Trở về nhà sau ca làm, kỹ sư trồng trọt Nguyễn Thị Hồng vội vã chuẩn bị bữa cơm chiều cho cậu con trai 5 tuổi và con gái 3 tuổi. Hai đứa bé quấn mẹ không rời. Từ tối qua chúng mới gặp mẹ, bởi khi thức giấc thì mẹ đã đi làm.
Bữa cơm của gia đình miền Tây xứ Nghệ, sát biên giới Lào, có đầy đủ thịt cá, rau, trứng. Đấy là câu chuyện của bây giờ. Còn 6 năm trước, thời vợ chồng Hồng - Thành mới lên Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), cơm thường chỉ có măng rừng, cải mèo thân to bằng cẳng tay.
Bé gái 3 tuổi, trắng bóc như búp bê bằng bông, thi thoảng lại ôm mẹ hỏi: “Mẹ ơi, khi mô bố về?”. Bố của bé là kỹ sư trồng trọt Nguyễn Văn Thành, đang biệt phái ở Tây Nguyên làm nhiệm vụ mới tại Nafoods Tây Nguyên.
Đôi vợ chồng kỹ sư nông nghiệp Thành - Hồng được coi là hình mẫu ở Tri Lễ. Lên đây lập nghiệp với tấm bằng kỹ sư, ở nhà tập thể, ăn rau rừng, rồi giờ đã có nhà riêng.
Hồng bảo lắm lúc vẫn đùa chồng rằng từ lúc yêu đến lúc cưới chỉ 3 ngày. Một ngày anh Thành về nhà chị tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An ra mắt. Ít lâu sau nhà trai dành một ngày sang ăn hỏi vì anh Thành bảo “Ưng rồi, cha mẹ lo cưới hỏi giúp con”.
Đám cưới cũng chỉ một ngày, anh Thành đi xe máy 200 km từ Tri Lễ về Anh Sơn cưới vợ, nhà trai đi từ Nghĩa Đàn qua. Cưới xong vài ngày, Hồng qua ở cùng bố mẹ chồng, Thành lên Tri Lễ làm việc tiếp.
Một tháng sau, khi căn nhà tập thể cho cán bộ, nhân viên của Công ty cổ phần chanh leo Nafoods Group xây xong ở Tri Lễ, lúc đó hai người mới thực sự bắt đầu cuộc sống vợ chồng nơi biên viễn.
“Lúc xác định đến với nhau, anh Thành đưa em lên Tri Lễ, để sau này hai vợ chồng cùng làm ở Nafoods. Nói thực lòng lúc đi qua dốc Chuối (đoạn từ thị trấn Kim Sơn, Quế Phong lên Tri Lễ), em muốn về. Ở nơi cái chỗ gì đâu mà xa mãi xa mãi không đến. Dốc chi nhiều rứa, hệt như bay lên mây, tai ù đặc đi”, Hồng kể.
Tri Lễ những năm 2014 còn nghèo, đường sá vẫn gập ghềnh, điện lưới chưa trải khắp, tiết trời mưa phùn gió lạnh những ngày tháng 4 đủ khiến bất cứ ai vốn quen cuộc sống nhộn nhịp dưới xuôi chỉ muốn bỏ về.
Hồng nói việc bén duyên với Tri Lễ, với vị trí nhân viên kỹ thuật sản xuất giống chanh leo của Nafoods, xuất phát từ việc muốn được làm đúng nghề trồng trọt học tại Đại học Nông nghiệp I.
“Lúc ấy em vừa ra trường, chỉ có tấm bằng kỹ sư. Một chút máu liều của tuổi trẻ là lên đường. Giờ nghĩ lại thấy vất vả, chứ ngày đó mọi người ở đây ai cũng vậy”, Hồng nói.
Kỹ sư nông nghiệp mới ra trường, chưa kinh nghiệm, hầu như không có cửa xin việc ở thành phố. Về quê làm ruộng kiểu truyền thống cũng khó, xin việc lại chẳng dễ dàng. Nhà chồng ở Nghĩa Đàn có mấy quả đồi trồng mía. Song như lời Hồng, “sức mô mà làm” với một cô kỹ sư nông nghiệp.
