Sau 3 năm đầu tiên (2007 - 2009) hoạt động không hiệu quả vì “chạy theo” các sản phẩm phổ thông trên thị trường bảo hiểm, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank/ABIC) đã kiến tạo cho mình con đường phát triển riêng biệt khi trình làng sản phẩm “Bảo an tín dụng” và xây dựng mô hình kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua Ngân hàng (Bancassurance) với hệ thống hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch của Agribank rộng khắp toàn quốc.
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, từ số vốn ít ỏi ban đầu 160 tỷ đồng, đến nay tổng tài sản của công ty là 3.700 tỷ đồng. Hệ thống bán lẻ sản phẩm bán lẻ lên tới 171 tổng đại lý và 30.000 đại lý viên hầu hết là cán bộ ngân hàng. Doanh thu bán hàng năm 2021 đạt trên 2.000 tỷ đồng với khoảng 3 triệu khách hàng thường xuyên.
Bảo hiểm Agribank đã khẳng định vị thế số 1 về cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khu vực “tam nông”, vừa góp phần phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh của Agribank, vừa giúp thực hiện trách nhiệm của khách hàng vay vốn với ngân hàng.
Đến nay, công ty đã giải quyết hơn 200.000 vụ tai nạn rủi ro với tổng giá trị thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng về người và tài sản, trong đó đã trả tiền bảo hiểm cho hàng trăm ngàn hộ nông dân gặp rủi ro tai nạn, bệnh tật với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, góp phần giúp các hộ nông dân giảm bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bảo hiểm Agribank, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Minh Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank để hiểu hơn những giá trị vô hình và hữu hình tạo nên thương hiệu, bản sắc, uy tín và thành công của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ này.
Thưa ông, Bảo hiểm Agribank ra đời trong hoàn cảnh nào?
Bảo hiểm Agribank được thành lập và hoạt động theo Giấy phép số 38GP/KDBH ngày 18/10/2006 của Bộ trưởng Tài chính trên cơ sở đề xướng, sáng lập và nắm quyền chi phối của Agribank (công ty mẹ), chính thức đi vào hoạt động ngày 8/8/2007. Việc một ngân hàng thành lập công ty bảo hiểm là sự tồn tại một cách khách quan, một phép biện chứng tự nhiên, không phải hiện tượng xã hội, không phải theo đám đông và ý chí chủ quan.
Bởi, hoạt động chính của một ngân hàng thương mại là cấp tín dụng, cung cấp vốn cho nền kinh tế. Người vay phải có tài sản bảo đảm hoặc vay tiền để hình thành tài sản trong tương lai và lấy tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp cho ngân hàng.
Như vậy, khi khách hàng vay tiền, tài sản của họ lập tức chuyển thành tài sản hiện có của ngân hàng. Rủi ro xảy ra với tài sản của khách hàng vay chính là rủi ro của ngân hàng. Do đó, trong quá trình hoạt động kinh doanh, vô hình chung ngân hàng tích tụ rủi ro về chính mình.
Rõ ràng, ngân hàng phải hình thành các phương pháp để quản lý rủi ro này, trích quỹ dự phòng rủi ro là một giải pháp tài chính quan trọng. Nhưng giải pháp này có nhược điểm là rủi ro đó vẫn ngụ lại ngân hàng và phải dùng nguồn lực tài chính của ngân hàng để xử lý. Không những thế, nó đẩy giá thành sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tăng cao. Cuối cùng, khách hàng sử dụng sản phẩm ngân hàng vẫn phải gánh chịu chứ không phân tán cho người khác. Đó là cách giải quyết rủi ro theo kiểu “uống rượu để giải khát”, chứ chưa giải quyết cốt lõi của vấn đề.
