Anh hùng Trần Mạnh Báo - Người trồng lúa cho quê hương

Nếu có một bản hùng ca về những người trồng lúa cho quê hương trong thời kỳ đổi mới, tôi nghĩ, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, sẽ là cái tên xuất hiện đầu tiên.

Ông tự nhận mình là “một phần của cánh đồng lúa chín”. Đã có lúc, ông ước nguyện sau khi nhắm mắt xuôi tay, thì tro cốt của mình sẽ được rải trên cánh đồng lúa. Ông là một doanh nhân sinh ra từ lũy tre làng, là tác giả/đồng tác giả của hàng chục giống lúa đột phá về năng suất và chất lượng, giúp hàng triệu người nông dân có những vụ mùa bội thu.

Từ những gian nhà xập xệ, hoang tàn của thời kỳ mới thành lập, sau 50 năm thành lập, ThaiBinh Seed đã có một tòa building mang hình dáng hạt giống khổng lồ đang nảy mầm đẹp nhất tỉnh Thái Bình; sở hữu 21 giống cây trồng được công nhận bản quyền; có Phòng thử nghiệm Quốc gia trực thuộc doanh nghiệp; có Viện Nghiên cứu cây trồng và có nhà máy chế biến gạo công suất 40.000 tấn/năm.

Thế nhưng, với CEO ThaiBinh Seed, những gì đạt được ngày hôm nay mới chỉ là sự khởi đầu cho những trang sử mới. Sau 50 năm kể từ ngày thành lập, ThaiBinh Seed sẽ nhận về mình một sứ mệnh lớn hơn. Đó là sứ mệnh cùng đồng hành với những người nông dân mới.

Nhân dịp này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo để nhìn lại hành trình của ThaiBinh Seed trong nửa thế kỷ qua và hành trình sắp tới.

Trong gần nửa thế kỷ làm việc tại ThaiBinh Seed, dường như ông dành tình cảm đặc biệt cho Trại thực nghiệm giống lúa Đông Cơ - nơi ông gắn bó 2.555 ngày ở đó. Cũng tại chính nơi này, ông từng ước nguyện khi nhắm mắt xuôi tay, thì tro cốt của mình sẽ rải trên cánh đồng. Cảm xúc ấy bắt nguồn từ đâu?

Cảm xúc ấy có cội nguồn của nó. Tôi là nông dân, sinh ra dưới lũy tre làng. Cho nên tôi luôn quan sát đồng ruộng, quan sát hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng tâm thức và trái tim của mình. Khi chúng ta làm bất cứ điều gì bằng trái tim, thì nó rất sâu sắc, và nó như một nguồn năng lượng luôn trào dâng, tạo cho ta cảm xúc mà chỉ lúc đó chúng ta mới nhận ra được.

Cũng như một nhà thơ ngồi bên bờ hồ, anh ta có thể cảm nhận được một chiếc lá vàng lìa cành và rơi xuống mặt hồ tĩnh lặng của mùa thu. Khi đó, trái tim anh ta đã thuộc về thiên nhiên rồi.

Cho nên, mỗi lần ra đồng, tôi luôn có cảm giác mình như một phần của đồng ruộng, như một phần của cánh đồng lúa chín. Cảm giác ấy căng tràn lần thứ nhất vào ngày 25/10/1968, khi tôi bước chân vào quân ngũ, bộ hành từ trường cấp 3 Thái Ninh (nơi tôi đang học) lên xã Đông Các, huyện Đông Hưng suốt từ 17h đến 22h đêm.

Khi đi qua cánh đồng xã Thái Hà, huyện Thái Ninh (xưa) kéo dài từ làng đi lên đê Trà Lý khoảng 1km, hai bên đường người dân vẫn đang cặm cụi gặt lúa, mùi thơm của lúa khiến tôi có những rung cảm đặc biệt.

Lần thứ hai là sau khi tôi về làm việc tại trại thực nghiệm Đông Cơ (của ThaiBinh Seed ngày nay). Cũng vào một buổi chiều thu tháng 10, tôi từ văn phòng ra đồng theo hướng từ Đông sang Tây, mặt trời chiếu xuống nhưng trên thân lúa vẫn còn đọng những giọt sương. Tôi ngửi thấy mùi lúa chín ngào ngạt và cảm nhận được sự sung sướng tột cùng khi đồng lúa được mùa.

