Bản Lải là công trình thủy lợi nằm trên sông Kỳ Cùng của tỉnh Lạng Sơn, dòng sông duy nhất ở Việt Nam không đổ ra Biển Đông mà chảy sang Trung Quốc.
Dự án hồ chứa nước Bản Lải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho đầu tư xây dựng và giao UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo việc lập dự án vào tháng 6/2007. Đến tháng 10 cùng năm, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt dự án đầu tư với nhiệm vụ chính là cấp nước cả có sản xuất, sinh hoạt và thủy điện với dung tích toàn bộ 89,93 triệu m3.
Tuy nhiên, trước bối cảnh lũ lụt trên sông Kỳ Cùng gây thiệt hại nặng nề cho địa phương vào năm 2008, Lạng Sơn đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề xuất thêm nhiệm vụ giảm lũ cho thành phố Lạng Sơn và các khu vực phụ cận cho công trình và đề nghị Bộ NN-PTNT quản lý đầu tư dự án do công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp và Bộ NN-PTNT đã đồng ý với đề nghị này.
Bộ đã tổ chức báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho rà soát, hoàn thiện dự án đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 2/2014. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT đã rà soát, điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến dự án thủy lợi Bản Lải vào tháng 12/2014.
Theo đó, nhiệm vụ của công trình được bổ sung thành chống lũ tiểu mãn và lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho thành phố Lạng Sơn và vùng phụ cận với tần suất P=1% (tương đương trận lũ năm 1986), mực nước tại trạm thủy văn Lạng Sơn giảm khoảng 1,80m.
Bên cạnh đó, cấp nước tưới cho 2.045 ha đất canh tác (tưới trực tiếp 1.671 ha, tạo nguồn 374 ha). Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 122.000 người, cho công nghiệp 35.470 m3/ngày đêm.
Ngoài ra, xả nước đảm bảo môi trường sinh thái hạ du trong mùa khô, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát điện.
Vì vậy, hồ chứa nước Bản Lải có dung tích được nâng lên 155,89 triệu m3; cụm công trình đầu mối, gồm các hạng mục chính: đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước; hệ thống kênh tưới có tổng chiều dài khoảng 35 km.
Theo phương án thiết kế ban đầu, tổ hợp công trình đầu mối gồm đập đất, cống lấy nước, tràn xả mặt, hầm xả sâu. Đập đầu mối có hình thức kết cấu là đập đất đá nhiều khối, với hình thức kết cấu này thì giải pháp công trình tràn xả lũ khá phức tạp và tốn kém nên cần thiết phải có các phương án so chọn kỹ lưỡng về kinh tế - kỹ thuật, phân tích, định lượng ưu nhược điểm rõ ràng của từng phương án để lựa chọn phương án tốt nhất.
Bộ NN-PTNT và Cục Quản lý xây dựng công trình, Chủ đầu tư và đơn vị tham gia lập Dự án đầu tư xem xét, tính toán kỹ lại các bước lập dự án đầu tư, trong đó có việc quyết định thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật gồm những người có học hàm, học vị cao, nhất là có nhiều năm công tác và có kinh nghiệm về hoạt động xây dựng công trình thủy lợi để giúp việc.
Tổ chuyên gia đã tập trung trí tuệ nghiên cứu, tính toán, phản biện toàn diện về Dự án và đã nhiều lần làm việc với Cục Quản lý xây dựng công trình, Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và đã có nhiều văn bản báo cáo Bộ và các đơn vị liên quan, đó cũng là một trong những ý kiến quan trọng để Đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện Dự án trình Bộ xem xét quyết định đầu tư.
Tiếp thu các ý kiến, Liên danh Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam – CTCP và Viện thủy điện và năng lượng tái tạo đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT chuyển sang phương án sử dụng đập bê tông trọng lực.
Để có được sự thay đổi này, các đơn vị tư vấn đã phải tổ chức nghiên cứu theo 4 phương án tuyến, tương đương với đó là đưa ra 6 phương án bố trí công trình.
Trong đó, phần đập được lên các các phương án làm bằng đất đá có lõi chống thấm và đập bê tông trọng lực và kết quả được chọn là xây đập bê tông trọng lực.
Phương án xây dựng đập bê tông lòng sông có nhiều ưu điểm hơn so với phương án đập đất, trong đó phải kể đến là thuận lợi cho bố trí công trình lấy nước, tháo lũ (cả tháo mặt, tháo sâu, tháo lũ vượt thiết kế,..), dẫn dòng thi công, thi công thuận lợi, giảm tối đa diện tích mất đất do phải đền bù giải phòng bằng khu đầu mối và bãi vật vật liệu đắp đập và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng.
Cụ thể là giảm cấp công trình từ cấp I xuống cấp II, giảm khối lượng đào móng công trình và diện tích sử dụng đất xây dựng công trình và thuận tiện cho việc quản lý vận hành. Công trình xả lũ đặt tại lòng sông ở giữa đập bê tông có chế độ thủy lực thuận lợi và độ tin cậy cao hơn so hơn phương án xả lũ qua đường hầm.
