5 kiến nghị Chính phủ và 4 bài học phát triển kinh tế tập thể

Tiến sĩ Trần Minh Hải là một chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về kinh tế tập thể có nhiều năm làm Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT).

Thưa ông, trước hết với tư cách là một người gắn bó, nhiều trăn trở với kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là ở miền Tây Nam bộ, nơi Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa phản ánh qua loạt bài "Kinh tế tập thể trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ", qua thực tiễn và theo dõi loạt bài, ông đánh giá như thế nào về “bức tranh” kinh tế tập thể, đặc biệt là những thay đổi nhận thức, tư duy trên vùng đất này?

 Trước đây khi chúng ta thực hiện Nghị quyết XIII của Trung ương về kinh tế tập thể đã phải tốn rất nhiều thời gian vận động, tuyên truyền người dân tham gia. Bà con e dè mô hình hợp tác xã kiểu cũ dẫn đến hiệu quả phát triển của kinh tế tập thể chưa cao.

Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự thay đổi rất lớn. Ở rất nhiều địa phương, người dân đã tự đứng ra vận động nhau thành lập hợp tác xã. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng vậy. Nhận thức được vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, các địa phương tập trung phát triển, có nhiều các chính sách hỗ trợ, tăng cường công tác quảng bá, vận động, tuyên truyền người dân tham gia vào hợp tác xã.

Đặc biệt, từ năm 2021 rất nhiều tỉnh đã có những chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành đã quan tâm, hỗ trợ, đồng thời xây dựng nhiều chính sách đặc thù để phát triển hợp tác xã.

Ông đánh giá thế nào vai trò của kinh tế tập thể trong giai đoạn mới?

Có thể khẳng định kinh tế tập thể đóng vai trò rất quan trọng trong Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và trong vấn đề thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ này, không thể thiếu vai trò quan trọng của kinh tế tập thể. Vì sản xuất hiện nay đòi hỏi hợp tác xã phải gắn liền với các vùng nguyên liệu lớn, để làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, có quy mô sản lượng lớn, chất lượng đồng nhất, đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu hay sơ chế, chế biến xuất khẩu theo chuỗi. Có như thế nông sản mới có thể xây dựng được thương hiệu, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm và áp dụng các tiêu chuẩn về nông sản của các thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất theo chuỗi ngành hàng.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi và nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân. Điều này để phân biệt rõ giữa mô hình hoạt động hợp tác xã so với mô hình doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng mang lại lợi nhuận còn hợp tác xã vừa mang lại lợi nhuận lại vừa có lợi ích, đó là vai trò rất quan trọng của mô hình kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay.

 

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Nghị quyết lần thứ V, Khóa XIII (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, một lần nữa khẳng định kinh tế tập thể là xu thế tất yếu và quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương là “phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước”. Ông kỳ vọng gì Nghị quyết mới của Trung ương?

Tôi kỳ vọng cao vào sự thành công bởi so với Nghị quyết 13 thì Nghị quyết 20 có rất nhiều điểm mới.

Đầu tiên, Nghị quyết 20 đã thể hiện rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc nhận thức đúng đắn, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện niềm tin vào sự phát triển bền vững của mô hình hợp tác xã trong tương lai. Nghị quyết cũng khẳng định cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ đảng viên, nhất là những người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt đã đưa giáo dục về kinh tế tập thể vào hệ thống giáo dục quốc dân.

Và một điểm mới khác biệt của Nghị quyết 20 là đưa ra quan điểm phát triển kinh tế tập thể coi trọng lợi ích của các thành viên. Sự hợp tác, trợ giúp lẫn nhau hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Đây là sự khác biệt về nhận thức rất lớn so với các Nghị quyết lần trước.

Trước đây chúng ta coi kinh tế tập thể chỉ là mang lại hiệu quả về kinh tế. Hiểu như vậy là chưa đủ, là cách đánh giá không tròn trịa. Kinh tế tập thể phải vừa mang lại hiệu quả, lợi nhuận, lợi ích và phải kèm theo phát triển cộng đồng, hỗ trợ người dân ở nông thôn.

Nghị quyết lần này cũng đặt ra mục tiêu phát triển thành viên hợp tác xã, số lượng hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, chất lượng các mô hình kinh tế tập thể trong tương lai… Đó là một trong những mục tiêu đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải cùng nhau hỗ trợ thực hiện để đạt được.

Ngoài ra còn có các điểm mới khác về chính sách phát triển, các chính sách về hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Trong đó nêu rõ các chính sách để phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, đồng thời lồng ghép các chính sách khác của Chính phủ như chính sách về khoa học công nghệ, khả năng tiếp thị… để phát triển hợp tác xã.

Tôi cho rằng những điểm mới này sẽ tạo được hành lang pháp lý, rất dễ để các các bộ, ngành Trung ương và chính quyền cấp tỉnh có thể triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Rõ ràng kinh tế tập thể đã có những thay đổi lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều nút thắt, rào cản, ông có kiến nghị gì với Trung ương để giải quyết những nút thắt, rào cản, điểm nghẽn để vai trò kinh tế tập thể được phát huy tốt hơn?

