Bước tiến nuôi biển hở ở tỉnh Khánh Hòa

Với đường bờ biển dài 385 km, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều đầm, vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu, Khánh Hòa là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (hay còn gọi là nuôi biển).

Hiện nay, tỉnh này có 4 vùng nuôi lồng bè trên biển trọng điểm tại các vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Cam Ranh (TP Cam Ranh), Nha Trang (TP Nha Trang) và đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa) với đối tượng gồm: tôm hùm và các loại cá biển (cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm…).

Ngoài ra, hàu Thái Bình Dương, hải sâm, tu hài, ngao hai cồi, trai ngọc, rong  biển cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

 

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hằng năm, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 18.000 tấn. Có thể nói, thời gian qua, việc phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nuôi trồng thủy sản trên biển tại địa phương này đang đối mặt với những thách thức, khó khăn trong phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, ngư dân chủ yếu sử dụng lồng bè nuôi thô sơ truyền thống bằng gỗ, nuôi gần bờ, quy mô nhỏ lẻ, đang gây áp lực ô nhiễm môi trường và thiếu an toàn trong mùa mưa bão. Thêm nữa, việc sử dụng diện tích mặt nước chồng chéo với hoạt động của các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao, cũng như đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.

 

 

Trước thực trạng trên, để khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng nuôi biển, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển. Bước đầu, đã có 3 doanh nghiệp, đơn vị đầu tư nuôi biển bằng lồng HDPE quy mô công nghiệp.

Cụ thể, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm tại vịnh Vân Phong với 70 lồng tròn HDPE, sản lượng hằng năm đạt từ 6.000-8.000 tấn. Mô hình của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao đang nuôi cá chim vây vàng tại vịnh Vân Phong với 42 lồng HDPE, sản lượng hằng năm đạt 250-300 tấn. Mô hình của Công ty Cổ phần Nuôi trồng Thủy sản Phương Minh nuôi cá chim vây vàng với 11 lồng HDPE, sản lượng 150 tấn/năm.

Cùng với đó, tỉnh cũng phổ biến, hướng dẫn người nuôi chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang lồng HDPE hiện đại để bảo vệ tài sản, thích ứng với thiên tai bằng các mô hình khuyến nông.

Đặc biệt, ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã định hướng: “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị Quyết số 42 của Chính phủ, dưới sự tài trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT) xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa Đề án thí điểm này, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được sự thống nhất của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Quỹ Thiện Tâm làm việc với các địa phương ven biển của TP Cam Ranh để xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở.

Kết quả, Đề án thí điểm đã chọn 10 hộ nuôi đủ các tiêu chí, điều kiện để tham gia, đồng thời hỗ trợ 16 lồng tròn HDPE (thể tích 800m3/lồng) nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24 m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) nuôi tôm hùm. Đặc biệt, các lồng nuôi được lắp đặt thiết bị camera giám sát, hệ thống định vị trên biển nên có thể giám sát từ xa 24/7 trên thiết bị điện tử.

Vào tháng 5/2023, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cùng ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa tỉnh đã phát động phát động chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở tại xã Cam Lập. Sau đó, những con tôm hùm, cá biển đã được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thả vào những lồng HDPE hiện đại cho những hộ đầu tiên tiên phong.

Tại lễ phát động, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, đây là một bước đi nhỏ để tiến ra biển lớn của tỉnh. Ông cũng bày tỏ rất vui mừng khi triển khai các mô hình thí điểm này và mong rằng sẽ thành công để mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc địa bàn tỉnh. Nếu thành công, mô hình sẽ có ý nghĩa rất lớn để lan tỏa ra cả nước. Cũng như làm tiền đề cho tỉnh sẽ dần dần tiến tới bước xa hơn, nuôi biển xa hơn đó là nuôi biển theo hướng công nghiệp, tạo ra hiệu quả lớn và thật sự trở thành ngành kinh tế lớn của Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa còn cho biết việc càng ra vùng biển xa bờ thì rủi ro, thách thức càng lớn trong việc nuôi trồng thủy sản, nhưng đã thí điểm có thể thành công hoặc không thành công. Tuy nhiên, nếu tỉnh không làm sẽ không biết bao giờ mới thành công được.

