Bình Dương – ‘Đất lành’ cho nhà đầu tư nông nghiệp

 

 

Từ một tỉnh thuần nông, sớm xác định lấy hạ tầng và chính sách  làm đòn bẩy thu hút đầu tư, Bình Dương đã chuyển mình mạnh mẽ và là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau TPHCM. Tuy có nền công nghiệp pháp triển nhưng Bình Dương vẫn quan tâm ngành nông nghiệp, dù chủ chỉ chiếm tỷ trọng là 2,7% trong cơ cấu kinh tế nhưng đóng góp trên 3% GDP.

Để có được kết quả trên, điều đầu tiên khi các nhà đầu tư đến với Bình Dương là sự phát triển hạ tầng bài bản. Có thể thấy, từ TP.HCM về Bình Dương, gây ấn tượng trước hết đó là hạ tầng giao thông tương đối tốt. Quốc lộ 13 rộng hơn và đang tiếp tục được nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển. Song song đó là đường Mỹ Phước - Tân Vạn (không có trạm thu phí) chuyên sử dụng cho xe container trở thành "con đường tơ lụa" của Bình Dương. Bên cạnh đó là các đường tạo lực kết nối khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ và các trung tâm logistics được mở ngày càng nhiều, các phương tiện vận chuyển lưu thông nhanh, tiết giảm rất nhiều chi phí vận tải.

Điểm thứ 2 hấp dẫn nhà đầu tư đó là hạ tầng các khu công nghiệp được xây dựng đầy đủ và đáp ứng các điều kiện đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Có thể thấy đó là "đất sạch" luôn sẵn sàng để cho doanh nghiệp lớn trên thế giới đến xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh. Một điểm mạnh khác, Bình Dương luôn thúc đẩy quá trình cải cách hành chính làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện thủ tục pháp lý để đầu tư kinh doanh. Quá trình chuyển đổi số nhanh cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong khi hoạt động tại Bình Dương.

 

Về nông nghiệp, với 2 nguồn lực quan trọng về diện tích đất nông nghiệp chiếm 75,63% diện tích tự nhiên của tỉnh, về lao động nông thôn chiếm 15,5% lực lượng lao động toàn tỉnh. Thời gian qua, Bình Dương không chỉ được biết đến là “thủ phủ” công nghiệp mà những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Cách làm của tỉnh là quy hoạch các khu công nghệ cao và có những chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất tạo đà cho toàn ngành nông nghiệp địa phương phát triển.

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) chia sẻ rằng, cùng với De Heus, nhiều thương hiệu khác của Hà Lan đang hoạt động thành công tại Bình Dương như: Akzo Nobel, Dutch Lady, Nedspice... đã góp phần khẳng định tỉnh là một địa phương năng động, đổi mới với nhiều cơ hội đầu tư mới hấp dẫn và có những cơ chế, chính sách cởi mở.

Còn ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá thêm, Bình Dương không ngừng xây dựng hình ảnh về địa điểm đầu tư an toàn và ổn định với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư FDI. Các thành viên EuroCham thường xuyên tiếp cận, nghiên cứu, đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng, đầu tư lâu dài tại địa phương. 

Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã nhanh chóng trở thành một trong những tỉnh năng động và giàu có nhất ở Việt Nam. Sự đa dạng hóa kinh tế đã tạo nền tảng cho sự bền vững trong phát triển. Theo số liệu của UBND tỉnh Bình Dương, trong 7 tháng năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt được kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 3,76%, cao hơn bình quân chung của cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt gần 49.000 tỷ đồng, bằng 72% dự toán; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,22 tỷ USD, thu hút được 58.848 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, xuất siêu hơn 6 tỷ USD…

 

 

Theo Sở NN-PTNT Bình Dương, địa phương hiện có tổng diện tích đất trồng trọt trên 142 nghìn ha. Thời gian qua tỉnh đã có chính sách cho vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mức ưu đãi khoảng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80-90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi, tỉnh đã kêu gọi thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân. Từ chính sách sát thực tiễn đã giúp nông nghiệp phát triển.  

