15 năm nếm mật nằm gai và trường ca tình đất, tình người

Chia sẻ của ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về hành trình đặc biệt đưa cây cao su lên Tây Bắc, sang Lào và Campuchia.

Năm 2022 là cột mốc khá nhiều cảm xúc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Đây là năm đánh dấu hành trình tròn 15 năm VRG đưa cây cao su lên trồng ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam và các quốc gia Campuchia, Lào.

Cuộc trò chuyện dưới đây với ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG được thực hiện sau những chuyến lên Tây Bắc, sang Vương quốc Campuchia và Lào. Hàng tháng trời ăn, ở những nơi ấy đã giúp chúng tôi cảm nhận được phần nào hành trình 15 năm của cây cao su và thành tựu nó mang lại.

“Đó là 15 năm của hành trình đi mở đất, trải qua biết bao cảnh nếm mật nằm gai, qua bao gian khổ nhưng bằng ý chí, khát vọng, người cao su đã viết nên khúc ca khải hoàn, khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người”, ông Hưng nói.

Thưa ông, trước hết xin được hỏi, cảm xúc, suy nghĩ của ông như thế nào khi nhìn lại hành trình 15 năm VRG đưa cây cao su lên đất Tây Bắc và sang các quốc gia Lào, Vương quốc Campuchia?

Năm 2022, tròn 125 năm cây cao su có mặt tại Việt Nam. Từ trước đến nay, mọi người vốn không còn xa lạ với sự xuất hiện của cao su tại những vùng đất truyền thống như khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên… Còn đối với những vùng đất khó khăn như Miền núi phía Bắc của đất nước ta hay các nước Lào, Vương quốc Campuchia, cây cao su vẫn còn là cái gì đó quá đỗi mới mẻ, có thể gọi là vùng phi truyền thống, ít ai nghĩ đến.

Cái gì mới bao giờ cũng nhiều khó khăn. Điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu có phù hợp hay không, tư duy chính quyền địa phương, người dân ở đó nhìn nhận cây cao su như thế nào, ứng dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giống phù hợp ra sao… là những vấn đề trong muôn vàn vấn đề VRG phải tính toán kỹ lưỡng.

15 năm ấy, các đơn vị thành viên của VRG cùng với chính quyền và nhân dân địa phương đã vượt qua muôn vàn khó khăn đó để cây cao su vươn mình trong nắng, mang đến làn gió mới. Không chỉ mang sứ mệnh phát triển kinh tế, cây cao su đã góp phần tạo giá trị mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc.

15 năm ấy, nhiều vùng đất ở Tây Bắc, ở Lào và Vương quốc Campuchia vốn hoang hóa, nghèo kiệt, có những nơi còn vắng bóng con người, nhưng bằng sự nỗ lực, đoàn kết rất lớn của tập thể các công ty cao su, đất và cây đã không phụ lòng người. Những vùng đất đó bây giờ đã hình thành các khu dân cư quần tụ “đất lành chim đậu” trong những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn.

Cao su trồng đến đâu, đầu tư xây dựng hạ tầng đến đó. Chỗ nào có cây cao su thì nơi đó có cuộc sống yên bình và no đủ. Các công ty luôn sát cánh hỗ trợ địa phương, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, tạo hiệu ứng tích cực mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư quanh vùng dự án.

Có thể nói các công ty cao su trực thuộc VRG đã viết nên khúc ca khải hoàn thấm đẫm tình đất, tình người. Để hôm nay, cây cao su với người dân ở Tây Bắc và các nước Campuchia, Lào chính là rừng, là tài sản, là sinh kế và nguồn sống.

Đó là 15 năm mà khát vọng, ý chí, bản lĩnh, sáng tạo của người cao su đã chiến thắng chặng đường dài gian truân.

