Đến với Hà Giang là đến với miền cảm xúc, đắm say lòng người. Đến với Hà Giang để một lần sống trong cảm xúc trọn vẹn của mỗi người dân Việt, để hiểu hơn ý nghĩa thiêng liêng của “phên giậu” đất nước. “Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang” là đây, miền đất địa đầu Tổ quốc!
Hà Giang mở ra sự độc đáo, khác biệt trên mỗi bước hành trình, trên mỗi cung đường uốn lượn. Từ các huyện vùng cao núi đá trong không gian “Công viên địa chất toàn cầu”, trên dãy Tây Côn Lĩnh - nóc nhà Đông Bắc, đến vùng núi thấp bên dòng sông Lô, sông Gâm, Hà Giang luôn phong phú, đa dạng, với biết bao đặc sắc về văn hoá, truyền thống lịch sử, con người, cách thức làm nông truyền thống bao đời…
Phố cổ Đồng Văn thêm ấm áp, trìu mến, với hình ảnh cụ già 90 tuổi vẫn tự tay pha những phin cà phê mời khách phương xa thưởng thức. Dòng Nho Quế êm đềm và cột cờ Lũng Cú - biểu tượng chủ quyền quốc gia, gợi lên niềm tự hào dân tộc.
Và di tích lịch sử Đồi 468 hào hùng, người dân Việt đều mong một lần đến để tri ân, để hiểu hơn những giá trị lịch sử với sự hy sinh quả cảm của hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ trên những vách đá cheo leo, trong những hang động trên ngọn đồi cao.
Vượt qua khói lửa chiến tranh, người Hà Giang, bằng khát vọng của mình, đã khởi tạo những giá trị mới cho mảnh đất này. Đến với Hà Giang, mỗi người không chỉ đến thăm, tìm hiểu, mà đều có thể làm điều gì đó ý nghĩa, để bày tỏ lòng biết ơn đến những thế hệ người Hà Giang trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ yên bờ cõi, nguyện cống hiến, hy sinh vì cuộc sống thanh bình ở ngày hôm nay và mai sau.
Hà Giang, “vùng đất hoa nở trên đá”, “sống trên đá, chết vùi trong đá”, “sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử”. Người Hà Giang đang cùng nhau mở rộng tư duy, tìm kiếm không gian phát triển mới cho hệ sinh thái nông nghiệp, tích hợp đa tầng giá trị. Tích hợp và mở rộng không gian vật lý và cộng hưởng với không gian cảm xúc để tạo ra giá trị nhiều lần cao hơn.
Không gian vật lý là đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ sinh thái thiên nhiên với những tầng cao, những giá trị trầm tích tầng thấp. Không gian cảm xúc là bản sắc văn hoá, truyền thống lịch sử, tri thức bản địa, phong tục, tín ngưỡng dân gian, tính cố kết cộng đồng các dân tộc anh em sống cộng sinh với đất trời Hà Giang qua bao thế hệ.
Thực sự ngỡ ngàng và trân trọng với những điều Hà Giang đã đặt nền móng cho sự phát triển trong lĩnh vực du lịch. Phố cổ Đồng Văn, Làng văn hoá Mèo Vạc, Khu du lịch Làng H’Mông, Làng du lịch cộng đồng Nậm Đắc của bà con người H’Mông, Làng du lịch của bà con Lô Lô, và còn nhiều địa danh chưa đến và mong ước một lần sẽ đến, phải đến.
Quá nhiều cảm xúc trước những dòng du khách nước ngoài xuôi ngược trên những cung đường đồi núi chập chùng. Hình ảnh Hà Giang rồi sẽ lan toả khắp bốn phương từ những du khách này. Đồng thời cũng đồng cảm với những trăn trở còn đó của mỗi người Hà Giang, trước những khó khăn, thách thức do khoảng cách địa lý và điều kiện khách quan.
Trong tài liệu của UNESCO, các nhà khoa học đã chỉ ra những giá trị tuyệt vời của đa dạng sinh học tại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với hơn 300 loài động vật có xương sống, 53 loài thú, 161 loài vượn, 33 loài bò sát, 39 loài ếch nhái... Bên cạnh đó, còn nhiều loài thực vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ như cây Đình Tùng. Giá trị đó không chỉ từ thiên nhiên mà còn do con người tạo ra.
Tri thức bản địa của bà con người H’Mông đã biết cách xếp đá làm tường, lấy đất làm nhà, biết chọn và giữ giống ngô, giống đậu trên gác bếp cho mùa vụ sau. Tri thức bản địa còn giúp bà con dân tộc lưu giữ nhiều bài thuốc quý chữa trị nhiều loại bệnh. Thế mới hiểu vì sao lãnh đạo Hà Giang luôn trăn trở và đã tập trung phát triển ngành dược liệu và những thảo dược từ rừng sâu, núi cao.
Từ “thúc đẩy phát triển nông nghiệp” đến “kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp đa giá trị” là hành trình thay đổi tư duy, từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, từ “tăng trưởng đơn giá trị” sang “tăng trưởng đa tầng giá trị”.
Đa tầng giá trị chỉ đến khi vượt qua rào cản quản lý chuyên ngành hướng đến tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Đa tầng giá trị chỉ đến khi không gian sản xuất không còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính cấp xã, huyện và cấp tỉnh.
