơ) qua lời mời của GS Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng thời bấy giờ.

Tận dụng cơ hội, biến đổi thời cơ

Thời điểm GS Võ Tòng Xuân về làm việc, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ (sau này là Trường Nông nghiệp) còn là một trường non trẻ, nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL và đang đẩy mạnh cuộc cách mạng xanh trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sức trẻ của trường còn được thể hiện qua đội ngũ thầy trò đầy nhiệt huyết, năng nổ trong học tập và cống hiến.

GS Võ Tòng Xuân thăm cơ sở sở hữu số lượng lớn giống cây đầu dòng ở tỉnh Bến Tre. Ảnh: Kim Anh.

Trong bối cảnh cuộc canh tân nông nghiệp ở khu vực đang được đẩy mạnh, Đại học Cần Thơ nhận được nhiều hỗ trợ về chuyên môn và tài lực từ các tổ chức, quốc gia tiên tiến. Trong đó, Chính phủ Nhật Bản đã tham gia đầu tư cho Trường Cao đẳng Nông nghiệp nhiều phương diện như cung cấp trang thiết bị, cử chuyên gia sang giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học và cấp học bổng đào tạo giảng viên cho trường. Đây là cơ hội giúp thầy trò của trường tiếp cận, làm việc với những chuyên gia giỏi, phương tiện hiện đại để nâng cao hoạt động giáo dục và tham gia hỗ trợ, phát triển sản xuất trên địa bàn.

Cùng với điều kiện phương tiện sẵn có của trường, thầy Xuân đã tham gia cộng tác, tận dụng các nguồn hỗ trợ từ nhiều tổ chức, cơ quan khác, ngay cả những doanh nghiệp có ngành nghề liên quan để có thêm điều kiện, phương tiện đẩy mạnh các mặt hoạt động. 

Bằng cách làm này, ngoài việc thực hiện tốt các mặt trong công tác, với tâm huyết phục vụ và phương pháp làm việc khoa học, cách giảng dạy kết hợp lý thuyết đi đôi với thực hành và nghiên cứu ứng dụng, tác phong thân thiện, gần gũi, thầy Xuân đã hình thành và phát triển được đội ngũ cộng sự có hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt việc giảng dạy, nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật với đủ thành phần: Nhân viên giảng huấn, sinh viên, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và mạng lưới nông dân cùng cộng tác.

Khi đất nước hòa bình thống nhất, những chủ trương chính sách tập trung phát triển sản xuất của các cấp chính quyền đương thời là điều kiện rất thuận lợi để thầy trò của trường đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học kỹ thuật, từ giảng đường, phòng thí nghiệm đến trạm, trại nghiên cứu và triển khai ứng dụng trên đồng ruộng nông dân trong giai đoạn mới.

Ngân hàng giống lúa ĐBSCL do GS Võ Tòng Xuân xây dựng được bảo tồn tại Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ). Ảnh: Kim Anh.

Trong các mặt công tác, từ kinh nghiệm và yêu cầu thực tiễn, thầy Xuân đã không ngừng cải tiến, mở rộng, tổ chức bộ máy, phương pháp và nội dung hoạt động.

Chẳng hạn, từ Bộ môn Cây lúa thuộc Khoa Trồng trọt (Trường Đại học Cần Thơ), với yêu cầu nhiệm vụ đơn thuần là nghiên cứu và giảng dạy, thầy Xuân đã huy động sinh viên sưu tập các giống lúa mùa địa phương của miền Tây để xây dựng Ngân hàng giống lúa ĐBSCL. Đồng thời, để mở rộng mục tiêu, phạm vi hoạt động, thầy đề xuất phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa ĐBSCL, sau đó đổi thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống canh tác ĐBSCL và tiến đến Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL - một đơn vị thuộc Trường Đại học Cần Thơ như hiện nay.

Kiên trì đưa tri thức nông nghiệp tới nông dân

Với thành quả hoạt động ngày càng được công chúng và xã hội ghi nhận, đánh giá tích cực, có thể thấy được nơi thầy Xuân là sự tâm huyết, nhiệt tình, kiên trì và mong muốn phục vụ, đóng góp cho sự phát triển.

Ông đã nhận được sự tín nhiệm của đông đảo bà con nông dân và lãnh đạo các cấp, tranh thủ được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế có liên quan.