Dựa vào thực trạng phát triển hợp tác xã và mục tiêu của Nghị quyết 20, cá nhân tôi cho rằng, để đạt được hiệu quả, để tiệm cận được với quá trình phát triển hợp tác xã trên thế giới, để mục tiêu “lấy nâng cao chất lượng đời sống người nông dân nông thôn làm thước đo quan trọng phát triển kinh tế tập thể” cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, nói về mục tiêu phát triển hợp tác xã đến năm 2030 sẽ có 45.000 hợp tác xã và 8 triệu thành viên. Tôi nghĩ đây là mục tiêu không khó. Bởi vì hiện nay số lượng hợp tác xã nông nghiệp của chúng ta chiếm hơn 65% trong tổng số các loại hình hợp tác xã khác, nếu tính cơ học, trong 7 năm nữa cần phát triển thêm 3.500 hợp tác xã nông nghiệp để đạt mục tiêu theo Nghị quyết 20.

Nói không khó là bởi, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên là những vùng kinh tế có số lượng hợp tác xã nông nghiệp đang thấp so với bình quân và sắp tới sẽ là ba vùng kinh tế trọng điểm về nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng giải pháp thứ nhất là tập trung phát triển mô hình hợp tác xã ở những khu vực này. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cần đưa mục tiêu cụ thể để phấn đấu nhưng chỉ là khuyến khích đồng thời bổ sung chỉ tiêu về nâng cao quy mô về số lượng thành viên, nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ trong HTX,… Nếu mục tiêu 45.000 hợp tác xã vào năm 2030 bao gồm cả các loại hình khác như giao thông thương mại, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp… thì cần cân nhắc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đạt được hiệu quả.

Thứ hai, để thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết 20 tôi kiến nghị Trung ương cần có thêm Nghị quyết về hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới họ có Nghị quyết cấp Trung ương yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại Cổ phần dành một nguồn quỹ cho hợp tác xã vay với lãi suất ưu đãi chỉ 50% so với lãi suất ưu đãi trên thị trường.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay cũng có Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tuy nhiên việc triển khai thực hiện có nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ được đưa về các cơ quan Liên minh HTX đã không chuyên nghiệp như một tổ chức tín dụng, rủi ro cao và hiệu quả thấp. 

Trung ương cần có Nghị quyết giao nhiệm vụ các ngân hàng cho các hợp tác xã vay để phát triển các dịch vụ. Có như vậy việc quản lý cho vay mới không phát sinh nhân sự, chuyện nghiệp và các hợp tác xã phải thực hiện thế chấp giống như đi vay ngân hàng. Tài sản thế chấp hợp tác xã sẽ tự lo nhưng Nhà nước phải hỗ trợ phần lãi suất. Có như vậy mới xóa bỏ được vấn đề khó khăn ở nông thôn hiện nay là 70-80% nông dân không đủ vốn sản xuất, phải mua thiếu vật tư nông nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Nói cách khác, nếu có được nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ tín dụng, các hợp tác xã có thể thực hiện mua chung bán chung. Mua chung vật tư đầu vào trực tiếp ở các công ty với giá rẻ và bán lại cho các thành viên. Các dịch vụ tiêu thụ, bán chung cũng vậy. Chính sách hỗ trợ tín dụng sẽ khuyến khích được hợp tác xã mở thêm nhiều dịch vụ phục vụ thành viên tốt hơn, có thể phát triển thuận lợi hơn.

Thứ ba là kiến nghị liên quan đến chính sách thuế đối với hợp tác xã, theo tôi đây là chính sách cần phải thay đổi để nâng cao chất lượng đời sống nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Các quốc gia khác trên thế giới, việc kinh doanh của hợp tác xã và thuế VAT thu nhập doanh nghiệp thường là 0% hoặc rất thấp. Còn chính sách thuế hiện nay của Việt Nam, hợp tác xã ngoài đóng thuế VAT bình thường giống như các doanh nghiệp còn phải đóng thuế thu nhập 20% lợi nhuận. Thậm chí thuế còn đánh lên cả nông sản sơ chế và chế biến với mức 10%. Điều này dẫn tới việc nông sản Việt Nam thông thường chỉ bán thô, vừa không tăng được giá trị của chuỗi ngành hàng, vừa không giải quyết được công ăn việc làm ở nông thôn. Nếu nông sản của chúng ta vẫn tiếp tục bán thô như vậy thì đời sống, thu nhập của người nông dân tiếp tục thấp và bà con sẽ tiếp tục di dân. Tôi cho rằng chính sách thuế đối với hợp tác xã phải thay đổi giống như các quốc gia khác.

Thứ tư, Chính phủ cần thành lập một đội ngũ chuyên gia tư vấn hợp tác xã chuyên nghiệp từ Trung ương đến cấp tỉnh.