Nhìn lại hành trình cây cao su trên vùng đất khó khăn nhất đất nước như Tây Bắc, có nhiều nhìn nhận nếu chỉ tính toán lợi ích kinh tế sẽ không doanh nghiệp nào đầu tư, đặc biệt là cây công nghiệp. Dẫu vậy VRG đã lên và thành công, mong ông chia sẻ khó khăn, gian khổ để cây cao su đứng vững trên đất Tây Bắc như ngày hôm nay?

Phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Với kinh nghiệm phong phú, nguồn lực vững mạnh, VRG được tin tưởng giao triển khai thực hiện chủ trương này.

Ngay từ đầu, tập đoàn đã xác định việc đầu tư trồng cao su tại Miền núi phía Bắc không hoàn toàn hướng đến lợi nhuận. Với vị thế, trách nhiệm của tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, VRG mang sứ mệnh cùng địa phương chung tay chăm lo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa cuộc sống bà con dần ổn định, phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là nhằm tri ân đồng bào dân tộc tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Tất nhiên, lên vùng đất mới chắc chắn nhiều khó khăn. Giai đoạn đầu, một số loại giống đưa ra không có khả năng chịu lạnh nên tốc độ sinh trưởng và phát triển không đồng đều. Thậm chí, có loại giống không thể chịu được những đợt rét đậm, rét hại nên đã chết. Song, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giống không chịu được lạnh đã được thay thế bằng các loại giống phù hợp với vùng khí hậu khắc nghiệt nơi đây.

Nhìn lại 15 năm cao su Tây Bắc có thể khẳng định cây cao su đã đáp ứng được kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Nếu so về năng suất vườn cây, các đơn vị khu vực chưa thể đạt được năng suất ngang với các đơn vị vùng truyền thống do đặc thù về khí hậu, địa hình, nhưng thực tế những năm gần đây diện tích đưa vào khai thác của Tây Bắc ngày càng tăng, vườn cây đang nằm trong thời kỳ cho năng suất tốt nhất và có xu hướng tăng.

Giờ đây cao su phủ xanh đất trống đồi trọc, bản làng khoác áo mới, bà con vùng cao đã có cuộc sống ổn định hơn khi vừa làm công nhân cao su vừa phát triển kinh tế gia đình. Kết quả tuy chưa thật sự rực rỡ nhưng phần nào đã có đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên vùng đất nghèo khó nhất đất nước.

Năm 2022 khu vực miền núi phía Bắc khai thác hơn 20,1 nghìn tấn mủ, tổng doanh thu toàn khu vực ước đạt 717 tỷ đồng… Thu nhập người lao động của các đơn vị trong khu vực này đều tăng hơn năm trước, bình quân hơn 5,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm trước 11%... Những con số là minh chứng, cùng với đó là những giá trị vô hình mang ý nghĩa rất lớn khác. Chúng tôi luôn khát vọng lớn là làm sao để người dân nơi đây ngày càng có cuộc sống khá giả hơn.

Thưa ông, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa có chuyến công tác dài ngày ở các nước Lào và Campuchia, thành tựu của cây cao su bên đó khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước và VRG đầu tư hoàn toàn đúng đắn. Theo ông, kết quả đầu tư cao su ở Camphuchia và Lào đó có ý nghĩa như thế nào?

Năm 2007, thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia, VRG đã thành lập 16 công ty con với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỷ USD, bắt đầu trồng cao su tại 7 tỉnh: Kampong Thom, Kratie, Rattanakiri, Odor Meanchey, Preah Vihea, Siem Reap và Mondolkiri.

Việc phát triển cao su ở vùng sâu vùng xa vốn đã có nhiều khó khăn, huống hồ phát triển cao su trên nước bạn còn khó khăn hơn gấp bội lần khi tất cả đều mới mẻ. Dân cư thưa thớt, điều kiện cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, ngôn ngữ khác biệt, khí hậu thổ nhưỡng khắc nghiệt… và rất nhiều rào cản khi triển khai thực hiện dự án.

