Bước chuyển mình theo hướng bền vững của thủy sản Đồng Nai

Không gần biển nhưng Đồng Nai có nhiều lợi thế đưa ngành thủy sản trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Đây là bước chuyển mình của tỉnh trong giai đoạn mới.

Để phát triển bền vững ngành thủy sản và góp phần nâng cao giá trị trong cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, Đồng Nai cần phải giải quyết nhiều khó khăn riêng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, cung cấp thủy sản cho vùng lân cận mà Đồng Nai còn hướng tới việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản tới những thị trường khó tính.

Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú. Trong đó, hệ thống sông ngòi dày đặc, hồ Trị An, rừng ngập mặn và đặc biệt là hạ nguồn sông Đồng Nai... giúp nguồn lợi thủy sản phát triển dồi dào.

Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt, khai thác theo kiểu tận diệt trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua đang ở mức rất báo động. Đây là nguyên nhân khiến nhiều loại thủy sản, sinh vật bị xóa sổ, làm mất cân bằng sinh thái.

Đầu tháng 7/2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định số 1626 theo tinh thần của Thông tư 19/2018 mà Bộ NN-PTNT ban hành nhằm hướng dẫn lộ trình chuyển đổi các loại nghề cấm khai thác thủy sản trên địa bàn. Theo đó, Đồng Nai sẽ cấm hoàn toàn phương tiện và ngư cụ hoạt động nghề te, nghề đáy, nghề lồng xếp, nghề đăng và tất cả các ngư cụ có sử dụng điện.

Theo Chi cục Thủy sản Đồng Nai, số lượng phương tiện, ngư cụ cấm khai thác tại các thủy vực trên địa bàn tỉnh là 745 trong tổng số 1.759 phương tiện đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 42%. Đây là bài toán lớn và thách thức của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai nói chung.

 Trong khoảng từ tháng 5-9/2023, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có nhiều dịp cùng lãnh đạo Chi cục Thủy sản Đồng Nai và cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuần tra trên các sông, hồ. Dù liên tục bị nhắc nhở, xử phạt và tịch thu ngư cụ cấm nhưng không khó để bắt gặp những thuyền te, đóng đáy hay lồng xếp được người dân công khai chuẩn bị cho lần hành nghề mới trong ngày.

Khi đoàn đang tuần tra tại gần khu vực số 6 - sông La Ngà cũng là lúc cha con anh Nguyễn Văn Thiết (Việt kiều Campuchia) đang thả lợp bát quái (lợp xếp) bắt cá tôm. Quá quen với việc tuần tra này, anh Thiết luống cuống, nhanh tay thả gấp những phần còn lại của lợp bát quái để tiện phân trần.

Sau khi được thuyết phục, anh Thiết xin vớt số lợp trên và hứa không tái phạm. Chỉ có điều, cha con anh khẩn khoản xin không phải nộp phạt vì… hết tiền mua gạo.

Theo ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, mỗi ngày cán bộ của đơn vị bắt gặp rất nhiều trường hợp như thế này. Đa phần họ là Việt kiều từ Campuchia về, không việc làm nên họ phải bươn chải hành nghề bằng những ngư cụ cấm.

“Chúng tôi thường xuyên bắt gặp những bà con từ Campuchia hồi hương về và tiếp tục sử dụng ngư cụ cấm để mưu sinh. Đây là những dụng cụ để đánh bắt cá tôm ở Biển Hồ. Vì không thể tìm được công việc phù hợp nên dù đã được phổ biến rất nhiều, họ vẫn cố tình làm. Có tịch thu ngư cụ thì mấy ngày sau họ vẫn tiếp tục hành nghề”, ông Châu Thanh An chia sẻ.

Tại khu vực lòng hồ Trị An, có khoảng hơn 1.000 hộ, với 5.000 nhân khẩu đang sinh sống trên bè, tham gia đánh bắt thủy sản. Trong đó, người Việt kiều Campuchia chiếm tỷ lệ rất đông. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai nhận định, đây là thách thức không nhỏ của ngành nông nghiệp tỉnh.