“Nói kiểu sách vở thì áp dụng cái được học vào thực tế. Nhưng thay đổi hệ thống đâu phải điều đơn giản. Canh tác kiểu cũ, cực quá, sức em chịu không thấu. Làm giống chanh leo phù hợp với em, nên ngày đó dù biết lên miền núi vẫn liều mình đi”.
Bây giờ, cặp Thành - Hồng đã có nhà riêng, mở thêm cả quán bán đồ nhậu, cuộc sống khá hơn. 6 năm trước, cuộc sống chật vật hơn nhiều. Lương của Hồng khi ấy khoảng 4,5 triệu, lương của Thành khá hơn, nhưng vẫn phải “húp cháo vòng quanh” mới đủ xoay xở cuộc sống.
Nhà nội, nhà ngoại ở quê đều khó. Xe khách mỗi tuần 2 chuyến lên Tri Lễ. Đó là những chuyến xe tiếp tế thịt lợn, thịt gà cho hai vợ chồng. Bởi thịt lợn dưới xuôi lên tới vùng núi, thung lũng dọc dãy Trường Sơn này, giá thường cao ít nhất 1,5 lần. Năm 2014, thịt lợn ở dưới xuôi là 90.000đ/kg, lên đến Tri Lễ là 140.000đ/kg.
Hai đứa con của Hồng vì thế cũng sớm trưởng thành hơn trẻ dưới xuôi. “Bốn tháng là cho ăn gặm gặm dần rồi. 6 tháng ăn sữa bột. Một tuổi là tự hắn biết chọc sữa hộp uống rồi”, Hồng kể.
Anh Thành đi biệt phái ở Tây Nguyên, nơi Nafoods đang đầu tư cho Viện giống mới. Hồng phải thuê người trông trẻ, là người nhà của một công nhân đang làm ở Nafoods. Cuộc sống của cán bộ, công nhân Nafoods nơi này là thế, người nọ giúp người kia. “Vòng vòng cũng đủ sống”, như cách họ vẫn nói. Tiền công cho người giúp trông trẻ là 2,5 triệu đồng/tháng, rẻ hơn so với mặt bằng ở Vinh là 4 triệu/tháng.
Ngoài niềm tin, sự máu mê của tuổi trẻ, ước mơ được làm đúng nghề, thì việc ổn định cuộc sống ở Tri Lễ đòi hỏi Hồng và nhiều kỹ sư nông nghiệp khác phải biết chi tiêu. Từ tăng gia trồng rau, nuôi gà, đến cả “đi phường” (phương ngữ Nghệ An nói về việc đóng họ).
“Mỗi tháng góp 2 triệu, phường có 25 người. Hai năm sau đến lượt nhà em rút, có rồi mình lại đi tiếp. Ông bà hỗ trợ cho chút xíu, phải như thế mới mua được đất, xây nhà”.
Tri Lễ giờ có cả nhà trẻ, trường tiểu học, trường trung học cơ sở. Trường trung học phổ thông dưới thị trấn Kim Sơn, cách 30km. Đa phần học sinh ở Tri Lễ học rất giỏi, được vào nội trú cấp trung học phổ thông, miễn phí tiền học, tiền ăn. Nhiều em cuối năm còn mang được học bổng về phụ giúp bố mẹ.
Nói về nông dân các đồng bào dân tộc ít người, thường họ vẫn được cho là “thật thà, chất phác”. Tuy nhiên, ở đâu cũng có người này, người khác. Tại Tri Lễ, nhiều khi các nhân viên thu mua của Nafoods dở khóc dở mếu với những “chiêu” của một số nông dân địa phương.
“Được mùa thì làm lễ cảm tạ trời đất. Mất mùa là tại giống của công ty”, nhiều nhân viên thu mua đã tổng kết thế.
Chanh leo không phải loại cây dễ tính. Giống chanh leo thương phẩm là chanh leo tím đòi hỏi nhiều kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc.
Quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch được Nafoods phổ biến kỹ lưỡng, thậm chí có cả khu trồng mẫu cho nông dân xem, rồi hỗ trợ cả tiền mua giống. Tuy nhiên, khi cây về đến bản, không ít nông dân vẫn theo phương thức gieo trồng từ lâu năm, nên chưa thực sự tuân theo các kỹ thuật và đã được hướng dẫn, bỏ qua nhiều công đoạn.
Biết ở Tri Lễ trồng chanh leo, nên khi thu hoạch, thương lái đổ xô đến, có cả thương lái Trung Quốc. Họ thường trả giá cao hơn, vì sự an tâm về xuất xứ mầm giống và khả năng truy xuất nguồn gốc vườn trồng; đặc biệt chất lượng sản phẩm đầu ra đồng đều, năng suất cao, tỷ lệ thu hồi và giá trị dinh dưỡng từ quả luôn đáp ứng được vị giác người tiêu dùng. Nông dân thường bán quả đẹp cho thương lái, số còn lại sẽ dồn về Nafoods, dù trước đó đã cam kết nhận hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để bán 100% sản phẩm cho Nafoods.
Khí hậu, thổ nhưỡng ở Tri Lễ hợp với tính ưa lạnh của chanh leo. Vài năm đầu, nhiều hộ nông dân cứ bỏ mặc đó, cây vẫn sống, vẫn ra quả. Nhưng vài năm sau, đất cằn đi, nấm bệnh phát triển, cây yếu, quả ít. Khi ấy, lý do “cây giống kém chất lượng” lại xuất hiện đâu đó trong các câu chuyện của những người nông dân chia sẻ với nhau hoặc tâm sự với đại diện của công ty. Tâm lý xót của nên cho dù nhân viên kỹ thuật tiếp cận giải thích nhưng cũng không thể thuyết phục được bà con. Những câu “Năm ngoái trời thương nên cây tốt. Năm nay giống xấu quá, trời mà cũng không chịu” nói ra như một phương thức tự trấn an bản thân trước vụ mùa bị thất thu.
Hiện tại trên thị trường xuất hiện nhiều loại giống chanh leo giá thấp, không rõ nguồn gốc xuất xứ,nhiều hộ gia đình nông dân để giảm thiểu chi phí chọn cách mua thêm loại cây giống này. Sau khi gieo trồng phát hiện chất lượng không đảm bảo, sâu bệnh, nấm bệnh lan từ cây này sang cây kia, lắm khi cả vườn chanh leo dính bệnh. Lúc ấy, các câu chuyện bắt đầu dậy lên và cũng đưa nhãn hiệu Nafoods như một nguồn cơn bởi với tư duy “Cây giống là liên quan đến cây giống Nafoods, trước giờ chỉ biết đến nhãn hiệu cây giống Nafoods”.
“Cây chanh leo trồng vài ba năm phải cho đất nghỉ, chăm bón hoặc trồng cây xen canh. Nhân viên kỹ thuật hướng dẫn, năn nỉ hết mức rồi mà họ vẫn không chịu. Khổ lắm mà không biết cách nào”, anh Đại nói.
Đỉnh điểm là vào những năm 2016, khi cơn sốt chanh leo diễn ra với nhiều doanh nghiệp vào cuộc. Từ 50 hộ ban đầu trồng chanh leo ở Tri Lễ, con số tăng dần lên từng vụ. Do hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, Nafoods thu mua với giá 10.000đ/kg, nhưng các thương lái sẵn sàng ra giá 12 thậm chí 13.000đ/kg, để tranh thủ “cướp” hàng là những quả đẹp, đều chằn chặn.
Nhiều hộ nông dân âm thầm thu hoạch, chọn quả đẹp, đóng gói gửi xe về thị trấn Kim Sơn khiến doanh nghiệp đứng ra bao bọc họ bó tay, chịu cảnh “đòn hiểm dưới thắt lưng” mà không sao cản nổi.