Những người tiên phong đã trèo đèo, lội suối, băng rừng, dầm mình dưới cái nóng bỏng da để khai hoang, cắm mốc, vạch đường ranh. Từ những bước chân mở đường ấy đã mọc lên những cánh rừng cao su xanh, trù phú bạt ngàn nối tiếp nhau.

Ở Vương quốc Campuchia, tính đến năm 2022, các công ty đã đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội với tổng giá trị 60 triệu USD, gồm: Trên 1.200 km đường giao thông phục vụ dân sinh trị giá 20 triệu USD. Hệ thống điện, hơn 1.000 giếng nước sạch trị giá 6 triệu USD. Trạm y tế trên 5.000 m2; trường học trên 5.000 m2; nhà ở tập thể cho công nhân 120.000 m2, trị giá 17 triệu USD. Các công trình tôn giáo trị giá hơn 1 triệu USD, tham gia ủng hộ địa phương các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục gần 6 triệu USD…

Các dự án là hình ảnh sinh động cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia. Vượt qua hành trình 15 năm tạo lập vô cùng gian nan, vất vả, VRG đã thành lập 3 cụm trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su tại 7 tỉnh, tổng giá trị thực hiện đến nay trên 850 triệu USD và đã trồng được 90.000 ha cao su, tạo việc làm cho 18.000 lao động địa phương.

Nhìn chung, các dự án cao su ở Vương quốc Campuchia và Lào tại các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa hẻo lánh, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng khó khăn. Đóng góp rất nhiều, rất có ý nghĩa để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trên vùng đất khó khăn, hoang sơ ngày trước, bây giờ ở Tây Bắc Việt Nam và các nước Lào, Campuchia là những cộng đồng “người cao su, làng cao su”. Dấu ấn mở đường của những người VRG đã được khơi gợi, xác lập như thế nào và trong chiến lược phát triển, tương lai cây cao su ở những nơi đó sẽ ra sao, thưa ông?

Từ năm 2007 cho đến nay, hoạt động đầu tư của các công ty cao su ở Tây Bắc và Campuchia, Lào không những góp phần tích cực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện hạ tầng khu vực nông thôn, tạo việc làm với thu nhập ổn định, mà còn góp phần hình thành tập quán định canh, định cư, lao động với tác phong công nghiệp cho đội ngũ người lao động tại vùng dự án.

Cao su đang tích cực tham gia đóng góp cho chính quyền địa phương trong các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, các công trình phúc lợi phục vụ cho cộng đồng dân cư, giúp phát triển đời sống kinh tế xã hội tại địa phương.

15 năm đã đi qua, thành quả bước đầu là bước đệm quan trọng để các đơn vị trực thuộc VRG ở những nơi này tiếp tục vững tin tiến bước về phía trước. Khó khăn đã lùi xa, thách thức khách quan trước mắt vẫn còn, nhưng tập thể người lao động các đơn vị luôn có niềm tin với chủ trương đầu tư, niềm tin cây cao su sẽ vững vàng nơi vùng đất khó.

Hành trình 15 năm cây cao su Tây Bắc và Campuchia, Lào đúng vào giai đoạn ngành cao su gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là biến động thị trường, vậy VRG đã làm gì để vượt khó qua giai đoạn đó?

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ngành cao su tự hào có một truyền thống vẻ vang được tạo dựng, vun đắp từ sự đóng góp bằng tâm sức, sinh mạng, trí tuệ của hàng vạn con người qua nhiều thế hệ.

Trong thời gian qua, VRG và các công ty thực hiện nhiều phong trào vượt khó bám sát chủ trương tiết giảm suất đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm - giảm giá thành; tăng cường trồng xen canh, tăng hiệu quả sử dụng đất; phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động… Đây là những chủ trương lớn vừa mang tính chiến lược, vừa có tính cấp thiết để mỗi đơn vị nói riêng và toàn Tập đoàn nói chung vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển ổn định và bền vững.

