Dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” thuộc Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh (Quy hoạch 1547), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008.
Quy hoạch 1547 có nhiệm vụ chính là chống ngập do triều và lũ khu vực nghiên cứu với diện tích 968.000ha được chia ra 3 vùng kiểm soát, bao gồm: Vùng I là toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè và bờ tả sông Vàm Cỏ - Vàm Cỏ Đông; vùng II là vùng ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai; vùng III là khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp.
Vùng I là khu vực trọng tâm của Quy hoạch 1547, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.939 km2 trong đó 1.179 km2 thuộc TP. HCM và 760 km2 của tỉnh Long An. Giải pháp xây dựng chính bao gồm:
-Các cống lớn gồm 13 cống: Rạch Tra, Vàm Thuật, Nhiêu Lộc - Thị Nghè (mới bổ sung), Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kênh Hàng,Thủ Bộ, Bến Lức và Kênh Xáng Lớn.
-Hệ thống đê bao có tổng chiều dài khoảng 172 km, bắt đầu từ Bến Súc phía bờ hữu sông Sài Gòn và kết thúc ở Tỉnh lộ 824 phía bờ tả sông Vàm Cỏ Đông.
-Nạo vét 11 kênh rạch thoát nước chính gồm: Rạch Thủ Đào, Rạch Bà Lớn, Rạch Lung Mân, Rạch Xóm Củi, Rạch Ông Bé, Rạch Thầy Tiêu, Sông Cần Giuộc, Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát, và Rạch Tra - Kênh Xáng - An Hạ - Kênh Xáng Lớn với tổng chiều dài các kênh trục gần 109 km.
Để hoàn thiện toàn bộ mục tiêu của Quy hoạch đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đó nguồn lực của TP.HCM có hạn.
Vì vậy, nhằm giảm thiểu tác động do ngập, góp phần vào sự phát triển ổn định của thành phố, trên cơ sở nghiên cứu của các nhà khoa học, ý kiến của các sở ngành, TP.HCM đã phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2016-2020 và giai đoạn 2 sau năm 2020. Trong đó giai đoạn 1 sẽ tập trung thực hiện Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1).
Vùng Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” là Vùng 1A thuộc Vùng I của Quy hoạch 1547, bảo vệ cho diện tích khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Vùng 1A được giới hạn bởi: phía bắc giáp với rạch Tra; phía nam giáp với tỉnh Long An; phía tây giáp với kênh An Hạ; phía đông giáp với sông Sài Gòn và Nhà Bè; thuộc địa bàn các quận/huyện: quận 1,3,4,5,6,7,8,10,11,12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Thạnh, Hóc Môn.
Dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” (giai đoạn 1), được khởi công từ tháng 6/2016. Tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Dự án còn được gọi là “Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ”.
Dự án là Công trình thủy lợi cấp I, nhóm A, là công trình quan trọng đặc biệt, lần đầu tiên được xây dựng tại TP.HCM do Công ty TNHH Trung Nam BT1547 làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên cơ sở hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Khi hoàn thành, Dự án sẽ giúp TP.HCM chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát của các dự án thoát nước đô thị (Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020) thông qua hệ thống các trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều; hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường; góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án; đảm bảo giao thông thuỷ theo cấp và quy định của TP.HCM.
Trong giai đoạn 1, dự án xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn là Mương Chuối, Phú Xuân, Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Định và Cây Khô, quy mô bề rộng cống từ 40-160m. Vị trí xây dựng của các cống tại quận 1, quận 4, quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè (TP.HCM).
Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hoá bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của TP.HCM. Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành để nhân viên vận hành thực hiện đóng/mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng/mở khi thông số mực nước ở mức cảnh báo.
Bình thường, toàn bộ 11 cửa van cống ở cả 6 cống Mương Chuối, Phú Xuân, Cây Khô, Phú Định, Tân Thuận và Bến Nghé sẽ được mở hoàn toàn, cho phép tàu thuyền trên sông qua lại bình thường. Trong trường hợp mưa lớn và xảy ra triều cường, 6 cống lớn sẽ được điều khiển đóng toàn bộ để ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch.
Khi ấy, hệ thống giao thông đường thủy sẽ tiếp tục hoạt động thông qua các âu thuyền. Các âu thuyền vận hành đóng mở lần lượt: Mở cửa cho thuyền bè chờ trong buồng âu; đóng cửa và điều tiết mực triều bên trong buồng âu phù hợp với mực triều bên ngoài; mở cửa van còn lại cho thuyền đi vào khu vực. Hệ thống âu thuyền hoạt động tương tự với âu thuyền tại kênh đào Panama.