Đa tầng giá trị chỉ đến khi các cơ quan quản lý, các viện trường, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng ngồi lại tìm kiếm những giải pháp tổng thể trên ba vùng sinh thái của địa phương: vùng núi thấp, vùng cao núi đất và vùng cao núi đá.
Cách tiếp cận phân ngành đang là giới hạn và rào cản cho phát triển. Cần tiếp cận thủy lợi, thổ nhưỡng để xác lập không gian chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản. Có lẽ kinh nghiệm nông nghiệp lưu truyền bao đời về “nhất nước” là điều luôn được Hà Giang quan tâm, không chỉ là câu chuyện riêng ở Mèo Vạc.
Tư duy về nước của Hà Giang không chỉ là tạo ra nguồn nước, tích nước, mà còn là giải pháp giảm thất thoát nước, tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt. Bài học về một giọt nước sử dụng ba lần của đất nước Israel nơi sa mạc, là vấn đề các nhà khoa học thủy lợi cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới.
Cách tiếp cận tích hợp giữa nông nghiệp và văn hóa, du lịch sẽ là hướng đi chiến lược, góp phần phác thảo nên hình ảnh Hà Giang trong tương lai. Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá văn hóa, du lịch chăm sóc sức khỏe, được nối kết thành hành trình, dựa trên sự sáng tạo, năng động của cộng đồng khởi nghiệp trong tỉnh và thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể hiểu là lấy nông nghiệp, nông thôn, chăm chút thành sản phẩm du lịch, và du lịch sẽ quảng bá, tiếp thị, kết nối thương mại nông sản và sản phẩm nông nghiệp. Người Hà Giang cần xác lập phương châm “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương Hà Giang, vùng đất hoa nở trên đá”.
Đặc điểm đất đai manh mún của Hà Giang cần có cách tiếp cận khác biệt, giải pháp phù hợp. Không gian sản xuất nhỏ sẽ tạo ra giá trị lớn, nếu khắc phục được các hạn chế của việc tiếp cận riêng rẽ từng hộ gia đình, phân nhỏ từng ngành.
Sự hợp tác cộng đồng từ cấp cơ sở như thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ với các mô hình trồng rau màu hữu cơ hiệu quả, nếu được tổ chức lại, kết nối thị trường nhờ vào công nghệ số, sẽ tạo ra hình ảnh khác biệt, thu hút sự quan tâm của truyền thông, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Tư duy tích hợp theo từng nhóm ngành hàng: nông nghiệp, dược liệu, cây gia vị… xuyên suốt từ giống, quy trình sản xuất, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, đa dạng hoá sản phẩm.
Cách tiếp cận đơn lẻ theo phân khúc, đang giới hạn không gian phát triển từng ngành hàng và nối kết các ngành hàng. Những nhà khoa học từ các viện trường còn riêng rẽ. Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng còn riêng rẽ. Cơ quan quản lý chuyên ngành còn riêng rẽ. Giờ là đi cùng nhau, chuyển giá trị cho nhau, tích hợp giá trị theo cấp số nhân. Đi cùng nhau mới đi xa, tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá lợi nhuận, chuẩn hoá quy trình sản xuất, tối ưu hóa giá trị.
Cây chè San Tuyết trên độ cao 1.300m, nơi đỉnh Tây Côn Lĩnh sương mù bao phủ quanh năm, sẽ còn tạo ra giá trị nhiều lần hơn nếu tích hợp những câu chuyện lưu truyền vài trăm năm. Những hình ảnh sinh động của bà con các dân tộc trong suốt quá trình chăm sóc, thu hái, sao phơi, chế biến ra nhiều sản phẩm chất lượng đầy sáng tạo kết hợp giữa tri thức truyền thống và tri thức hiện đại, sẽ tạo ra đa dòng sản phẩm. Hệ sinh thái ngành hàng sẽ dẫn dắt thương hiệu Chè San Tuyết - Hà Giang vươn tầm.
Không gian phát triển chỉ mở rộng một khi tư duy mở rộng, kết nối hệ sinh thái rừng, cao nguyên, sông suối với các địa phương lân cận Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… Một hệ sinh thái kết nối Bắc Mê - Na Hang - Ba Bể là ý tưởng thoát khỏi giới hạn không gian hành chính. Từng tỉnh, huyện, xã có không gian hành chính riêng, nhưng hệ sinh thái tự nhiên và không gian kinh tế vốn không bị chia tách, phân định bởi địa giới hành chính.
Niềm tin tạo lập hành vi, hành vi gieo nên kết quả. Người Hà Giang kiên trì chăm bón, vun trồng, trân trọng từng thành quả thu được, để tiếp tục tạo ra giá trị mới hơn, cao hơn. Như niềm tin chân tình, vững chắc của một lãnh đạo tỉnh: Rồi đây người Hà Giang không chỉ “sống trên đá, thoát nghèo trên đá”, mà sẽ là “sống trên đá, làm giàu trên đá”!
Và hoa sẽ tiếp tục nở và nở nhiều hơn nơi miền Hà Giang yêu thương. Và vẫn nhớ hoài sắc màu gây thương nhớ của hoa Tam giác mạch!