Cảm xúc trên miền đất dốc

 

 

Sơn La, miền đất dốc, nơi đầu nguồn sông Mã, sông Đà. Sơn La, đi lên từ gian khó để hôm nay dần trở thành thủ phủ nông nghiệp vùng Tây Bắc. Xin cám ơn những thế hệ lãnh đạo Sơn La đã kiên trì hành trình vượt dốc. Xin cám ơn những người nông dân Sơn La đã chứng minh có thể biến những điều không thể thành điều có thể. Xin cám ơn cộng đồng doanh nghiệp đã đứng chân trên miền đất dốc, tạo niềm tin cho bà con nông dân trên hành trình vượt dốc.

Hình ảnh các Giám đốc Hợp tác xã ngồi ký Kế hoạch liên kết cung cấp nguyên liệu với Chủ tịch Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao trong sự kiện khánh thành Nhà máy DOVECO - Sơn La, thật nhiều xúc động. Những Giám đốc Hợp tác xã, thay mặt cho bà con nông dân, ngồi đồng đẳng với vị doanh nhân tâm huyết với nông nghiệp, cùng nhau đem "Giấc mơ lên vùng đất dốc".

Chứng kiến Lễ khánh thành nhà máy chế biến cà phê lại tiếp tục dòng cảm xúc về tinh thần hợp tác, liên kết. Để cùng ngồi lại như vậy là cả “hành trình vượt dốc” của nông dân và doanh nghiệp. Hợp tác, liên kết đâu chỉ là chuyện bán, chuyện mua, mà là cùng ngồi chung trên một chuyến tàu đi xa. Hợp tác, liên kết trước hết là chuyện hiểu nhau, tôn trọng nhau, cùng nhau định hình tương lai. Hợp tác, liên kết là cùng xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Mỗi khi nhận được thông tin nơi này nơi kia, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hai chủ thể quan trọng trong chuỗi ngành hàng, đổ vỡ mà chạnh lòng. Bên này nói bên kia không giữ lời cam kết, bên kia cho rằng bên này bội tín. Ai đúng, ai sai? Có thể không ai đúng cả, mà cũng không ai sai cả. Có thể vì do cả hai chưa chuẩn bị đầy đủ tinh thần, tâm thế trước khi bàn chuyện liên kết với nhau. Có thể do cả hai chỉ chăm chăm phân chia miếng bánh lợi ích trong mỗi mùa vụ mà không cùng nhau ngồi lại thảo luận làm sao cho miếng bánh to lớn hơn trong tương lai. Có thể do cả hai chưa lường hết rủi ro thị trường và cách chia sẻ rủi ro đó nếu xảy ra. Thị trường luôn biến động, bất trắc, khó lường.

Mà đâu chỉ có hai chủ thể trên, liên kết “4 nhà” đã đặt ra từ lâu rồi, nhưng đây đó nhạt nhòa dần để rồi có người trăn trở: liên kết 4 nhà nhưng nhà nào chỉ biết nhà nấy! Hợp tác, liên kết có vai trò quan trọng nếu muốn phát triển chuỗi ngành hàng. Hợp tác, liên kết thực hiện hài hòa sẽ hóa giải lời nguyền một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Hợp tác, liên kết là cách tư duy: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Hai chữ “cùng nhau” đơn giản thôi mà có sức mạnh diệu kỳ, như dòng chữ trên lưng áo một người chạy xe ôm ở Mộc Châu: “Together - We win”.

Sơn La, miền đất của những cây ăn quả: Xoài tượng da xanh, xoài tròn Yên Châu, dứa Sốp Cộp, chanh leo Chiềng Lương… Nhưng miền đất dốc này đâu chỉ có cây ăn quả. Sơn La còn có một ngành hàng cà phê Arabica lịch sử 70 năm đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Quá nhiều cảm xúc khi vượt dốc thăm Hợp tác xã Ara-Tay, với thương hiệu cà phê “Tử tế đến từng hạt”. 14 thành viên bà con người Thái ngồi quây quần bên nhau tự hào nói về hành trình “vượt dốc” khi chấp nhận bước ra khỏi ngôi nhà riêng để cùng chan hòa trong ngôi nhà chung. Bà con tự tin hướng đến tương lai khi nơi đây mai này sẽ trở thành một không gian trải nghiệm văn hóa cộng đồng.