Đây đó, người ta hay nói về cái tình. “Nghèo thì phải tìm cách xoay xở chứ. Nghèo nhưng sống có cái tình, giúp nhau lúc khó khăn”. Một vài người khi trả lời phỏng vấn về việc “bán chui” chanh leo bảo thế, nhưng tuyệt nhiên lờ tịt đi những người đã trao cho họ cây giống, phân bón, chỉ dẫn tận tay, bao tiêu sản phẩm cho họ.
Lúc bình thường, có khoảng 100 công nhân làm việc tại Viện giống chanh leo của Nafoods tại Tri Lễ, thu nhập bình quân 4-7 triệu đồng/tháng. Cao điểm mùa vụ, có tới 300 người làm. Nhiều hộ gia đình dân tộc Thái, Khơ Mú tại đây đã mua được xe máy, sửa nhà, thậm chí mua nhà mới nhờ cây chanh leo.
Thành Bang, Hải, là những cái tên đầu tiên cùng ban lãnh đạo của Nafoods lên Tri Lễ từ những năm 2010 để xây dựng “cách mạng chanh leo”. Cũng giống như câu chuyện của nữ kỹ sư Hồng, họ lên Tri Lễ với tấm bằng kỹ sư, khát khao lập nghiệp, và xác định rõ rằng “khó có cửa” xin việc tại thành phố lớn. Biết mình biết người, tự tin sẽ “làm nên chuyện” là những điều giúp họ vượt qua sự buồn chán, tẻ nhạt nơi biên viễn ngày còn mạng điện thoại còn phập phù.
Nhiều người Tri Lễ đến bây giờ vẫn còn nhớ chuyện những thanh niên nói tiếng Kinh, lò dò lên vùng núi này lập nghiệp. Họ thuê một căn nhà cũ. Chỉ có một phòng ngủ chung cho cả mấy người, phần còn lại là phòng khách. Căn phòng cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thanh niên của các cô gái, chàng trai từ miền xuôi lên miền ngược định cư.
Những chàng trai miền xuôi phải mất nhiều thời gian để quen với việc nhà vệ sinh tạm bợ, thực chất là một cái hố, bên cạnh có sẵn tro, tận dụng làm phân bắc.
Ông Lữ Hải Nam, người dân tộc Thái, cùng con trai - hiện đang làm việc tại Công ty CP Chanh leo Nafoods nhớ lại chặng đường gắn bó với cây chanh leo. Căn nhà sàn rộng chừng 80m2, có đầy đủ trang thiết bị nội thất hiện đại như dưới xuôi, phòng tắm, nhà vệ sinh chẳng thua các gia đình thu nhập cỡ trung ở Thủ đô, là những thành quả có được sau 4 năm gắn bóvới chanh leo của ông và nhiều năm làm việc tại Công ty CP chanh leo Nafoods của con trai ông. “Trừ chi phí đi, mỗi ha chanh leo cho thu về 60-70 triệu mỗi vụ. Làm ăn khá, ưng lắm”, ông Nam nói. Chiếc smartphone hàng hiệu nhấp nháy trên tay. Đó là công cụ giúp ông kết nối với nhiều thương lái người Kinh.
Nhưng câu chuyện chanh leo ở Tri Lễ không chỉ có màu hồng. Từng có thời, nó nhuốm những sắc màu đen tối. 5 năm về trước, có những nhà khóc không ra nước mắt khi chỉ sau một đêm, nhiều cây bị chém gục, hoặc bị phun thuốc rụng lá, chết đứng. Hai người đàn ông ở một bản tại Tri Lễ phải vào tù vì tội phá hoại tài sản. Từ đó, chuyện ghen tức, hại vườn của nhau mới chấm dứt.
Chanh leo đang vươn dần ra khỏi Tri Lễ, đến các vùng ven tại Tây Bắc, các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, ước mơ làm giàu chính đáng của nông dân lại vấp phải điều muôn thưở: hàng giả.
Với Nafoods, để có được những cây giống tốt nhất, tập đoàn đầu tư Viện giống chanh leo công nghệ cao với diện tích nhà kính 6 ha, công suất 6 triệu cây giống sạch bệnh/năm.