Các nước có nền kinh tế phát triển đã dùng kỹ thuật phân tán rủi ro cho các chủ thể khác ngoài ngân hàng, hay còn gọi là bảo hiểm. Bởi thực chất, chi phí mà người vay vốn phải chịu gồm có lãi suất tiền vay và chi phí dự phòng rủi ro. Nếu ngân hàng không trích lập quỹ dự phòng rủi ro mà chuyển thành phí bảo hiểm, thì rủi ro được phân tán toàn cầu cứ không luẩn quẩn ở nội tại ngân hàng nữa. Đặc biệt là với một ngân hàng nhỏ và vừa, quỹ dự phòng rủi ro rất nhỏ, nếu một tài sản bảo đảm giá trị lớn bị tổn thất toàn bộ, thì ngân hàng gần như phá sản.
Ngay từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ, mục đích của Bảo hiểm Agribank chính là “Bảo Nông” - bảo hiểm nông nghiệp (trên giấy phép hoạt động đầu tiên, tên Công ty là Công ty Cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - viết tắt là Bảo Nông).
Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2008, để thuận tiện cho phát âm và điện tín quốc tế, Công ty đã đổi tên thành Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Agriculture Bank Insurance Company viết tắt ABIC) và tên thương mại là Bảo hiểm Agribank.
Vậy trong những buổi đầu sơ khai, đội ngũ nhân sự mỏng, Công ty đã xây dựng quy trình và thiết lập bộ máy kinh doanh như thế nào?
Câu chuyện này phải bắt đầu từ lý luận về bancassurance (mô hình kênh phân phối sản phẩm Bảo hiểm qua Ngân hàng). Trong đó, một bên xác định thị trường, bán hàng, cung cấp nhân sự quản trị và quản lý. Còn một bên cung cấp mô hình hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm (gồm các sản phẩm bảo hiểm, quy trình kinh doanh bảo hiểm, cơ chế vận hành, giới thiệu nguồn nhân lực).
Ban đầu, nhân sự của Bảo hiểm Agribank rất mỏng nên chỉ cung cấp một vài sản phẩm bảo hiểm truyền thống theo thông lệ thị trường. Nhưng, vì đây là các sản phẩm phổ cập nên mức độ cạnh tranh rất lớn. Bảo hiểm Agribank mới “mở mắt” chào đời đã mất hàng chục tỷ đồng chi phí cố định mỗi năm, trong khi doanh thu năm 2007 chỉ đạt 16 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí bán hàng cho các kênh phân phối, trả hoa hồng đại lý thì không còn hiệu quả.
Trước thực tế đó, Ban lãnh đạo Công ty thấy rằng, nếu Bảo hiểm Agribank cứ mãi theo đuôi thị trường và dùng nguồn lực non trẻ bé nhỏ cạnh tranh với những anh cả trong làng bảo hiểm lúc bấy giờ thì chắc chắn thất bại. Bắt buộc công ty đi tìm ra một con đường riêng biệt để tạo ra sự khác biệt.
Năm 2009, Bảo hiểm Agribank xây dựng đề án phát triển kênh phân phối bancassurance hoạt động song hành giữa bảo hiểm và hệ thống Agribank với cấu trúc kênh từ trung ương đến huyện, xã. Đồng thời, chúng tôi nghiên cứu, thí điểm sản phẩm mà thị trường không có.
Muốn xây dựng sản phẩm thì bắt buộc phải có cơ sở dữ liệu để xác định khách hàng tiềm năng là bao nhiêu, tần suất rủi ro và quy mô rủi ro xảy ra ở mức nào, từ đó mới định ra giá bán. Từ phân tích cơ sở dữ liệu của Agribank, chúng tôi đã thiết kế ra sản phẩm đầu tay là bảo hiểm Bảo an tín dụng. Khi một khách hàng vay vốn của Agribank không may gặp rủi ro, thuộc phạm vi bảo hiểm thì họ sẽ được Bảo hiểm Agribank thay mặt để trả tiền gốc và lãi vay cho ngân hàng.