“Do thói quen đánh bắt đã tồn tại khá lâu từ khi còn bên nước bạn. Nhiều ngư cụ cấm được người dân sử dụng, thậm chí là chích điện và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. UBND tỉnh cũng đã có nhiều chỉ thị để truy quét, loại bỏ những hành động nguy hiểm mang tính hủy diệt sinh vật, môi trường này. Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các địa phương tìm kế sinh nhai cho bà con để bảo vệ nguồn thủy sản cho tương lai”, ông Trần Lâm Sinh cho hay.

Để hiện thực hóa quyết tâm của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Đồng Nai, các địa phương đang nỗ lực kêu gọi ngư dân giao nộp, nhận kinh phí hỗ trợ và chuyển đổi nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 389 hồ sơ đủ điều kiện thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND.

Trong đó, huyện Định Quán đã chi trả hỗ trợ cho 216 hộ dân, huyện Vĩnh Cửu là 49 hộ, huyện Nhơn Trạch là 51 hộ… Mỗi hộ chấp nhận chuyển đổi được hỗ trợ từ 14 - 35 triệu đồng.

Từ ngày được hỗ trợ chuyển đổi bỏ nghề te, ông Nguyễn Văn Khiêm (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) quyết định chuyển sang lợp tép. Với ông Khiêm, tuy ít thu nhập hơn nhưng điều này cũng như “của để dành” cho con cháu đời sau có cái mà khai thác, mưu sinh.

“Có nhiều mình tiêu nhiều, có ít mình cân đối lại. Cả cuộc đời sống nhờ sông nước rồi, con cháu tôi cũng vậy. Ai cũng lợp xếp, cào te thì con cháu lấy gì để mà đánh bắt. Không biết thì thôi, giờ được chính quyền giải thích kĩ lưỡng thì tôi cũng vui vẻ chấp hành thôi. Phải vì thế hệ mai này”, ông Khiêm chia sẻ.

Trong những năm qua, Đồng Nai luôn chú trọng công tác thả cá phóng sinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sở NN-PTNT Đồng Nai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã thường xuyên tổ chức lễ thả con giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên của sông Đồng Nai.

Chỉ trong hơn 1 năm hợp tác, đã có gần 5 triệu con giống, gồm cá nước ngọt bản địa và các loài đặc hữu sông Đồng Nai, được thả tại hồ Trị An, sông Đồng Nai và rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch. Hai bên còn cấp phát 500 cuốn Sổ tay hướng dẫn hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản đến các tăng ni, phật tử và người dân.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hoạt động này có ý nghĩa rất lớn đối với Đồng Nai trong nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Đây sẽ trở thành phong trào thi đua thiết thực, góp phần phục hồi và tái tạo quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trên các thủy vực tự nhiên của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai bày tỏ.

Hằng tháng, bà Nguyễn Thị Ái (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thường cùng bạn bè thả cá phóng sinh mỗi ngày Rằm (ngày 15 âm lịch). Khổ nỗi là thói quen gặp con gì là bà Ái sẽ mua con đó để phóng sinh. Đôi khi, bà Ái thả cả rùa tai đỏ, cá chim trắng… Thế nhưng, từ khi được Chi cục Thủy sản Đồng Nai và và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai tuyên truyền, cũng như bà Ái, nhiều người mới ngẩn người vì đã thả nhầm loài thủy sản gây hại.

“Mình đâu biết được rùa tai đỏ, cá chim trắng… sẽ gây hại cho những loài thủy sản khác cơ chứ. Nếu biết thì mình đã không làm vậy. Nhờ được hướng dẫn mà tôi và mọi người biết chọn đúng những loài cá, tôm bản địa để phóng sinh, không làm ảnh hưởng đến vòng đời của những loài khác nhau”, bà Ái tâm sự.

Thượng tọa Thích Huệ Khai, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Đồng Nai cũng đánh giá cao vai trò của Sở NN-PTNT tỉnh về tuyên truyền cho người dân để hoàn thiện ý thức về phóng sinh. Thậm chí, với ý thức truyền thống của mình, nhiều khi các nhà Chùa cũng thường thả cá có kích cỡ lớn xuống sông. Điều này có nguy cơ tạo ra sự “lợi bất cập hại” cho các loài thủy sản. Bởi, cá kích thước lớn có nguy cơ khó thích nghi môi trường mới hơn là cá giống và phải đối diện với nạn đánh bắt, tận diệt.

