Bước qua mùa đông để đón nắng xuân

Tết này, Unifarm đã trải qua ba mùa đông tại trang trại trồng chuối ở Thanh Liêm (Hà Nam), nơi chỉ có vỏn vẹn 8 hecta trồng chuối trên bãi đất bồi nằm cạnh bên con sông Đáy hiền hòa, phía bên trái là ngọn núi Trinh Tiết nổi tiếng với câu chuyện huyền thoại về một nàng công chúa nhà Trần. Trang trại được lập ra với định hướng về trách nhiệm xã hội là tạo ra một mô hình trồng và xuất khẩu chuối kiểu mẫu, từ đó lan tỏa và nhân rộng cho người nông dân phía Bắc.

Nhắc đến mùa đông ở miền Bắc là nhớ đến những ngày bầu trời không có một tia nắng trong suốt nhiều tháng, thỉnh thoảng lại xuất hiện những trận sương giá vào sáng sớm hay những cơn mưa nhỏ hạt nhưng day dứt cả ngày, tất cả cứ chợt đến chợt đi mà không hề gõ cửa báo chủ nhân. Không gian và hoàn cảnh dường như thích hợp với một tâm hồn dễ rung động của một người nghệ sỹ hơn là với một nhà nông đến từ phương Nam.

 

 

Trên vùng trồng chuối Hà Nam, những tàu lá chuối mới hôm qua vẫn còn xanh mơn mởn, sau một đêm sương giá đã bị cháy sạm. Những bắp chuối non mới thụt thò từ thân cây mẹ vài ngày trước, đến sáng nay đã vội rụt cổ vào. Một số buồng chuối được thu hoạch thì quả vẫn cứ thơm ngon, nhưng màu vàng tươi của chuối chín đã bị thay bằng màu vàng xám tro. Toàn bộ cánh đồng chìm vào giấc ngủ buồn thiu. Người công nhân trồng chuối vẫn hàng ngày cần mẫn tưới nước, chăm sóc buồng và giữ ấm cho cây, ít hôm lại ngước nhìn trời mà tự nhủ: bao giờ cho đến Xuân về?!

Sau Tết, miền Bắc vào mùa lễ hội. Các đình, chùa ở Hà Nam, Ninh Bình lũ lượt dòng khách thập phương đến viếng, cầu cho một năm mới phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, gia đạo thuận hòa. Trong không gian trầm mặc pha lẫn mùi hương khói uy nghi, bỗng bắt gặp một mùi hương hoa tự nhiên nhè nhẹ dễ chịu, cứ thoảng khắp không gian. Ở ngoài khu vườn, bên cạnh sắc thắm của hoa đào, đã thấy những chồi lộc xanh non cùng những cánh hoa trắng muốt phủ đầy trên những cành bưởi cổ thụ. Mùi hương hoa bưởi cứ theo gió mà lan ra khắp chốn linh thiêng như muốn báo tin với nhân gian rằng đất trời đã chính thức vào Xuân.

 

 

Lúc này, ngoài vườn chuối Hà Nam, dù tiết trời vẫn còn se lạnh và chưa có nhiều nắng, nhưng nhiệt độ bên trong lòng đất đã ấm dần để kích thích những hệ thống rễ tơ dưới gốc và những tàu lá non trên cây chuối chợt bừng tỉnh giấc. Những buồng chuối trổ từ trước được bao bọc giữ ấm cả mùa đông nay đã vội vàng tăng trưởng về kích thước. Bọn côn trùng và nấm vốn vẫn hiện diện “như quân Nguyên” trên đồng từ năm trước, nay đã không còn đáng kể do vừa trải qua một mùa đông khắc nghiệt. Người trồng chuối đã quay trở lại vườn cây để cùng làm việc nhưng vẫn không quên gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Trang trại dẫu nhỏ nhưng cũng tạo ra một sản lượng chuối vừa đủ cho các siêu thị ở Hà Nội, đồng thời, hướng đến việc hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng để có thể xuất khẩu lô hàng đầu tiên của miền Bắc sang Hàn Quốc trong năm này. Cái giá rét và u ám của mùa đông đã đi qua.

Từ câu chuyện của mùa đông, bỗng hiện lên trong ta một chút cảm xúc trầm lắng khi nghĩ đến vòng tròn tuần hoàn bốn mùa “Xuân - Hạ - Thu – Đông” của vũ trụ trong mối liên tưởng đến quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” của con người hay “thành – trụ - hoại – diệt” đối với vạn vật nói chung. Lẽ thường, hiếm ai yêu thích cái tiết trời giá rét, xám xịt và tàn lụi của mùa đông hay không ngậm ngùi trước đoạn cuối của một đời người hoặc một sự việc nào đó, trừ các bậc chân tu vốn đã có định lực quán niệm về thuộc tính vô thường của vạn pháp. Nhưng, dẫu con người có vui hay buồn, để vạn vật được tiếp tục vận động và phát triển theo một vòng tuần hoàn ở tầm phát triển cao hơn, vẫn phải cần có sự mất đi của cái cũ để thay bằng cái mới. Đây phải chăng là điểm phát hiện thú vị về sự giao thoa giữa tư tưởng và triết lý phương Đông của Nhà Phật và Đạo Lão với Triết học Mác – Lênin qua quy luật phủ định của phủ định?!