Thực tế hiện nay ở Việt Nam, từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, các chuyên gia am hiểu để có thể tư vấn, kiểm tra, giám sát quá trình phát triển hợp tác xã vẫn còn rất ít và phân tán, tất tần tật chưa đến 1.000 người.

Bài học ở các quốc gia như Thái Lan, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của họ có khoảng 3.000 chuyên gia tư vấn về hợp tác xã. Tương tự ở Nhật Bản, trước năm 2010, Liên đoàn HTX nông nghiệp của Nhật Bản có số lượng chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp khoảng 3.500 người. Hiện nay, do trình độ của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc các hợp tác xã đã nâng lên cao đẳng, đại học, thạc sĩ nhưng số lượng chuyên gia hợp tác xã của họ vẫn còn hơn 2.000 người. So sánh như vậy để thấy lực lượng am hiểu về kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam còn rất là thấp.

Thứ năm, Chính phủ cần bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ hợp tác xã phát triển hạ tầng, sơ chế, chế biến nhằm tăng khả năng xây dựng thành vùng nguyên liệu lớn, tăng khả năng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.

Nhân nói đến các bài học quốc tế, là một chuyên gia nghiên cứu hình thái kinh tế tập thể, đi giảng dạy và thực tiễn ở nhiều quốc gia, ông nhận thấy bài học về kinh tế tập thể, hợp tác xã ở các nước như thế nào? Việc áp dụng các bài học đó vào thực tiễn Việt Nam sẽ ra sao?

Nghiên cứu các bài học phát triển hợp tác xã trên thế giới, tôi thấy có một số bài học mà chúng ta cần phải áp dụng.

Thứ nhất, về xu hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của hầu hết các nước đều đi qua các đoạn giai đoạn giống nhau. Dù là chế độ xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển ở hầu hết các quốc gia. Cũng đi theo con đường từ giao chỉ tiêu phát triển số lượng, qua thời gian tự cạnh tranh gom lại thành những tổ chức lớn hơn, giảm số lượng và tăng quy mô. Ví dụ Nhật Bản, năm 1947 có 12.000 hợp tác xã, mỗi hợp tác xã có khoảng 125 thành viên, đến năm 2021 giảm xuống còn có hơn 600 hợp tác xã nhưng số thành viên tăng lên thành 14.000 người/hợp tác xã. Thái Lan hay quốc gia phát triển về kinh tế tập thể, hợp tác xã khác cũng đều đi theo con đường như vậy.

Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn đầu phát triển hợp tác xã so với các quốc gia trên thế giới, vẫn đang tăng số lượng hợp tác xã quy mô nhỏ và sẽ từ từ sáp nhập, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã bằng cách tăng số lượng thành viên. Có như thế mới có thể tận dụng lợi thế về quy mô, phát huy bản chất của hợp tác xã là mua chung bán chung, sẽ có lợi nhuận.

Bài học thứ hai là triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thông qua hợp tác xã. Lợi ích của việc hỗ trợ chính sách thông qua hợp tác xã là những khoản đầu tư nào của Nhà nước cho hợp tác xã sẽ trở thành tài sản không chia. Đầu tư vào hợp tác xã sẽ trở thành tài sản của cộng đồng và từ từ cộng đồng sẽ phát triển lên thành đối tác, đối trọng với doanh nghiệp để nâng cao thu nhập người nông dân, từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập của nông thôn với thành thị.

Bài học thứ ba, việc phát triển các mô hình hợp tác xã và nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân không thể thiếu vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều sử dụng mô hình hợp tác xã để hỗ trợ các chuỗi ngành hàng nhằm mục đích nâng cao đời sống người nông dân. Chúng ta cũng phải như vậy. Thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp có thể lồng ghép các chương trình phát triển của địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm với mục tiêu phát triển cộng đồng. Khi cộng đồng nâng cao chất lượng thì chuỗi ngành hàng cũng sẽ nâng cao chất lượng.

Bài học thứ tư là khi Chính phủ có các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, ở các nước họ không cào bằng mà đưa ra các chỉ tiêu xây dựng xoay quanh số lượng thành viên, số lượng nông sản, số lượng các dịch vụ mà hợp tác xã cung cấp cho thành viên...

Điều này đòi hỏi từng hợp tác xã và chính quyền các cấp bằng mọi giá phải làm sao nâng cao hiệu quả, quy mô của hợp tác xã mới nhận được các khoản trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Giai đoạn đầu sẽ là tài trợ gần như 100% hoặc 70 - 80%, nhưng giai đoạn thứ hai chỉ cho hợp tác xã vay với thời hạn 20 năm hoặc cho vay với lãi suất 0%. Hợp tác xã nào đủ năng lực, đủ điều kiện thì có thể vay và phải trả nguồn vốn lại cho Chính phủ.

Hoàng Anh - Hoàng Vũ
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Lê Hoàng Vũ - Hồng Thủy
Duy Học - Minh Sáng