 

 

Sau thời gian triển khai, các đơn vị liên quan đã tổ chức nghiệm thu mô hình và cho thấy đều mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Điển hình như hộ ông Phan Văn Thành và ông Nguyễn Văn Cư, xã Cam Lập, mỗi người được hỗ trợ 2 lồng tròn HDPE đường kính 13m, thể tích 800m3, giá trị 530 triệu đồng đều thả nuôi cá bớp.

Chỉ sau 8 tháng, cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, đạt trọng lượng từ 6 - 7kg/con; tỷ lệ sống đạt 97%. Đặc biệt, màu sắc của cá nâu sáng, rất khỏe mạnh. Do vậy, nhiều người tham quan mô hình đều tấm tắc khen các hộ nuôi rất đạt và thành công.

Ông Phan Văn Thành cho biết, mỗi lồng tròn được các hộ nuôi thả 2.000 con cá bớp, đạt sản lượng trên 10 tấn. Với giá cá từ 160 - 170 ngàn đồng/kg (tùy loại), các hộ nuôi lãi khoảng 600 triệu đồng/lồng sau khi xuất bán.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Minh Thơ, phường Cam Thuận (TP Cam Ranh) được hỗ trợ một bè HDPE gồm cụm 6 lồng, mỗi lồng 24m3, treo 2 tầng lồng (tức 12 lồng), tổng giá trị 530 triệu đồng thả nuôi tôm hùm xanh tại vùng biển hở cũng cho kết quả tốt.

Ông Thơ cho biết, tôm nuôi được thả giống với mật độ 600 con/lồng. Tôm hùm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm được rút ngắn từ 1 - 2 tháng so với nuôi gần bờ. Cụ thể, sau 8 tháng, tôm nuôi đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg, tỷ lệ sống đạt 76%. Sau khi xuất bán, ông lãi khoảng 30 triệu đồng/lồng, rất phấn khởi.

Ngày 7/6, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tổ chức lễ tổng kết mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại xã Cam Lập, tham dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Tại buổi tổng kết, ông Phương Minh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, sau 1 năm triển khai, các lồng nuôi HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều thu hoạch cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 131%.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ phấn khởi trước hiệu quả vượt trội của mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Không những thế, mô hình đảm bảo được bền vững trong quá trình nuôi biển. Đặc biệt, mô hình nuôi tiết kiệm được diện tích mặt nước và tạo điều kiện để ngư dân quản lý tốt vùng nuôi bằng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

 

 

 

 

 

 

Sau khi tham quan các mô hình thí điểm công nghệ cao tại vùng biển hở, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đối thoại với các ngư dân tại bè nuôi trên biển.

Tại đây, các hộ dân tiên phong cho biết, do nuôi ở vùng biển hở nên nguồn nước sạch, cá tôm nhanh lớn, ít dịch bệnh so với nuôi gần bờ trước đây. Đặc biệt lồng nuôi HDPE thân thiện môi trường lại chắc chắn nên bà con không sợ sóng gió lớn gây thiệt hại như trước đây nuôi bằng lồng gỗ.

Trước hiệu quả mang lại, anh Nguyễn Văn Tiến, ở Cam Lập mong muốn tỉnh tạo điều kiện để người dân vay vốn để phát triển sản xuất, cũng như đầu tư nhân rộng lồng nuôi HDPE?.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay tỉnh xây dựng đề án nuôi biển công nghệ cao. Nếu được Chính phủ phê duyệt, trong đó sẽ có chính sách hỗ trợ cho người nuôi trước hết là lãi vay. Đồng thời tỉnh cũng sẽ có chính sách hỗ trợ vốn ban đầu cho người nuôi trong việc chuyển đổi từ nuôi lồng nuôi truyền thống sang lồng HDPE để bảo vệ tài sản, thích ứng với thiên tai. Ngoài ra, tỉnh sẽ tác động đến các ngân hàng chính sách xã hội, thương mại để hỗ trợ vốn vay ban đầu để nuôi biển cho bà con.

 

 

 

 

Còn Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, vừa qua, khi Chính phủ họp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản và Hiệp hội VASEP thì ngân hàng quyết định cho vay gói 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho 2 lĩnh vực này. Sau khi giải ngân hết 15.000 tỷ đồng thì hiện có thêm gói 15.000 tỷ đồng nữa. Hiện nay, ngân hàng đã giải ngân 2.000 tỷ đồng nên còn 13.000 tỷ đồng. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có chuyến khảo sát để đưa đối tượng nuôi biển vào cho vay vốn ưu đãi.