Theo đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương ngày càng được mở rộng, thời điểm này toàn tỉnh có 7 nghìn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao  với các kỹ thuật gieo trồng trong nhà lưới, sử dụng công nghệ sinh, chế phẩm sinh học vào chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại, công nghệ tưới, công nghệ xử lý ra hoa trái vụ. Toàn tỉnh có 413 cá nhân, tổ chức áp dụng VietGAP (chăn nuôi 165 hộ và trồng trọt 248 hộ). Đặc biệt, Bình Dương có 2 khu, 2 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

Song song đó, ngành chăn nuôi, trọng tâm của nông nghiệp Bình Dương là ngành mạnh mẽ đi đầu trong thúc đẩy hàm lượng công nghệ với 90% tổng đàn được chăn nuôi theo quy mô trang trại (trong đó khoảng 70% tổng đàn heo và gia cầm áp dụng phương thức nuôi trại kín, trại lạnh). Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi như: máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm,… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương hiện tập trung ở 4 huyện phía Bắc (Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên), chủ yếu là heo và gà. Trang trại tư nhân và các Công ty đầu tư nổi bật là về chăn nuôi năng suất cao như trại Vĩnh Tân, Công ty 3F Việt, CP, CJ Vina, Japfa, CJ-Agri, Ba Huân, Emivest, Viet Swan,…

Bên cạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bình Dương còn biết đến là thủ phủ cây có múi của khu vực Đông Nam bộ, với tổng diện tích gần 7 ngàn ha, với quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, cây có múi của Bình Dương đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nông sản như bưởi Bạch Đằng (Cù lao Bạch Đằng, TX. Tân Uyên), bưởi Bắc Tân Uyên, cam Bắc Tân Uyên. Nhờ canh tác tập trung đã tạo tiền đề quan trọng để xây dựng các vùng nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn quả từng bước hình thành các mối liên kết sản xuất – tiêu thụ bền vững.

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết thêm, Bình Dương hiện có trên 250 cơ sở sản xuất, chế biến các loại nông sản (động và thực vật) xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Bình Dương năm 2022 trên 473.000 tấn các loại. Bình Dương cũng có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ.

 Hiện toàn tỉnh có 22 mã số vùng trồng của 17 cơ sở đã được Cục BVTV cấp với diện tích trên 1.000 ha. Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là một trong những tiêu chí đầu tiên để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. “Sau khi được cấp mã số vùng trồng, một số đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác (chủ yếu là chuối). Còn lại các loại trái cây khác đang đàm phán, chờ hợp đồng. Ngoài ra cũng có một số loại trái cây khác cũng được xuất khẩu qua đơn vị trung gian”, ông Bông chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam,  lợi thế của nông sản Việt Nam là đã xuất khẩu đến khoảng 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó là 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu là Hoa Kỳ chiếm 24,6%, Trung Quốc chiếm 22,6 %; Nhật Bản chiếm 6,6%; Hàn quốc chiếm 4,9%...

“ Bình Dương là tỉnh nằm trong tứ giác phát triển kinh tế Đông Nam bộ có công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập GDP của tỉnh nhưng với chủ trương đúng đắn, cách làm mạnh dạn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương Bình Dương đã tạo ra lợi thế cho nông sản của mình khi tham gia xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa kỳ, Trung Quốc, châu Âu...”, ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

 

 

Tọa lạc tại xã An Thái, huyện Phú Giáo, với diện tích hơn 400 ha trang trại Unifarm được xem là thủ phủ chuối và dưa lưới công nghệ cao của Bình Dương nói riêng cả nước nói chung. Với quy trình trồng theo tiêu chuẩn châu Âu. Khoảng 300 ha trồng chuối tại Unifarm mỗi năm cho năng suất gần 50 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, sản phẩm trải qua các công đoạn sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xuất khẩu đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, quy trình trồng trên 100 ha dưa lưới tại Unifarm ứng dụng theo công nghệ học tập từ Israel, hệ thống kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới tại các nhà màng được kết nối đến hệ thống điều khiển trung tâm. Thay cho cách trồng trên luống truyền thống, dưa lưới tại trang trại được trồng trong những giá thể riêng biệt được xử lý triệt để các mầm bệnh có thể gây hại cho cây.