Lúc đó, trong đầu tôi có nguyện ước, nếu như sau này mình còn ở đây, mình ra đi trên mảnh đất này, thì tro cốt của mình sẽ được rải trên 56ha của trại Đông Cơ.

Cảm xúc ấy khó diễn tả lắm, vì lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây thì cánh đồng 56ha của trại thực nghiệm cỏ mọc um tùm, lúa thì thưa thưa, đời sống anh em cực kỳ khó khăn. Chúng tôi phải sửa chuồng lợn làm chỗ ở cho công nhân. Thậm chí có lúc 40 con người cả nam cả nữ phải quây cót lại trong một nhà lợp tôn 200m2, chiều cao cột chỉ 2,3m sau một cơn bão.

Thế nhưng, chúng tôi không bị khó khăn khuất phục mà nỗ lực vươn lên. ThaiBinh Seed xóa bỏ cơ chế Kế hoạch hóa trong nông nghiệp quốc doanh bằng đề án Khoán sản phẩm đến người lao động từ năm 1987 trước khi có Nghị quyết X của Bộ Chính trị; được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động đầu tiên trong thời kỳ đổi mới của ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình.

Với tôi, mùi thơm của lúa tháng 10 năm 1968 và mùi thơm của lúa tháng 10/1992 thật giống nhau. Và đến bây giờ, mỗi lần tôi ra thăm cánh đồng lúa chín, cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn. Đó là thứ cảm xúc rất tự nhiên.

Xuất phát điểm từ những gian nhà xập xệ, giờ đây ThaiBinh Seed đã có một toà nhà nguy nga tráng lệ bậc nhất quê lúa Thái Bình, với kiến trúc rất đặc biệt. Vậy suốt hành trình đó đã đem lại cho ông cảm xúc gì, đặc biệt là khi ngồi ở đây – một văn phòng sang trọng và hiện đại, vào thời điểm ThaiBinh Seed chuẩn bị Lễ kỷ niệm 50 năm đồng hành cùng người nông dân?

Sau khi chuyển về đây làm việc, tôi cảm giác nó như một giấc mơ. Đây là chia sẻ thực. Vì tôi không nghĩ rằng ThaiBinh Seed lại sở hữu một văn phòng như thế này.

Khi tôi đến đây năm 1983, trên khu đất chỉ có 11 gian nhà ngói, 5 gian nhà lợp fibroxi-măng và 3 gian nhà lợp bằng lá cọ, một nửa diện tích là ao và công trình phụ của Ty Nông nghiệp ngày xưa. Tôi đã từng phải đi nhặt từng viên gạch, xin từng xe đất để đổ xuống cái ao, lấp đi để làm cái nhà hai tầng.

Thế mà bây giờ, chúng tôi được làm việc trong một toà nhà được mọi người đánh giá là đẹp nhất tỉnh Thái Bình. Đẹp cả về hình thái kiến trúc, đẹp cả về phong cách thiết kế. Nó còn là một toà nhà đa năng kết hợp cả trung tâm thương mại, văn phòng, tổ chức sự kiện, nhà hàng cà phê và bể bơi vô cực trên cao.

Người ta bảo rằng ông cả đời làm nông nghiệp mà lại xây dựng được tòa nhà có kiến trúc đẹp thế. Chúng tôi rất tự hào. Tuy nhiên, ít người hiểu hết được kiến trúc của tòa nhà này. Nó xuất phát từ cảm hứng logo của ThaiBinh Seed. Nhìn từ xa, tòa nhà như một hạt giống đang nảy mầm. Nó cũng giống như một cánh buồm cách điệu.

Mà logo của ThaiBinh Seed là do chính tay tôi vẽ ra năm 1988. Đến năm 2015, công ty mới thuê một doanh nghiệp của Mỹ làm lại bộ nhận diện thương hiệu cho hiện đại hơn, nhưng nó vẫn là cái hạt nảy mầm kế thừa từ logo cũ.

