Sa Pa với những di sản người Pháp để lại khi kết hợp với tâm huyết, năng lực của một tập đoàn kinh tế tư nhân đã phát huy hết giá trị của nó.
Cùng với Ba Vì, Đà Lạt, Tam Đảo thì Sa Pa là một trong bốn khu nghỉ dưỡng trên núi do người Pháp phát hiện và khai từ những năm đầu của thế kỷ 20 ở Việt Nam. Tài liệu sử sách thể hiện, người Pháp có mục tiêu xây dựng một “kinh đô nghỉ hè” ở độ cao hơn 1.500m trên dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Năm 1903, trong chuyến đi thực tế ở Lào Cai để lập bản đồ, đoàn trắc địa của Sở Địa lý Đông Dương đã phát hiện ra một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và khí hậu dễ chịu trên cao nguyên Lồ Suối Tủng (cao nguyên Sa Pa) thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Ngay lập tức người ta nảy ra ý tưởng xây dựng ở nơi đây một trại điều dưỡng. Tuy nhiên, ý tưởng này phải đến năm 1909 mới được Công sứ tỉnh Lào Cai Toures đề xuất. Mieville là người Pháp đầu tiên đến ở Sa Pa vào tháng 7 năm 1909 tại vị trí sau này xây dựng khách sạn Metropole.
Ngay sau đó, có rất nhiều bài nghiên cứu về Sapa, đặc biệt là bài “Khu nghỉ dưỡng” của Hautefeuille trên tạp chí Đông Dương năm 1910 có đoạn viết: “Tôi hoàn toàn bị quyến rũ ngay từ chuyến đi Sa Pa lần đầu tiên. Con đường dẫn đến Sa Pa chạy qua khu vực có phong cảnh tuyệt đẹp. Hai phần ba quãng đường xuyên rừng với vẻ đẹp hiếm thấy… Thung lũng giữa dãy Phanxipăng và cao nguyên Sa Pa (còn gọi là cao nguyên Lồ Suối Tủng) đẹp như thể thung lũng của dãy Pyrenees ở Tây Ban Nha…”.
Cảnh đẹp Sa Pa đã thu hút rất nhiều người Pháp đến đây. Năm 1910, đoàn lính lê dương đầu tiên đến để mở đường và lập trại lính. Đến 1919 trại điều dưỡng dành cho quân đội đã được xây dựng. Từ 1910 đến 1920, đã có 6 toà nhà được xây dựng. Năm 1920-1930, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ 3 khách sạn (Fansipan, Vaumousse, Morellon) và 28 ngôi nhà được xây dựng. Năm 1930-1940, 26 biệt thự, 1 nhà thờ và khách sạn Metropole được xây dựng. Năm 1940-1943, 8 biệt thự và 10 toà nhà được hoàn thành. Ngoài các công trình lớn, cho đến 1943 có rất nhiều công trình nhỏ khác. Cùng với việc xây dựng các công trình trên, người Pháp đã hoàn thiện hệ thống cung cấp điện, nước cho khu vực này. Hiện nay, công trình thuỷ điện Cát Cát vẫn còn hoạt động, cung cấp nước cho thị trấn Sa Pa.
Chánh Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương CERUTTI, trên Tạp chí Đông Dương (số 164-165, ngày 28-10-1943) viết: Sapa, khu nghỉ tuyệt đẹp gợi nhớ đến dãy núi Alpes, được xếp vào hàng các khu nghỉ có sự phát triển hỗn hợp. Sơ đồ kèm theo đây(…) cho chúng ta thấy cái nhìn toàn cảnh về việc quy hoạch và mở rộng nó. Những khu vực khác được đề cập trên bản vẽ tuỳ thuộc vào địa hình, diện mạo và thời gian có nắng tại đó. Chính vì vậy mà những địa điểm đẹp nhất trông ra thung lũng Mường Hoa và đỉnh núi Phanxipăng (giờ đây được trồng rau) đã được sử dụng vào việc xây dựng các toà biệt thự theo bản đồ quy hoạch. Một chương trình với các quy định về thẩm mỹ và vệ sinh cũng như những mục khác kèm theo sơ đồ này sẽ giúp Sapa giữ được nét riêng biệt của một thành phố - vườn bám vào sườn núi tạo ra những cảnh sắc và góc nhìn tuyệt đẹp. Chính điều đó sẽ đảm bảo việc gìn giữ cảnh quan tạo nên nét hoa mỹ của khu nghỉ trên cao này.