Theo ông Phạm Quốc Liêm, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuối, dưa lưới của Unifarm đang cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí nhỉnh hơn các thị trường sản xuất chuối có tiếng trên thế giới. Để đáp ứng đưa chuối Việt vươn xa trên trường quốc tế, công ty Unifarm đã và đang tích cực chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng, thậm chí còn sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có tâm huyết phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao…

“Mục tiêu của Unifarm khi tham gia vào ngành nông nghiệp là phải tìm ra những mô hình có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, từ đó nhân rộng ra cho người dân trong và ngoài tỉnh. Unifarm không bao giờ có định hướng cạnh tranh hay thay thế vai trò của người nông dân. Dựa trên cơ sở đó, Unifarm đã mời nhiều chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đã thực nghiệm nhiều mô hình trồng trọt, và đã tìm ra được những mô hình trồng hiệu quả như dưa lưới, chuối... Đối với những mô hình đó, Unifarm không chỉ nghiên cứu vấn đề trồng trọt (sản xuất) thuần túy, mà là phải xây dựng cả chuỗi cung ứng mang tính hệ thống cho từng sản phẩm, bao gồm: trồng trọt, công nghệ sau thu hoạch, vấn đề logistics (vận tải, kho vận, hệ thống phân phối), phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Từ một công ty nhỏ, ít ai biết đến, đến nay Unifarm đã phát triển mạnh mẽ với số lượng nhân công, chuyên gia, kỹ sư lên đến gần 200 người. Unifarm trở thành tên tuổi quen thuộc đối với hệ thống siêu thị trong nước và các nhà buôn quốc tế”, ông Phạm Quốc Liêm nói.       

Trên địa bàn Bình Dương hiện có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (CNC) với quy mô lớn, cụ thể: Khu chăn nuôi gia cầm CNC tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6 ha) với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 1 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500.000 quả/ngày. Khu nông nghiệp CNC Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (diện tích 78,5 ha) với tổng đàn 300.000 con gà đẻ và 95.000 con gà hậu bị; số lượng trứng sản xuất bình quân 80 triệu quả/năm. Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng CNC, xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao trên 470 ha; tổng đàn bò sữa của công ty trên 850 con; năng suất sữa trung bình đạt 17,7 kg/con/ ngày, tổng sản lượng sữa bình quân khai thác trên 199.000 kg/tháng.

Hầu hết các mô hình chuồng trại được thiết kế theo CNC, tự động hóa hoàn toàn các công đoạn như thu hoạch, chế biến thức ăn, thu gom và xử lý chất thải, vắt sữa… Còn mô hình chăn nuôi với quy trình truy xuất toàn diện, từ giai đoạn chăn nuôi đến lưu thông, tại trại gia cầm Minh Tân Phát (huyện Dầu Tiếng) do anh Lê Văn Dương làm chủ hiện có 4 phân trại nuôi gia cầm với tổng diện tích gần 14 ha, tổng đàn 600.000 con gà đẻ, cung ứng ra thị trường khoảng 500.000 quả trứng mỗi ngày. Anh Dương cho biết, những trại gia cầm trên đều truy xuất nguồn gốc gà từ khi 1 ngày tuổi, áp dụng quy trình khép kín trong chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. “Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là công cụ đắc lực để tránh được các rủi ro về bệnh dịch, tăng hiệu quả sản xuất và hướng đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh Dương chia sẻ.

 

 

Ông Phạm Văn Bông cũng nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp địa phương còn tồn tại một số khó khăn như nông sản Bình Dương chủ yếu xuất khẩu dạng tươi, chưa qua chế biến nên giá trị xuất khẩu thấp. Một số loại nông sản có giá trị kinh tế cao như măng cụt chỉ trồng được ở một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên sản lượng không nhiều.