“Phóng sinh cá là điều nên làm và thể hiện tấm lòng của người Phật tử. Nhưng chúng ta chỉ nên phóng sinh những loài cá bản địa, có kích thước nhỏ để chúng được sống khỏe, sinh sôi dưới những dòng nước. Đó là việc nên làm, vừa thể hiện sự từ bi mà còn là trí tuệ, trách nhiệm của mỗi Phật tử đối với môi trường, hệ sinh thái”, Thượng tọa Thích Huệ Khai chia sẻ.

Trong quý 3 năm 2023, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với gần 1 triệu cá thể giống thủy sản tại nhiều huyện. Đây đều là những loài thủy sản bản địa, loài có giá trị khoa học và giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá vồ đém, cá bống tượng, cá thát lát cườm, cá lăng nha… Với nguồn con giống nhiều và phong phú như thế này sẽ giúp nguồn lợi thủy sản vốn đa dạng của Đồng Nai tiếp tục được duy trì.

“Tôi mong chương trình thả giống phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trở thành một phong trào tốt đẹp được duy trì hằng năm, góp phần vào bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai bày tỏ.

Mới đây, tại rừng ngập mặn huyện Nhơn Trạch, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã thả hàng trăm ngàn con giống bản địa xuống bìa rừng Sác. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn khai thác tận diệt khiến hệ sinh thái có nguy cơ bị phá vỡ.

Để giúp con giống sinh trưởng tốt, đúng như kỳ vọng, gần 300.000 con cá, cua, tôm giống được chở ra giữa sông Đồng Tranh rồi thả, tránh được những tác động không đáng có. Ông Trương Thanh Tâm, Phó phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch kỳ vọng hoạt động ý nghĩa này sẽ cân bằng hệ sinh thái tại khu vực, đồng thời phục hồi hệ sinh vật trước nạn tận diệt thuỷ hải sản vẫn còn diễn ra nan giải ở Đồng Nai.

Đặc biệt, trong lần thả cá tôm phóng sinh này, lần đầu tiên Đồng Nai thả hơn 5.000 con cua biển giống để cân bằng lại hệ sinh thái tại khu rừng ngập mặn.

“Chúng tôi lựa chọn hàng ngàn con cua giống và thả sát bờ rừng bởi đây là loài đặc trưng của khu vực rừng ngập mặn. Hi vọng chúng sẽ sinh trưởng tốt, tạo sinh kế bền vững cho những người dân nơi đây”, ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai chia sẻ.

Đồng Nai có gần 8.672ha mặt nước nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt là 7.067ha, sản lượng đạt trên 69.000 tấn/năm, trong đó sản lượng cá nuôi lồng bè chiếm tới 60 - 70%.

Từ khi hồ Trị An hình thành (năm 1987), người dân từ nhiều nơi tụ về mưu sinh bằng nghề đánh bắt thuỷ sản và nuôi cá lồng bè. Đến nay, chỉ tính riêng lòng hồ Trị An đã có 638 bè và 2.914 lồng nuôi, chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh Đồng Nai. Các khu vực khác như làng bè Biên Hòa, Định Quán, Tân Phú… cũng có hàng ngàn lồng nuôi cá chép, diêu hồng, lăng, trắm, cá chình, nàng hai,…

Mặc dù bấp bênh theo con nước mỗi mùa mưa bão nhưng theo những chủ bè, do thừa hưởng nguồn nước sạch của lòng hồ Trị An, cộng với điều kiện khí hậu thuận lợi nên người nuôi cá thu nhập cao, ổn định.

Khi chúng tôi có mặt tại làng nuôi cá lồng bè ở sông La Ngà cũng là lúc anh Nhì Anh (xã La Ngà, huyện Định Quán) cùng thương lái đang tất bật bắt, bán lứa cá diêu hồng mới. Vụ này, anh Nhì Anh “lên cá” (bán cá - cách gọi của người dân địa phương) khi giá đạt 56.000 đồng/kg. Đây là mức khá cao và sau khi trừ các chi phí thì đảm bảo lãi.