Về chi phí, tổng mức đầu tư giảm 528 tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn thiết kế kỹ thuật, Tư vấn thiết kế đã tiếp thu lưu ý của Bộ trong Quyết định đầu tư đã nghiên cứu, tiếp tục so sánh đập bê tông trọng lực với kết cấu bằng bê tông truyền thống và bê tông đầm lăn để lựa chọn tối ưu. Kết quả đã được Bộ quyết định đập dâng là đập bê tông đầm lăn và trong giai đoạn thi công đã thực hiện phương án cấp phối bê tông đầm lăn và bê tông thường có sử dụng tro bay nhiệt điện.
Đập bê tông đầm lăn (RCC) ở hồ Bản Lải có nhiều ưu điểm vượt trội so với đập bê tông truyền thống, như giảm nhiệt khối bê tông, tăng tiến độ thi công lên đập và giảm vốn đầu tư, nhất là phù hợp với điều kiện vật liệu, địa chất, địa hình, thi công ở công trình này.
Bên cạnh đó, sử dụng bê tông tro bay là cách làm mới, sáng tạo và táo bạo chỉ mới được áp dụng ở một số công trình thủy lợi của Việt Nam.
Nơi đặt công trình đầu mối của hồ chứa nước Bản Lải là xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, dân cư ở khu vực này chủ yếu là người Tày và một bộ phận nhỏ là người Dao.
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án thuỷ lợi 2, diện tích đất trống của huyện còn khá nhiều, tiềm năng đất để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp còn khá lớn.
Trong khi đó, về tài nguyên nước, chất lượng nước mặt của sông Kỳ Cùng thuộc khu vực dự án có độ pH, DO nằm trong giới hạn cho phép đối với nước dùng cho mục đích tưới tiêu cho nông nghiệp.
Ngoài ra, dọc tuyến sông Kỳ Cùng, khu vực dự kiến xây dựng đập, khu vực dân cư chất lượng môi trường không khí khá tốt, các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép. Vùng triển khai dự án không có khu bảo tồn thiên nhiên mặc dù có hệ động vật trên cạn và dưới nước khá đa dạng.
Với nhiệm vụ đã được nêu ở trên, sau khi hoàn thành, hồ chứa nước Bản Lải sẽ góp phần cắt giảm lũ cho khu vực hạ du, đặc biệt là thành phố Lạng Sơn, cấp nước tưới cho đất canh tác và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp trong khu vực.
Bên cạnh đó, hồ còn xả nước đảm bảo môi trường sinh thái hạ du trong mùa khô, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát điện. Chưa kể, công trình cũng cải thiện môi trường khí hậu vùng lòng hồ, tạo cảnh quan thúc đẩy du lịch, văn hóa - xã hội, kinh tế vùng dự án.
Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực nói trên, trong quá trình nghiên cứu dự án, các đơn vị tư vấn cũng đã lường trước, dự báo được những ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực.
Cụ thể, trong giai đoạn thực hiện dự án, bụi và khí thải từ phương tiện vận chuyển, tiếng ồn từ các thiết bị, máy móc và phương tiện thi công… sẽ gây ảnh hưởng đến không khí. Chất thải xây dựng, chất thải rắn, nước thải sinh hoạt sẽ ảnh hướng đến nước và đất.
Ngoài ra, việc cản trở giao thông, mâu thuẫn giữa công nhân xây dựng và người dân địa phương, tai nạn lao động… cũng được các đơn vị tư vấn tính đến.
Xa hơn, đến giai đoạn đi vào hoạt động, trong giai đoạn đầu tích nước, do có sự phân hủy của thực vật trong vùng lòng hồ nên nước bị ô nhiễm có mùi hôi ban đầu.
Trong mùa khô, nước hồ thấp hơn mực nước thiết kế, người dân thường lợi dụng diện tích quanh lòng hồ để canh tác, sử dụng hóa chất nông nghiệp gây ô nhiễm nước hồ. Một vấn đề nữa là trong quá trình hoạt động hồ chứa có hiện tượng lắng đọng lòng hồ và sạt lở bờ hồ.
Để giải quyết những vấn đề này, đảm bảo môi trường và đời sống, kinh tế cho nhân dân, dự án đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát, phòng tránh và hạn chế các tác động tiêu cực trong cả khi thực hiện đi vào hoạt động.
Trước tiên, ngoài việc đền bù đầy đủ theo quy định, dự án phải có phương án tổ chức thi công hợp lý, thi công nhiều ca, tăng năng suất, dứt điểm từng công đoạn thi công, hạn chế tối thiểu thời gian chiếm dụng đất tạm thời.
Tại các khu lán trại công nhân, xây dựng khu vệ sinh tự hoại để đảm bảo vệ sinh và giảm lượng chất thải lan tràn ra bên ngoài. Rác thải được thu gom và đốt hoặc chôn lấp theo đúng quy định hiện hành về xử lý chất thải rắn. Với các chất thải rắn như vỏ bao xi măng, gỗ xây dựng, phế thải,... nếu không được tận dụng lại thì sẽ được đốt, hoặc chôn lấp tại các vị trí bãi thải.