Ngoài vấn đề trên, người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa còn cho biết, để đảm bảo môi trường, hiện tỉnh đang xúc tiến việc xây dựng nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp để phục vụ cho nuôi biển. Bởi ông cho rằng, mặc dù lồng bè nuôi hiện triển khai rất hiện đại, song phương pháp nuôi của người dân vẫn truyền thống đó là lấy cá để nuôi cá tôm, chưa có biện pháp để xử lý môi trường.

“Vì vậy, tỉnh đang đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thô, để đảm bảo ngành nuôi biển hở của chúng ta với công nghệ cao, năng suất cao, đảm bảo tốt về môi trường”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bày tỏ.

Sau khi nghe thông tin trên, các hộ nuôi đều bày tỏ đồng tình. Ông Nguyễn Văn Khuê, ở xã Cam Lập cho biết, việc tỉnh quan tâm sản xuất thức ăn thô là rất thiết. Vì hiện nay, thức ăn tươi phục vụ nuôi tôm cá dần cạn kiệt, tháng có tháng không. Hơn nữa, việc nuôi thủy sản bằng thức ăn tươi, tôm cá sẽ không phát triển đều đặn như thức ăn thô.

 

 

Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ ông rất vui mừng khi tham quan mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở của tỉnh Khánh Hòa mang lại hiệu quả. Tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup xây dựng, hỗ trợ, chế tạo lồng nuôi HDPE không khác gì với Na Uy.

Theo Thứ trưởng, đất nước Việt Nam có chiều dài bờ biển 3.260km, diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Tuy nhiên, hiện nay, cường lực khai thác thủy sản quá lớn, với 86.820 chiếc tàu khai thác, trong đó tàu từ 15m trở lên gần 30.000 chiếc. Do đó, chúng ta cần giảm cường lực khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản để góp phần phát triển bền vững kinh tế biển và tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

 

 

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, thời gian qua, nuôi biển của nước ta đã tổ chức triển khai rất đồng bộ, đặc biệt với dấu ấn tại Khánh Hòa đi theo hướng nuôi lồng HDPE đúng với xu hướng tất yếu của thế giới.

Hơn nữa, tỉnh Khánh Hòa có lợi thế về cả cụm công nghiệp chế biến, riêng xuất khẩu thủy sản đã chiếm 65% xuất khẩu toàn tỉnh. Với sự chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, rất đúng khi tổng kết mô hình thí điểm này, để mở rộng vùng nuôi, ổn định nguồn nguyên liệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, góp phần giảm phát thải, hướng tới xuất khẩu xanh, bền vững.

Việc nữa, Tập đoàn Vingroup cùng tỉnh Khánh Hòa xây dựng về chiến lược nuôi biển trên cơ sở Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội thì chắc chắn rằng khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách sẽ được tháo gỡ.

Để thúc đẩy nuôi biển hơn nữa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản tập trung nghiên cứu về con giống và thức ăn dinh dưỡng; đồng thời mời doanh nghiệp đầu tư nhà máy thức ăn tại chỗ để giảm áp lực về môi trường và giá thành. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

“Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, với sự phối hợp của Tập đoàn Vingroup, cùng với các chi phí về con giống, thức ăn, thuốc thú y đều giảm và giải quyết được vấn đề môi trường, chúng ta có thể nâng cao được sức cạnh tranh của ngành hàng nuôi biển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ và cho biết thêm, hiện xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đứng thứ 3 của thế giới sau Trung Quốc và Na Uy.

Với tốc độ nuôi biển như hiện nay, cùng sự vào cuộc của Tập đoàn Vingroup và quan tâm Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa chắc chắn rằng, Khánh Hòa sẽ là mô hình điểm của 28 tỉnh thành có biển. Đặc biệt, tới đây khi đề án nuôi biển của tỉnh hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nuôi biển nhằm giảm cường lực khai thác. Cũng như xây dựng được chuỗi ngành hàng nuôi biển theo đúng một chu trình kinh tế tuần hoàn, đó là từ con giống, thức ăn dinh dưỡng, đến lồng nuôi HDPE gắn với thu mua chế biến xuất khẩu.

Kim Sơ
Trương Khánh Thiện
Kim Sơ
Phương Chi