Sơn La - một địa chỉ “vàng” trong mỗi lần chuyển mình của nông nghiệp không chỉ ở miền Bắc mà còn là cả nước. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu cho tỉnh miền núi này? Con người, trí tuệ, khoa học công nghệ, đương nhiên là vậy. Và còn những bệ phóng khác được lý giải dưới đây qua cuộc trao đổi đầu Xuân của Báo Nông nghiệp Việt Nam với Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông.
Thưa ông, có thể thấy rõ trong nhiệm kỳ vừa qua tỉnh Sơn La đã đạt được rất nhiều thành tựu, đặc biệt là kinh tế, có nhiều ý kiến cho rằng giá trị cốt lõi của những thành tựu mà Sơn La đạt được đến từ sự đổi mới về tư duy, xin hỏi, câu chuyện tư duy ở Sơn La đã đổi mới như thế nào?
Thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Sơn La chọn phương châm cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trên cơ sở hài hòa với điều kiện thực tế để thực hiện đồng bộ các chương trình trọng tâm và đã tạo được một số đột phá mới.
Trước tiên đó là đổi mới từ phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo đến phong cách làm việc; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác bám sát các chương trình, đề án cụ thể; gắn việc thực hiện nhiệm vụ với công tác cán bộ làm thước đo hiệu quả.
Với đặc thù là một tỉnh nông nghiệp miền núi, chúng tôi xác định phải có các chính sách sát thực tiễn, đi vào được với đời sống thì mới thành công, phát huy được thế mạnh về đất đai, khí hậu. Có thể kể đến những quyết sách đã được người dân hưởng ứng, ghi nhận, như trồng cây ăn quả trên đất dốc; hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ cải tạo vườn tạp; làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới...
Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật phải gắn liền với thay đổi tư duy và phương thức sản xuất. Cụ thể, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị (quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các tỉnh, các siêu thị, xuất khẩu...); khuyến khích, phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản; xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nhờ chủ trương và sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp, nhiều nông sản của tỉnh đã được các thị trường khó tính đón nhận như Australia, Pháp, Mỹ, Nhật...
Thời gian qua, Sơn La đã tạo dựng được sức hút cho mình, được các doanh nghiệp lựa chọn làm địa điểm rót vốn đầu tư, trong chế biến nông sản có thể kể đến Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk)...
Nhờ đó, an sinh xã hội có những bước tiến vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 34,44% (năm 2015) xuống còn 18,62% (năm 2020), GRDP bình quân ước đạt 44,1 triệu đồng/người/năm.
Đi kèm những đổi mới về tư duy luôn có những chính sách, theo ông, những chính sách nào là nòng cốt đưa Sơn La trở thành hiện tượng như vậy?
Sơn La đã chuyển từ chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" sang chủ trương "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" bằng các giải pháp cơ cấu lại ngành kinh tế để phát triển lực lượng sản xuất, như ban hành 18 văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, qua đó đã hỗ trợ cho trên 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã; trên 50.000 lượt hộ gia đình, cá nhân phát triển kinh tế từ nông nghiệp.
Thực hiện hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào nhà máy để thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến. Chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tập trung, hỗ trợ xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Các chính sách tập trung đổi mới quan hệ trong tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể, trọng tâm là phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi cung ứng nông sản an toàn và tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.
Một số cơ chế, chính sách tỉnh Sơn La ban hành trong thời gian qua có tính đột phá, khuyến khích được phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội về đất đai; tín dụng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; khoa học công nghệ, khuyến nông; đào tạo nguồn nhân lực và tạo việc làm ở nông thôn; thị trường nông sản; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Xin ông cho biết quan điểm phát triển hiện nay và sắp tới của Sơn La là gì và nông nghiệp đóng vai trò gì trong quan điểm phát triển đó?
Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã xác định: "... Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc".
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 2 đề án, nghị quyết phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh).
Trong đó xác định xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có 8 vùng trở lên đủ điều kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 2 doanh nghiệp trở lên được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quan điểm của ông và lãnh đạo Sơn La trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp như thế nào để phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh?
Chúng tôi xác định thu hút đầu tư có trọng tâm, khai thác và phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên và khí hậu, bản sắc văn hóa, con người.
Các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Sơn La đã được vạch rõ ràng: Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo và phát triển năng lượng sạch.
