“Vai trò của Báo Nông nghiệp Việt Nam rất quan trọng, thậm chí là đặc biệt quan trọng với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá nhân kỷ niệm 76 năm thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam (04/12/1945 - 04/12/2021).
Thưa Thứ trưởng, trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đặt ra nhiều mục tiêu nhưng nổi bật 3 phạm trù: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Ngành nông nghiệp đã chuẩn bị tâm thế gì để bước vào một nền nông nghiệp hiện đại?
Với mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới và thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bộ NN-PTNT đã giao cho Vụ Kế hoạch chủ trì cùng với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cũng như các đơn vị liên quan xây dựng đề cương, đến nay đã có bản thảo. Trên cơ sở đó, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, đặc biệt là các thành viên Ban Cán sự và Ban lãnh đạo Bộ để hoàn thiện, trình Chính phủ trong thời gian tới.
Mục tiêu mà chúng ta đề ra là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, giàu có. Trong đó có kết quả đã đạt được của quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016-2020.
Phải nói thêm rằng, trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, khảm lá sắn, xâm nhập mặn, bão lũ liên tiếp…, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả theo đúng tinh thần Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đây là tiền đề rất quan trọng để đạt mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tới. Các mục tiêu này, hôm nay nhìn có thể chưa hiện thực nhưng chúng ta có niềm tin hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của chiến lược, nhất là khi đã có cơ sở của tái cơ cấu, phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật. Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”. Nhưng hiện nay, nông dân vẫn là bộ phận còn gặp khó khăn nhất, đặc biệt là khu vực miền núi. Bộ sẽ cụ thể hóa chiến lược về một giai tầng “nông dân văn minh” thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trong rất nhiều năm qua, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nông dân luôn là lực lượng đứng đầu và là trung tâm với tỷ lệ rất lớn trên tổng dân số, cho nên đây luôn được xác định là lực lượng rất quan trọng và chiến lược của Cách mạng Việt Nam.
Nếu nông dân không giàu có, văn minh thì chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Với vai trò, vị trí của nông dân như vậy nên Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị liên tục quan tâm đến nông dân trong mọi giai đoạn.
Riêng với Bộ NN-PTNT, có thể khẳng định luôn thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nông dân.
Tới đây, mục tiêu nâng thu nhập bình quân lên so với hiện nay là 45 triệu đồng/người/năm. Khi nói nông dân văn minh, có thể hiểu văn minh bao hàm cả giá trị vật chất và giá trị phi vật chất. Bởi bản sắc dân tộc nằm ở nông dân, nông thôn.
Trước đây, Quốc hội khóa 14 đã tổng kết 128 chính sách nhưng nguồn lực rất hạn chế nên Quốc hội đã có Nghị quyết 120 cho đồng bào dân tộc và sắp tới đầu tư thêm nguồn lực thỏa đáng. Ngoài ra, thu nhập của người dân sẽ được nâng cao trong tất cả các chương trình phát triển nông nghiệp, trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi… đều phải gắn với nông dân.
Và chúng ta đã xây dựng chuỗi sản xuất theo đúng tinh thần của 4 luật gồm: Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi. Khi có luật, chúng ta đã xây dựng được chiến lược, từ chiến lược xây dựng hệ thống giải pháp.
Chúng ta phải kết nối được trong chuỗi 13.511 doanh nghiệp, 19.900 trang trại, 78 liên minh HTX và 78.000 hợp tác xã, cùng với hơn 14 triệu hộ nông dân để tạo thành hệ sinh thái nông nghiệp.
Đó những là điều cụ thể, còn khi đi vào chuyển đổi số, chúng ta có Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đối với ngành nông nghiệp, chúng ta cần có Bộ NN-PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số… Đó là hệ thống giải pháp để chúng ta tập trung vào nâng cao vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp và lấy nông dân là trung tâm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.
Ngoài những đóng góp mang tính quyết định với kinh tế Việt Nam thì nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và qua các bước quanh lịch sử. Càng lúc khó khăn càng thấy được vai trò của nông nghiệp.
Ngoài ra, nông nghiệp còn là tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thêm nữa, nông nghiệp góp phần quan trọng vào ổn định đất nước nên nông dân được sự quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, là trung tâm để nâng cao đời sống vật chất tinh thần, là nhiệm vụ trong suốt chiều dài lịch sử và đặc biệt trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm hình 2050”.
Thứ trưởng nói, “bản sắc dân tộc nằm ở nông dân, nông thôn”. Xin hỏi, từng là đại biểu của người dân và hiện nay làm quản lý trong một lĩnh vực rất rộng lớn, với tư cách cá nhân, ông ước mơ gì về nông thôn và ước mơ gì cho người nông dân?