Vừa mới trưa nay, tôi ngồi suy nghĩ rằng tại sao tòa nhà này lại được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ThaiBinh Seed? Tại sao nó hoàn thành đúng lúc tôi đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và ThaiBinh Seed đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay cả 5 năm trước cũng không ai nghĩ đến chuyện này. Đó là một cảm xúc hạnh phúc, nhưng tôi nghĩ cái chúng tôi đạt được như ngày hôm nay chỉ là sự bắt đầu thôi. Chúng tôi phải làm điều gì đó để không hổ thẹn với những điều đang có, không hổ thẹn với những người đi trước, đó là suy nghĩ của tôi.

Phải chăng, toà nhà này là một trong những minh chứng cho sự chuyển mình và phát triển của ThaiBinh Seed. Bởi, ThaiBinh Seed không chỉ có một toà building nguy nga nhất nhì tỉnh Thái Bình, Thái Bình Seed không chỉ có những hạt giống tốt mà còn có nhà máy chế biến gạo hiện đại đạt chuẩn châu Âu, có Viện Nghiên cứu giống cây trồng và hàng loạt dự án đầu tư vào nông nghiệp trong tương lai?

ThaiBinh Seed đang ở thời khắc kỷ niệm 50 năm thành lập, và ở thời đoạn lịch sử này, ThaiBinh Seed sẽ nhận về mình một sứ mệnh lớn hơn. Đó là sứ mệnh cùng đồng hành với những người nông dân mới.

Kể từ khi hình thành, ThaiBinh Seed luôn làm theo lời Bác, đồng hành cùng người nông dân, kể cả khi thành công, kể cả khi thất bại, kể cả những lúc cực kỳ khó khăn, thậm chí người ta nghĩ rằng chúng tôi sắp phá sản.

Và chính lúc người ta nói rằng ThaiBinh Seed sẽ phá sản là thời điểm công ty phải hy sinh 33 tỷ đồng, gấp 3 lần tài sản mà công ty có (vốn điều lệ chỉ có 10 tỷ đồng) để hỗ trợ nông dân.

Chuyện xảy ra vào năm 2013, giống lúa BC15 gặp nhiệt độ thấp (38 năm mới gặp một lần) nên bị lem lép hạt tại 11 tỉnh. Lúc đó ThaiBinh Seed quyết định bỏ ra 1.063 tấn thóc để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất. Ngay cả Nhà nước cũng chưa bao giờ xuất ra đến 1.000 tấn thóc giống để hỗ trợ giống lúa cho nông dân (tính đến thời điểm đó).

Nhiều người trong công ty không đồng ý, nhưng tôi nói với họ rằng: “Các vị không đồng ý tôi vẫn làm. Bởi vì công ty này sinh ra là theo ý kiến của Bác Hồ. Công ty này sinh ra để cung cấp giống tốt cho nông dân, nhưng nông dân sử dụng giống của chúng ta đang gặp khó khăn. Nông dân không có lỗi, chúng ta không có lỗi nhưng thời tiết có lỗi. Dù có phá sản công ty này vẫn phải hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn”.

Và chính điều đó đã giúp ThaiBinh Seed tăng niềm tin đối với nông dân. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo ở các tỉnh nói rằng: “Không có công ty nào có trách nhiệm với nông dân như ThaiBinh Seed và chính vì vậy bà con nông dân lại yêu quý và sử dụng sản phẩm của công ty”.

Khi niềm tin đã nhân lên thì mình đưa sản phẩm gì người ta cũng ủng hộ, người ta không bao giờ nói rằng “công ty đó làm bậy”. Đó chính là giá trị không phải công ty nào cũng có được.

Chúng ta đều biết, nền nông nghiệp nước ta đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ nhưng cũng đối mặt với những khó khăn lớn. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và những khó khăn nội tại khi ruộng đồng manh mún, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

50 năm qua, chúng tôi đi trước người nông dân, nghiên cứu và cung cấp cho họ những hạt giống tốt hơn. Nhưng tới đây, khi những thế hệ nông dân mới hình thành, họ có tri thức cao hơn, ThaiBinh Seed cũng phải nâng tầm thông qua việc nâng cao trình độ nhân sự, trình độ quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ hai, ThaiBinh Seed không dừng lại ở giống cây trồng, và cũng không dừng lại ở giống lúa, vì hoạt động của chúng tôi phải phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khi nền kinh tế thay đổi, tổ chức sản xuất thay đổi.