Vào mùa khô, khi hệ thống quan trắc cảnh báo và phát tín hiệu triều thấp, hệ thống 6 cống ngăn triều lớn sẽ tự động đóng, khép kín kênh rạch cho toàn bộ khu vực, bảo lưu lượng nước trong nội đô ở mực nước phù hợp, hạn chế tình trạng mất mỹ quan, cũng như giúp cải thiện môi trường nước và khu vực sinh sống.
Cũng trong giai đoạn 1, Dự án xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/s, 1 trạm bơm 24m3/s tại cống Tân Thuận, 1 trạm bơm 18m3/s tại cống Phú Định.
Hệ thống máy bơm công suất lớn được lặp đặt tại các cống trên nhằm xử lý nước mưa khi xảy ra mưa lớn kết hợp triều cường. Trong tình huống cực đoan mưa lớn kết hợp triều cao, các van cống đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch, sau đó các máy bơm sẽ tiến hành bơm nước trực tiếp từ bên trong kênh rạch nội đô, đổ ra sông lớn nhằm điều tiết cao trình mực nước thấp hơn cao trình 1,3-1,5 m của hệ thống cống thoát nước đô thị.
Một khi mực nước kênh rạch nội đô thấp hơn cao trình 1,3-1,5 m, nước mưa sẽ theo hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch, và hệ thống máy bơm công suất lớn tiếp tục hỗ trợ thoát nước đô thị bằng cách bơm nước ra sông ngòi. Quá trình sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi các hiện tượng cực đoan liên quan đến mưa và triều chấm dứt.
Dự án cũng xây dựng 7,8km đê/kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu, các cống nhỏ có khẩu độ 1-10 m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối. Xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition - hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu, nhằm hỗ trợ quá trình giám sát và điều khiển từ xa).
Đến nay, Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã hoàn thành khoảng trên 93% khối lượng công việc.
Cống kiểm soát triều Mương Chuối là cống lớn nhất trong 6 cống lớn của dự án. Cống nằm trên sông Mương Chuối, thuộc xã Phú Xuân và xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Cống có khẩu độ 160m, gồm 4 cửa van lộ thiên dạng phẳng thẳng đứng, mỗi cửa van rộng 40m, nặng từ 230 đến 320 tấn; 1 âu thuyền rộng 11m, dài 140m.
Đến nay, cống Mương Chuối đã thi công xong các trụ pin, tháp van, âu thuyền, dầm đáy, cầu công tác, đã lắp đặt được 4/4 cửa van chính.
Cống kiểm soát triều Cây Khô, nằm trên rạch Cây Khô, giữa hai ngã ba rạch Chiếu – rạch Cây Khô và rạch Tôm – rạch Cây Khô (sau khi chỉnh dòng rạch Tôm), thuộc địa phận 2 huyện Nhà Bè và Bình Chánh, ngăn triều từ 2 con sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố. Cống có khẩu độ 80m, gồm 2 cửa van chính, mỗi cửa rộng 40m và nặng 230 tấn, 1 âu thuyền khẩu độ 15m và dài 156m.
Đến nay, cống Cây Khô đã thi công xong hạng mục trụ pin, dầm đáy, âu thuyền, cầu công tác, đã lắp đặt xong 2/2 cửa van chính.
Cống kiểm soát triều Phú Định nằm trên kênh Đôi (quận 8), giữa hai ngã ba sông Cần Giuộc – Chợ Đệm – kênh Đôi và kênh Đôi – kênh Tàu Hủ. Cống có nhiệm vụ ngăn triều từ sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm TP.
Cống Phú Định có khẩu độ 40m, 1 cửa van chính, 1 âu thuyền rộng 15m. Đến nay, cống Phú Định đã thi công xong âu thuyền, buồng bơm, trụ tháp, dầm van, đã lắp đặt 1/1 cửa van chính của cống.
Cống kiểm soát triều Tân Thuận nằm trên kênh Tẻ (giữa quận 4 và quận 7), với mục đích ngăn triều cường từ sông Sài Gòn vào kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé. Cống được kỳ vọng là sẽ giúp người dân các quận 7, 4, 8 tránh được tình cảnh ngập lụt do triều cường. Cống có khẩu độ 40m, gồm 1 cửa van chính nặng 230 tấn, 1 âu thuyền 15m.