Ai cũng sinh ra từ nông thôn, có con sông, có bờ tre, có gốc rạ, có con trâu, có mái nhà tranh, có đình, có chùa, có cây mít… những ấn tượng đã hằn sâu vào tất cả mọi người. Đặc biệt, tôi sinh ra ở vùng chiêm trũng, rồi có 10 năm làm đại biểu Quốc hội, tiếp xúc cử tri, tiếp dân rất nhiều nên có sự chia sẻ và cố gắng cao nhất để làm sao bản thân có đóng góp nhỏ bé góp phần mang lại đời sống ấm no và giá trị văn minh cho người nông dân.
Trong nhiều năm qua, với động lực như vậy, với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội 2 khóa, với trách nhiệm là lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tôi luôn cùng tập thể lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc Bộ phấn đấu để đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Đúng là nông dân là lực lượng yếu thế, theo Đảng đi đánh giặc, theo Đảng xây dựng Tổ quốc, theo Đảng xây dựng quê hương nhưng phải khẳng định đây là lực lượng chiến lược với đội ngũ đông đảo nên chúng ta phải có trách nhiệm cao với nông dân.
Tôi muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm và trách nhiệm này với tất cả những người làm cán bộ trong ngành nông nghiệp, kể cả Trung ương và địa phương để chia sẻ một cách sâu sắc, có trách nhiệm và có hiệu lực, hiệu quả đối với người nông dân.
Thưa Thứ trưởng, Báo Nông nghiệp Việt Nam là Cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT - Diễn đàn xã hội vì sự phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn. Với tư cách vừa cá nhân vừa là lãnh đạo Bộ phụ trách báo, ông chia sẻ gì khi báo tròn 76 tuổi (4/12/1945-4/12/2021)?
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tôi gửi lời chúc mừng đến Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có 76 năm hình thành và phát triển, một chặng đường lịch sử rất dài, đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời là một động lực để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Từ lúc còn ở cơ sở, rồi đến khi làm đại biểu Quốc hội 2 khóa và bây giờ làm lãnh đạo Bộ NN-PTNT được 3 năm thì gần như ngày nào tôi cũng đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam. Đây là tờ báo phản ánh hơi thở cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Báo có tin, bài rất đầy đủ, có những phóng sự, những bài điều tra rất sâu sắc và chúng ta phải khẳng định rằng, nếu ở mặt trận báo chí thì Báo Nông nghiệp Việt Nam năm nào cũng đoạt Giải Báo chí Quốc gia để thấy được chuyên môn của báo rất tốt, kể cả khi phản biện và đặc biệt là nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt để đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đến nay, có thể khẳng định, Báo Nông nghiệp Việt Nam là một nguồn lực quan trọng, đồng hành cùng Bộ, cùng ngành trong nhiều năm qua, tạo thêm động lực, tạo thêm sự lan tỏa cho tái cơ cấu nông nghiệp, cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương đề ra trong các kỳ Đại hội.
Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng tham gia với vai trò kết nối thông tin tiêu thụ nông sản, đến nay đã qua 14 kỳ. Đây là một diễn đàn rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện Covid-19. Khi thương mại điện tử, điều kiện của nông dân, của HTX chưa cập nhật được từ sản xuất đến tiêu thụ thì đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
Hai tổ công tác của Bộ NN-PTNT ở phía Bắc và phía Nam đã thể hiện được vai trò đó. Hiện nay, Bộ giao cho Báo Nông nghiệp Việt Nam nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản, thì báo đã làm tốt.
Tuy nhiên, có thể nói đây là nhiệm vụ mới, công việc mới nên cần rà soát lại các nội dung kết nối cung - cầu và đánh giá hiệu quả, sau mỗi diễn đàn cần thống kê xem quy mô mua - bán thế nào, hiệu quả ra sao.
Từ đó kết quả đó, chúng ta tiếp tục lan tỏa cho người nông dân để họ biết livestream, biết thương mại điện tử…
Tôi phải khẳng định lại, vai trò của Báo Nông nghiệp Việt Nam rất quan trọng, thậm chí là đặc biệt quan trọng với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để có được kết quả đó, trước hết phải nói rằng đội ngũ phóng viên của báo rất say sưa, miệt mài với ngành, có nhiều tác phẩm báo chí tìm đến giá trị thật, phản ánh những thực tế cuộc sống.
Chúng ta có một đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tương đối chuyên nghiệp. Sắp tới, với chiến lược của ngành như đã nêu trên, báo cũng xác định trách nhiệm của mình ở đâu và để giải quyết vấn đề đó. Đồng thời, cần chú ý đến một số điểm.
Thứ nhất, về đội ngũ nhân lực cần được đào tạo, củng cố, mở rộng kể cả về chuyên môn lẫn đời sống. Thứ hai, về cơ sở vật chất cần được mở rộng và nâng cấp. Thứ ba, về trang thiết bị phải hiện đại, như thế chúng ta sẽ sản xuất được nhiều loại hình báo chí, đủ năng lực để song hành cùng Bộ NN-PTNT và các địa phương thực hiện được mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!