Theo kế hoạch, sản phẩm Bảo an tín dụng được thí điểm triển khai tại 10 tỉnh trong giai đoạn 2009 - 2010, nhưng sau đó có thêm các chi nhánh Agribank tại 11 tỉnh thành khác cũng tình nguyện tham gia triển khai thí điểm. Và sau 2 năm thí điểm, chúng tôi đã nhân bản mô hình này lên 140 chi nhánh cấp tỉnh của Agribank. Đến nay, 100% chi nhánh ngân hàng cấp 1 của Agribank; 2.300 điểm giao dịch với 39.000 cán bộ đã tham gia kinh doanh bảo hiểm Bảo an tín dụng.
Đây là sản phẩm thành công nhất và là cốt lõi trong kinh doanh của Bảo hiểm Agribank, bởi nó bảo đảm an toàn cho cả ngân hàng và khách hàng vay vốn. Nếu điểm lại hệ thống báo chí và truyền thông thì có thể khẳng định rằng, kênh phân phối bancassurance đã trở thành một hiện tượng của thị trường bảo hiểm Việt Nam ở thời điểm bấy giờ. Từ việc triển khai sản phẩm Bảo an tín dụng năm 2010, Bảo hiểm Agribank đã định hình được con đường riêng biệt của mình.
Sản phẩm Bảo an tín dụng đến nay đã được “thử lửa” qua hơn 10 năm. Vậy, nội hàm các quy định của sản phẩm này có thay đổi gì so với thời điểm ban đầu không? Bởi, một sản phẩm mới ra đời thường sẽ có khiếm khuyết?
Chắc chắn là phải thay đổi rồi. Từ đó đến nay chúng tôi đã có 5 lần hiệu chỉnh theo hướng gia tăng quyền lợi, bảo vệ cho người mua bảo hiểm nhiều hơn, thông qua đó gián tiếp bảo vệ tài sản hiện có của ngân hàng.
Lúc đầu, sản phẩm Bảo an tín dụng giới hạn về độ tuổi và các điều kiện để được hưởng bảo hiểm. Ví dụ, chỉ trường hợp khách hàng bị tai nạn hoặc phát sinh bệnh tật sau ngày mua bảo hiểm mới được chi trả bồi thường. Nhưng về sau, cả những bệnh có sẵn và bệnh đặc biệt cũng được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Tiếp nữa, chi phí bảo hiểm cũng giảm xuống, bởi hiện tại tệp khách hàng của công ty đã lên tới 3 triệu người rồi.
Như ông từng chia sẻ, sản phẩm Bảo an tín dụng mới chỉ thực hiện được một nửa “sứ mệnh” của Bảo hiểm Agribank, đó là quản trị và phân tán rủi ro liên quan đến sức khỏe và tính mạng của khách hàng vay vốn. Còn những nhóm rủi ro liên quan đến tài sản bảo đảm và tài sản hình thành trong tương lai của khách hàng vay vốn thì sao?
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, các loại tài sản cố định, quyền tài sản hay bất kỳ cái gì định giá được giá trị tại thời điểm mua bảo hiểm thì đều có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Ví dụ, bảo hiểm nhà máy, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm công cộng chúng tôi đều có thể kinh doanh được.
Còn đối với nhóm tài sản là cây trồng, vật nuôi, chúng tôi đang triển khai thí điểm bảo hiểm trâu, bò, cây cao su, cà phê, cây công nghiệp, rừng trồng… Hàng năm, qua hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm Agribank thường xuyên có hơn mười nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực nông nghiệp, nông thôn được bảo hiểm tài sản (trụ sở, hàng hóa, máy móc), cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng cây trồng khác như lúa, ngô, đậu tương… thì rất khó tính toán và xác định giá trị tài sản ở thời điểm khách hàng mua bảo hiểm. Bởi vậy, chúng tôi đang thiết kế loại sản phẩm bảo hiểm chỉ số sản lượng và bảo hiểm các chỉ số thời tiết.