Theo tài liệu của tỉnh Lào Cai, từ năm 1914, người Pháp đã có mục tiêu xây dựng một “kinh đô nghỉ hè” thực sự trên vùng núi miền Bắc Kỳ. Cùng mùa hè năm đó, các nguyên vật liệu cần thiết để phục vụ xây dựng khi dinh thự nghỉ mát cao cấp và các khu nhà dịch vụ kèm theo đã được vận chuyển từ Hà Nội lên Sa Pa. Khoảng thời gian giữa năm 1924 và 1940, có khoảng 100 biệt thự nữa được xây lên.
Những biệt thự đầu tiên được xây dựng trên khu đất của khách sạn Victoria hiện nay vào năm 1918. Ở vùng đất thấp là những biệt thự của quan chức cấp cao, những toà nhà hành chính và khách sạn.
Cuối năm 1942, có 12 nữ tu thuộc dòng tu nữ của Hội Thánh Ci Tô cải cách, những người chẳng có gì "ngoài sứ mạng truyền giáo và cứu rỗi xám hối" bị trục xuất khỏi Nhật Bản. 8 người trong số họ và một người thuộc dòng khác tình nguyện xin được ở lại Châu á và tiếp tục truyền đạo. Đại sứ Pháp tại Nhật đã viết cho cha Tổng Giám mục giáo phận Hưng Hoá, trong đó có Lào Cai, xin cho họ được đến vùng này tiếp tục truyền đạo.
Vào tháng 2/1942, quan toàn quyền Bắc Kỳ kí một thế ước có giá trị lâu dài chuẩn y cho đoàn nữ tu khu đất bỏ hoang cạnh trạm nghiên cứu giống cây ăn quả Tả Phìn, với số tiền thuê tượng trưng là 1 quan/năm... Tháng 12/1942, đoàn nữ tu lên đến Lào Cai và được bố trí ở trong một căn nhà gỗ "tồi tàn và chẳng có lấy một tiện nghi nào"mỗi người trong số họ " không có gì cả ngoài bộ quần áo đang mặc trên người".
Viên đá đầu tiên của công trình xây dựng tu viện Đức Nữ Đồng Trinh Hoà Bình dòng khổ hạnh Hội Thánh Ci Tô cải cách ở Tả Phìn được xây vào ngày 8 tháng 10 năm 1942. Năm 1945 do tình hình an ninh bất ổn, đoàn nữ tu đã vội vã di tản về Hà Nội bỏ tu viện bị đốt phá hoang tàn.
Dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại vẹn toàn nhất đó là nhà thờ đá Sa Pa.
Nhà thờ Sa Pa toạ lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, có thể phát triển nhiều công trình văn hóa phục vụ cho các hoạt động xã hội. Đặc biệt, nhà thờ ở vị trí trung tâm của thị trấn Sa Pa, đứng ở bốn phía đều có thể quan sát được di tích, cùng với hai công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp. Việc chọn hướng của nhà thờ có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người Công Giáo: Đầu di tích quay về phía Đông, là hướng mặt trời mọc, hướng đón nguồn sáng Thiên Chúa. Cuối nhà thờ (khu Tháp chuông) là hướng Tây, nơi sinh thành của Chúa Kitô.
Suốt một thời gian dài, những dấu tích về một vùng đất người Pháp cực kỳ coi trọng gần như bị lãng quên. Thực tế cũng có những sự đầu tư nhưng chưa bao giờ xứng tầm so với tiềm năng, giá trị của vùng đất này. Cho đến thời điểm Tập đoàn Sun Group xuất hiện.