Bên cạnh đó, Bình Dương chưa hình thành được liên kết ngang giữa các hộ, trang trại sản xuất để đẩy mạnh, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít. Tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu không nhiều làm giảm sức cạnh tranh, phần lớn xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô nên hạn chế sự tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu nên giá trị xuất khẩu còn thấp…

 TS Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đánh giá, Bình Dương quy hoạch nông nghiệp từ rất sớm và bài bản, hầu hết các nông trại đều khá lớn, sản lượng dồi dào, nguồn lực đầu tư vào kỹ thuật canh tác cao. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất nông nghiệp Bình Dương vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, khó kết nối để xuất khẩu nông sản. Điều này biểu hiện rất rõ trong việc kết nối tiêu thụ giai đoạn dịch Covid-19. Theo TS Trần Minh Hải, khâu tổ chức liên kết sản xuất ở Bình Dương hiện còn kém. Bình Dương có nhiều HTX nông nghiệp nhưng quy mô và chất lượng đạt chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

“Xin nhắc lại, 'câu thần chú' của nông nghiệp Thái Lan là: chất lượng, chất lượng và chất lượng. Một điểm nhấn đặc biệt quan trọng khác là tính hợp tác ở Thái Lan rất cao. Điều này còn yếu ở trong nước cũng như tại Bình Dương. Hiện nay, Bình Dương đã có cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khá tốt. Tuy nhiên, Bình Dương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ nông dân tăng cường chất lượng sản phẩm, đa dạng hình thức marketing và nâng cao năng lực HTX. Một điều quan trọng nữa là Bình Dương phải sớm xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Bản đồ này sẽ làm căn cứ cho các huyện làm định hướng tổ chức sản xuất và liên kết. Ngoài ra, các chủ thể sản xuất, ở đây là các HTX cần đảm bảo cam kết sản xuất đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp và nước nhập khẩu...”, TS. Hải khuyến nghị.

 “Để xuất khẩu nông sản tạo tiền đề thu hút đầu tư, ngành nông nghiệp Bình Dương cần xác định quy mô sản xuất theo từng ngành hàng, cần quy mô lớn, tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng đồng đều. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến; từ sản phẩm chế biến đơn giản sang chế biến sâu; từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường một cách chặt chẽ đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và nâng cao uy tín của nông sản Bình Dương. Tổ chức truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và hành động khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố hoặc cảnh báo từ phía nhà nhập khẩu...”, ông Phạm Văn Bông nhấn mạnh.

 

 

Theo ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, Bình Dương đã thực hiện thắng lợi chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”… Tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả của các chính sách và năng lực của các cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh.

Bình Dương đã đưa vào hoạt động trung tâm kiểm soát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC), hệ thống này sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh Bình Dương có cái nhìn tổng quan toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực.

Bình Dương cũng đã tham gia vào các tổ chức quốc tế như ICF, thông qua việc thoả mãn 6 tiêu chí khắt khe của ICF, Bình Dương đã lần thứ 4 liên tiếp vinh dự được góp mặt trong danh sách các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới - Smart 21. Ngoài ra, các chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh với các doanh nghiệp, đã giúp cho lực lượng lao động qua đào tạo nghề của Bình Dương tăng lên đáng kể; đồng thời, tỉnh đã có nhiều chính sách để thu hút những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực về làm việc và hợp tác, những chuyên gia này cùng với đội ngũ chuyên gia của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng góp về mặt chuyên môn, mà chính bản thân họ sẽ là những “ngọn hải đăng” giúp Bình Dương trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đúc kết kinh nghiệm sẵn có, để tiếp tục tạo ra những động lực mới trong thu hút đầu tư, Bình Dương tiếp tục để ra chủ trương để triển khai “Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, đây được xem là “chìa khóa” để thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn một cách căn cơ và bền vững, làm nền tảng để phát triển vùng đổi mới sáng tạo, vùng sản xuất thông minh Bình Dương trong tương lai.

Về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương, ngoài nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghệ cao, tạo ra những đột phá rõ nét.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các sở, ngành của tỉnh thời gian tới thực hiện chuyển đổi số toàn diện; phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương cần thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, phát triển bền vững.

Trần Trung - Minh Sáng
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Trần Trung
Trần Trung - Minh Sáng