GS Võ Tòng Xuân phân tích về chặng đường xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Không chỉ tổ chức hoạt động ở phạm vi nhà trường, khu vực, thầy Xuân còn quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác hỗ trợ đến nhiều tổ chức, đơn vị ở các vùng miền khác. Thậm chí ông còn triển khai hoạt động hỗ trợ ra ngoài nước như giúp cải tiến việc canh tác lúa ở một số nước châu Phi.

Một dẫn chứng là thông qua cơ quan IDRC (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc tế Canada) do Chính phủ Canada tài trợ, với tư cách là điều phối viên của chương trình, thầy Xuân đã sử dụng nguồn kinh phí này để thiết lập Mạng lưới nghiên cứu về Hệ thống canh tác tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước có liên quan.

Việc tài trợ và tổ chức thiết lập một mạng lưới nghiên cứu theo chủ đề với kế hoạch hoạt động thống nhất trên cả nước đã giúp nhiều cơ quan và nhà khoa học có điều kiện tăng cường hoạt động chuyên môn, góp phần nghiên cứu, xác định và đưa các tiến bộ kỹ thuật áp dụng phù hợp cho từng vùng miền.

Trong giai đoạn triển khai công cuộc hợp tác sản xuất (hình thức tập đoàn) ở miền Nam trước đây, đứng về quan điểm nông dân, thầy Xuân đã thấy được những mặt hạn chế của hình thức này và mạnh dạn nêu ý kiến đóng góp cải tiến, dù biết rằng làm như vậy có thể gây bất lợi cho bản thân.

Theo đuổi mục tiêu phục vụ và phát triển đời sống kinh tế nông dân, dù đâu đó có lúc, có nơi công việc không thuận lợi, thầy Xuân vẫn luôn giữ vững sự chân thành, kiên trì trong mọi hoạt động.

Sức khỏe không còn tốt, GS Võ Tòng Xuân vẫn cố gắng góp mặt ở những nơi cần đến để tiếp sức cho nhiều người. Ảnh: Kim Anh.

Làm việc bằng chính cái tâm và sự nhanh nhạy, thích nghi trong mọi tình huống, vị “giáo sư nông dân” đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của đội ngũ cộng tác, tranh thủ mọi cơ hội đẩy mạnh hoạt động, đóng góp hiệu quả cho sự tiến bộ và phát triển của đất nước, nhất là ngành nông nghiệp.

Nhiều năm về sau, các thế hệ sinh viên sau khi ra trường hoặc cán bộ cơ sở công tác ở các địa phương tiếp nối trở thành những cộng sự đắc lực, phối hợp cùng thầy Xuân thúc đẩy công việc diễn ra thuận lợi hơn.

Đến hôm nay, GS Võ Tòng Xuân tuổi đã 84, sức khỏe không cho phép thầy có thể hoạt động nhiều như trước. Thế nhưng, chỉ đơn giản là “ráng chịu mệt một chút, nhưng tiếp sức được cho nhiều người”. Cứ thế, vừa khỏe lại sau cơn bạo bệnh, người ta vẫn thấy thầy Xuân có mặt ở những nơi cần đến.

Bởi theo thầy, so với nhiều người, mình được may mắn có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý về nông nghiệp nên phải làm sao chia sẻ, càng nhiều càng tốt, nhân mình ra đến nhiều nơi cùng hỗ trợ, sát cánh với bà con nông dân trên chặng đường phát triển.

Kim Anh
Tin khác
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ

Chăm sóc thanh long trái vụ tốn công hơn nhưng bù lại, giá bán cao hơn hẳn và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Câu chuyện thứ mười một: Câu chuyện tiếp thị
Câu chuyện thứ mười một: Câu chuyện tiếp thị

Nguyên tắc thị trường là phải tiếp thị, không tiếp thị hoặc tiếp thị không đúng sẽ giới hạn không gian đối tượng tiêu dùng.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn

Nhiệt độ thích hợp nhất để chuối sinh trưởng là khoảng 27 độ C, nếu xuống quá thấp (dưới 6 độ C), cây sẽ yếu và dễ bị chết nếu không có phương án phòng, chống.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non

Để quả nhãn đủ chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cắt tỉa đợt 1 khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài

Cây xoài đặc biệt phù hợp với những vùng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất kéo dài 4 tháng, mùa mưa không quá 7 tháng. 

Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’
Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’

Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa.

Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh
Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh

Rong biển được ví như một 'kho báu' trong thời đại chuyển đổi xanh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.