Trên những cánh đồng chuối của mình, tôi đã không ít lần thương cảm cho thân cây chuối mẹ bị chặt hạ xuống sau khi đã hoàn tất sứ mệnh về việc tạo ra một buồng chuối cho con người và giữ lại trên đồng một chồi con khỏe mạnh để tiếp tục tiếp nối vòng đời của mình. Giờ đây, phần thân chuối đấy đã được các bạn kỹ sư trẻ dùng máy xay nhuyễn, sau đó phối trộn thành thức ăn cho trùn quế, một loại sinh vật có chức năng cải tạo cấu trúc đất vô cùng tốt mà thiên nhiên đã ban tặng cho quả đất này. Phân trùn sau khi thu hoạch sẽ được bón ra đồng chuối, vừa trả lại sự màu mỡ cho đất mẹ vừa nuôi dưỡng những thế hệ chuối con. Quy trình nông nghiệp tuần hoàn này cho thấy thay vì ủy mị trước quy luật thường tình của tạo hóa, nếu có cách làm đúng, con người có thể giúp vòng tròn tuần hoàn được tiếp nối luân hồi, tạo ra giá trị và hạnh phúc cho đời.

Tôi sẽ không bao giờ quên được câu chuyện về “thành - trụ - hoại - diệt” liên quan đến trang trại trồng chuối ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Một cánh đồng chuối xanh tốt với quy mô 150 hecta của Unifarm được trồng lần đầu vào năm 2016, vốn là nơi tạo sinh kế cho hàng trăm lao động, đột ngột trở thành một vùng đất chết sau chưa đến ba năm kể từ khi cây trồng đầu tiên bị nhiễm một loại nấm bệnh mang tên Fusarium oxysporum f. sp. Cubense (hay còn gọi là bệnh Panama), lần đầu được phát hiện vào năm 2018, trước khi được phục hồi xanh tốt từ năm 2023 nhờ vào dự án nghiên cứu thành công giống chuối có khả năng chống chịu bệnh héo rũ Panama với tỉ lệ chống chịu lên đến 95% tại vùng đất đã có tiền sử nhiễm bệnh. Giống chuối tiêu mang tên Uni126 được đặt theo tên và ngày thành lập của Unifarm (12/6/2009), được các hãng buôn chuối lớn trên thế giới xác nhận là giống chuối chống chịu bệnh tốt nhất hiện nay. Cây chuối mẹ nhiễm bệnh và chết đi vẫn kịp để lại cho đời một cá thể đột biến và từ đó tạo nên một giống chuối mới có khả năng chống chịu bệnh, sẽ không ngoa khi gọi đó là sự luân hồi đầy ý nghĩa?

 

 

Ngày nay, câu chuyện về sản xuất và kinh doanh nông sản đã không còn ở phạm vi mang tính cục bộ của một địa phương trong nước mà đã trở thành một cuộc đua đường trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc và các thị trường lớn khác mở cửa cho Việt Nam đối với các loại nông sản (như sầu riêng, chuối hay dừa) thì cũng gần như ngay lập tức mở ra cơ hội tương tự cho các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh đối với nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới càng trở nên quan trọng.

Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong việc tối ưu hóa các điều kiện thuận lợi về đặc điểm tự nhiên, con người, vị trí địa lý, trình độ sản xuất nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và các giải pháp về xúc tiến thương mại nhằm tạo lợi thế cạnh tranh qua các giai đoạn. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo bùng nổ như hiện nay, những giải pháp được gọi là sáng kiến hôm qua hoàn toàn có thể lỗi thời và bị đối thủ vượt mặt vào ngày mai. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, vấn đề không chỉ dừng lại ở câu hỏi: “Chiến lược tiếp theo là gì?” mà đồng thời phải là: “Làm sao để tiếp tục dẫn đầu trong việc thực hiện chiến lược đó?”.

Để làm được điều này, từng doanh nông nói riêng hay người Việt Nam nói chung cần có ý thức liên tục đổi mới và sáng tạo để mỗi cá nhân, tổ chức, mỗi sản phẩm và dịch vụ của chúng ta phải tốt hơn mỗi ngày. Sự cải tiến, sáng tạo, thay đổi phải không được có điểm dừng, đồng thời, phải luôn nhìn nhận bằng thái độ tỉnh thức. Khi cần, chúng ta sẵn sàng chấp nhận đau đớn, thậm chí trải qua một vòng tuần hoàn “thành - trụ - hoại - diệt” nhằm loại bỏ đi cái cũ để cái mới không ngừng được hình thành tốt hơn.

Nói cách khác, chúng ta luôn sẵn sàng “bước qua mùa đông để đón nắng xuân”.

Phạm Quốc Liêm
Tiến Thành