Tại đây, quy trình sản xuất ra những cây chanh leo giống Đài Nông 1 được tổ chức khép kín và bài bản. Đây là giống chanh leo duy nhất đến nay được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép sản xuất chính thức tại Việt Nam theo Quyết định 4538/QĐ-BNN-NT.
“Từ khi gieo hạt đến khi có cây giống thành phẩm mất khoảng 3 tháng, trong đó có 2,5 tháng để tạo cây thực sinh và 15 ngày còn lại dành cho quá trình ghép và phát triển cây sau ghép.
Hiện nay, Nafoods sử dụng chanh leo vàng làm gốc thực sinh vì đây là loại cây có bộ rễ khỏe, sinh trưởng tốt và có thể kháng đến 80% các loại bệnh lây từ đất”, Giám đốc điều hành Công ty Chanh leo Nafoods Phạm Duy Thái cho biết.
Giống chanh leo này có chất lượng cao là vì được đầu tư bài bản từ hạt giống, giá thể cho đến mắt ghép. Cây thực sinh là chanh leo vàng được gieo bằng hạt giống nhập từ Ecuador, giá thể được nhập từ châu Âu đem lại sức sống tốt, mắt ghép được chọn từ các cây chanh leo tím đầu dòng chất lượng cao nhất.
Giống giả, không chỉ gây ra tổn thất cho thương hiệu của Nafoods mà nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất là những nông dân.
Ông Phạm Duy Thái nói, hiện nay những thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, nếu không phải người làm giống lâu năm như anh, chắc chắn sẽ bị lừa. Ví dụ, giống giả sẽ được trộn lẫn với giống thật với tỷ lệ khoảng 70 giả, 30 thật rồi đóng trong thùng gắn mác Đài Nông 1 của Nafoods. Để làm được điều này, những kẻ buôn giống giả tách tem dán ngoài vỏ thùng để trộn cây kém chất lượng vào.
Cái khó với người nông dân là chỉ khi trồng xong, chăm xong, vài tháng hay cả năm sau họ mới biết được giống mình mua là giả vì không có quả hoặc dễ sâu bệnh, chết cả vườn.
Trên góc độ là một chuyên gia về giống, lời khuyên mà ông Phạm Duy Thái đưa ra cho người nông dân khi mua giống đó là phải chú ý đến hình thái của cây: “Điểm khác biệt lớn nhất của Đài Nông 1 so với các loại giống khác là cách ghép. Đa số các loại giống trôi nổi trên thị trường hiện nay đều dùng phương pháp ghép kẹp trong khi Đài Nông 1 ghép bằng loại băng dính nhập khẩu từ Nhật Bản, vừa có khả năng chống lây bệnh vừa tự tiêu hủy sau khi vết ghép lành”.
Ngoài ra, Nafoods đang có kế hoạch phát triển thêm các loại tem chống hàng giả kèm mã QR truy xuất nguồn gốc gắn vào từng cây giống. Hy vọng, những nỗ lực này của Nafoods cùng với sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức nặng, nạn giống giả sẽ được kiểm soát và dập tắt, giảm thiểu nguy cơ cho người trồng chanh leo.
Với người nông dân ở các vùng nguyên liệu, chanh leo còn được gọi là cây tiền mặt. Lý do là ở nơi có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, chanh leo có thể phát triển và cho ra quả trong cả 4 mùa.
Người dân có thể thu hoạch hàng ngày và quy đổi ngay từ quả ra tiền thông qua các đơn vị thu mua như Nafoods, từ đó có thu nhập theo ngày và chi trả cho cuộc sống.
Chanh leo đã giúp Nafoods Group thoát khỏi khó khăn và phát triển, nhưng liên tục trong hai năm 2011 và năm 2012, khi vừa mới làm quen với sản phẩm và thị trường chanh leo cô đặc thì đã gặp phải chu kỳ giảm giá mạnh của sản phẩm này trên thị trường thế giới. Một lần nữa Nafoods Group lại đối mặt với ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Sau nhiều trải nghiệm, Nafoods nhận thức rằng để quyết tâm đeo đuổi và phát triển bền vững với ngành chế biến nông sản, chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là phải thay đổi mô hình quản trị với một chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh tranh toàn cầu, khép kín từ khâu: giống - trồng trọt - chế biến - tiêu thụ.