Hành trình 15 năm ấy VRG đã kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống vượt khó hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngày đêm hăng say lao động, khai phá những vùng đất mới giàu tiềm năng để cho ra đời những dòng nhựa trắng, để cao su thực sự là dòng chảy cuộc sống.

Ông đánh giá thế nào về bức tranh tổng thể của ngành cao su trong năm 2022 vừa qua?

Với vai trò là một Tập đoàn kinh tế nhà nước, VRG luôn nỗ lực, chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch có tăng trưởng so với năm 2021, quyết tâm tập trung hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2022.

Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển của Đảng và Chính phủ, sự lãnh đạo của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành và cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi có đơn vị đứng chân, cùng với sự đoàn kết và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị VRG nên tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2022 ổn định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

Tổng diện tích VRG đang quản lý gần 402.650 ha, trong đó ở trong nước 288.101,31 ha, ở Campuchia 87.891,48 ha và ở Lào 26.657,32 ha. Trong điều kiện rất khó khăn, năm 2022 sản lượng khai thác hơn 429.000 tấn, đạt 106,2% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, tiêu thụ hơn 501.322 tấn, tăng 4,3% so với năm 2021. Tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 28.600 tỷ đồng, bằng 101,1% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm trước đạt 100%. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 4.000 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm trước đạt 132,7%. Thu nhập bình quân của gần 80.000 lao động trên 7,7 triệu đồng/người/tháng…

Nhìn chung trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn, thành quả của VRG là công sức, trí tuệ, nỗ lực rất đáng ghi nhận của toàn ngành cao su Việt Nam.

Bối cảnh thế giới, đất nước có nhiều biến đổi, vậy tầm nhìn, chiến lược và triết lý phát triển của VRG trong giai đoạn tới sẽ như thế nào?

VRG hiện đang đẩy mạnh phát triển hiệu quả trên 5 lĩnh vực ngành nghề cốt lõi: Trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cao su; Công nghiệp cao su; Chế biến gỗ; Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Trong quá trình hoạt động, VRG được ghi nhận là doanh nghiệp tiên phong có thành tích xuất sắc trong công cuộc phát triển bền vững, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường.

Mục tiêu phát triển của VRG là khẳng định vị thế một Tập đoàn kinh tế công - nông nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam và khu vực trên quan điểm phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội; nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn.

Khó khăn, thách thức của ngành cao su trong giai đoạn tới là gì và giải pháp của VRG như thế nào, thưa ông?

Theo đề án tái cơ cấu Thủ tướng đã phê duyệt, để thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Tập đoàn thông qua Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ Tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm).

Để đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống Tập đoàn; tiếp tục củng cố và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của ngành cao su, toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ngành cao su Việt Nam tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững.

Thứ hai, tăng cường công tác quản trị theo hướng khoa học, hiện đại; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đảm bảo đạo đức, năng lực lãnh đạo của bộ máy quản lý từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu công việc và xu thế phát triển của Tập đoàn. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin vào công tác quản lý – điều hành.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại, đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn thông qua việc tiếp tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp để tăng tính đại chúng, tăng tính minh bạch, thu hút được nguồn lực về quản trị để tăng hiệu quả doanh nghiệp; thực hiện sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ, khắc phục việc “mẹ con cùng góp vốn”, giảm đầu mối để tăng quy mô doanh nghiệp thành viên, tăng hiệu năng, hiệu lực quản lý.

Thứ tư, chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển ngành sản xuất khác có hiệu quả cao hơn phù hợp với quy hoạch của địa phương; phát huy tối đa năng lực vườn cây cao su; duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm cao su nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Thực hiện việc mua, bán, sáp nhập hợp tác, liên kết… với doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế để tăng nhanh giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm.

Thứ năm, tích cực làm việc với Bộ ngành chức năng để được xem xét có cơ chế phù hợp để thực hiện các ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Nhật – Hoàng Anh - VRG