Đến nay, cống Tân Thuận đã thi công hoàn thiện âu thuyền, buồng bơm, bến neo phía quận 7, trụ tháp, cầu công tác, dầm van; đã lắp đặt 1/1 cửa van chính của cống.
Cống kiểm soát triều Phú Xuân nằm trên rạch Đĩa (giữa quận 7 và huyện Nhà Bè), gần cầu Phú Xuân 2. Cống có khẩu độ 80m, gồm 2 cửa van chính (mỗi cửa rộng 40m, nặng 212 tấn), 3 trụ pin
Đến nay, cống Phú Xuân đã thi công xong trụ pin và trụ tháp, dầm van, cầu công tác, đã lắp đặt xong 2/2 cửa van.
Cống kiểm soát triều Bến Nghé, nằm sát cầu Mống (một cây cầu cổ ở TP.HCM, giữa quận 1 và quận 4). Thay vì trụ chốt và tháp van cao và cửa van lộ thiên như các cống khác, cống Bến Nghé được trang bị cửa van hình vòng cung chìm để phù hợp với cảnh quan xung quanh. Cống có khẩu độ 40m, 1 cửa van cống nặng 434 tấn.
Đến nay, cống Bến Nghé đã thi công xong thân cống, đang lắp đặt cửa van cống.
Đến thời điểm này, tuyến đê bao ĐB1, ĐB2, ĐB3 đang tiến hành công tác hoàn thiện, tuyến ĐB4 đang thi công, tổng khối lượng đê/kè đã hoàn thành khoảng 85%.
Theo kế hoạch bạn đầu, Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, dự án đã bị tạm ngừng thi công 3 lần và hiện gần như vẫn chưa thi công trở lại.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tháng 4/2021, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chấp thuận về nguyên tắc UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015 của Văn phòng Chính phủ và các thủ tục đã cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm bảo đảm lợi ích về kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Chính phủ tháo gỡ nhưng phải thực hiện việc thanh toán, quyết toán, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị quyết nêu rõ, “UBND TP.HCM, chủ đầu tư Dự án, các đơn vị thiết kế, thi công, tư vấn giám sát theo chức năng, nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả chống ngập của Dự án, an toàn của công trình dự án, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ngăn triều, Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) còn phòng tránh, hạn chế khả năng xâm thực, xâm nhập mặn khi nước biển dâng trong tương lai. Khi xảy ra tình huống triều biển cao, nước biển xâm thực vào sông ngòi, làm thay đổi môi trường nước, 6 cống kiểm soát triều lớn sẽ đóng lại, khép kín môi trường nước trong kênh rạch và ngăn chặn hoàn toàn sự xâm thực từ nước biển.
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình tổ chức thực hiện hoàn thành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo mục tiêu, hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, an toàn công trình, tiến độ dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản của nhà nước.
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm thực hiện việc thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật và quy định tại hợp đồng dự án được ký kết đúng pháp luật.
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, trao đổi, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về giá trị dự án, loại bỏ toàn bộ các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định; thống nhất giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán hợp đồng và nội dung cần thiết khác làm cơ sở để ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, không được để thất thoát ngân sách nhà nước.
UBND TP.HCM thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về việc điều chỉnh khoản tái cấp vốn cho vay thực hiện Dự án theo đúng quy định trên cơ sở hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT, hợp đồng tín dụng đã được các bên điều chỉnh, ký kết và các nội dung cần thiết khác theo quy định ...”.
Tuy nhiên, hơn một nam qua, Dự án vẫn không tiến triển được mấy do vướng mắc các thủ tục trong bối cảnh dự án đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc.
Tại một buổi tiếp xúc cử tri mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã làm việc với nhà đầu tư và thống nhất sẽ tái ký phụ lục hợp đồng. Sau khi tái ký phụ lục hợp đồng, nhà đầu tư cần 2 tháng sắp xếp tín dụng, 6 tháng để hoàn thiện. Mục tiêu đến tháng 11/2023 sẽ hoàn thành dự án này.
Câu chuyện về việc đầu tư xây dựng cống ngăn triều chống ngập cho thấy sự quan tâm đầu tư cho phòng chống thiên tai. Đó cũng là quyết tâm chính trị trong việc từng bước thực hiện nội dung chiến lược phòng chống thiên tai, thực hiện kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ngập úng, tạo điều kiện để từng khu vực trọng điểm phát triển an toàn, bền vững.