Thứ ba, chúng tôi sẽ tạo ra những giống lúa mới để người dân không phải ăn cho no nữa mà ăn cho ngon, và thậm chí có thể tăng cường sức khoẻ cho người tiêu dùng, đó chính là kinh doanh lương thực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế.

Và thứ tư là phải khai thác lợi thế của nông nghiệp. Bởi Đảng, Nhà nước đã chọn 3 lĩnh vực chủ đạo để phát triển nền kinh tế, đó là nông nghiệp, du lịch và kinh tế số. Vậy thì du lịch và nông nghiệp phải đi với nhau chứ? Chẳng lẽ chúng ta cứ suốt ngày vào Dinh Độc Lập hay các di tích ở Điện Biên Phủ hay sao?

Chúng ta còn phải đi ra biển, chúng ta lên rừng, chúng ta đi về nông thôn, chúng ta tận hưởng du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... tất cả những địa điểm đó đều ở nông thôn. Chúng tôi sẽ gắn kết cả nông nghiệp và du lịch để tạo ra một hệ sinh thái  của ThaiBinh Seed. Điều này sẽ được chúng tôi công bố trong dịp Lễ đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập công ty.

Vậy theo ông, đâu là sự khác biệt của ThaiBinh Seed trong làng giống cây trồng Việt Nam?

Nếu nói về những giá trị khác biệt của ThaiBinh Seed thì nên để cho người khác đánh giá sẽ khách quan hơn. Nhưng tôi có thể tóm lại mấy điều.

Thứ nhất, ThaiBinh Seed luôn tiên phong và đi trước ngành thương mại giống cây trồng Việt Nam. Chúng tôi là đơn vị đầu tiên bỏ quốc huy hai bông lúa và đặt tên mình vào giữa. Tôi tự vẽ logo từ năm 1988, lúc đó nói đến khái niệm doanh nhân gần như không có trong từ điển của chúng ta.

Thứ hai, tôi là người đầu tiên đi tìm mua vỏ bao xi măng đóng bao thóc giống 5kg, 10kg, rồi xây dựng hệ thống bán giống lúa tại cấp xã đầu tiên, trong thời bao cấp thực hiện kế hoạch hoá.

ThaiBinh Seed cũng là đơn vị đầu tiên thành lập viện nghiên cứu cây trồng thuộc doanh nghiệp; là công ty đầu tiên đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam (với giống lúa thuần TBR1). Và, chúng tôi còn mua bản quyền giống lúa thuần đầu tiên là giống lúa BC15. Chúng tôi luôn luôn là những người chấp nhận khó khăn.

ThaiBinh Seed dám đổi mới từ năm 1988, trước khi Nghị quyết về khoán X của Bộ Chính trị ra đời. Thậm chí, có người nói với tôi là: “Mày không cẩn thận thì vào tù đấy”. Tôi vẫn làm, bởi đó chính là giá trị của sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhưng trên nền tảng kiến thức và dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng. Vì tôi làm những điều ấy từ năm 1988, trong khi sự nghiệp đổi mới của Đảng ta đã ra đời từ năm 1986 rồi, nhưng người ta chưa dám làm thì tôi làm. Đó chính là giá trị tiên phong.

Thứ ba, giá trị của ThaiBinh Seed còn là trách nhiệm với xã hội. Tôi đã tuyên bố với toàn thể cơ quan rằng không bao giờ được trốn thuế, không bao giờ trốn bảo hiểm xã hội.

Thứ tư là chúng tôi luôn luôn tìm ra cho mình một con đường với tầm nhìn chiến lược. Từ năm 2001, ThaiBinh Seed đã xây dựng cho mình một chiến lược phát triển, lấy giá trị con người là số 1, khoa học - công nghệ là thứ hai và quan hệ hợp tác là thứ ba. Chiến lược ấy được chúng tôi thực hiện hơn 20 năm qua, và cho đến bây giờ vẫn rất đúng.

