Cảm xúc vùng cao

Sinh ra và lớn lên nơi quê quán thân thuộc, con người thường thích thú tìm đến những vùng đất khác để tìm hiểu, cảm nhận đa dạng nét đẹp, văn hoá độc đáo, đặc sắc. Người ở miền xuôi thì mong muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp đồi núi chập chùng ở vùng cao. Người ở vùng cao lại ước có ngày được trải nghiệm những cánh đồng mênh mông, bát ngát ở đồng bằng. Người ở đất liền mong có dịp đặt chân đến những hải đảo xa xôi bốn bề sóng vỗ.

Huyền tích dân tộc Việt, 50 người con theo Mẹ lên rừng, 50 người con theo Cha xuống biển, nên luôn trân trọng mỗi cơ hội được dịp gặp gỡ, chuyện trò với bà con, với anh chị em gần xa, với “đồng bào” chung cội nguồn “bọc trăm trứng”.

Nhập đề “phi lộ” như vậy để chia sẻ cảm xúc trong chuyến về thăm bà con xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vừa rồi. Những đỉnh núi chập chùng, những dãy đồi bát úp, những mặt hồ lung linh, những nương rẫy, hoà quyện như tranh thuỷ mặc.

Những nếp nhà, trang phục, làn điệu dân ca, món ăn truyền thống của nhiều dân tộc cùng sinh sống bên nhau bao đời. Những cuộc di dân theo dòng lịch sử đã tạo nên sự giao thoa văn hoá của các dân tộc, giữa văn hoá đồng bằng sông Hồng và văn hoá vùng cao. Mỗi dân tộc đều có nét riêng về văn hoá. Mỗi thôn bản đều ghi dấu tích lịch sử.

Mỗi gia đình đều có điều kiện sinh sống đặc trưng. Tất cả đều gắn kết tình cảm với quê hương chung, là Thái Bình, là Yên Sơn, là Tuyên Quang - “Nơi vẻ đẹp hội tụ”. Hội tụ những con người vùng cao, hội tụ những dân tộc vùng cao, hội tụ những nền văn hoá vùng cao.

Về thăm vùng cao dịp này lại được tham dự một sự kiện ý nghĩa: Lễ công bố xã Thái Bình đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Một hành trình 3 năm đạt chuẩn, từ nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, và hôm nay là nông thôn mới kiểu mẫu.

Vẫn mảnh đất bình yên, vẫn những con người cần mẫn, để từng bước vững chắc, đạt được 3 chuẩn là công sức, là khát vọng, là niềm tin của hơn năm nghìn bà con. Con người là trung tâm, là nguồn lực, là động lực, là mục tiêu xây dựng nông thôn mới là vậy.

Con người luôn hướng đến chất lượng sống ngày một tốt hơn. Từ đủ ăn, đủ no cho đến ngon lành, an toàn sức khoẻ, bảo đảm dinh dưỡng, rồi hỗ trợ nâng cao sức khoẻ. Sản xuất từ tự cung tự cấp đến sản xuất để buôn bán, từ chợ làng, chợ phiên đến chợ xa, chợ hiện đại, chợ trên mạng.

Từ nghèo khó đến khá giả, từ nhu cầu vật chất đến nhu cầu tinh thần. Thu nhập chỉ là một con số, một chỉ số trong nhiều điều cần có thang đo khác, bảo đảm cho nông thôn phát triển hài hoà, bền vững.

Nhân tham dự sự kiện, vừa chung vui vừa gửi tặng bà con xã Thái Bình một câu hỏi với 3 chữ “RỒI SAO NỮA?”. Những thang đo khác chính là cách trả lời câu hỏi trên. Thu nhập bà con đã đạt tiêu chí, rồi sao nữa? Những sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, rồi sao nữa?

Hợp tác xã đã được thành lập, rồi sao nữa? Đường làng, ngõ xóm đã bê tông, kiên cố hoá, rồi sao nữa? Nhà cửa khang trang, rồi sao nữa?

Mỗi câu hỏi là bắt đầu hành trình mới sau khi đạt chuẩn kiểu mẫu. Đặt câu hỏi đúng sẽ mở ra cách tiếp cận mới, phần việc mới, hành động mới.

Đặt câu hỏi chính là bà con tìm ra cách làm mới hơn, tạo ra giá trị cao hơn trên một đơn vị diện tích sản xuất. Đặt câu hỏi chính là tạo thêm động lực để vươn tới những cột mốc mới.

Hơn 200 ha trồng nhãn là con số hữu hạn. Từ sản lượng thu hoạch được, ngoài tiêu thụ tươi, bà con đã sấy khô, vậy còn có thể chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao hơn nữa không? Có thể nghĩ đến nước nhãn, thạch nhãn, trà nhãn, nhãn phối trộn với các nông sản khác không? Trái nhãn đâu chỉ là sản vật riêng có của Thái Bình - Yên Sơn.

Sơn La cũng có, Bắc Giang cũng có, Hưng Yên càng có nhiều và là nguồn gốc cây nhãn. Nhưng nhãn Thái Bình - Yên Sơn lại được trồng ở vùng đất Bình Ca bên dòng sông Lô. “Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát. Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”. Phải chăng đấy là gợi ý để tạo dựng thương hiệu “Nhãn Bình Ca”?

Bình Ca đâu chỉ là một chỉ dấu địa lý, mà còn là địa danh lịch sử, cảm hứng của dòng văn học kháng chiến đã đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt. Những nông sản được nuôi trồng dọc theo sông Lô không chỉ thừa hưởng chất đất màu mỡ, mà còn được “tưới mát” nhờ những câu chuyện từ dòng sông Lô. Tầng tầng phù sa của dòng sông Lô, gạn lọc, bồi lắng mà nên “bờ xôi ruộng mật”, để bà con các dân tộc tìm đến an cư, hình thành những xóm thôn yên bình ngày nay.

Như vậy, không chỉ cây nhãn, mà cây na, cây bưởi và nhiều cây trồng, vật nuôi, cá tôm khác đều mang trên mình những lớp trầm tích đa tầng giá trị. Khi biết nối kết, giá trị gia tăng sẽ nhân lên nhiều lần nhờ tư duy “đa tầng giá trị”.

Con tép, con cá trong các ao hồ sẽ có giá trị nhiều hơn, nếu kết hợp với trải nghiệm điệu múa xúc tép của bà con Cao Lan. Sản phẩm nông nghiệp nông thôn sẽ được biết đến nhiều hơn, nếu lan toả cùng làn điệu “Sình ca” thắm đượm tình cảm lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước, gửi gắm khát vọng về cuộc sống hạnh phúc.

Từ chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới nông thôn mới thông minh, nông thôn mới hạnh phúc, phải chăng cái đích cuối cùng của con người luôn là niềm hạnh phúc? “Ôi hạnh phúc, đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”.

Hạnh phúc còn là con người được tôn trọng, không phân biệt vị trí trong cộng đồng, không bị bỏ lại phía sau. Hạnh phúc là xóm thôn hài hoà, mỗi người đều nghĩ cho người khác, nghĩ cho nhau. Hạnh phúc là một người vì mọi người, mọi người vì một người, những nếp nhà có thể xa nhau nhưng nếp nghĩ phải gần nhau, vì nhau.

“Ôi hạnh phúc, đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”, mà còn cả tình yêu - tình yêu thiên nhiên, tình yêu xóm làng, quê hương và trên hết là tình yêu con người, ngọt ngào như câu hát “Sình ca”: “Ru con con ngủ cho ngoan để mẹ lên nương hái cà hái dưa, để bố xuống ruộng đi cày bắt con tôm con cá,...”.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Nam Nguyễn - Đào Thanh