Chiến lược thu hút đầu tư của Sơn La lấy nguồn vốn ngoài ngân sách là động lực chủ yếu, tạo động lực phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực, từng bước nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô theo chiều sâu; tập trung ưu tiên thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, có năng lực tài chính, như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao... Đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tăng 8 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu quy mô lớn so với năm 2015.
Sơn La phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu.
Là Bí thư Tỉnh ủy ở một tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, vùng kinh tế gian khó bậc nhất đất nước, những điều băn khoăn, trăn trở đối với Sơn La hiện nay là gì? Là một Bí thư Tỉnh ủy thế hệ 7X, ông có thể chia sẻ quyết tâm, khát vọng đối với Sơn La?
Sơn La vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn. Là một tỉnh miền núi, quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững; quy mô và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Riêng trong sản xuất nông nghiệp còn những vấn đề như trình độ nhận thức, trình độ canh tác của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng khó khăn chưa cao. Cá nhân tôi cũng như tập thể Đảng bộ tỉnh Sơn La luôn trăn trở trước thực trạng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, làm sao để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Chúng tôi luôn có quyết tâm, khát vọng phải đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tập trung khắc phục hạn chế, khó khăn để xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc. Đến nay, Sơn La đã được Trung ương quan tâm đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Sơn La - Điện Biên, sân bay Nà Sản. Đó sẽ là bệ phóng hạ tầng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng xanh, công nghệ cao - sạch - tái tạo và phát triển du lịch.
Ông vừa nhắc đến câu chuyện “bệ phóng hạ tầng”, chúng tôi có thể hiểu quan điểm đó nằm trong tổng thể mối liên kết vùng phát triển kinh tế? Ông đánh giá thế nào về vấn đề này ở khu vực Tây Bắc và liệu Sơn La cũng như cả vùng liên kết liệu có đang vướng nút thắt nào chăng?
Đúng vậy! Theo tôi, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải theo hướng đồng bộ, (từng bước) hiện đại thì mới tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Chúng ta cần tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối trong vùng, giữa các địa phương, với trung tâm kinh tế của các tỉnh và cả nước. Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, nông thôn (điện, đường, trường, trạm); hạ tầng du lịch; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giáo dục, y tế.
Giao thông luôn có ý nghĩa huyết mạch. Với Sơn La, tôi xin nhấn mạnh lại các dự án quan trọng, mang tính động lực là cao tốc Hòa Bình - Sơn La, dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, tuyến tránh thành phố Sơn La. Tiêu chí đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh là bắt buộc, nhưng không thể không tính đến tính hài hòa với hạ tầng nông thôn, từ đó mới có sức lan tỏa, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Một trong những dấu ấn của Sơn La là lấy hợp tác xã làm động lực phát triển, theo ông những vấn đề được và chưa được của mô hình hợp tác xã hiện nay ở Sơn La là như thế nào?
Toàn tỉnh hiện có 702 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; có gần 80% hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Hợp tác xã rõ ràng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn, phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là nơi ứng dụng thí điểm các tiến bộ khoa học công nghệ mới đã góp phần cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Tôi nhận thấy nhiều hợp tác xã đã tự nâng tầm để trở thành điểm cung ứng đầu vào cho sản xuất, là nơi tiêu thụ nông sản cho các thành viên, thúc đẩy thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường...
Nhưng đúng là có những điểm chưa làm được rất cần cải thiện sớm, đó là vai trò kết nối sản xuất - tiêu thụ, nguồn lực đầu tư, xây dựng đội ngũ chuyên môn hay năng lực đầu vào của sản xuất...
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân mới là thành công thực chất của Đại hội”. Với điều kiện kinh tế của một tỉnh đang còn nhiều khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống người dân còn chưa cao… Xin hỏi, trong nhiệm kỳ này Sơn La xác định chính sách, chiến lược như thế nào để cải thiện điều đó?
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Sơn La xác định các chính sách, chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội ổn định đời sống nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.
Cụ thể: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả các đề án, nghị quyết, kết luận thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là khi Sơn La được Ủy ban Dân tộc của Quốc hội lựa chọn làm điểm về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan làm công tác dân tộc; lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi - phát huy vai trò chủ thể của chính cộng đồng, người dân và tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp trung tâm.
Tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La, xây dựng con người phát triển toàn diện. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu đến năm 2025 của Sơn La là Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia.
Xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60% tổng diện tích; Triển khai phát triển 8 cụm công nghiệp có vị trí thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 70% diện tích. Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.