Đây không phải là cái gì mới, các cụ nói rồi, “buôn có bạn, bán có phường, làm ăn có xóm có làng mới vui”. Vây tại sao doanh nghiệp lại không hợp tác với nhau, cứ đóng cửa lại làm ăn sao được.

Và trong nội bộ ThaiBinh Seed, khi ai đó có một sáng kiến, ý tưởng gì đều được tôn trọng, đều được khen thưởng và tôn vinh. Chúng tôi xây dựng một tập thể mà ở đó trong trái tim con người không có chỗ cho sự hận thù, chỉ có chỗ cho sự yêu thương. Đó là những giá trị mà ThaiBinh Seed có được sau 50 năm.

 

Nhắc đến Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Mạnh Báo, người ta thường liên tưởng đến những cống hiến của ông trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng. Nhưng ít người biết ông còn là một nhà vận động chính sách, tham vấn rất nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển cơ chế thị trường, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cũng như lĩnh vực giống cây trồng?

Đây cũng là một duyên kiếp. Ngày 2/9/1995, tôi được gặp TS Jan Torp Pederson, cố vấn của Công ty COWI - đơn vị thực hiện dự án ODA của Đan Mạch để giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Ông Jan Torp Pederson hỏi tôi làm thế nào để nâng cao được đời sống của nông dân Việt Nam? Tôi đã nói ba điều: Thứ nhất, những người Việt Nam nghèo nhất là những người nông dân. Những người nông dân nghèo nhất là những người trồng lúa. Bây giờ, nếu các ông hỗ trợ để giảm thất thoát sau thu hoạch với việc xây dựng nhà máy chế biến gạo mấy chục nghìn tấn mỗi năm thì chẳng ăn thua gì. Nhưng nếu ông hỗ trợ cho họ một hệ thống cung cấp hạt giống chuẩn quốc tế, bà con sử dụng hạt giống tốt để đẩy năng suất lên 10 - 30% thì hiệu quả sẽ lớn hơn nhiều.

Cho nên, chúng tôi đề nghị dự án không cung cấp giống cho vùng nguyên liệu sản xuất gạo, mà đề nghị Đan Mạch giúp xây dựng một hệ thống cung cấp hạt giống cho Việt Nam, trước hết là cho Thái Bình, từ đó hình thành cơ sở sản xuất, nghiên cứu, bảo quản hạt giống đạt trình độ quốc tế.

Thứ hai là phải đào tạo lại nguồn nhân lực của ngành giống cây trồng Việt Nam. 6 chương trình đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành giống cây trồng Việt Nam theo chương trình của DANIDA là do tôi viết, ông Jan Torp đồng ý luôn. Và sau này, các chương trình đào tạo đó được phổ biến cho cả ngành giống cây trồng.

Tôi cũng là người đưa ra khái niệm giống mới tại khách sạn Thiên Cầm (Hà Tĩnh) vào tháng 11 năm 2003. Bên cạnh đó, tôi có một may mắn là thành viên của Hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng (Lê Huy Ngọ) để xây dựng ngành giống cây trồng Việt Nam.

Khi ấy, tôi là người đầu tiên đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT phải xây dựng chiến lược phát triển giống cây trồng Việt Nam. Anh Chu Thiện lúc đó là Điều phối viên của Chương trình giống cây trồng gọi tôi và hỏi tại sao tôi lại đề nghị như vậy? Tôi nói rằng, giống là tiền đề của sản xuất mà không có chiến lược phát triển thì không được. Và, ngay sáng hôm sau, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã chủ trì một hội nghị 2,5 ngày để bàn về vấn đề này.

Từ đó đến ngày hôm nay, tất cả những vấn đề liên quan đến các chương trình giống cây trồng tôi đều được tham gia từ đầu đến cuối, từ Pháp lệnh Giống cây trồng đến Luật Trồng trọt. Và chính tôi cũng là người đưa ra ý tưởng thành lập Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam ở Khách sạn Bảo Sơn, khi đó có Thứ trưởng Bùi Bá Bổng dự. Khi mình đã đề xuất thì mình triển khai làm bằng được, nhờ đó Hiệp hội đã ra đời.