Vậy là cà phê không chỉ là cà phê. Lễ hội cà phê Arabica - Sơn La vừa được tổ chức với kỳ vọng biến hạt cà phê trở thành sản phẩm trải nghiệm văn hóa bản địa, lịch sử địa phương, tư duy cộng đồng. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ mua một sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, bao gồm cả yếu tố văn hóa khác biệt, trách nhiệm xã hội, không làm tổn thương môi trường.

Cà phê Arabica vùng Tây Bắc phối trộn với cà phê Robusta Tây Nguyên là minh chứng tuyệt vời cho tầm nhìn của lãnh đạo Sơn La: góp phần tạo dựng thương hiệu cà phê Việt Nam. Từ hạt cà phê giá trị thấp trở thành thương hiệu sản phẩm cà phê giá trị gia tăng cao lại cần đến tư duy “vượt dốc”. Ngành hàng mắc ca đang được định hình của Sơn La cũng cần tư duy như vậy. Tất cả đều là những ngành hàng tiềm năng, nhưng tiềm năng nhất là tư duy “vượt dốc” của người Sơn La.

Con người thượng nguồn sông Đà, sông Mã bao đời sống trên miền đất dốc với cốt cách kiên cường, bất khuất. Hành trình thay đổi ngành nông nghiệp Sơn La bắt đầu từ hành trình thay đổi người nông dân với sự dẫn dắt của doanh nghiệp và sự trợ lực của lãnh đạo địa phương. Rồi đây người Sơn La không còn xem nông sản đơn thuần là thực phẩm, mà trở thành dược phẩm, mỹ phẩm dựa trên đổi mới sáng tạo, để những nấc thang giá trị tăng dần. Rồi sẽ có dòng bạn trẻ từ miền xuôi ngược trở lên miền đất dốc khởi nghiệp, tạo giá trị cao hơn trên từng đơn vị đất đai. Người Sơn La đang hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, với những mô hình nông nghiệp tích hợp giá trị: hữu cơ, tuần hoàn, tái sinh, công nghệ, du lịch, trải nghiệm cảnh quan,… 

Đến thăm vài điểm du lịch cộng đồng ở Sơn La trải qua những cung bậc hạnh phúc. Những nếp nhà truyền thống của bà con dân tộc được bày trí ngăn nắp, sáng tạo, gần gũi với thiên nhiên, là những hạt nhân trong hệ sinh thái du lịch trên cao nguyên Sơn La, Mộc Châu. Rồi đây, những “đại bàng” sẽ giúp nâng cánh đàn “chim sẻ”, tất cả cùng phát triển trong sự hài hòa. Hồ thủy điện Sơn La, Đập Bản Mòng, những công trình hoành tráng giữa đại ngàn sẽ thu hút du khách tìm đến trải nghiệm. Mùa sơn tra ra hoa, màu trắng thấp thoáng giữa khu rừng trên những dãy núi cao càng làm vẻ đẹp nơi đây thêm thi vị. Miền đất dốc đâu thiếu những ưu đãi của thiên nhiên!

Sơn La, một thời là khu tự trị Tây Bắc, đa dạng về văn hóa truyền thống, đời sống, tập tục bao đời. Nhiều lễ hội của các dân tộc, mỗi lễ hội đều có nét đặc sắc riêng. Tết cơm mới của người Khơ Mú, Lễ hội hoa ban, Lễ hội Pang Cẩu Nỏ của dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun; Lễ cầu phúc của người Mường; Lễ hội xên bản, cầu mưa của người Thái, Lễ mừng măng mọc,... Văn hóa bản địa cùng các danh thắng đã được trân trọng gìn giữ và đang lan tỏa bằng các sự kiện trải nghiệm du lịch. Giờ đây, người ta biết biến văn hóa thành những sản phẩm có thể “bán” được, thậm chí bán giá cao.

Rồi đây, những cánh rừng giữa chốn đại ngàn sẽ trở thành “vàng” nhờ tư duy: “Phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”. Cửa rừng sẽ được mở ra, tương lai của bà con các dân tộc sẽ được mở ra nhờ vào sinh kế dưới tán rừng. Mở cửa rừng! Mở đời người! Rời miền đất dốc, nhớ mãi câu chuyện “Những ngọn gió Hua Tát” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hua Tát, Vân Hồ, Sơn La “không còn nghèo khó, cô đơn dằng dặc trong những cơn mưa rừng, chỉ còn những vạt "hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt" bên hồ nhỏ mỗi độ thu sang”. “Người ta là hoa đất”, người Sơn La rồi sẽ biết cách để làm cho mảnh đất dưới chân mình trở nên trù phú, thịnh vượng!

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Tùng Đinh -TL