Cùng với việc thay đổi quyết liệt mô hình quản trị, Nafoods Group đã khẳng định được tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của mình. Năm 2014, Nafoods Group là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất chủ động sản xuất giống chanh leo sạch bệnh, năng suất cao tại Việt Nam.
Với rất nhiều chứng chỉ khắt khe mà Nafoods Group đã đạt được (chứng chỉ Hala, Kosher, BRC, ISO...) và áp dụng quản trị mục tiêu bằng phương pháp BSC/KPI trong 03 năm gần đây Nafoods Group đã đạt được sự tăng trưởng đều đặn trong tổng doanh thu năm.
Ngày 30/07/2015, Nafoods Group đã được chấp thuận chính thức trở thành công ty đại chúng tại sàn giao dịch chứng khoán HOSE.
Bắt đầu từ năm 2018, Nafoods tiếp tục đưa vào sử dụng nhà máy Nasoco Quy mô 6,5 ha tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, bao gồm một hệ thống dây chuyền nước ép cô đặc và hai hệ thống sản xuất sản phẩm rau củ cấp đông. Công suất của dây chuyền nước ép cô đặc: 7.000 tấn sản phẩm/năm. Công suất của dây chuyền rau củ cấp đông: 2 tấn sản phẩm/giờ.
Nafoods đang hợp tác của đội ngũ chuyên gia trường Đại học quốc gia Chung Hsing - Đài Loan về mặt kỹ thuật, Nafoods sở hữu Viện giống chanh leo công nghệ cao với diện tích nhà kính 6 ha, công suất lên đến 6 triệu cây giống sạch bệnh/năm cung ứng giống cho vùng nguyên liệu chanh leo rộng lớn khắp cả nước và xuất khẩu sang nước bạn Lào.
2019 được xem là năm có doanh thu lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của Nafoods. Tổng doanh thu toàn hệ thống của Nafoods là 1.100 tỷ đồng, doanh thu tăng hơn 60% so với năm 2018 và tăng gần 100% so với năm 2015. Cũng trong năm 2019, Nafoods là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tạo ra được 3 giống chanh leo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận và cấp quyền bảo hộ, gồm giống Nafoods 1, Quế Phong 1 và Bách hương 1.
Năm 2019, Nafoods đã có sự chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ.
Công ty đã mở rộng quan hệ hợp tác đối với một số đối tác tài chính, đầu tư, có thể kể đến như IFC - tổ chức tài chính thuộc Ngân hàng thế giới.
Theo đó, Nafoods là công ty về nông nghiệp thứ 2 ở Việt Nam được IFC đầu tư giai đoạn 1 với 8 triệu USD và cam kết tiếp tục đầu tư dài hạn.
Khoản đầu tư của IFC sẽ giúp Nafoods mở rộng số lượng nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty thêm 11.500 người.
Qua đó, IFC sẽ tư vấn cho Nafoods triển khai hệ thống quản lý an toàn thực phẩm cho chuỗi cung ứng lạnh của công ty phù hợp với chứng nhận Hệ thống An toàn thực phẩm ISO: 22000 được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Thông điệp xuyên suốt về định hướng trong năm 2020 là: “Công nghiệp/số hóa - nền móng; Chanh leo - cốt lõi/tương lai; Hệ sinh thái/chuỗi giá trị - bền vững”.
Nafoods đang gấp rút hoàn thiện 3 dự án đang triển khai tại Tây Nguyên gồm: Viện giống; Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao mô hình và Nhà máy đóng gói quả tươi, sản xuất dịch chanh leo sẽ sớm đi vào hoạt động trong năm 2020. Nafoods đang tập trung đầu tư sản xuất và kinh doanh ở các sản phẩm nông sản sấy, nước ép cô đặc, trái cây đông lạnh và trái cây tươi. Số lượng quốc gia Nafoods Group xuất khẩu các mặt hàng chủ lực lên hơn hơn 70 quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Trung Đông… đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của từng thị trường Nafoods có mặt.