Nhưng đóng góp lớn nhất của chúng tôi, là khi tất cả các tỉnh miền Bắc ào ạt đưa lúa lai vào gieo cấy, thì ThaiBinh Seed kiên trì chọn lọc và công nhận giống lúa thuần đầu tiên. Tôi đã bị lên án, phản đối ngay tại Phú Thọ. Người ta nói là bây giờ người ta làm lúa lai, anh Báo làm lúa thuần làm gì, chúng tôi không cần.

Thế nhưng sau này, chính người nói câu ấy phải về đây để mua giống siêu nguyên chủng của tôi để làm lúa thuần. Tôi bảo: “Ơ thế sao bây giờ anh không phản đối lúa thuần nữa đi”.

Lúa thuần của ThaiBinh Seed không thua kém bất kỳ giống lúa lai nào khác ở vụ mùa. Khi tôi lên làm Tổng giám đốc Công ty, cơ cấu giống lúa của Thái Bình là 60% lúa lai trong vụ xuân, vụ mùa là 40%. Bây giờ tỉnh Thái Bình gần như không còn lúa lai, nhưng năng suất lúa của Thái Bình vẫn dẫn đầu miền Bắc, nếu cấy 2 vụ là dẫn đầu cả nước.

Đó là đóng góp của ThaiBinh Seed, chất lượng giống lúa của ThaiBinh Seed bao giờ cũng được thị trường đánh giá tốt hàng đầu, và khi sản phẩm của chúng tôi được đánh giá tốt thì lập tức doanh nghiệp khác cũng phải nâng chất lượng sản phẩm lên để cạnh tranh, và người được hưởng lợi nhiều nhất là nông dân.

Xét về tiền bạc, ThaiBinh Seed chỉ có 10 tỷ đồng vốn điều lệ. Nhưng xét về những “giá trị mềm”ThaiBinh Seed đang nắm trong tay, thì đó là những gì?

Tôi nghĩ giá trị lớn nhất mà ThaiBinh Seed có được hiện nay đó là cái tên ThaiBinh Seed ở trong trái tim của nông dân Việt Nam; trong trái tim của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng biết ThaiBinh Seed, 6 đời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT gần đây nhất (từ Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu, sau này làm Phó Thủ tướng đến Bộ trưởng đương nhiệm Lê Minh Hoan) đều dành sự yêu mến đặc biệt cho ThaiBinh Seed.

Có lần, tôi đi từ nhà công tử Bạc Liêu xuôi 40km đi thăm lúa (cả ô tô, xe ôm, xuồng ba lá và đi bộ), nhưng khi vừa lên bờ để đi bộ được 300m, thì một bà nông dân hỏi tôi: “Ơ, bác này từ Thái Bình vào à?”. Tôi ngạc nhiên hỏi sao bà biết tôi, bà bảo: “Tôi biết”.

Lần khác, tôi tham gia cùng đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm địa phương xây dựng nông thôn mới ở Nam Định. Lúc đó bệnh gút tái phát, tôi không theo kịp, một mình cà nhắc đằng sau. Có một ông nông dân lấy xe máy từ nhà ra nói: “Anh đến đây tôi đèo anh đi. Anh này là giám đốc của nông dân mà”.

Cuộc đời tôi tổng kết có 3 thứ không bao giờ mua được bằng tiền. Thứ nhất là sức khoẻ, thứ hai là tri thức, thứ ba là tình cảm. ThaiBinh Seed có tài sản là tình cảm của người nông dân lớn lắm. Chính vì tình yêu thương đó mà ThaiBinfh Seed dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau đó vẫn tiến lên được. Chứ giá trị bằng tiền thì ThaiBinh Seed không phải là lớn, doanh thu 1.000 tỷ thì chưa là gì.

Thành lập Viện nghiên cứu cây trồng trực thuộc ThaiBinh Seed, ông sẽ dẫn dắt tương lai của nó như thế nào với tư cách là một Giám đốc?

Thực ra đây là con đường tất yếu phải đi. Ý tưởng nghiên cứu khoa học ở trình độ cao của tôi không phải bây giờ mới có. Tôi còn nhớ 15 năm trước, một cô sinh viên mới ra trường tự nhiên vào phòng làm việc của tôi để xin việc. Tôi hỏi cô ấy một câu thôi: “Đề tài tốt nghiệp của bạn là gì?” Cô ấy trả lời: “Báo cáo chú, đề tài tốt nghiệp của cháu là về công nghệ sinh học, cụ thể là nuôi cấy mô do GS. NGND Nguyễn Quang Thạch hướng dẫn”.

Tôi bảo: “Thôi được rồi, bây giờ bạn cứ xuống trại mà tôi đã ở đấy 7 năm lội ruộng đi, rồi có một lúc nào đó tôi sẽ sử dụng bạn”. Sau đó, tôi cho bạn ấy đi làm ở tất cả vị trí liên quan đến công tác kỹ thuật: chọn lọc giống siêu nguyên chủng, làm việc ở phòng thử nghiệm quốc gia, sau đó đưa về bộ môn nghiên cứu lúa rồi cử bạn ấy đi học ở nước ngoài. Và bây giờ bạn ấy đã có sản phẩm về công nghệ sinh học để trả cho công ty rồi.

Hiện nay, cô ấy đã trở thành Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học của Viện Nghiên cứu cây trồng. Bộ môn này đã trợ giúp rất đắc lực cho hai bộ môn còn lại là nghiên cứu lúa và nghiên cứu cây trồng khác. Nhờ đó, tới đây ThaiBinh Seed sẽ cho ra đời rất nhiều sản phẩm mới.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ThaiBinh Seed đồng hành cùng nông dân, ông muốn gửi gắm thông điệp gì đến những nhân viên của mình cũng như những thế hệ đi trước? Và nếu như có một lời hứa, thì ông sẽ hứa điều gì đối với người nông dân?

Phải khẳng định rằng, cái mà ThaiBinh Seed có được ngày hôm nay là mồ hôi, nước mắt, công sức, trí tuệ của tất cả người lao động trong 50 năm qua. Đó là sự biết ơn Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương đã giúp đỡ ThaiBinh Seed, coi như một đứa con nuôi dưỡng cho đến lúc trưởng thành. Đó còn là sự giúp đỡ, chở che của bà con nông dân cũng như bạn bè, đối tác để ThaiBinh Seed có được như ngày hôm nay.

Nhưng những người đang làm việc ở ThaiBinh Seed phải biết ơn bằng chính hành động tiếp theo để không phụ công sức, trí tuệ, mồ hôi nước mắt của thế hệ người đi trước. Phải tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi về thăm Thái Bình ngày 1/1/1967: “Muốn có nhiều lúa gạo thì phải tăng năng suất lúa. Muốn tăng năng suất lúa thì phải chọn lọc, cung cấp giống tốt cho người nông dân”, không bao giờ được quên, phải khắc ghi lời đó.

Vì công ty này sinh ra từ nông dân, lớn lên từ những người nông dân và nhờ nông dân mà phát triển thì không bao giờ được lừa dối nông dân mà phải tự mình vươn lên, đoàn kết trăm người như một, phấn đấu góp công sức xây dựng công ty ngày một phát triển để đồng hành với người nông dân trong thời kỳ mới.

Con người ta ai cũng có một thời kỳ thôi, không ai sống mãi, nhưng còn ngày nào gắn bó với ThaiBinh Seed, thì tôi luôn nói với người lao lao động: “Hãy tôn trọng tất cả những gì thế hệ trước để lại, biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ, đào tạo, nâng đỡ mình và thực hiện cho bằng được lời dạy của Bác, luôn luôn đồng hành với người nông dân trong điều kiện mới, tình hình mới và trong vị thế mới”.

Xin cảm ơn và chúc mừng ông vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ThaiBinh Seed!

Minh Phúc
Trọng Toàn
Bá Thắng
Quang Dũng - Phạm Huy - Minh Phúc