Liên quan đến nguồn nước, ban quản lý dự án quy định thực hiện nghiêm quy trình thi công, tránh đổ chất thải xuống lòng suối gây ô nhiễm nguồn nước, phải kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Nước thải từ khu vực lán trại và thi công dẫn theo rãnh thoát nước đưa vào kênh tiêu nước, không được dẫn vào sông và phải thu dọn vệ sinh lòng hồ theo đúng quy định trước khi tích nước cũng như trồng rừng phòng hộ đầu nguồn.
Để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng không khí, dự án quy định thời gian xe máy chạy qua các khu dân cư, giảm tối thiểu tác động đến sinh hoạt của người dân vùng dự án do tiếng ồn của xe tải vận chuyển vật liệu, máy móc vận hành; Hạn chế chạy xe ban đêm, buổi trưa qua các khu đông dân cư.
Các xe chở vật liệu được che chắn đúng quy định, không để vật liệu đất, đá rơi vãi trong quá trình vận chuyển và khi thời tiết khô sẽ phun nước tưới tại những điểm xây dựng phát sinh nhiều bụi.
Nhằm tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực, ban quản lý dự án cũng tổ chức phân luồng, tổ chức vận chuyển vật liệu hợp lý để đảm bảo tránh ún tắc giao thông ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong khu vực công trình.
Dự án hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1 do Ban Quản lý dự án thuỷ lợi 2, Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư hạng mục công trình đầu mối, kênh chính dẫn nước; Sở NN-PTNT Lạng Sơn làm chủ đầu tư hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng.
Cuối tháng 10/2018, công trình chính thức được khởi công, đến đầu năm 2021, hạng mục công trình chính là đập đầu mối đã hoàn thành, vượt tiến độ 8 tháng so với kế hoạch, bước đầu giúp điều tiết lũ cho khu vực hạ du hiệu quả, an toàn.
Ông Nguyễn Văn Giang, Trưởng Ban Quản lý dự án hồ chứa nước Bản Lải thuộc Ban 2 cho biết: “Khi mới triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn bởi công trình có 40 gói thầu thì có 30 gói được triển khai cùng lúc. Trong khi các đơn vị tham gia thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thì dịch Covid-19 xuất hiện”.
Theo ông Giang, để duy trì thi công, hàng trăm công nhân đã thực hiện nghiêm phương châm “ba tại chỗ”, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hầu hết các kỹ sư, công nhân đã chấp nhận không có ngày nghỉ bên gia đình trong thời gian dài, tất cả đồng lòng vì mục tiêu quyết tâm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch. Nhờ đó, đến đầu năm 2021, hạng mục công trình đầu mối đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện nút dòng, tích nước kỹ thuật.
Ngay sau đó, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục kênh chính và hệ thống kênh dẫn dòng bờ trái, phải với tổng chiều dài hơn 9,6 km. Toàn bộ các hạng mục của dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành đúng thời gian quy định; giải ngân 100% vốn đầu tư.
Bước sang năm 2022, dự án hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 2 (hạng mục kênh mương thứ cấp) tiếp tục được đầu tư xây dựng với chiều dài 33 km với tổng kinh phí 230 tỷ đồng để hiện thực hoá việc đưa nước tưới cho các khu vực.
Để tạo điểm nhấn cũng như phục vụ cho công tác quản lý vận hành công trình đầu mối và hạng mục kênh mương sau này được thuận lợi, trong năm 2021, Bộ NN-PTNT cho phép chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn kết dư để bổ sung hạng mục xây dựng vườn hoa, kè chống sạt lở mái ta luy âm, mái ta tuy dương, trồng cỏ, cây bóng mát chỉnh trang cảnh quan khu vực cụm công trình đầu mối và gia cố bề mặt bằng bê tông thêm 8 km đường trên hệ thống kênh mương.
Chia sẻ về việc khai thác tiềm năng, lợi thế của công trình hồ chứa nước Bản Lải, ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: “UBND huyện đã quy hoạch các xã: Sàn Viên, Khuất Xá, Tú Đoạn, Tĩnh Bắc khu vực quanh hồ và hạ lưu công trình với diện tích 1.000 ha để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái hồ Bản Lải.
Có một số nhà đầu tư xin khảo sát lập dự án tại khu vực này, mục tiêu hướng đến là kết nối với dự án khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn, Cửa khẩu Chi Ma, hình thành chuỗi phát triển du lịch mang bản sắc riêng của huyện Lộc Bình”.
Với việc cắt lũ cho hạ du đã được bảo đảm an toàn, hàng chục km kênh mương và hệ thống đường giao thông kết nối giữa các bản làng đã được cải tạo, nâng cấp khang trang và nhiều dự án mới đang được các nhà đầu tư ấp ủ, công trình hồ chứa nước Bản Lải đã và đang tạo những động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực trong vùng dự án.