Bảo hiểm chỉ số sản lượng có nghĩa là chúng ta xác định 1ha trồng đậu tương mỗi vụ sản xuất được tối thiểu bao nhiêu kg. Nếu do mưa gió, nhiệt độ, hạn hán, thiên tai làm khách hàng thất thu, thì phần chênh lệch thiếu đó, Bảo hiểm Agribank sẽ bù đắp.
Sau 15 năm hoạt động, từ khởi đầu với 160 tỷ đồng vốn điều lệ và 14 người, đến nay tổng tài sản của Bảo hiểm Agribank là 3.700 tỷ đồng. Ngày 1/7/2022, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm Phi Nhân thọ uy tín năm 2022, trong đó Bảo hiểm Agribank được xếp hạng là 1 trong 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam. Điều gì đã tạo ra sức bật kỳ diệu như vậy?
Với Bảo hiểm Agribank, dù triết lý kinh doanh được biểu hiện dưới câu chữ hoặc slogan như thế nào, thì chúng tôi vẫn luôn xác định được giá trị cốt lõi là kênh phân phối bancassurance và khu vực Nông nghiệp, nông dân và Nông thôn. Tương tự như Đảng, Nhà nước xác định nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế.
Khi kênh phân phối bancassurance đi đến thị trường nào thì tự nhiên thị trường đó trở thành kết quả. Các hậu tố khác như sản phẩm hay, con người giỏi, cơ chế phù hợp, và lợi thế đặc thù sẽ tương hỗ cho kênh phân phối bancassurance trong hệ sinh thái phát triển của Bảo hiểm Agribank. Bởi, trước khi thành lập Bảo hiểm Agribank, Agribank đã từng hợp tác với một số công ty bảo hiểm rất lớn trong nước nhưng không thành công và không mang lại hiệu quả cao như góp vốn thành lập một công ty Con chuyên kinh doanh bảo hiểm rủi ro.
Phải khẳng định rằng, hơn 2.000 tỷ doanh thu hàng năm của Bảo hiểm Agribank không phải là chúng tôi giành thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm khác. Chúng tôi tự khai thác mới và đóng góp cho thị trường bảo hiểm Việt Nam thêm 2.000 tỷ.
Gắn bó với Bảo hiểm Agribank ngay từ những ngày đầu thành lập, ông có thể chia sẻ những sóng gió, khó khăn mà công ty đã từng đương đầu?
Sóng gió đầu tiên là giai đoạn 3 năm đầu khởi nghiệp (2007-2010), thị trường bảo hiểm có sản phẩm gì mình làm theo đó, và kết quả là lỗ khá nhiều, gần 100 tỷ đồng. Đặc biệt là chi phí bán hàng dềnh lên rất cao, nhiều lúc phải dùng tiền để mua doanh thu. Tức là dùng tiền đổi tiền. Đó là khoảng thời gian chúng tôi loay hoay tìm con đường để tồn tại và phát triển.
Khó khăn thứ hai là tổn thất sau vụ chìm tàu Vinalines Queen xảy ra ngày 25/12/2011. Hồi ấy tổng tài sản của công ty không đủ để bồi thường, phải vay ngân hàng hơn 400 tỷ đồng mới đủ để thanh toán 584 tỷ đồng cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Sau đó, Chính phủ đã đồng hành cùng Agribank và Bảo hiểm Agribank yêu cầu các nhà tái bảo hiểm quốc tế đóng góp bồi thường.