Năm 2014, Tập đoàn Sun Group đặt chân đến Sa Pa, đánh dấu hành trình thay đổi diện mạo vùng đất tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm bằng công trình cáp treo Fansipan.
Sau hơn 800 ngày thi công, ngày 2/2/2016, tuyến cáp treo chính thức được khánh thành, mở ra cơ hội chinh phục nóc nhà Đông Dương cho du khách mọi lứa tuổi, đặt nền móng cho sự phát triển của khu du lịch đa trải nghiệm hấp dẫn tại Sa Pa. Tại thời điểm đó cáp treo Fansipan nắm giữ 2 kỷ lục thế giới: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.325m). Tuyến cáp gồm 33 cabin, mỗi cabin có sức chứa tối đa 35 khách, công suất vận chuyển tối đa 2.000 khách/h. Nhờ có hệ thống cáp treo, thời gian di chuyển từ thung lũng Mường Hoa lên đỉnh Fansipan được rút xuống còn 15 phút thay vì 2 ngày leo bằng đường núi hiểm trở.
Sau khi tuyến cáp treo đi vào hoạt động, liên tiếp những sản phẩm, công trình mới được Sun Group bổ sung, tạo nên một Khu du lịch Sun World Fansipan Legend với đa dạng trải nghiệm cho du khách. 5 năm qua, Sun World Fansipan Legend cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt du lịch Sa Pa theo hướng phát triển nhân văn và bền vững với tiêu chí tôn trọng thiên nhiên, gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa, không ngừng tạo sinh kế cho người dân địa phương…Khu du lịch cũng góp phần tạo sự khởi sắc rõ rệt cho du lịch Sa Pa và Lào Cai, tỷ lệ tăng trưởng du khách đến Lào Cai giai đoạn 2015-2019 lên tới 144%. Đặc biệt trong năm 2020, dù ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của của đại dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và cộng động doanh nghiệp cùng 2 đợt kích cầu do Sun World Fansipan Legend và Hiệp hội du lịch Sa Pa khởi sướng đã mang lại hiệu ứng tích cực, giúp lượng khách đến Sa Pa tăng 163%...
Tại Lễ Kỷ niệm 5 năm khánh thành tuyến cáp treo Fansipan và Khu du lịch Sun World Fansipan Legend hồi tháng 4/2021, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, những đóng góp to lớn của tập đoàn cho sự phát triển du lịch của Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung, sự xuất hiện của Khu du lịch Sun World Fansipan Legend không chỉ đóng góp, đem đến sự tăng trưởng, bứt phá ngoạn mục cho lĩnh vực du lịch của địa phương, mà còn trở thành tiền đề cho hành trình thay đổi diện mạo của du lịch Sa Pa và Lào Cai. Những giá trị văn hóa bản địa Sa Pa đã được bảo tồn và phát huy một cách độc đáo, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Từ chỗ hoang sơ, gần như bị quên lãng thì giờ đây những giá trị từ “kinh đô nghỉ hè” đang vươn tầm quốc tế, phát huy hết giá trị đích thực mà tạo hóa đã ban tặng cho Sa Pa.
Từ câu chuyện của Sa Pa, ”, KTS Lê Thành Vinh nói rằng: “Người Pháp đến Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển kiến trúc, đô thị hiện đại ở Việt Nam. Cùng với các đô thị lớn được hình thành ở các vùng đồng bằng, những thị trấn hay khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên các vùng cao như Sa Pa, Hà Giang, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà... Tất cả đều là những bằng chứng thực tế rất sống động về sự lựa chọn vị trí, hoạch định cấu trúc, tạo diện mạo kiến trúc bản địa, sử dụng vật liệu địa phương cũng như thái độ tôn trọng và cách ứng xử phù hợp với đặc điểm địa hình, môi trường tự nhiên vốn có”.