“Mỗi lồng thế này mà trừ các chi phí đi thì kiểu gì cũng lãi được 60 - 70 triệu đồng. Mình vừa có tiền xuống cá giống cho lứa tiếp theo, vừa đỡ lo tiền mua thức ăn, trang trải cuộc sống”, anh Nhì Anh vui mừng.

Tương tự, ông Trần Quyết Hùng ngụ tại xã Phúc Ngọc, huyện Định Quán cũng cho biết, nhờ nuôi cá lồng mà gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn. Theo đó, nhờ dòng chảy tự nhiên của sông La Ngà, lượng oxy trong nước cao là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng thịt ngon.

Cá lồng bè được nuôi tại Đồng Nai không chỉ cung cứng cho thị trường tiêu thụ trong tỉnh mà được các thương lái bỏ mối tại chợ đầu mối Bình Điền.

 Những năm gần đây, thời tiết bất lợi, nhất là nước lũ xả tràn từ hồ Trị An khiến người nuôi cá lồng bè bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước chảy xiết, cộng với lượng bùn cao khiến cá bị chết sặc do thiếu oxy để thở. Nhiều người dân phản ứng không kịp đã khiến hàng trăm tấn cá bị chết, nổi trương phềnh kín mặt bè.

Tuy nhiên, với phương châm chuyển từ thích ứng với biến đổi khí hậu sang chủ phòng chống những tác động tiêu cực của thời tiết, người nuôi cá lồng bè cũng được tuyên truyền và hướng dẫn giảm thiểu thiệt hại.

Theo đó, trước mùa lũ 2 - 3 tháng, các chủ hộ nuôi cá lồng bè đã được hướng dẫn di dời đến vùng nuôi an toàn, ít ảnh hưởng bởi con nước lên xuống. Cụ thể, người dân được vận động di dời lồng bè về nơi an toàn, tránh tập trung ở khu vực cầu La Ngà (từ Suối Tam Bung đến Ngã 3 sông La Ngà, huyện Định Quán).

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó phòng NN-PTNT huyện Định Quán, từ khi di dời theo hướng này thì tỉ lệ cá bị tác động bởi thiên tai giảm rõ rệt, người dân cũng yên tâm nuôi trồng. Điều này cũng phù hợp với định hướng của UBND tỉnh Đồng Nai trong phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí dự án sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa lồng bè dư dôi trên hồ Trị An.

Mục tiêu của dự án bố trí, sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An đảm bảo ổn định hoạt động nuôi, đảm bảo chất lượng môi trường và hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu nuôi thủy sản bền vững trên lòng hồ Trị An.

“Ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt và chất lượng con giống theo hướng sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi đặt kỳ vọng nuôi cá lồng bè tại các vùng quy hoạch sẽ trở thành mũi nhọn trong cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung”, ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

 

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT Đồng Nai, năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn Đồng Nai là 8.672ha, giảm 63ha so với năm 2022. Tuy giảm về diện tích nuôi nhưng ngành thủy sản đang có hướng phát triển tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là định hướng trong nuôi trồng thủy sản được Sở NN-PTNT Đồng Nai ưu tiên thực hiện. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, người nuôi thủy sản trên địa bàn Đồng Nai cũng khá hào hứng, mạnh tay đầu tư về kỹ thuật.

Định hướng phát triển của Đồng Nai đang theo hướng chuyển từ thâm canh truyền thống sang cơ giới hóa và dần chuyển sang tự động hóa, hình thành các vùng nuôi chuyên canh công nghệ cao. Nhờ đó, việc nuôi thủy sản được phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Huyện Nhơn Trạch được UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch khu nuôi thủy sản tập trung với diện tích hơn 700ha. Trong đó, khu nuôi tôm nước lợ có diện tích 682ha và khu nuôi hàu là 21ha. Tổng kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật toàn khu là hơn 226 tỷ đồng. Nhờ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nhằm giảm rủi ro dịch bệnh, vừa tăng năng suất, chất lượng con tôm nuôi.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, tổng diện tích nuôi tôm của huyện đạt gần 1.700ha, tập trung chủ yếu ở xã Phước An và Vĩnh Thanh. Trong đó, có hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha/vụ. Người nuôi đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng/ha/vụ với ao chìm và 1,5 tỷ đồng/ha/vụ với nuôi bồn tròn nổi; lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống.

Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao khi nuôi tôm, ông Nguyễn Trường Đại (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công, hiệu quả. Chỉ với những thay đổi như: lót bạt đáy ao, làm mái che ao tôm bằng lưới, đầu tư hệ thống xử lý nước ao và máy cho tôm ăn tự động… đã giúp năng suất ao tôm của ông Đại tăng cao gấp 3 - 4 lần so với cách làm cũ.

"Nếu như trước đây tôi chỉ nuôi được 2 vụ thì với kĩ thuật mới này thì tôi có thể nuôi được 4 - 5 vụ mỗi năm, nuôi gối đầu nên liên tục cho thu hoạch. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa nên việc nuôi tôm của tôi cũng ít dịch bệnh hơn, ít rủi ro hơn", ông Đại chia sẻ.

Hay khu nuôi tôm công nghệ cao rộng 13ha, với 25 ao nuôi của anh Nguyễn Huy Bình tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) cũng là mô hình điểm mà nhiều người học hỏi. Tất cả ao nuôi được anh Bình cải tạo từ vùng đất nhiễm phèn, lót bạt đáy, đầu tư hệ thống quạt. Nhờ đó, nguồn nước nuôi tôm được đảm bảo hơn và cũng ít dịch bệnh hơn so với phương pháp nuôi truyền thống.

"Để tôm phát triển khỏe mạnh hơn, chúng tôi đang tính đến phương án làm thêm mái che để con tôm được phát triển khỏe mạnh hơn, ít bị tác động nhiệt mỗi lần nắng mưa - nguyên nhân chính khiến tôm dễ bị bệnh, có nguy cơ phải sử dụng kháng sinh", anh Bình cho hay.

 Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, tỉnh cũng khuyến khích các hộ liên kết sản xuất để tạo ra những mặt hàng lớn, nâng cao giá trị, có đầu ra ổn định, nhận được những hỗ trợ từ các công ty thức ăn, cán bộ thú y.

HTX Dịch vụ nông nghiệp - Thủy sản Thành Công (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) hiện có 9 thành viên, tổng diện tích nuôi thủy sản 18ha. Nhờ sản xuất khoa học, bài bản, HTX dễ dàng ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cùng bà con xây dựng chuỗi liên kết. Theo đó, HTX được một doanh nghiệp thủy sản lớn tại địa phương hỗ trợ và triển khai mô hình nuôi tôm Elanco Demo Farm. Đây là quy trình nuôi tôm bền vững an toàn sinh học, vi sinh và dinh dưỡng.

"Thời gian qua, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc sử dụng sản phẩm vi sinh trong nuôi trồng. Các thành viên HTX được dự tập huấn về quy trình nuôi tôm theo các tiêu chuẩn tiên tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm", ông Nguyễn Huy Bình, Giám đốc HTX chia sẻ.

Huyện Nhơn Trạch cũng đang đầu tư hạ tầng giao thông, điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao. Huyện này cũng đang gấp rút phát triển vùng nuôi tôm VietGAP.

Năm 2022, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh Đồng Nai đạt 2.555 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2023, mức tăng trưởng của ngành thủy sản tiếp tục tăng khoảng 5%.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu. Đây cũng chính là định hướng của Sở và cũng đang có những hướng dẫn để người dân thích ứng, chủ động đầu tư rộng rãi hơn.

“Nuôi công nghệ cao giúp người nuôi kiểm soát tốt về con giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Đặc biệt, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đang cho lợi nhuận lớn hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống”, ông Sinh chia sẻ.

Lê Bình - Trần Trung
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Lê Bình - Trần Trung - Minh Sáng
Lê Bình