Nafoods tự tin khẳng định là đơn vị đi đầu trong việc lấy chất lượng làm trọng tâm, là kim chỉ nam tạo dựng thương hiệu. Những sản phẩm của công ty đã xây dựng được uy tín lâu năm, đã được khẳng định tại các thị trường và khách hàng khó tính nhất trên thế giới.
Những tháng đầu của năm 2020, khi phải đối diện với dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và trong đó có nông nghiệp tuy nhiên sản lượng kinh doanh trong quý I của công ty vẫn tăng trưởng 40% so với năm ngoái nhờ những biện pháp đối phó với dịch COVID-19 được áp dụng ngay lập tức. Nhìn lại chặng đường đã qua Nafoods Group tự tin hướng đến tầm nhìn trở thành tập đoàn tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, bền vững để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cung cấp cho thế giới các sản phẩm nông nghiệp tự nhiên, an toàn và đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người.
“Lúc khó khăn nhất, tôi tâm niệm rằng mọi chuyện đều có cách giải quyết, chỉ cần có sự kiên nhẫn và đặc biệt là niềm tin”, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group Nguyễn Mạnh Hùng, nói ngắn gọn như thế về những thăng trầm đã qua.
Năm 1993 - 2000: Những ngày đầu khởi nghiệp
Những năm đầu của thập kỷ 90, chọn lựa khởi nghiệp bằng ngành hàng nước giải khát với thương hiệu Festi - nhãn hiệu nước giải khát hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ. Ngày 26/8/1995, Công ty TNHH Thành Vinh ra đời, nay là Công ty Cổ phần Nafoods Group.
Sau một thời gian, Festi phải đối đầu với các thương hiệu nước giải khát nổi tiếng toàn cầu bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam như Cocacola, Pepsi Cola. Nhận thức được những thách thức và khó khăn này, Nafoods Group đã thay đổi để tồn tại. Bước ngoặt thay đổi bắt đầu từ năm 2000…
Năm 2000: Bước ngoặt chuyển mình
Từ một ngành hàng nước giải khát có gas hoàn toàn bằng hương liệu, sau hai năm ấp ủ, năm 2002, Nafoods Group đãchính thức chuyển hướng và bén duyên với ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến xuất khẩu. Tháng 7/2003, Nafoods Group đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường EU...
Năm 2004 - 2009: Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Câu chuyện thay đổi cây nguyên liệu chủ lực suốt nhiều năm ròng rã theo đuổi nhưng gặp vô vàn khó khăn, thách thức là câu chuyện dài mà suốt chặng đường hình thành và phát triển của Nafoods xem đó là bài học kinh nghiệm.
Đó là thời điểm quan trọng, là cơ hội thử lửa lòng người, thử thách trí tuệ, buộc phải lựa chọn một trong hai: thay đổi hay là chết.
Để rồi câu chuyện cây chanh leo bắt đầu từ đây. Năm 2007, Nafoods Group đã góp phần phát triển vùng nguyên liệu chanh leo ở các tỉnh Tây Nguyên. Và cũng từ đây, những lô hàng sản phẩm chanh leo cô đặc đầu tiên được Nafoods Group thâm nhập vào thị trường EU.
Năm 2010: Một bước đột phá
Mùa xuân năm 2010 ghi dấu những bước ngoặt lớn của Nafoods Group trong việc khẳng định là doanh nghiệp dẫn đầu thu mua sản lượng chanh leo từ vùng nguyên liệu Tây Nguyên và dẫn đầu Châu Á về doanh thu xuất khẩu chanh leo cô đặc vào các thị trường EU và Mỹ. Và cũng bắt đầu từ đây, Nafoods Group nghiên cứu, thử nghiệm trồng cây chanh leo tại Quế Phong - huyện nghèo miền núi phía Tây Nghệ An với một khát vọng làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây.