Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Câu ca dao xưa mang đầy triết lý nhân sinh. Càng thấm đẫm triết lý trên khi được tham quan Hợp tác xã Yến Dương chuyên thu mua, chế biến bí xanh thơm thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Những quả bí nhỏ bao đời chỉ quanh quẩn trong thôn bản, giờ đã vượt ra khỏi làng quê nhỏ hẹp để đến không gian cả nước, nằm trên kệ hàng trong các trung tâm thương mại sang trọng hơn nhờ tư duy kinh tế, cách tiếp cận thị trường.
Phải chăng câu chuyện quả bí xanh nhỏ sẽ truyền cảm hứng, thay đổi cách tiếp cận, đổi mới cách nghĩ, cách làm, rộng hơn là thay đổi tư duy để người Bắc Kạn tự tin hướng đến tương lai?
Những gì quen thuộc chung quanh thường thấy nó nhỏ quá, tầm thường quá. Khi rơi vào cái bẫy như vậy thì có xu hướng tìm kiếm những gì đó xa xôi. Khi tìm không được thì quay về sự tự ti. Tự ti rằng mình không có gì. Tự ti rằng mình không thể làm được gì. Tự ti rằng sao mình nhiều khó khăn quá. Một khi tự ti thì thường thiếu tự tin. Khởi đầu một hành trình mà hành trang chất đầy tự ti, lòng đầy ngao ngán thì sao đi xa được.
Không thể nào đi xa được vì đôi chân bị trì níu, đôi mắt luôn mờ đục, cái đầu thì nặng trĩu. Quả bí xanh nhỏ đã truyền cảm hứng cho người Bắc Kạn một chân lý “Không có điều gì là nhỏ nhoi, chỉ là chưa nhìn ra được giá trị mà thôi”. Và, khó khăn luôn đeo đẳng chỉ đến khi nào thực hiện được.
Quả bí xanh thơm Yến Dương hôm nay không những đã tăng giá trị mà còn vươn xa. Người nơi khác biết đến Yến Dương nhờ quả bí nho nhỏ như vậy, biết đến Bắc Kạn ngoài sinh cảnh tuyệt đẹp huyền bí từ hồ Ba Bể cũng có thể từ quả bí nho nhỏ như vậy.
Giá trị sẽ chuyển hóa giá trị cho nhau, giá trị sản vật địa phương chuyển hóa thành giá trị địa danh, giá trị địa danh sẽ chuyển hóa thành giá trị sản phẩm. Sự tích hợp đa tầng giá trị sẽ tạo ra giá trị nhiều lần theo cấp số nhân.
Thật vui khi nghe bà con Hợp tác xã chia sẻ một cách tự hào về đặc sản bí xanh thơm vươn ra cả nước như thế nào, tạo ra giá trị cao như thế nào. Thế mới biết làm gì cũng phải bắt đầu từ niềm đam mê, sự tự hào. Than phiền không thay đổi số phận, chỉ hành động với mới biến cái không thể thành cái có thể.
Dọc theo những con đường quanh co, đồi dốc, dưới những tán cây xanh nhìn thấy những khẩu hiệu “Rừng là vàng”, “Môi trường là quý”. Là vàng, là quý, sao vẫn than mãi khó khăn! Phải chăng chưa biết kích hoạt tiềm năng dưới tán rừng?
Thể chế về lâm nghiệp có thể đang là rào cản nhưng sẽ được điều chỉnh theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Nhưng trước hết người Bắc Kạn ngay từ bây giờ cần lập kế hoạch hành động. Quy hoạch vùng trồng dược liệu, cây gia vị dưới tán rừng quế, hồi và những nơi có điều kiện phù hợp. Phát triển du lịch từ những cộng đồng bà con dân tộc đầy bản sắc và tri thức.
Mai này, những tán xanh đa tầng ấy sẽ tạo nguồn thu từ bán tín chỉ các bon rừng. Rừng nuôi rừng, rừng nuôi con người, nhờ con người biết nuôi dưỡng rừng bằng tư duy khác.
Không phải địa phương nào cũng có được khu rừng trúc thơ mộng như Yến Dương. Sự khác biệt mới là điều cần tìm kiếm để nhân giá trị lên nhiều lần. Có hai cách tạo ra sự khác biệt: hoặc là làm những gì người khác chưa làm, hoặc làm khác hơn, tốt hơn những gì người khác đã làm.
Làm theo người khác đã làm thì không khó, nhưng làm khác đi mới khó. Hãy làm tốt hơn những gì đang làm trước khi có thể tìm được cách làm tốt hơn, tìm được cách làm tốt hơn rồi lại tìm cách làm tốt hơn nữa. Đó là cách khởi đầu một ngày mới, một hành trình mới.
Hành trình đó là biến những cây tre trúc thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc đậm chất núi rừng, thành khu du lịch trải nghiệm. Khi ấy sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con. Khi ấy hộ nghèo giảm đi, hộ cận nghèo trở nên khá giả.
Hồ Ba Bể được vinh danh là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Nhìn những chiếc thuyền độc mộc với cô gái Tày mờ ảo trong sương sớm nghĩ đến sự tích mang đầy triết lý nhân sinh về một bà lão cùi hủi và hai mẹ con người đàn bà góa.
Câu chuyện chỉ là huyền sử nhưng còn đó Hòn Bà Góa, đền thờ An Mạ - nơi an nghỉ của dân làng sau cơn đại hồng thủy sau cơn giận dữ của thần linh. Những câu chuyện mang đầy huyền tích như vậy cũng là bài học giáo dục và tạo ra những điểm nhấn cho hành trình khám phá cho du khách.
Những giá trị vô giá của hồ Ba Bể về địa chất, địa mạo, gắn với trời xanh nước biếc, hệ sinh thái rừng nguyên sinh sẽ là nguồn cảm hứng vô tận để thu hút khách thập phương đến chiêm nghiệm cõi nhân sinh giữa bốn bề tĩnh lặng.
Lễ hội dân gian Lồng Tồng - nghi thức xuống đồng, gắn liền với nền nông nghiệp trồng cấy, với cầu mong mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, con người no ấm, đầy chất nhân văn giữa chốn đại ngàn. Những lễ hội dân gian nếu được chăm chút trở thành câu chuyện kể vừa mang tính dân gian, vừa mang một chút tâm linh đều có thể chuyển hoá thành giá trị to lớn và trở thành niềm tự hào của các cộng đồng.
Rời những con đường hiểm trở lên miền cao Bắc Kạn nhớ đến câu: “Trên thế gian làm gì có đường. Người ta đi mãi mới thành đường”. Những bước chân bà con dân tộc ngàn đời gắn với đại ngàn, hàng ngày miệt mài gùi thóc, ngô, những sản vật từ rừng, nay đã trở thành những con đường quanh co. Rồi mai này con đường sẽ rộng rãi hơn, bớt cheo leo hiểm trở hơn, nhưng quan trọng hơn là biết cách “mở đường” của người Bắc Kạn. "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".
Kìa em, lễ hội Lồng Tồng
Múa kèn, thổi sáo, đường cong ru hời
Chuối rừng ngày đó ai phơi
Căng tròn từng quả không vơi tâm hồn
Bắc Kạn sẽ không bao giờ cạn: nghĩa tình và yêu thương! Bắc Kạn cũng sẽ không bao giờ vơi: lòng tự tin và khát vọng vươn lên!