Giai đoạn khó khăn thứ ba là 2020 - 2021, đại dịch covid-19 khiến nền kinh tế gần như “đóng băng”. Rất may mắn là trước đó, Hội đồng quản trị công ty đã động viên, khuyến khích các phòng quản lý chuyên môn từng bước số hóa quy trình kinh doanh. Nhờ vậy, mặc dù giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, ai ở đâu ở yên đấy, nhà nào ở nhà đấy, chúng tôi vẫn có doanh thu từ bán hàng điện tử, tháng thấp nhất là 91 tỷ đồng, còn lại vẫn duy trì ở mức 150 tỷ/tháng. Bởi vậy, năm 2020, Bảo hiểm Agribank vẫn đạt ngưỡng doanh thu 1.957 tỷ đồng trên kế hoạch 2.140 tỷ (đạt 96% kế hoạch trong bối cảnh bình thường).
“Những sóng gió đó giúp đội ngũ cán bộ “chai lỳ” hơn, bản lĩnh hơn và trưởng thành hơn”, ông Đỗ Minh Hoàng.
Như vậy, Bảo hiểm Agribank đã trải qua 3 sự kiện vô cùng khó khăn, đầu tiên là chưa tìm ra con đường đi, thứ hai là thảm họa, thứ ba là dịch bệnh. Đồng thời, Bảo hiểm Agribank mới có 15 năm ra đời và phát triển nhưng đã trải qua nhiều chu kỳ khủng hoảng của nền kinh tế như: Năm 2007 - giai đoạn Khởi nghiệp đúng thời kỳ khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã làm cho cả một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của thế giới phá sản, sau đó là chuỗi giai đoạn nền kinh tế gánh chịu hậu quả sau khủng hoảng, đến 2020 là dịch bệnh và bây giờ đang khủng hoảng lạm phát hay còn gọi là trì lạm.
Rõ ràng, bối cảnh ra đời của Bảo hiểm Agribank không được thuận lợi, may mắn, nhưng có lẽ những sóng gió đó giúp đội ngũ cán bộ “chai lỳ” hơn, bản lĩnh hơn và trưởng thành hơn để đương đầu với những khó khăn trong tương lai.
Theo Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, một trong những định hướng quan trọng là phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp. Vậy ABIC có kế hoạch gì để đồng hành cùng ngành NN-PTTN đạt được mục tiêu này?
Chắc chắn rằng thị trường trọng tâm của Bảo hiểm Agribank vẫn là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bởi vì nó xuất phát từ thuộc tính khách quan của công ty mẹ, nhận nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó để dẫn vốn cho khu vực “tam nông”. Bảo hiểm Agribank bắt buộc phải đi theo định hướng đó.
Chúng tôi đã nghiên cứu và đang triển khai thử nghiệm bảo hiểm trâu bò thịt, bò sữa, cây cao su, cà phê, rừng trồng, bảo hiểm cây công nghiệp. Với các nhóm sản phẩm đang thử nghiệm này, chúng tôi từng bước đặt chân ở những khu vực, thị trường theo mục tiêu của Bộ NN-PTNT trong đề án thí điểm 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở 14 tỉnh, thành.
Thế hệ sản phẩm kế tiếp (đang cùng các chuyên gia tính toán nghiên cứu xây dựng) là bảo hiểm chỉ số theo sản lượng, bảo hiểm chỉ số thời tiết. Những sản phẩm này bắt buộc phải có sự tài trợ của thị trường vốn quốc tế. Chúng tôi hy vọng đến năm 2025 - 2026, các sản phẩm bảo hiểm trâu bò, cây công nghiệp, rừng trồng sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa và bán đại trà.
Khi ấy, chúng tôi đưa nhóm sản phẩm bảo hiểm theo sản lượng, chỉ số thời tiết cho lúa, ngô, đậu tương… vào thử nghiệm. Cố gắng làm đạt mục tiêu chiến lược tầm nhìn đến năm 2030, Bảo hiểm Agribank đưa ra danh mục từ 3-5 sản phẩm đặc thù mà thị trường chưa có dành cho kênh bancassurance của Agribank, cung cấp cho khu vực “tam nông”.
Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, vốn của Bảo hiểm Agribank đương nhiên không đủ. Một cơn bão có thể cuốn bay tài sản hàng nghìn tỷ, bắt buộc chúng ta phải mượn vốn của thị trường quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế phải sẵn sàng đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà tái bảo hiểm quốc tế vẫn đánh giá nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chưa đạt chuẩn ở mọi phương diện, từ chất lượng nhân lực, hạ tầng, giống, nguyên liệu, vật tư đầu vào và quy trình sản xuất. Bởi vậy, họ định giá sản phẩm bảo hiểm rất cao. Ví dụ, theo Đề án 315 thí điểm bảo hiểm Nông nghiệp, các nhà tái quốc tế đề xuất phí bảo hiểm cây lúa và bảo hiểm trâu bò lên đến hơn 5%.
Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 về Kinh tế tập thể cùng sự thể chế hóa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; sự vào cuộc triển khai mạnh mẽ của Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, kinh tế tập thể sẽ đóng vai trò chi phối thay vì kinh tế cá thể như hiện nay. Khi ấy, sản xuất nông nghiệp sẽ thay đổi gần như 180 độ, và câu chuyện phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp sẽ đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều.
Xin ông chia sẻ về những mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển của Bảo hiểm Agribank trong giai đoạn tới?
Khi xác định sứ mệnh của Bảo hiểm Agribank là góp phần phân tán rủi ro cho Agribank - ngân hàng nắm vị trí chủ đạo cung ứng vốn cho nền nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi phải trở thành số 1, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
“Những sản phẩm ngoại lai sẽ bị đào thải khỏi Bảo hiểm Agribank”, ông Đỗ Minh Hoàng.
Vì vậy, mục tiêu đầu tiên là chúng tôi phải chứng minh mình là số 1 thông qua quy mô khách hàng, quy mô doanh thu, và bảo vệ bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó, mình cũng được hưởng lợi. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Bảo hiểm Agribank cố gắng duy trì ở ngưỡng từ 15 - 20% theo chiến lược phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và đến năm 2030, công ty cố gắng tăng trưởng với nhịp 10%/năm, phù hợp với tăng trưởng GDP.
Đối với những sản phẩm không phải thế mạnh của Bảo hiểm Agribank, chúng tôi coi nó giống như vết dầu loang, có thể tràn sang thị trường khác, khách hàng khác, tuy nhiên đó không phải là giá trị cốt lõi. Trục xương sống là kênh phân phối bancassurance đang đi đến đích là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì mình cũng phải nhắm đến đó.
Như vậy, từ đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và lực lượng nhân sự cốt lõi của Bảo hiểm Agribank phải xác định được mục tiêu này để trau dồi hệ thống lý luận, trau dồi thực tiễn, phát huy tính sáng tạo, sáng kiến, phát minh để làm sao hoạt động hiệu quả, bền vững. Đừng thay đổi hay bóp méo nó, bởi vì khi cố gắng bẻ cong, bóp méo nó, rất có thể chúng ta lại đi theo người khác. 3 năm đầu tiên Bảo hiểm Agribank đi theo người khác và không thành công rồi. Mình phải kiên trì đi theo con đường riêng và đừng có chê nó, mặc dù nó lạc hậu một chút, cổ điển một chút, bình dị một chút.
Còn những sản phẩm ngoại lai khác đều sẽ bị đào thải khỏi Bảo hiểm Agribank. Ở nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cán bộ Agribank phải dùng ngựa, xuồng, xe gắn máy để cấp vốn lưu động cho bà con nông dân. Có như vậy bà con nông dân mới tin yêu.
Bản thân cán bộ Bảo hiểm Agribank đến với bà con nông dân cũng phải hòa đồng với lối sống bình dị thì mới thuyết phục được bà con nông dân. Quan trọng nhất vẫn là ý thức nghề nghiệp, sự chuyên nghiệp và chủ động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ và chúc mừng sự thành công của Bảo hiểm Agribank!