Vùng nông nghiệp xanh trù phú ở Đồng Hỷ
Thúc đẩy nền nông nghiệp xanh của địa phương phát triển, chính quyền huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè. Từ đó, giúp Đồng Hỷ trở thành một trong bốn vùng chè nổi tiếng ở đất Thái Nguyên.
Đào Thanh | 09:07 22/11/2023
Vùng nông nghiệp xanh trù phú ở Đồng Hỷ
MC1:
Xin kính chào quý vị và bà con cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ, Thưa quý vị và bà con! Phong trào làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại các địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Riêng tại huyện Đồng Hỷ, phong trào này được người nông dân hưởng ứng tích cực và tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Đồng Hỷ cũng là địa phương dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên về các sản phẩm nông sản được công nhận đạt sao OCOP.
MC2: Thưa quý vị và bà con! Toàn huyện Đồng Hỷ có hơn 3.900ha chè, trong đó có 2.120ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Thúc đẩy nền nông nghiệp xanh của địa phương phát triển chính quyền huyện Đồng Hỷ tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho chè Sông Cầu, chè Văn Hán; hỗ trợ vốn vay ưu đãi và kết nối thị trường cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chè. Từ hướng đi này đã giúp vùng chè ở Đồng Hỷ trở thành một trong 4 vùng chè nổi tiếng ở đất Thái Nguyên.
Hiện nay HTX chè Nguyên Việt, xã Minh Lập có hơn 30 thành viên, vùng nguyện liệu chè là 50ha, trong đó có 10ha đang triển khai thủ tục cấp mã vùng trồng, 10ha đang triển khai theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh. Mỗi thành viên HTX có thu nhập từ chè khoảng 90 triệu đồng/năm. HTX cũng có 4 sản phẩm trà đạt 4 sao OCOP, 1 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.
Bà Uông Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chè Nguyên Việt, xã Minh Lập cho biết, sự hỗ trợ đồng hành của nhà nước là nguồn lực to lớn để HTX mở rộng phát triển sản xuất chè sạch. Đặc biệt năm 2021, HTX tiếp tục được đầu tư thực hiện dự án “Liên kết phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè tiêu chuẩn VietGAP – định hướng hữu cơ”. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, với tổng kinh phí hơn 7,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn nông thôn mới là hơn 4,4 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng.
Trích băng bà Uông Thị Lan
HTX trà Thịnh An, thị trấn Sông Cầu là đơn vị sản xuất chè tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tiêu biểu của huyện Đồng Hỷ và cả tỉnh Thái Nguyên. HTX có vùng chè an toàn với diện tích 50ha, trong đó có 20ha chè hữu cơ và 9ha chè được cấp mã số vùng trồng. HTX của có 3 sản phẩm OCOP 4 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Năm 2021, giống chè trung du thuần chủng của HTX được UBND tỉnh Thái Nguyên chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX trà Thịnh An cho biết, khi chị mới bắt tay vào làm chè sạch nhiều người phản đối vì cách đi ngược của chị. Cách chị yêu cầu họ chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch, cũng như quy chuẩn hái chậm, hái ngắn khắt khe. Vượt qua được gian khó, giờ thì những đồi chè trung du lá nhỏ cổ thụ rộng tới 20ha trở thành báu vật của HTX trà Thịnh An. Những đồi chè ấy cho búp để làm ra những sản phẩm trà hảo hạng.
Chị Vũ Thị Thanh Hảo
Với 36 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao OCOP, huyện Đồng Hỷ trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên về sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP.
Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cho biết, nhận thức rõ nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của tương lai, những năm qua huyện Đồng Hỷ đã hình thành được những cánh đồng nông nghiệp tốt rộng lớn. Nổi bật như mô hình trồng lúa chất lượng cao tại các xã Nam Hòa, Văn Hán, Minh Lập, Tân Long, Hoá Trung với quy mô 200ha, trong đó có 54ha đạt chuẩn VietGAP; mô hình chè VietGAP, hữu cơ tại xã Minh Lập, thị trấn Sông Cầu...
Trích băng bà Dương Thị Thu Hằng
MC1: Thưa quý vị và bà con! Những mô hình nông nghiệp tốt, chuyên canh đã và đang làm thay đổi tư duy và nhận thức của người nông dân ở huyện Đồng Hỷ.
Người nông dân mạnh dạn hơn khi áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng cùng một giống chất lượng, cùng áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và phòng trừ sâu bệnh theo mô hình IPM, hay theo tiêu chuẩn VietGAP... Từ đó góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và dần dần thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ
MC 1 tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Năm 2021 - 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình chuyển đổi sản xuất cam chanh, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh”. Đề tài được thực hiện trên diện tích 2ha tại Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống cây ăn quả - Cây lâm nghiệp Truông Bát. Sau 30 tháng triển khai, từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2023, đề tài đã thực hiện đạt đầy đủ các chỉ tiêu theo mục tiêu và nội dung đề ra. Thông qua kết quả sản xuất và kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm quả cam chanh, bưởi Phúc Trạch, Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận TQC CGLOBAL đã cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
MC 2: tin 2
Nhận thấy nhu cầu rau sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng, anh Phạm Ngọc Trọng ở xã Thuận Đức, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã thử nghiệm trồng rau theo phương pháp khí canh trên trụ đứng và cho hiệu quả cao. Với phương pháp này, rau sẽ được kiểm soát chất dinh dưỡng ngay từ đầu, không cần sử dụng đất nên hạn chế được sâu bệnh phát sinh, không lo tồn dư hóa chất hay kim loại nặng, không bị nhiễm sinh vật gây hại và vi sinh trong đất nên rau hoàn toàn sạch, rất thuận lợi để tiến tới sản xuất đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện, mô hình của anh Trọng mới trồng thử nghiệm trên 40 trụ đứng. Sau khoảng 30 ngày, mỗi trụ cho thu hoạch khoảng 10kg rau, cho thu nhập khoảng 200.000 đồng, mỗi năm có thể trồng từ 10 - 12 lứa rau.
MC 1: tin 3
Cũng là một mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thưa quý vị, với niềm đam mê nông nghiệp và mong muốn đem đến “bữa ăn sạch”, an toàn cho người tiêu dùng, năm 2017, anh Lâm Tuấn Ngọc ở phường Long Trường (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã mạnh dạn khởi nghiệp từ việc trồng rau thủy canh công nghệ cao. Vào tháng 6/2017, anh thành lập tổ hợp tác trồng rau sạch và nâng cấp thành HTX vào năm 2019. HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc chuyên cung cấp các loại rau cải, xà lách, rau dền, mồng tơi, tần ô… theo phương pháp thủy canh công nghệ cao. Từ 1.000m2 ban đầu, đến nay, diện tích canh tác rau thủy canh của HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc đã tăng gấp 10 lần với 11 loại rau, năng suất bình quân 1 tấn/ngày, doanh thu không dưới 20 triệu đồng. Đặc biệt, rau HTX được đưa trực tiếp vào 4 chuỗi của hàng thực phẩm sạch, siêu thị... Năm 2023, HTX vinh dự là một trong 63 HTX tiêu biểu của Việt Nam được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Vùng nông nghiệp xanh trù phú ở Đồng Hỷ
Thúc đẩy nền nông nghiệp xanh của địa phương phát triển, chính quyền huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè. Từ đó, giúp Đồng Hỷ trở thành một trong bốn vùng chè nổi tiếng ở đất Thái Nguyên.
Đào Thanh
Tin liên quan
Các chương trình
Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.
Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.