Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được xem là một sự thay đổi to lớn đối với ngành hàng lúa gạo tại vựa lúa lớn nhất cả nước.
Đứng trước sự thay đổi, chúng ta nên lựa chọn thế nào? Từ chối, chần chừ, hay chủ động thích ứng?
Chắc chắn rằng, người nông dân vẫn tiếp tục trồng lúa, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh lúa gạo, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đứng trong tốp đầu thế giới, dựa trên lợi thế về năng suất cao, sản lượng lớn, và thị trường toàn cầu đã định vị Việt Nam là địa chỉ cung cấp gạo ổn định trong nhiều năm qua. Nhưng đó là câu chuyện của hôm qua và gần đây, câu chuyện hiện tại và tương lai khó đoán định hơn nhiều trước những thách thức, biến động trong ngắn hạn và dài hạn.
Một là, ba chữ “biến” ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.
Biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, cùng với suy giảm tài nguyên nước chắc chắn sẽ làm chi phí sản xuất theo cách thức truyền thống tăng lên, tác động tới chi phí đầu vào, thu nhập thực sự của người nông dân khó được cải thiện.
Biến động thị trường khó lường hơn khi nhiều quốc gia nhập khẩu lúa gạo đang xây dựng chiến lược tự chủ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước tình trạng đứt gãy nguồn cung có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn.
Biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới chuyển dịch đồng bộ với định hướng của tăng trưởng bao trùm, của nền kinh tế xanh. Bên cạnh các yếu tố về giá cả, sản lượng, chất lượng, nhu cầu thị trường, người tiêu dùng ngày càng đặt ra yêu cầu nhiều hơn về truy xuất nguồn gốc, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, gìn giữ môi trường thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu việc gây ra hiệu ứng nhà kính…
Hai là, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước. Tuy nhiên, có một thực trạng là thu nhập của người trồng lúa vẫn thấp hơn người sản xuất ở các ngành hàng nông nghiệp khác như cây ăn trái, thuỷ sản. Việc người nông dân đây đó chuyển từ trồng lúa qua các loại cây trồng khác đã minh chứng cho thực tế này.
Ba là, từ thu nhập thấp trong nông nghiệp nói chung, trong đó có sản xuất lúa gạo, dẫn đến tình trạng nông dân “ly nông, ly hương”. Vấn đề này, nếu không có giải pháp đồng bộ sẽ gây ra bao hệ luỵ đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa thoát khỏi điểm nghẽn: “đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát”. Như vậy, Đề án hướng tới mục tiêu tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ chức nông dân, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng có sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ, đồng hành nâng cao năng lực cộng đồng.
Thay thế cho tư duy sản xuất nông nghiệp - dựa trên năng suất, sản lượng như mục tiêu đánh giá tăng trưởng, Đề án hướng tới mục tiêu kết hợp giữa sản lượng và nâng cao chất lượng. Yêu cầu chất lượng cần bảo đảm các tiêu chí chuẩn hoá: chuẩn hoá giống, chuẩn hoá quy trình canh tác, chuẩn hoá công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hoá mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, Đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Trồng trọt trong nền kinh tế tuần hoàn được hiểu là khai thác, tận dụng tất cả những giá trị mà cây trồng mang lại chứ không chỉ duy nhất thu nhập từ một nông sản chính.
Sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long ít nhiều còn mang tính phân mảnh, trong khi xu hướng thế giới dần hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Như vậy, Đề án xác định mục tiêu chuyên nghiệp hoá ngành hàng lúa gạo là hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, nâng cao tri thức cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là sinh kế của hàng triệu nông dân, thu nhập người nông dân chủ yếu vẫn phụ thuộc vào hạt lúa. Như vậy, Đề án phác thảo mục tiêu tạo ra không gian phát triển rộng hơn, bao trùm hơn. Khi đó sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa bằng những ngành nghề khác trong khu vực kinh tế nông thôn. Khi đó, người trồng lúa thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sẽ tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở những công đoạn phù hợp, nhờ chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Đề án quan tâm đến mục tiêu tiếp cận đồng bộ các cơ chế chính sách như tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, công tác quản lý có thể đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, về định hướng thị trường, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm…
Vượt qua việc bị chia cắt không gian sản xuất bởi địa giới hành chính, Đề án mở ra mục tiêu liên kết ngành hàng lúa gạo trong vùng. Từ không gian liên kết cấp vùng, hình thành các cụm liên kết ngành lúa gạo, xây dựng các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, liên huyện, cấp vùng. Các trung tâm này có chức năng khuyến nông, hỗ trợ nông dân tiếp cận cơ giới hoá, hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá, kết nối thị trường, kiến thức kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, kỹ năng giúp nâng cao năng suất lao động…
Nhằm thích ứng chủ động với tác động của biến đổi khí hậu, khắc phục hạn chế, hệ luỵ về thoái hoá đất, môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học của phương pháp canh tác truyền thống, Đề án mong muốn đạt được mục tiêu tạo dựng hình ảnh một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững, và là tiền đề tạo dựng thương hiệu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước nhất, cần nhất quán xác định Đề án này hướng tới đa mục tiêu, nhưng cách thức vận hành, xác lập bước đi cụ thể, tiến độ cụ thể, có thể đo lường, đánh giá theo từng thời điểm, điều chỉnh linh hoạt theo thị trường trong ngắn hạn nhưng phải kiên trì thực hiện mục tiêu trong dài hạn. Đề án đề cao vai trò sáng tạo từ thực tiễn của các địa phương trong Vùng.
Kế tiếp, cần mở rộng đối tượng tham gia vào xây dựng, triển khai, định kỳ đánh giá…: Trung ương và địa phương, khu vực công và khu vực tư, doanh nghiệp và nông dân, hiệp hội ngành hàng và tổ chức nông dân, hợp tác xã, các chuyên gia, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông…
Hơn hết, cần thấu hiểu rằng Đề án không chỉ mang yếu tố kỹ thuật đơn thuần, mà tích hợp đa dạng yếu tố kinh tế - xã hội, trong đó người nông dân có năng lực hợp tác là trung tâm; doanh nghiệp có vai trò liên kết, kết nối dẫn dắt thị trường; các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị, hướng dẫn ứng dụng chuẩn hóa, Nhà nước vai trò khởi tạo và hỗ trợ bằng cơ chế chính sách; địa phương có vai trò tích hợp, lồng ghép các nguồn lực và nhất là sáng tạo trong triển khai thực hiện…